![]() |
Park Geun-Hee. Photo courtesy: Jeon Heon-Kyun/ EPA |
Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, ngang hàng với nam giới, đã lan rộng trong phạm vi chính trị thế giới.
Kể từ khi bà Gandhi con gái của Thủ tướng Nehru trở thành thủ tướng Ấn Độ và bà Bandaranaike thay thế chồng kế vị chức thủ tướng Sri Lanka, thì các phu nhân lần lượt lên làm nguyên thủ gần như khắp thế giới, nơi nào cũng có.
Nước Anh có Thiết diện Phu nhân Thatcher, nước Úc có bà Julia Gillard, nước Tân Tây Lan có Helen Clark, nước Miến Điện có bà Suu Kyi, nước Thái Lan có bà Ying Shinawatra v.v…
Có điều tại Á châu, nhân dân có nhiều cảm tình đối với những nhà lãnh đạo mà họ thương mến, do đó khi những vị này qua đời thì họ dành cảm tình ấy cho người kế vị, bất kể người ấy là phu nhân hay con gái của họ.
Bà Suu Kyi là con gái của một tướng lãnh có công dựng nước Miến Điện, nên nhân dân nước này dành mọi cảm tình nồng hậu cho bà. Bà sẽ là tổng thống Miến Điện tương lai.
![]() |
Cố Tổng thống Park Chung-Hee |
Park Chung-Hee (Phác Chánh Hy) là một tướng lãnh có công trong sự lật đổ nhà độc tài Lý Thừa Vãn, tuy mang tiếng là tổng thống cai trị cứng rắn cương quyết, nhưng ông ta có công đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế của Đại Hàn, từ đó nước này mạnh tiến trên đà kỹ nghệ hóa.
Ái nữ của ông ta là Park Geun-Hee năm nay 60 tuổi sẽ ra ứng cử tổng thống ngày 19 tháng 12 năm nay, đại diện cho đảng Đại Quốc Gia (Grand National Party), đảng của Tổng thống Lee Myung-Bak. Tổng thống Lee không được tái tranh cử vì hiến pháp chỉ cho phép 1 nhiệm kỳ vì sợ nạn độc tài.
* * *
Báo chí và nhân dân Đại Hàn không ngạc nhiên, khi ngày 10 tháng 7 năm nay bà Park Geun-Hee tuyên bố rằng sẽ ra tranh cử tổng thống ngày 19 tháng 12 năm 2012.
Là ái nữ của Tổng thống Park Chung-Hee, một cựu tướng lãnh mang tiếng là độc tài vì ông ta áp dụng những kỷ luật cứng rắn, nghiêm túc, nhờ vậy Đại Hàn mới ổn định và phát triển kinh tế, nhất là kỹ nghệ nặng.
Phải một thời gian dài về sau này, người dân Đại Hàn mới thẩm định được và tỏ ra thương mến gia đình nhà độc tài này.
Số mệnh của gia đình này thật là quái ác, năm 1974 Park Chung-Hee phu nhân bị ám sát và 5 năm sau đó Tổng thống Park cũng chịu chung số phận như vậy. Ái nữ Park Geun Hee trở thành mồ côi và cô nghĩ rằng tai ách của gia đình là do Bắc Cao quyết định và thi hành.
![]() |
Tổng thống Park Chung-Hee và con gái. Photo courtesy: AP |
Sau khi mất mẹ Cô Park Geun Hee đóng vai đệ nhất phu nhân để giúp cha quản lý công việc của phủ tổng thống.
Đối với lớp người cao niên Đại Hàn, hình ảnh của cô Park được dành trọn mọi cảm tình thương mến và họ xem cô như là biểu tượng sắt thép của lòng ái quốc.
Năm nay bà Park đã 60 tuổi đời, nàng sống nấp theo bóng của cha gần nửa cuộc đời, nay mới thật sự xuất đầu lộ diện trên trường chính trị.
Nàng cùng với Tổng thống hiện tại Lee Myung Bak phục vụ trong đảng Đại Quốc Gia hiện đang cầm quyền, nhưng không đồng quan điểm với tổng thống.
Theo quan điểm của những nhà phân tích thời sự, thì bà Park có nhiều cơ may để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Đại Hàn. Đại Hàn là nước tân tiến kỹ nghệ hóa, một nửa tổng số phụ nữ đã đi làm công nhân trong các công ty và có 1/10 chính trị gia là phụ nữ.
Năm 2007 bà Park cũng đã ra tranh cử trong đảng, đối đầu với ứng cử viên Lee Myung Bak nhưng bị thất bại.
Năm nay nhiều cơ hội tốt đẹp đã đến với Bà hơn.
– Thứ nhất là hiến pháp Đại Hàn không cho phép một ai được quyền ứng cử nhiệm kỳ II vì sợ nạn độc tài.
– Thứ hai là tổng thống hiện nay đang bị mang tiếng là tham nhũng.
Tổng thống Lee được Hoa Thịnh Đốn và Đông Kinh trọng nể và ủng hộ nhiệt tình. Tuy vậy ở trong nước thì ông ta không được cảm tình của nhân dân.
Thêm vào đấy lại xảy ra những vụ động trời tham nhũng trong chính phủ, nhiều công ty lớn có liên hệ mật thiết với phủ tổng thống, đồng thời có nhiều rủi ro về chính sách ngoại giao.
Ngày 11 tháng 7 một người anh ruột của tổng thống, làm luật sư cho đảng cầm quyền, bị bắt vì tội nhận hối lộ.
Đầu tháng 7 Tổng thống Lee phải hủy bỏ vào phút chót quy ước thông báo với Nhật Bản về tin tức tình báo, bởi vì ông ta sợ gây thêm sự chỉ trích của nhân dân, cho rằng Đại Hàn là thuộc địa của Nhật.
– Thứ ba là áp lực của những tài phiệt vào sự lựa chọn ứng cử viên. Về điểm này thì bà Park được đa số đảng viên ủng hộ, cũng như những thương gia tài phiệt có cảm tình. Hơn nữa đảng của Bà đã thắng lớn trong kỳ bầu cử quốc hội hồi tháng 4 năm nay.
Đảng Đại Quốc Gia cũng mới đổi tên gọi là Đảng Saenuri (New Frontier Party, Tân Biên Cương) với chủ ý thay đổi quan điểm đối với Bắc Hàn.
Bà Park cho rằng Tổng thống Lee đã quá cứng rắn đối với chính quyền Bình Nhưỡng, nhất là khi Bắc Hàn vừa mới thay vị nguyên thủ là Kim Jong Un.
Thế nhưng bà Park còn phải đấu tranh về tài đức và thế lực với một nhân vật đối lập quan trọng của đảng Dân chủ Thống nhất (DUP) là ông Moon Jae-In, một luật gia tranh đấu cho nhân quyền, trước đây là một quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt được Tổng thống Roh Moo Hyun cử làm chánh văn phòng.
Một ứng cử viên khác nữa là ông Ahn Chul-Soo một chuyên viên về phần mềm tin học, cũng đang lưỡng lự không biết có nên ứng cử hay chăng? Ứng cử viên này rất được lòng giới trẻ và giới này từ lâu đã quá chán nản với hai đảng lớn đối lập tại quốc hội.
Ứng cử viên này thiên về phía tả của phe trung tâm do đó rất được lòng cửa cử tri. Vì vậy đảng DUP của ông Moon Jae-In có thể mất đi nhiều phiếu cũng vì ông Ahn.
Đối với bà Park nếu ông Ahn chịu nhường bước cho ông Moon và ủng hộ ông này thì đấy sẽ là cơn ác mộng cho bà Park.
Một lý do khác nữa làm bà Park suy nghĩ là gia đình Park thuộc phe phái bảo thủ cao niên, nay bà chiêu dụ được những phụ nữ trẻ, công nhân đang làm việc về với mình cũng là một điều mới lạ: họ muốn chấm dứt quyền lực của nam giới, ít ra một nhiệm kỳ để chứng tỏ sức mạnh của phụ nữ.
Bà Park thường dùng trường hợp điển hình của bà Thatcher để chứng tỏ rằng phụ nữ Đại Hàn cũng có thể làm cách mạng trong một xã hội bảo thủ của nam giới.
Bà thường ăn mặc với áo đầm màu đỏ với ý tưởng màu sắc rực rỡ sẽ làm cho bà nổi bật trong đám phụ nữ.
Do đó truyền thông thường đề cập đến bà Park với danh xưng “Hồng y phu nhân”.
Có điều báo giới không nói rõ về thân thế “phu quân” của bà là ai, để cho nhân dân tìm hiểu về người bạn đời của bà.
Bởi vì là phụ nữ nên bà Park tỏ lòng trắc ẩn đối với nhân dân đói khổ của Bắc Hàn nói chung và trẻ em nói riêng, hiện đang suy dinh dưỡng trầm trọng. Bà tỏ ý muốn nới lỏng sự cấm vận về thực phẩm và thuốc men để giúp đỡ cho đồng bào của bà ở miền Bắc.
Bà cũng tin rằng Kim Jong Un được ăn học ở Thụy Sĩ chắc cũng thấy tận mắt sự tự do, sung túc và phát triển của một nước trong thế giới văn minh.
Bà đồng ý với nhận định của GS John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Hán Thành rằng: “Kim Jong Un có thể đã chuyển đổi ưu tiên, từ an ninh sang phát triển” để gia tăng sự mậu dịch với Trung Quốc và giao tiếp với nước ngoài.
(TVTS 1375 – 1.8.2012)