Nguyễn Hồng Anh
* * *
Tôi và anh bạn Luật sư Nguyễn Tân Hải mỗi lần gặp nhau làm chương trình Thời Sự Trong Tuần (mới đó mà đã hơn 2 năm) thường nói chuyện du lịch, nhất là khi ngồi trước những ly rượu vang đỏ ngon được cất giữ lâu năm. Ðời người ngắn ngủi, nhất là đến tuổi này khi vẫn còn làm việc toàn thời trong một nghề mà chúng tôi theo đuổi trên 30 năm, những nghề mà chúng tôi thích, chúng tôi cho đấy là một sự may mắn.
Từ ngày ngồi chung trước ống kính tvtsonline.com.au chúng tôi đã có những chuyến du lịch ngoại quốc riêng rẽ (có lúc cũng tính sẽ đi chung) nhưng trong một năm qua đã có 3 chuyến du ngoạn với nhau ở trong nước: Sea Spray (Victoria), Cairns (Queensland) và Darwin (Northern Territory).
Bạn tôi đề nghị sẽ đi Perth (Tây Úc) trước, nhưng do hứng chí tôi muốn đi Darwin nên vợ chồng bạn cũng đi theo cho vui, vì ở tuổi này có bạn đi chơi với nhau là rất quý. Dù đầu năm tới, mỗi chúng tôi đã book chỗ du lịch ngoại quốc theo tour hay dự trù sẽ đi tự túc, chúng tôi hẹn ít nhất sẽ đi Perth hay Adelaide (Nam Úc) với nhau một chuyến.
Perth cũng xa gần bằng Darwin nhưng nổi tiếng có bãi biển đẹp nước ấm, Sông Margaret thơ mộng với những vườn nho và hãng làm rượu vang nổi tiếng. Adelaide là nơi tôi đến định cư đầu tiên vào năm 1981 trong khi bạn Hải của tôi đến Melbourne lúc chúng tôi cùng rời trại tị nạn Galang lên đường định cư.
Ở Adelaide được 6 tháng, Hải rủ tôi về Melbourne sống vì nơi đây dễ kiếm việc làm hơn. Tôi biết Adelaide khi mới chân ướt chân ráo đến Úc trong hoàn cảnh của một người tị nạn ngơ ngáo không xu dính túi, hành trang là một bộ áo quần áo duy nhất trên người với đôi dép và vài tập nhạc Thân Phận Ca mà tôi sáng tác và in ở trại tị nạn. Vì vậy tôi chẳng biết gì về Adelaide ngoài vài chuyến đi trình diễn văn nghệ ở nhà thờ, các lễ hội, đài phát thanh của sinh viên Úc hoặc xa hơn là cho các người Việt làm việc ở khu kỹ nghệ luyện thép Whyalla cách Adelaide gần 400 cây số.
Cho nên, tôi cũng như vợ chồng Luật sư Hải dự tính sẽ du ngoạn Adelaide để thăm thánh địa rượu vang Coonawarra nổi tiếng với những chai rượu đệ nhất thiên hạ Grange mà tôi đã từng có dịp viết trong mục tìm hiểu rượu vang cách đây khoảng 20 năm (Coonawarra cách Melbourne khoảng 430km và Adelaide khoảng 370km).
Dĩ nhiên, nước Úc phúc địa bao la còn nhiều chỗ để chúng tôi còn đi chơi chung với nhau vài lần trước khi một trong chúng tôi… về hưu trước người kia. Nghĩa là đến khi đó, bạn đọc TVTS vẫn sẽ còn xem những bút ký Kể Chuyện Ðường Xa hay Kể Chuyện Ðường Gần.
Thành phố đa văn trong một đất nước đa văn, đa dạng
Hình như thành phố nào và tiểu bang nào ở Úc cũng được cho là hay tự nhận là thành phố hay tiểu bang đa văn, đặc biệt là Melbourne (Victoria) và Sydney (New South Wales). Mà nơi nào chẳng là đa văn bởi vì Úc chủ trương đa văn với chính sách đa văn được chính phủ Tự do Malcolm Fraser đề cao và quảng bá.
Những bạn đọc đến định cư ở Úc trong thập niên 1980 chắc còn nhớ thời kỳ mà multiculture (đa văn) trở thành multiculturalism (chủ nghĩa đa văn) cho đến lúc ông John Howard làm thủ lãnh Ðối lập của đảng Tự do, đòi cắt giảm di dân Á Châu và bà Pauline Hanson trở thành dân biểu của đảng Một nước nói người Á Châu tràn ngập nước Úc. Trong thời gian cầm quyền Thủ tướng Howard muốn dùng từ diversity (đa dạng) thay vì multiculturalism (đa văn). Hình như ông Howard cũng hơi dị ứng với từ đa văn hay chủ nghĩa đa văn dù sau này chính ông Howard là người mở cửa cho người Á Châu ào ạt vào Úc trong đó các sắc dân Tàu và Ấn là thành phần nhập cư đông nhất qua diện di dân tay nghề.
Lên Darwin, đọc những tài liệu quảng cáo cho du khách, tôi cũng được nghe rằng Darwin ngoài là nơi có nhiều Thổ dân, đang cũng là thành phố đa văn vì có đến khoảng 30% cư dân là người sinh đẻ ở ngoại quốc.
Trong mấy ngày ngắn ngủi ở Darwin mà phần lớn đi xa ra khỏi thành phố, tôi thấy nhiều Thổ dân nhất so với bất cứ thành phố nào ở Úc mà tôi đã có dịp lui tới trong hơn 37 năm sống ở đất nước này.
Cuộc kiểm tra dân số năm 2016 cho thấy dân số thành phố Darwin là 136,828 người trong đó xét về gốc gác tổ tiên người Úc chiếm 24.5%, người Anh 21.5%, người Ái Nhĩ Lan 7.3%, người Tô Cách Lan 5.8%và người Ðức 3.3%.
Cũng theo cuộc kiểm tra dân số năm 2016, có 62.7% người đẻ tại Úc. Những cư dân sinh đẻ ở ngoại quốc nhiều nhất không phải là người Tàu và dĩ nhiên không phải người Việt Nam. Bạn đoán thử xem? Thưa đó là người Phi Luật Tân, đây là cư dân từ nước ngoài đến sinh sống ở Darwin vởi tỉ lệ cao nhất 3.6% (4,963 người) qua mặt cả người Anh 3.1% (4,194). Những sắc dân tới định cư ở nhiều kế tiếp là Tân Tây Lan 2.1%, Ấn Ðộ 2.0% và Hy lạp 0.9% (Thị trưởng Darwin hiện nay là ông Kon Vatskalis, một người gốc Hy Lạp, sinh đẻ tại Athens và tới định cư ở Perth lúc 26 tuổi).
Thống kê 2016 cho biết người Thổ dân chiếm 25.5% dân số Bắc Lãnh, một tỉ lệ cao nhất nước Úc nên đi đâu chúng tôi cũng thấy thổ dân, trên đường phố và đặc biệt ở những vườn cỏ trong thành phố và nhiều nhất ở các công viên lớn ngoại ô.
Ði trên đường phố, qua ngã tư đường Knuckey và Michell St cạnh khách sạn Hilton Darwin, chúng tôi thấy vài nhóm hay gia đình Thổ dân ngồi trên bãi cỏ dưới tàng cây đa cổ thụ như thời sinh viên Ðà Lạt chúng tôi đi picnic nhưng họ ngồi cả ngày ở đó từ sáng tới tối. Tôi nghĩ miếng đất công viên nhỏ chừng một ngàn mét vuông đó là nhà của họ. Họ cũng chẳng thèm để ý người đi qua lại trên đường tráng xi măng dành cho khách bộ hành qua vườn cỏ.
Ra những công viên như Mindil Beach Sunset Market, một chợ trời lớn nhất Darwin với bãi cỏ rộng mênh mông thì có thể thấy vài chục nhóm người Thổ dân ngồi, đứng, đi lại, tụ họp, nô đùa như đó là phần đất riêng của họ. Tôi nghĩ công viên này là một cái làng không có nhà của Thổ dân. Ðiểm đặc biệt là họ tụ tập gần các nhà vệ sinh công cộng, khiến chúng tôi cũng hơi e ngại khi muốn làm vệ sinh. Nhân dạng của họ có thể đáng ngại với du khách vì vậy tôi không dám tới gần toilet nhưng anh bạn Luật sư Nguyễn Tân Hải nói họ rất tử tế, lịch sự, còn chỉ đường cho anh vào bên trong. Tôi thấy phần lớn những Thổ dân này nói tiếng Anh với nhau.
Không chỉ ở Mindil Beach Sunset Market mà một số công viên khác, khi dùng toilet công cộng, tôi thấy có bảng ghi cắm trại ở đây là bất hợp pháp, có thể bị truy tố.
Vì chưa nghiên cứu hay tìm hiểu đời sống của người Thổ dân, tôi nói chuyện với anh Hải và hỏi nhau vậy thì những Thổ dân này ban ngày ở đây nhưng ban đêm ngủ đâu và làm vệ sinh ở chỗ nào.
Và chúng tôi cùng trao đổi với nhau với câu trả lời là người Thổ dân thuở xa xưa vốn sống du mục, ở hang động, trên cỏ (dĩ nhiên là không phải sân cỏ cắt đẹp như bây giờ), bụi cây hay dưới gốc cây nên bây giờ họ vẫn giữ lối sống như vậy. Họ thích sống gần và sống với thiên nhiên và cơ thể của họ thích ứng với lối sống ngoài trời như vậy. Tôi có nhận xét hội đồng treo bảng cấm cắm trại ở cạnh cầu tiêu thì cũng bằng thừa vì người Thổ dân đâu dựng lều vải! Họ sống giữa thiên nhiên, làm vệ sinh ở trong toilet công cộng thì chẳng vi phạm luật lệ. Vì vậy, tôi thấy những cầu tiêu mà người Thổ dân “định cư” bên cạnh khá sạch sẽ.
Anh bạn Hải cũng có nhận xét về việc tại sao Thổ dân không sống trong các chung cư mà chính phủ có thể cấp phát cho họ vì họ thích sống với thiên nhiên, việc này cũng có thể giải thích tại sao người Thổ dân có tỉ lệ tự tử trong nhà tù cao bởi họ không chịu nổi cảnh sống trong bốn bức tường.
Dù Thổ dân hiện diện khắp mọi nơi trong thành phố nhưng họ không gây phiền toái cho du khách, người đi đường. Tôi chỉ thấy vài người ngồi trên con đường nổi tiếng Mitchell Street có nhiều quán ăn chơi. Họ chơi nhạc (dĩ nhiên để xin tiền) hoặc chẳng làm gì cả ngoài ngả nón xin tiền. Darwin hay Bắc Lãnh là thế đấy, nhưng ở đây có những tour đưa du khách đi tới những vùng xa xôi của Thổ dân để tìm hiểu về văn hóa của những hậu duệ của những người đã sống trên phần đất phía nam này (chữ La-tinh Terra Australis) cách đây khoảng 40 đến 60 chục ngàn năm!
Nói đến lục địa phía nam (tức Úc Ðại Lợi – Australia), tôi sực nhớ đến mấy chữ lucky country (đất nước may mắn) mà người Úc và di dân thường nói trong thập niên 1980 khi chúng tôi mới tới định cư. Ðất rộng, người thưa, tài nguyên dồi dào, đào lên mà ăn xài cũng còn lâu mới hết, dân tình dễ chịu, phóng khoáng và thân thiện (đi bộ ở những công viên ngoài trung tâm thành phố gặp người lạ chào nhau, good morning, good day, hello, hi, thậm chí cả how are you là chuyện bình thường khiến một đứa cháu khi mới qua Úc thấy tôi chào người đi đường thì hỏi có phải tôi quen họ không).
Cho nên, nếu bạn đọc chưa đi nhiều nơi ở đất nước này thì là một sự thiếu sót. Nếu bạn có thì giờ và rủng rỉnh chút tiền, có thể đi tour thăm nước Úc trong một chuyến đi du lịch để đời 16 đêm với giá tiền từ $7,059 cho một người. Chuyến du lịch nửa vòng nước Úc sẽ bắt đầu từ ngày 28.2.2019.
Tôi đọc báo The Australian Weekend Magazine cuối tuần qua thấy quảng cáo này nên giới thiệu với bạn đọc chứ không dính dáng gì với chuyện làm ăn của người ta. Bạn đọc có thể liên lạc với [email protected] hay ở số 1300 854 897.
Chuyến du lịch này có tên Queen Victoria & The Ghan – East Coast & Top End, gồm:
– 8 đêm trên du thuyền Queen Victoria, đi từ Sydney tới Darwin, dừng lại ở cảng Brisbane và Airlie Beach, gồm các bữa ăn trên du thuyền và văn nghệ.
– Ði xem thắng cảnh Darwin.
– 5 đêm ở khách sạn Hilton Darwin (nơi chúng tôi đã ở cách đây hai tuần) gồm ăn sáng và chuyên chở.
– Vé đi xe Hop-on Hop-off để ngắm cảnh thành phố Darwin trong 48 tiếng.
– Nguyên một ngày đi tour thăm Công viên Quốc gia Litchfield bao gồm ăn trưa.
– Ði tàu ăn tối xem hoàng hôn trên Spirit of Darwin bao gồm di chuyển.
– 3 đêm trên xe lửa xuyên sa mạc nổi tiếng The Ghan Expedition từ Darwin đến thành phố Adelaide với hạng phục vụ Gold hay Platinum Service. Chuyến đi bao gồm mọi bữa ăn, uống & những trải nghiệm tại Katherine, Alice Springs & Coober Pedy.
Với 16 ngày đi tour như vậy, chắc chắn chuyến đi này sẽ có nhiều nơi để xem, hưởng thụ và dĩ nhiên có nhiều trải nghiệm hơn chuyến đi ba bốn ngày của vợ chồng Luật sư Nguyễn Tân Hải và người viết bài này, nếu vợ chồng bạn đọc đi chung hay có bạn thân cùng đi. (còn tiếp)
Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 16.12.2018