TiVi Tuần-san phỏng vấn tác giả Phó Quốc Vân với tác phẩm A BRIDGE TOO FAR

Bìa A Bridge Too Far

 

 

Luật sư Nguyễn Tân Hải/ TVTS: Chào anh Phó Quốc Vân, xin anh cho biết tư tưởng của tác giả đã nhen nhúm từ lúc nào để viết quyển A Bridge Too Far?

Phó Quốc Vân: Ly hương dù trong bất cứ hoàn cảnh nào và vì lý do gì cũng là chuyện  chẳng đặng đừng ngoài ý muốn. Tôi nghĩ hễ là người tị nạn đều có nỗi buồn giống nhau tiềm ẩn trong lòng. Nhà văn Nga, Boris Pasternak, tác giả cuốn ‘Bác sĩ Zhivago’ nổi tiếng, khi chính quyền Liên Xô thời đó muốn trục xuất ông ra nước ngoài vì bất dồng chính kiến, ông buồn khổ bởi vì theo ông “xa tổ quốc như cá thiếu nước”. Người ta so sánh quê hương với chùm khế ngọt. Theo tôi, khế thường là chua ít khi ngọt. Có lẽ, quê hương cho chúng ta ngọt bùi lẫn chua cay.

Nhưng tôi đã chọn con đường đi của mình. Tuy vậy, sống ở Úc, tim tôi vẫn tràn ngập những hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam ngày xưa. Nhìn về quê hương, ngày càng tan nát và suy đồi đạo đức, nỗi buồn cứ gặm nhấm tôi ngày lẫn đêm. Đã bao nhiêu năm tôi muốn quên mà quên không được!

Cách đây khoảng mười năm, tôi làm việc ở Hobart, Tasmania xa gia đình. Mỗi đêm, một mình trong khách sạn, ý muốn viết lại quãng đời mình nhen nhúm, nhưng không thể thực hiện được bởi vì công việc dồn dập và căng thẳng quá.

Ls. Hải:  Xin anh cho biết mục đích của tác giả khi viết quyển sách này?

PQV:  Quyển sách này là hành trình tìm kiếm bản sắc của một người thanh niên trong 20 năm đầu tiên của cuộc đời, và kết thúc là cuộc vượt thoát khỏi ‘quần đảo ngục tù Việt Nam’.

Tựa sách là ‘Cây Cầu Quá Xa’ lấy ý từ một thành ngữ Anh ngữ bắt nguồn từ Thế Chiến Thứ Hai, muốn nói đến không chỉ những nỗ lực trốn thoát Việt Nam thất bại liên miên mà ngay cả đến những tham vọng bình thường cũng vượt tầm tay.

Khi viết quyển tự truyện này, tôi không có mục đích gợi lại đống tro tàn quá khứ để khích động hận thù, mặc  dù tôi nghĩ tôi có quyền đó.  Cuộc chiến vừa qua đã gây biết bao chết chóc và tàn phá cho đất nước và chia rẽ trong lòng mỗi người Việt Nam. Tôi chỉ muốn viết lên một bài học sống đắt giá của bản thân. Đó là cuộc sống nếu không có tự do và nhân phẩm thì không phải là sống mà là hình phạt tử hình bằng một ngàn vết dao cắt, trong đó cái chết đến chậm chạp và khủng khiếp. Đây là cách tôi nhìn về hiện tại và tương lai.

Ls. Hai: Anh bắt đầu viết quyển sách này từ lúc nào và viết bao lâu thì xong?      

PQV: Tháng bẩy năm 2021 tôi nghỉ làm để viết toàn thời. Đúng một năm sau, bản thảo hoàn tất với khoảng 800 trang. Quá trình đọc lại, sửa chữa và thêm bớt này thêm 3 tháng nữa.

Đầu tháng mười một năm nay, bản thảo cuối cùng hoàn tất với khoảng 550 trang. Hiện tại,  tôi dự định sẽ tổ chức kết hợp với một hội đoàn/đoàn thể đứng đắn trong cộng đồng để tổ chức buổi sách.  Tất cả tiền thu nhập sau khi trừ chi phí in ấn sẽ được tặng hết cho quỹ hoạt động hỗ trợ cộng đồng của hội đoàn/đoàn thể đó. Có nghĩa là việc phát hành sách chỉ nhằm mục đích duy nhất là truyền bá chính nghĩa quốc gia và lý tưởng của người tị nạn cộng sản Việt Nam.

Phó Quốc Vân và Thế Nga thời hàn vi. Bìa sau

Ls. Hải: Anh tự viết hay có nhờ ai hiệu đính bản thảo không?

PQV: Như tôi đã viết trong phần “Ghi Nhận” (Acknowledgements) của sách, trong quá trình viết tôi nhận được sự giúp đỡ của hai người bạn.

Người thứ nhất là ông Bruce Everett, hiện tại là một Mục sư Anh giáo. Chúng tôi quen biết đã hơn 30 năm. Khi bản thảo đầu tiên hoàn tất, tôi có cho ông ta đọc. Bruce góp ý về nội dung nhất là sự quân bình giữa chính trị  và chuyển biến nội tâm. Bruce cũng là tác giả bức tranh dùng làm trang bìa. Người thứ hai là bà Janet Tittinen, một nghệ sĩ minh họa (illustrator). Bà giúp tôi “tô điểm” hình thức của sách. Janet cũng giúp hiệu đính bản thảo về mặt văn phạm cho đúng phong cách người Úc.

Ls. Hải: Khi đọc tác phẩm của anh, tôi thấy rất bồi hồi vì nó phản ánh được tâm sự của thanh niên miền Nam sau ngày 30.04.1975. Anh nghĩ sao về việc này?

PQV: ‘Tôi là ai?’ và ‘ Tôi lựa chọn sống trong xã hội nào?‘ là những câu hỏi tôi tự hỏi trong giai đoạn đó. Tôi cảm thấy xa lạ ngay trên chính mảnh đất sinh ra mình. Cuộc sống của tôi là một cuộc sống tràn đầy căng thẳng, sợ hãi và lo lắng. Tôi cảm thấy mình bị xem như là ‘kẻ mất bóng’ như Schlemihl trong tác phẩm cùng tên của Adelbert von Chamisso từ những bạn học đại học.  Trong ‘Cây Cầu Quá Xa’, tôi  viết: “Tôi cũng sợ trở thành một kẻ bị ruồng bỏ, và nhu cầu được chấp nhận lớn hơn mong muốn được sống con người thực sự của mình. Đây là sự nghịch lý. Tinh thần tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như Hoàng Tử Đan Mạch, nhân vật chính trong vở tuồng Hamlet của nhà văn Anh William Shakespeare. Tôi muốn được chấp nhận bởi một xã hội không muốn tôi”.

Nếu tôi ở lại và cố hòa nhập với lối sống cộng sản, bản sắc độc lập và tâm hồn tôi sẽ chết dần mòn. Tôi cũng biết rằng có một thế giới khác bên ngoài, nhưng đến đó là một cây cầu quá xa.

Đối diện với Đại  Học Xá nơi tôi sống trong những năm theo học đại học, có một nhà thờ to lớn và khang trang trước 1975 nhưng về sau đã hoang phế và trở thành nơi trú ẩn của những thành phần bị đầy ra lề xã hội mới.  Khi tinh thần bị suy sụp quá, tôi thường nhìn lên thánh giá trên đỉnh nhà thờ và tự hỏi “Thượng Đế có thật không mà cho phép chế độ cộng sản tồn tại?

Tôi đã rời bỏ Việt Nam vào cuối tháng năm 1981 trên một chiếc ghe nhỏ với 45 người khác. Tuy nhiên, chuyến vượt biên này gian khổ và vô vọng bởi vì quá tải, phương tiện hải hành hư hỏng, thiếu dầu và lương thực. Cuối cùng sau bảy ngày, ghe chìm ngoài biển khơi sau một cơn giông tố. May mắn làm sao, chúng tôi được cứu vớt bởi những nhân công làm việc trên một dàn khoan dầu hoạt động trong lãnh hải kinh tế của Nam Dương.

Tác giả Phó Quốc Vân (bìa phải) cùng vợ Thế Nga và Luật Nguyễn Tấn Hải tại buổi gây quỹ tổ chức Hội Chợ Tết Quý Mão 2023 ở nhà hàng Happy Reception ngày 2/12/2022 do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang Victoria tổ chức. Hình: Charlie Bùi

Ls. Hải: Thế Nga, người bạn gái trong truyện có phải là người bạn đời của anh hiện này hay không? Nếu đúng như vậy thì anh chị được mấy cháu rồi, cuộc sống gia đình anh ra sao?

PQV: Dạ đúng. ‘Cây Cầu Quá Xa’ cũng là một câu chuyện tình yêu giữa tôi và một sinh viên Đại Học Bách Khoa tình  cờ gặp nhau trong Khu Cấp Cứu Bệnh viện Chợ Rẫy khi tôi đến thăm người chị bị tai nạn xe cộ. Từ mở đầu ngại ngùng, đến sự phát triển mối quan hệ phức tạp và quyết định trốn thoát khỏi Việt Nam cùng nhau. Chương 19 – Đêm Cuối,

Người ta nói “tình yêu như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay”. Trong trường hợp chúng tôi, hai con chuồn chuồn quyết định bay chung và bay xa.

Theo tôi, có thể “chất keo” đã kết dính chúng tôi trong suốt bao nhiêu năm qua là những kỷ niệm cũ ở Sài Gòn khi quen nhau và chuyến hải hành hãi hùng trên biển.

Chúng tôi được chính phủ Úc của Đảng Tự Do dưới thời Thủ Tướng Malcolm Fraser chấp nhận cho tái định cư tại thành phố Melbourne với tư cách là người tị nạn chính trị Việt Nam từ trại tị nạn Galang, Nam Dương vào tháng giêng 1982.

Anh Hải hỏi về gia đình thì tôi xin được trả lời chi tiết như sau. Chúng tôi có tất cả ba người con đã trưởng thành và tung cánh bay xa. James, con trai đầu lòng, 33 tuổi là Bác sĩ Chuyên khoa nhi đồng đã lập gia đình với Lan, Nha sĩ. Julie-Anne, 30 tuổi, là Luật sự hiện tại là Giám đốc Hoạch định Chính sách cho một Tổ chức lo về Chương trình Bảo hiểm Khuyết tật quốc gia. Jason, con út, 27 tuổi, đang sống và làm việc cho một công ty tìm kiếm nhân sự ở New York, Hoa Kỳ.

Còn “cô bạn gái giỏi toán với đôi guốc gỗ” của tôi thì như thế nào? Thế Nga đang là Giám đốc Điều hành cho một công ty đa quốc gia lớn. Cô ta bao giờ cũng sát cánh với tôi trong các sinh hoạt cộng đồng. Hy vọng là “đồng vợ đồng chồng, tát biển đông ng cạn.”

Ls. Hải: Anh còn đi làm hay đã nghỉ hưu trí rồi. Nếu đã nghỉ thì hiện này anh dùng thời giờ nhàn rỗi để làm việc gì?

PQV: Thưa anh Hải, sau khi viết xong sách tháng Bẩy năm ngoái, tôi được mời làm bán thời cho một công ty thực phẩm lớn của  Úc và Tân Tây Lan nhưng trong một vai trò hoàn toàn khác với những công việc chuyên môn mà tôi đã làm hơn 30 năm qua. Vai trò mới của tôi là “Cố Vấn Tâm Lý” (Workplace Chaplain/Counsellor). Trách nhiệm của tôi là lắng nghe và góp ý cho nhân viên về những vấn đề của họ xảy ra tại chỗ làm hay ở nhà hoặc xã hội. Công việc này rất thích thú bởi vì tôi có thể áp dụng được các kiến thức và kinh nghiệm thu thập và đem lại lợi ích cụ thể cho người cần đến.

Thỉnh thoảng khi rảnh rỗi, tôi cộng tác với Đài SBS Việt Ngữ trong Chương trình “Sức khỏe tinh thần” và “Những tiêu cực nơi làm việc”. Theo tôi biết, chương trình này rất được ăn khách bởi vì nó thực tế và bổ ích cho đồng hương với số khán thính giả lên đến vài ngàn người mỗi kỳ.

Bây giờ, tôi làm việc trong Ban Chấp Hành Cộng Đồng. Công việc rất là bề bộn nhưng tôi rất hài lòng khi được chung vai góp sức với những người nhiệt thành khác như Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã viết “chữ tâm kia bằng ba chữ tài”.

Mỗi Thứ Sáu, tôi giữ cháu nội, Mai Anh hai tuổi. Hai ông cháu đi chơi khắp Melbourne và tôi kể cho cháu nghe về cuộc đời tôi ghi lại trong ‘Cây cầu quá xa’. Không biết cháu có hiểu không, nhưng tôi vẫn kể. Đó là bổn phận của tôi. Trong lòng mỗi người tị nạn đều có một “viện bảo tàng sống” riêng để truyền lại cho con cháu.

Phó Quốc Vân, Thế Nga  và cựu Thủ tướng Malcolm Fraser. Hình cung cấp

Ls. Hải: Truyện A Bridge Too Far chấm dứt vào lúc anh vượt biên. Thế thì sau khi vượt biên thành công, cuộc sống của anh ra sao. xin anh cho độc giả của TVTS biết?

Thời gian ban đầu, như biết bao nhiêu người tị nạn Việt Nam khác, tôi làm trong hãng xưởng ban ngày và học Anh ngữ ban đêm. Sau sáu năm, tôi trở lại đại học. Tôi tốt nghiệp Cử nhân Toán, Nghiên Cứu Điều Hành và Điện Toán năm 1990 và Thạc sĩ Khoa Học năm 1995.

Trong vòng hơn 30 năm qua, tôi đã làm việc trong vai trò là cố vấn quản lý cho nhiều công ty đa quốc gia và công ty lớn Úc trong các lãnh vực khai thác tài nguyên, giao thông, thương mại, viễn thông, y tế, điện lực, tài chính và sản xuất.  Kiến thức và kinh nghiệm của tôi bao gồm phát triển chiến lược và thực hiện chuyển đổi trong kinh doanh cũng như kỹ thuật, và quản lý nhân sự.

Song song với nghề nghiệp chuyên môn toàn thời, tôi cũng đã làm nhiều việc khác như là “Cố Vấn Khủng Hoảng” (Crisis Counsellor) cho Lifeline-Australia, “Người Làm Lễ Hôn Nhân” (Marriage Celebrant), Giáo Viên Việt Ngữ thiện nguyện, vv để giúp cộng đồng trong khả năng hạn hẹp của tôi.

Ls. Hải: Chúng tôi biết anh mới đắc cử chức vụ TTK, Ban Chấp Hành CĐNVTD Victoria nhiệm kỳ 2022-2025. Thành thật chúc mừng anh. Theo anh thì phương thức làm việc nào phù hợp nhất để CĐVN phát triển tốt đẹp hơn?

PQV: Ban Chấp Hành Cộng Đồng mới làm việc theo phương châm “Nhóm lãnh đạo và cá nhân chịu trách nhiệm” để tránh tình trạng độc tài độc đoán của quá khứ.

Chúng tôi cũng áp dụng phương pháp làm việc khoa học có chủ đích, chiến lược và chiến thuật, và kế hoạch dài hạn và ngắn hạn.

Chúng tôi chủ trương “bao gồm”, “bao dung” và không “bao che” để kết hợp với tất cả những tổ chức, hội đoàn/đoàn thể cùng lý tưởng quốc gia trên nền tảng lá cờ Vàng để đoàn kết làm việc với nhau không tị hiềm cá nhân cho mục đích chung tốt đẹp là phục vụ đồng hương.

Theo kinh nghiệm làm việc bên ngoài, trong thời gian sắp đến, Ban Chấp Hành Cộng Đồng sẽ chú trọng đến vai trò thông tin đại chúng để đem tin tức đến đồng hương nhanh chóng và hướng dẫn dư luận.

Một việc cụ thể khác là chúng tôi sẽ bổ nhiệm một luật sư uy tín dồi dào kinh nghiệm luật hiệp hội có lòng phục vụ vào vai trò Cố Vấn Pháp Luật. Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do và dân chủ, tuân thủ pháp luật là ưu tiên hàng đầu của Cộng Đồng.

Phó Quốc Vân và vợ con tại Úc. Hình cung cấp

Ls. Hải:  Câu hỏi chót của chúng tôi là sau tác phẩm này, anh có dự định sáng tác hay xuất bản thêm nữa hay không?

PQV: Theo dự định ban đầu, ‘Cây Cầu Quá Xa’ là quyển đầu tiên của bộ “trường thiên tự truyện” của tôi. Nó chỉ tường thuật lại hai mươi năm đầu của chàng thanh niên nước Việt tên Vân.  Bốn mươi năm kế tiếp bao gồm thời gian sống trong trại tị nạn và định cư ở Úc, tôi nghĩ cũng rất sôi nổi và ly kỳ.

Khi nào tôi  bắt đầu viết quyển kế hoàn toàn tùy thuộc vào thịnh tình của độc giả cho ‘Cây Cầu Quá Xa’.

Trong thời gian gần đây, tôi đã nhận được rất nhiều đề nghị từ đồng hương yêu cầu tôi chuyển ngữ ‘Cây Cầu Quá Xa’ qua tiếng Việt.
Nhân cơ hội này, tôi chân thành cảm ơn tuần báo Tivi Tuần San đã tiếp tay hỗ trợ cho việc phổ biến sách đến cộng đồng qua bài phỏng vấn này!

(Chủ Nhật 11/12/2022)

Trích báo giấy TVTS số 1917 phát hành ngày 21/12/2022