Tòa án Thẩm phán Brisbane (Úc) ngày 22.11 đã cho phép bà My Ut Trinh được bảo lãnh tại ngoại sau hơn 10 ngày bị giam giữ tại Trại Cải tạo Phụ nữ Brisbane liên quan tới cáo buộc nhét kim khâu vào dâu tây.
ABC đưa tin bà My Ut Trinh, 50 tuổi, đã được tại ngoại hầu tra sau thời gian bị tạm giam vì bị nghi ngờ nhét kim vào một số hộp dâu tây vì muốn trả thù người chủ khắc nghiệt ở bang Queensland, Úc. Người phụ nữ gốc Việt bị bắt hôm 11.11 với 7 tội danh, sau cuộc điều tra phức tạp của cảnh sát về vụ phá hoại ngành công nghiệp dâu tây ở Úc.
Giới công tố nghi ngờ động cơ của bà Trinh, từng giữ vị trí đốc công tại nông trại Berrylicious ở thị trấn Caboolture, phía bắc Brisbane, là nhằm trả thù chủ cũ. Bà này từng nói với một đồng nghiệp rằng “nếu tôi ghét ai đó, tôi sẽ nhét kim vào dâu và khiến bọn chúng sập tiệm”, theo Úc AP dẫn thông tin từ tòa Brisbane hôm 22.11.
Tại phiên tòa các công tố viên cho biết khả năng ADN tìm thấy trên chiếc kim khâu trong một trái dâu tây thuộc về nữ nghi phạm gốc Việt 50 tuổi này hơn bất kỳ ai khác. Để nhấn mạnh điều này, các công tố viên nói rằng khả năng đó là hơn 100 tỉ lần.
Nữ công tố viên nói: “ADN được tìm thấy trên một trong số những cây kim này có khả năng 100 tỷ lần ADN thuộc về nghi phạm”,.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa của bà My Ut Trinh, ông Nick Dore thì cho rằng những bằng chứng chống lại thân chủ của mình chỉ dựa vào các “tin đồn, bóng gió”. Theo vị luật sư này, cảnh sát chỉ dựa vào một cuộc trò chuyện cách đây khoảng một hoặc hai năm giữa bà Trinh với một đồng nghiệp, trong đó bà nói rằng: “Nếu tôi ghét ai, tôi sẽ nhét kim vào trong dâu tây và khiến họ bị phá sản”.
Luật sư Dore cũng nói thêm người công nhân trên khi ấy cũng không tin bà Trinh nói một cách nghiêm túc. Luật sư bào chữa tuyên bố thân chủ của ông không có động cơ nào phải làm thế và cũng đã tuân thủ, hợp tác với cảnh sát trong suốt cuộc điều tra.
Dù kết quả ADN được tìm thấy trên cây kim được xác nhận là trùng với bà Trinh, luật sư Nick Dore tin điều đó không chứng minh Trinh là người đã nhét nó vào quả dâu tây. Theo Dore, thân chủ ông có rất ít khả năng tái phạm nếu được bảo lãnh tại ngoại. Ngoài ra, sự an toàn của bà cũng không bị đe dọa.
My Ut Trinh được phép tại ngoại với điều kiện không được liên lạc với các công nhân trang trại dâu tây, phải giao nộp hộ chiếu và trình diện cảnh sát ba lần một tuần. Phiên xử được dời tới ngày 17.12. Nếu bị kết tội, bà Trinh, hay còn được gọi là Judy, có thể đối mặt 10 năm tù.
Bà Trinh – đã sống ở Úc hơn 20 năm, được bảo lãnh tại ngoại với điều kiện bà không liên lạc với các đồng nghiệp ở trang trại trồng dâu từng làm việc trước đó, giao nộp hộ chiếu và trình diện cảnh sát địa phương 3 lần/tuần.
Tổng hợp