Nguyễn Hồng Anh
* * *
Không phải đến bây giờ mà từ lâu tôi cũng muốn biết tại sao thành phố địa đầu của Úc có tên Darwin, ông tổ của thuyết tiến hóa, cho rằng con người từ vượn mà ra. Lý do lười tìm hiểu là thấy chưa cần thiết. Nay, sau khi đi du lịch Darwin viết bút ký nên ghé thăm bác google và được bác chỉ cho vài điều, xin ghi lại hầu độc giả.
Charles Darwin (1809-1882) là một nhà tự nhiên học và địa chất học người Anh. Chuyến hành trình trên tàu thám hiểm HMS Beagle kéo dài 5 năm (1831-36) vòng quanh thế giới qua Nam Mỹ rồi đến Úc đã giúp ông viết cuốn sách về nguồn gốc muôn loài có tựa “On the Origin of Species” xuất bản năm 1859 vì vậy ông được gọi là cha đẻ của thuyết tiến hóa.
Thuyết này bị các giáo hội bác bỏ, lên án vì đi ngược lại niềm tin sáng tạo, rằng con người là loài siêu đẳng do Chúa dựng nên. Tuy nhiên đến gần giữa thế kỷ 20, thuyết tiến hóa của Darwin hầu như được toàn thể cộng đồng khoa học chấp nhận.
Port Darwin là tên của hải cảng được Trung úy Hải quân John Lort Stokes đặt vào năm 1839 khi ông đi thám hiểm trên tàu HMS Beagle vào vùng biển ngày nay là Hải cảng Darwin. Ông lấy tên của người bạn đồng hành cùng tàu ngày trước để đặt tên cho cảng này, nhưng có điều thú vị là mặc dù Darwin đã đến Úc nghiên cứu địa chất nhưng ông chưa bao giờ đặt chân đến cảng mang tên ông.
Thị trấn gần Hải cảng Darwin ban đầu có tên Palmerson nhưng rồi người ta cứ gọi thị trấn này là Darwin và đến năm 1911 tên Darwin được chính thức đặt cho đến ngày nay. Người ta nói rằng, vùng đất của một thủa tìm vàng cuối thế kỷ 19 thu hút trên 6,000 người Tàu đến làm ăn sinh sống và thành phố ngày nay sở dĩ phồn thịnh là nhờ kỹ nghệ hầm mỏ và du lịch.
4 nhà hàng của người Việt
Trưa đầu tiên đến Darwin, sau khi check-in khách sạn, vợ chồng chúng tôi đi bộ ra Mall gần đó xem phố xá nhưng khu phố thì mới mà người chẳng có bao nhiêu. Thấy nhiều nhất là những tiệm massage của người Thái nhưng vẫn còn nhiều căn phố mới toanh để trống. Qua hôm sau đọc báo địa phương NT News mới được biết Phụ tá Bộ trưởng Paul Kirky đặc trách phát triển thành phố cho biết có 25% các cửa tiệm (commercial properties) trong toàn thành phố hiện đang để trống!
Đi qua khỏi Mall gặp ngay đường Smith Street và thấy lề đường đi bộ trên vỉa hè biến thành đường vào một quán có tên Vietnam Saigon Star. Đây là một kiến trúc hơi lạ bởi khách bộ hành phải “đi ngang qua” nhà hàng, một bên là quán bình thường với bếp và vài bàn ăn, bên kia là một phòng bốn mặt tường bằng kính, khách ngồi nhìn xe hơi chạy gần tường kính. Có thể nói nhà hàng này “cắm dùi” lên đất của hội đồng thành phố vốn là bãi cỏ chạy giữa đường dành cho xe hơi và người đi bộ. Nhưng việc lấn đất xây nhà hàng “lộ thiên” có mái này được council cho phép.
Kỹ nghệ du lịch thường đi liền với ngành ăn uống. Tôi xin nói về nhà hàng đầu tiên mà chúng tôi tình cờ gặp và ăn trưa (thật ra lúc đó cũng hơn hai giờ chiều rồi).
Tôi hỏi một phụ nữ người Việt có vẻ là chủ quán:
– Tiệm Phở nhưng có bán bún bò Huế không?
– Dạ có, nhưng không có sợi bún mà chỉ có bánh phở.
– Sao kỳ vậy?
– Dạ đây là Darwin, không có sợi bún như các nơi khác.
– Vậy phở đây có ngon không?
– Bảo đảm ngon! Nhưng anh từ đâu đến? Một người đàn ông ra vẻ ông chủ hỏi tôi.
– Melbourne!
– Melbourne à? Anh đã ăn tiệm I Love Phở chưa? Bảo đảm phở đây ngon hơn I Love Phở!
– Tự tin quá nhỉ? Vậy cho chúng tôi 2 tô phở nhỏ vì buổi trưa chúng tôi ăn không nhiều, phải chia cho nhau ăn mới hết.
– Ở đây không có tô nhỏ. Chỉ tô thường và đặc biệt. Anh chị thử tô đặc biệt cho biết. Nhưng phở ở đây đắt hơn Melbourne đấy vì hàng phải chuyên chở từ xa tới.
– Đắt không sao. Nhưng tô đặc biệt có gì đặc biệt?
– Đặc biệt là phở có đuôi bò và nước phở nấu bằng đuôi bò nên nước phở rất ngon, rất đặc biệt.
– Cứ thử cho biết, bởi tôi chỉ nghe nấu nước phở bằng xương bò, sang hơn thì nấu bằng thịt bò để lấy nước, chưa nghe nấu nước phở bằng đuôi bò, trừ lẫu đuôi bò.
Câu chuyện qua lại như vậy làm cho khách chủ trở nên cởi mở và hỏi chuyện của nhau. Tôi được biết ông chủ là người Quảng Trị, tức “anh em họ” với tôi vì tôi là người Huế.
Khi được biết tôi là chủ bút TiVi Tuần-san thì cô chủ mới nói rằng “chị Hà thì biết quá mà, vì khi ở Melbourne em hay tới đăng quảng cáo, còn anh thì chưa gặp vì anh làm việc trên lầu”.
Chủ quán nói ngày trước cô sống ở Melbourne và bây giờ gia đình vẫn còn ở Melbourne, lên đây mở nhà hàng được khoảng bốn năm. Mùa này không phải là mùa cao điểm vì là mùa mưa (wet) nên ít khách, chứ gặp lúc tàu cập bến thì nhà hàng không có chỗ ngồi. Cô chủ nói mới làm nghề nhà hàng, còn ông chủ nói nghề nấu phở là nghề gia truyền.
Hỏi cảm tưởng của chúng tôi sau khi ăn phở, mới đầu chúng tôi nói được, nhưng sau đó khen ngon vì nước phở đuôi bò mang vị ngọt đậm, hơi khác lạ.
Vợ chồng Luật sư Nguyễn Tân Hải mua vé trễ chuyến bay nên qua tối ngày sau, mới cùng chúng tôi đi ăn tối ở Vietnam Saigon Star với những món nhậu khai vị mà chúng tôi thường ăn trên đường Victoria Street Richmond. Chúng tôi nói với nhau cho đến hôm nay, từ Melbourne đến Darwin, chưa nơi nào có món gỏi thịt bò tái chanh ngon như ở tiệm Phở Chú Thái trên đường Victoria Street, Richmond.
Nhưng món ăn không làm cho chúng tôi vui bằng nói chuyện với cô chủ quán, vì được nghe nhiều chuyện cô kể về cô, từ Việt Nam đi tị nạn sang Melbourne đến lên làm ăn ở thành phố xa xôi Darwin.
Cô cho biết người Việt ở Darwin không nhiều, khoảng 500 người và cũng cho chúng tôi biết có 4 quán của người Việt mà quán của cô là quán lớn nhất (có lẽ đúng, xét về diện tích).
Trong tối đầu tiên, vì vợ chồng anh Hải lên trễ nên chúng tôi đi lang thang trên con đường ăn uống Michell Street dọc khách sạn để quan sát và tìm nơi ăn tối. Tôi có thấy nhà hàng Việt Nam My Friend’s Kitchen. Rồi trong một ngõ của con đường này, thấy có nhà hàng đóng cửa đề tên Bánh Appétit (Appétit Vietnamese) với tấm bảng thực đơn phần lớn đề tên các món ăn Việt Nam nhưng có hình Mao Trạch Đông đưa tay chỉ chỏ với giòng chữ 3 thứ tiếng Anh, Tàu và Việt với khẩu hiệu “Hãy đặt hàng tại đây- Please order here…”.
Ngoài ra có hình cô gái Việt áo dài trước Chợ Bến Thành, hình võ sĩ tài tử Lý Tiểu Long. Ban đầu tôi tưởng tiệm này là thuộc “tứ đại tửu lầu” của người Việt nhưng ngày sau đi qua cũng thấy tiệm này đóng cửa mới biết rằng tiệm này hiện không còn hoạt động.
Tối của ngày thứ ba ở Darwin, chúng tôi lại đi bộ trên đường Michell với vợ chồng anh Hải. Khi đi ngang qua nhà hàng My Friend’s Kitchen và chưa biết có nên vào không thì anh Hải nói trên mạng người ta khen tiệm này, do đó chúng tôi quyết định “ta về ta tắm ao ta”, tiếp tục ăn nhà hàng Việt Nam.
Nhà hàng này không bán bia rượu, nhân viên bảo chúng tôi sang siêu thị Coles đối diện vài chục mét và cho biết khi mua bia rượu phải trình thẻ chứng minh nhân thân có hình ảnh (ID). Điều này tôi đã biết qua kinh nghiệm của ngày trước khi phải trình cho nhân viên bán hàng bằng lái xe, bằng không họ sẽ không bán.
Chúng tôi gọi những món để nhâm nhi với bia VB của tiểu bang nhà. Tôi chỉ nhớ món chiên khá ngon như hoành thánh, tôm cuốn mì sợi chiên. Cả bốn thực khách đều khen tiệm này.
Chúng tôi hỏi nhân viên quán My Friend’s Kitchen mở được bao lâu thì được trả lời khoảng 2 năm.
(Mở ngoặc: Tối đó là Thứ Sáu nhưng quán My Friend’s Kitchen không đông. Cả con đường ăn uống Michell Street cũng không nhộn nhịp như đêm Thứ Tư đầu tiên chúng tôi đến, sau một vòng đi tới lui, chúng tôi đã chọn ăn tối ở quán The Tap (bán bia hơi rất rẻ) với hai đĩa cá baramundi nướng và thịt bò bi-tét 400gr, mỗi đĩa $28 Úc kim, cá thịt nhiều đến độ vợ chồng chúng tôi chỉ ăn một nửa. Tôi không thể đưa ra nhận xét ngon dở vì hôm đó ăn trưa phở đặc biệt của Vietnam Saigon Star quá trễ và ăn tối thì cũng đã gần 10 giờ đêm).
Ăn xong, trên đường về qua ngã tư đường Knuckey gần khách sạn Hilton Darwin, chúng tôi thấy có quán Nón Lá, chụp vài bức hình để làm tài liệu cho báo TVTS giấy lẫn báo mạng và truyền hình trực tuyến.
Vì trưa Thứ Bảy hôm sau chúng tôi về Melbourne trong khi vợ chồng Hải còn ở lại đến trưa Chủ Nhật, tôi nói hai người bạn hãy ăn ở Nón Lá và cho tôi nhận xét để viết báo.
Chúng tôi đã nhận ngay email của anh Hải trưa Thứ Bảy:
“Chúng tôi chia nhau tô phở Nón Lá trưa nay. Khá ngon vì nước trong bánh mềm. Ăn phở tái gân bò viên. Tô này giá $18 ($14 tô thường + $2 gân + $2 bò viên). Ngon hơn Saigon Star nhưng không có thịt nạm. Bà chủ tên Thủy nói là Phở Nón Lá ngon nhất Darwin. Họ mở nhà hàng này được 2 năm rưỡi. Comment: có lẽ tương đương hoặc trội hơn phở đường Victoria Street, Richmond”.
Kèm nhận xét là một tấm hình chụp tô phở trông thật đẹp mắt. Và như anh Hải nói trên truyền hình trực tuyến tvtsonline sau đó, nhận xét đó có thể là nhận xét chủ quan của anh. Dĩ nhiên, mỗi người có khẩu vị khác nhau và có nhận xét có thể khác nhau.
Thế là chúng tôi đã thưởng thức 3 trong “tứ đại tửu lầu” của người Việt ở Darwin như đã được chủ quán Vietnam Saigon Star giới thiệu. Còn một nhà hàng khác nữa nhưng chắc chắn không phải là Appétit Vietnamese với hình Mao Trạch Đông, nhưng tôi không biết. Bạn đọc hỏi thử bác google xem sao.
Như vậy, những nhà hàng Việt Nam đều là những nhà hàng mới. Họ thử thời vận, giới thiệu với người địa phương và du khách các món ăn Việt Nam vốn đã nổi tiếng tại các thành phố lớn miền đông và nam của nước Úc. Lại có người tận dưới Melbourne lên như chủ quán Vietnam Saigon Star.
Vậy, sau chuyến du ngoạn ngắn ngủi 3 ngày, tôi có thể phỏng đoán hai nghề mà người Việt làm nhiều nhất và có thể gọi là thành công nhất ở Darwin là nghề làm farm (nông trại) và mở nhà hàng.
Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 20.12.2018