(Nguyễn Hồng-Anh) – Đầu năm 2008, gia đình tôi gồm vợ chồng và ba đứa con làm một chuyến du lịch nghỉ mát tại Cộng hòa Vanuatu nơi đầu thế kỷ 20, người Pháp thực dân tuyển mộ người Việt Nam, phần lớn từ Miền Bắc, sang làm phu đồn điền cao su ở đấy (lúc đó gọi là New Hebrides – Tân Thế Giới) và làm phu ở New Caledonia (Nouvelle Calédonie – Tân Đảo).
Đến Đệ nhị Thế chiến, dân số người Việt Nam ở hai nơi này lên tới 12,000. Nhưng đến năm 2007, khi tôi du lịch ở New Caledonia, dân số ở đây chỉ còn khoảng 3,400 người và năm 2008 khi tôi du lịch ở Vanuatu, người Việt chỉ còn khoảng 150 người trong đó có đại triệu phú (đô-la) Đinh Văn Thân, một người giàu và có quyền lực ở Cộng hòa Vanuatu mà tôi có dịp gặp và phỏng vấn ông trong hơn một tiếng đồng hồ (Xem bài trên mạng, đánh từ khóa: Vanuatu: Hỏi đại triệu phú Đinh Văn Thân về Liên Thành và Nguyễn Hữu Chánh (kỳ 4) và bài “Vanuatu: Đinh Văn Thân, từ lượm ve chai đến đại triệu phú (kỳ 7).
Lý do dân số Việt Nam giảm? Nghe lời Hồ Chí Minh dụ, kêu gọi về xây dựng đất nước vì Việt Nam đã được độc lập. Nghe sao giống mấy ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam gần đây, kể cả Tô Lâm, Phạm Minh Chính kêu gọi người tị nạn (mà họ gọi là Việt kiều) về xây dựng đất nước, chính phủ thay đổi luật quốc tịch để cho người Việt ở nước ngoài giữ hai quốc tịch, cho người tị nạn lấy lại quốc tịch Việt Nam. “Hòa hợp hòa giải dân tộc” mà! Nhưng cũng cần biết, nếu người tị nạn có quốc tịch nước khác mà bị bắt, sẽ bị xử như một người Việt ở trong nước. Cho “nhập tịch” cũng là cách cán bộ đảng moi tiền, vì “làm giàu là yêu nước”- lời của Thủ tướng Phạm Minh chính, tháng 4/ 2025).
Ông nội và cháu trước sân phi trường quốc tế Nadi, chờ công ty Europcar chở đến văn phòng nhận xe thuê, tháng 4/2025. Hình: TVTS
New Caledonia và Vanuata gần Úc hơn Fiji. Fiji nằm giữa hai nước vừa nói về phía tây và hai nước Samoa và Tonga về phía đông. Tôi không biết ở Fiji có người Việt hay gốc Việt không, chỉ biết rằng ở đảo quốc Jiji hiện có Linh mục tên là Đức thuộc Dòng Don Bosco đang truyền giáo ở bên đó. Tại đảo quốc Samoa, các cha Dòng Don Bosco như cha Hoàng Kim Huy, Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Hữu Quảng thỉnh thoảng qua Samoa họp, dạy, làm việc truyền giáo ngắn hạn và tại Cộng đoàn Gioan Hoan ở Giáo xứ St Joseph Collingwood, các thầy người Samoa mỗi Chủ Nhật dạy giáo lý cho đoàn Thiếu nhi Thánh thể. Một vài thầy trở về nước sau khi chịu chức linh mục. Và cứ thế, ra vẻ Mebourne là nơi đào tạo cho các thầy người Samoa, Đông Timor, Papa New Guinea trở thành linh mục để trở về phục vụ truyền giáo ở quê hương của họ.
Những nước mà tôi vừa nêu tên nằm trong hơn một chục nước nằm trong “Gia đình Thái Bình Dương” nhưng hiện bị Trung Cộng dụ bằng cách tung tiền cho vay kiểu bẫy nợ khiến Úc cũng nhức đầu và hao địa để giữ chân họ trong tình “gia đình” Thái Bình dương lỏng lẻo hiện nay.
Nói gì thì nói, văn minh và ngôn ngữ Anh có ảnh hưởng sâu đậm ở các nước này vì phần lớn họ là thuộc địa trước kia của Vương quốc Anh. Những đảo quốc như Jiji, Tonga, Samoa có ngôn ngữ chính thức là tiếng của nước họ và tiếng Anh. Bạn đi du lịch ở các nước này sẽ thoải mái khi tiếp xúc với người bản xứ lúc mua sắm và sử dụng dịch vụ của họ.
Chất hành lý lên chiếc xe 7 chỗ ngồi thuê của Europcar, gần phi trường, giá tổng cộng $1981.81 Úc kim cho 7 ngày, bao gồm bảo hiểm. Hình: TVTS
Vé máy bay, khách sạn, thuê xe
Sau khi đã quyết định nơi đến du lịch hay nghỉ mát, bạn sẽ bắt đầu mua vé. Đi du lịch theo nhóm, chỉ việc nghe báo và trả tiền. Đi tự túc mà tự mua vé thì mệt hay mất thì giờ hơn. Giá vé tùy mùa hay cao điểm. Mua sớm vài tháng hay gần cả năm thì rẻ hơn. Chúng tôi ghi chi tiết để bạn đọc có thêm thông tin tổng quát, nhưng xin nhớ cho, mọi giá tiền có thể thay đổi.
Nếu đi lúc này (tháng 4/2025) giá máy bay giữa tuần của hãng Virgin một chiều (Melbourne – Nadi) khoảng $588 Úc kim. Đi vào những ngày cuối tuần khoảng $779. Đi hãng Qantas đắt hơn, $834. Giá vé thay đổi, bạn cần theo dõi để biết. Vì đi gia đình 4 người lớn và hai trẻ nhỏ, con của chúng tôi mua vé sớm trước khoảng 5 tháng. Mua trước thật lâu sẽ rẻ hơn, nhưng chúng tôi đi vào dịp Phục Sinh, tháng 4 là dịp nghỉ hè của học sinh, nên dù sớm giá vé vẫn cao.
Do chọn ngày đi và về cho thích hợp ý mình, nên phải mua vé của hai hãng khác nhau. Đi bằng Virgin, người lớn $689.76 Úc kim; trẻ con trên 3 tuổi $447.76. Giá vé bao gồm hành lý 23kg/ người; xách tay 7kg; không bao thức ăn, chỉ cung cấp trà, cà phê và nước. Tổng cộng: $3,654.56.
Đi về bằng Jetstar rẻ hơn. Hãng tính tiền gộp 6 người là $2519.91, thấp hơn cả $1,134.65 có lẽ vì con tôi làm cho hãng này nên giá rẻ hơn. Hành lý 20kg/ người; xách tay 7kg. Nước, trà, cà phê miễn phí bao gồm thức ăn $15.
Đường quốc lộ (hay hương lộ) từ phi trường Nadi tới Warwick Resort, ở đoạn này là đoạn đường thẳng và tương đối tốt. Hình: TVTS
Vì ở khách sạn & resort Warwick, một nơi xa các phương tiện giao thông, thị trấn, thành phố nên để tiện việc đi lại, chúng tôi thuê xe 7 chỗ ngồi của hãng Europcar để có thể đi bất cứ đâu, giờ nào chúng tôi muốn. Lệ phí thuê 7 ngày là $1,794.34 và bảo hiểm full protection $187.47 (tổng cộng: $1981.81 Úc kim).
Và cuối cùng là tiền ở trọ. Thông thường, khi đi du lịch, chúng tôi chọn khách sạn ở trung tâm thành phố. Nhưng vì đi nghỉ mát với con và các cháu nhỏ, chúng tôi chọn những nơi thích hợp cho trẻ con hơn là ở những khu vực đông người. Vài người quen đã có lần nghỉ mát ở Fiji gợi ý chúng tôi nên ở Warwick Hotel & Resort, một nơi cách thủ đô Suva 90 cây số (lái xe 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng).
Có lẽ không cần sự góp ý, tôi nghĩ rằng thủ đô Suva không phải là nơi nghỉ mát dù giá khách sạn trung bình rẻ, ngay trung tâm phố xá, tìm chỗ ăn uống rẻ và dễ dàng. Nhưng đã gọi là đi nghỉ mát với gia đình thì phải là nơi mát mẻ và có nhiều trò cho trẻ con như resort và gần những nơi có những theme park, công viên cho trẻ con vui chơi.
Chúng tôi mướn 2 phòng ngủ thông thương với nhau để các cháu lúc nào cũng có thể vui đùa với ông bà. Mỗi phòng có 2 giường đôi và hai giường đơn. Giá tổng cộng $4,003.99 cho 7 đêm (mỗi phòng $285 Úc kim/ đêm).
Con dâu của chúng tôi lo sắp đặt mọi chuyện, những nơi sẽ đi và kiêm luôn việc lái xe trong suốt tuần lễ.
Một nông gia cỡi ngựa dọc đường, thỉnh thoảng thấy vài con ngựa ốm lang thang một mình bên lề. Hình: TVTS
Bula. Vinaka
Gần hai chục năm trước, đi các nước trong Thái Bình dương, chúng tôi phải bay lên Brisbane hay Sydney để đi các nơi như New Caledonia, Vanuatu vì xem ra hai nơi này gần điểm đến hơn. Chuyển máy bay là một sự lôi thôi cực nhọc khi phải đi bộ một đoạn hay bằng xe của phi trường. Còn đi Fiji thì thẳng một đường đến phi trường quốc tế Nadi ở bờ tây đảo quốc Fiji, là phi trường quốc tế lớn nhất của đảo quốc. Thủ đô Suva nằm ở phía đông nam bờ biển Fiji, có phi trường quốc tế nhưng nhỏ hơn, ít nhộn nhịp hơn. Cả hai phi trường này đều nằm ở đảo lớn Viti Levu nơi có đông dân nhất, với khoảng 600,000 người chiếm 70% dân số, theo wikipedia. Đảo lớn thứ hai Vanua Levu có khoảng 130,000 người.
Bay 4 tiếng, chúng tôi đến phi trường Nadi. Gọi là lớn nhất, nhưng cũng nhỏ thôi, và vắng vẻ. Giờ Fiji đi sớm trước đông bộ Úc 2 tiếng. Chúng tôi đến nơi khoảng 2 giờ chiều. Thủ tục di trú rất nhanh, vì chỉ có một chuyến bay đầy ghế với khoảng 180 người. Nhân viên di trú trông thân thiện. Ra bên ngoài đợi công ty thuê xe hơi đến chở tới hãng Europcar gần đó để làm thủ tục nhận chiếc xe 7 chỗ ngồi cho đại gia đình 3 thế hệ gồm 6 người trong đó có 2 cháu dưới 5 tuổi.
Trong lúc chờ đợi làm thủ tục rất tà tà kéo dài vài chục phút với chỉ một khách hàng, chúng tôi thấy một người đàn ông cụt hai chân ngồi xe lăn ở shop bên cạnh vẫy tay chào cười, tôi và con trai đến bắt tay. Ông đoán sai quốc tịch gốc của chúng tôi và khi tôi nói là người Việt Nam sống ở Úc, thì ông giải thích cho chúng tôi rằng khi ông nói “bula” có nghĩa là hello, welcome. Còn nói “vinaka” hay nói tắt “vina” có nghĩa là thank you.
Đây là hai tiếng mà sau này chúng tôi nghe hằng ngày từ khi thức dậy đến khi đi ngủ, hay mỗi lần gặp bất cứ người Fiji nào bất cứ ở nơi đâu trong khu nghỉ mát Warwick Resort and Hotel, mỗi khi ra vào cổng, hay dọc trên đường quốc lộ ở vùng quê (chứ không phải trong khu thị tứ hay khu mua sắm lớn).
Người đàn ông nói thao thao bất tuyệt về Việt Nam, ca ngợi người Việt Nam tận mây xanh, đã đánh thắng Pháp, Mỹ, tưởng tôi sẽ “hãnh diện và tự hào”. Tôi đoán câu chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Rồi ông nói về nước Fiji của ông bị chiếm và việc các nước tây phương khai thác tài nguyên của Fiji. Ông nói người Fiji cần phải bảo vệ phong tục truyền thống, văn hóa của mình cũng như người Việt Nam, cần phải gìn giữ truyền thống Á châu, Phương đông của mình. Thế là tôi được nghe giảng một bài học chính trị vỡ lòng.
Khu vực trình diễn văn nghệ bản xứ miễn phí hằng đêm, ở dưới là phòng chọn thức ăn buổi sáng (breakfast gồm trong tiền phòng) và là nơi để ăn buffet (ăn bao nhiêu tùy ý buổi tối, trung bình khoảng $60 Úc kim/người). Hình: TVTS
Tôi thấy ông này có tinh thần dân tộc cực mạnh, không chừng là đảng viên đảng Fiji First của ông Đại tá cựu Thủ tướng Frank Bainimarama (thân Trung Cộng) bị thất cử năm 2022 và hiện đang ngồi tù một năm vì tội cản trở điều tra tham nhũng.
Lần đầu tiên vừa đặt chân xuống đất một đất nước mà được “bula” (welcome) kiểu như vậy làm tôi cảm thấy hơi bực mình. Nhưng gẫm nghĩ mình đi du lịch thì không nên tranh cãi hay giải thích với một người qua đường có thể đã ăn bã tuyên truyền của cộng sản, truyền thông thiên tả nên có suy nghĩ như vậy. Có thể ông ta có ý tốt với khách lạ nên dù là một người tị nạn cộng sản, tôi vẫn vui vẻ, nháy mắt con trai và chúng tôi tìm cách chuyển qua đề tài khác như đường xá từ Nadi đến khu Warwick Resort bao xa, Nadi và thủ đô Suva như thế nào, mong con dâu sớm xong thủ tục lấy xe. Ông ta nói Nadi là khu đô thị lớn thứ ba và phi trường lớn nhất, lẽ phải là thủ đô mới đúng, từ phi trường đến khách sạn chúng tôi mất khoảng 2 giờ lái xe, và từ khách sạn đi thủ đô Suva, phải chạy mất khoảng hai tiếng. (7 ngày sau: Chúng tôi trở lại công ty Europcar trả xe để về Melbourne, ông Fiji này vẫn ngồi đúng vị trí cũ, vẫn nụ cười tươi chào tạm biệt chúng tôi, vẫn “bula” trong khi tôi và con cháu “vinaka”. Ông nói ngày mai ông trở về quê ông ở hòn đảo xa bằng tàu hàng. Tôi chúc ông đi bình an. Con dâu tôi chạy tới dúi vào tay ông cái gì đó. Ông vẫy tay “vinaka”).
Ra khỏi thành phố Nadi, trời đã xế chiều. Từ đây trở đi, quốc lộ hẹp, hơi cong queo vì chạy ven biển nhưng nhiều đoạn, hai bên chỉ thấy rừng. Màn đêm xuống rất nhanh. Chạy chừng một tiếng thì trời tối hẳn, hai bên đường không có đèn. Tối căm. Cô con dâu tuy cầm tay lái rất vững, nhưng một hai lần gặp mô đất cản tốc lực, xe dồi cũng hơi ớn. Sợ nhất là xe chạy ngược chiều. Dù đường hẹp nhưng nhiều nơi được phép chạy tới 80 cây số giờ. Cô con dâu nói sẽ lái chậm hơn, cho vài xe qua mặt, dù mọi người đều nôn nóng tới khách sạn để nghỉ ngơi thoải mái.
Đêm đầu tiên tại Warwick Resort. Du khách trẻ con được mời ra nhảy với trẻ em người bản xứ. Hình: TVTS
Bạn cứ tưởng tượng lái xe ban tối ở một nơi mình chưa bao giờ biết, chỉ trông vào GPS hay Google Maps. Chúng tôi đến Warwick Resort khoảng 7 giờ tối sau hai tiếng ngồi trên xe. Thế là mất nguyên một ngày đi, từ 7 giờ sáng có mặt ở phi trường Tullamarine và 12 giờ sau, mới tới khách sạn.
Chúng tôi được các nhân viên mặc y phục truyền thống của người Fiji đón tiếp bằng “bula”, “bula”. Chúng tôi cũng đáp trả “bula” và thêm câu cám ơn “vinaka”.
Chúng tôi bắt đầu đêm đầu tiên của 7 đêm ở Fiji nơi được xem là chỗ nghỉ mát lý tưởng cho những người giàu có, các minh tinh và cũng là nơi thích hợp cho các gia đình, cho trẻ con như khu nghỉ dưỡng Warwick.
Đêm đầu tiên, chúng tôi được thưởng thức những màn trình diễn văn nghệ của người bản xứ, cũng thích hợp với trẻ em vì chúng được mời cùng nhảy với người lớn và trẻ con Fiji. Và sau đó chúng tôi gọi thức ăn tối mang lên phòng ngủ.
Ngoài khu trình diễn văn nghệ mỗi đêm này, chúng tôi chưa có ý niệm gì về khu nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao này. Nó lớn và đẹp như thế nào mà được những người có con, cháu đánh giá là nơi lý tưởng để nghỉ mát? Có đáng đồng tiền bát gạo không, sẽ được kể tiếp trong mục “kể chuyện đường xa” dưới cái nhìn chủ quan của tác giả bút ký du lịch.
Hẹn bạn đọc kỳ tới.
Nguyễn Hồng-Anh
(Trích báo tuần-san điện-tử www.etvts.com.au số 2035 phát hành ngày 28/05/2025)