Ông Lê Quang Tung ngày nhận lon đại tá LLĐB |
Cho đến năm 2010, cái chết của những sĩ quan đứng về phía Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường ít được nói tới. Tên tuổi của họ hầu như bị đi vào quên lãng. Nhưng đột nhiên chuyện cũ được nhắc lại, tranh cãi trên các diễn đàn mạng, đặc biệt là về cái chết của hai anh em ruột Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu, những người được coi là rất trung thành với Tổng Thống Diệm.
Lý do: qua bài viết với tiêu đề “ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm: người anh hùng vị quốc vong thân”, bà Lệ Tuyền đã cho rằng Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu bị Đại Úy (sau này là Thiếu Tướng) Lê Minh Đảo giết chết.
Bà Lệ Tuyền cáo buộc Tướng Lê Minh Đảo giết anh em Đại Tá Tung do căn cứ vào cuốn sách “Nam Việt Nam 1954 – 1975 những sự thật chưa hề nhắc tới” (tr. 266 – 267) được xuất bản vào năm 1990.
Cuốn sách này được viết bởi Thiếu Tướng Hoàng Lạc, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung – Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 1, Quân Khu 1 và Đại Tá Hà Mai Việt, Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị – Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Cả hai vị thiếu tướng và đại tá hiện định cư ở Mỹ.
Bài viết của bà Lệ Tuyền đề ngày 30.10.2010.
Ngay sau đó, Tướng Lê Minh Đảo đã viết một lá thư ngỏ cho các “chiến hữu, thân hữu và đồng hương” với nội dung như sau:
“Trong mấy tuần vừa qua, tôi nhận được nhiều điện thư và điện thoại từ khắp nơi bày tỏ sự lo lắng, thắc mắc và bất bình trước vài bài viết gửi ra trên các Diễn Đàn Internet vu khống tôi giết chết cố Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu. Trước nỗi quan tâm và sự ưu ái của quí vị, tôi thấy cần minh xác để quí vị an tâm.
Kính thưa quí vị,
Với danh dự của một cựu chiến sĩ VNCH, tôi, Lê Minh Đảo, long trọng xác định rằng trong suốt cuộc đời binh nghiệp, tôi không bao giờ có một hành động nào vi phạm đến tài sản hoặc sinh mệnh của các chiến hữu của tôi trong QLVNCH. Đặc biệt là tôi không có một liên hệ gì đến cái chết của cố Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu.
Từ năm 1963 đến 1975, trong tất cả các cuộc điều tra của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về cái chết của hai sĩ quan kể trên, không có ai đề cập đến tên tôi bỡi vì đã có những bằng chứng rõ ràng là tôi không thể có bất cứ một liên hệ nào đến vụ sát nhân nầy.
Trong thời gian gần đây, cộng sản Việt Nam đang nổ lực thực hiện chiến dịch vu cáo và bôi nhọ các viên chức cao cấp trong Chính Phủ và Quân Lực VNCH nhằm chính nghĩa hoá hành động của cộng sản Bắc Viêt đánh chiếm Miền Nam và toàn trị đất nước Việt Nam. Xin quý vị lưu ý và đề cao cảnh giác trước kế hoạch thâm độc nầy của cộng sản.
Đây là lời minh xác chân thành và duy nhất của tôi. Tôi sẽ không quan tâm đến những vu cáo tiếp tục sau nầy (nếu có) của cộng sản và tay sai.
Trân trọng kính chào đoàn kết.
Lê Minh Đảo”
Cùng với bà Lệ Tuyền, có một số người tham gia cuộc tranh luận ai đã giết anh em Đại Tá Lê Quang Tung như cựu Trung Tá Paul Vân, nhà báo Lữ Giang, cựu Đại Tá Lê Doãn Thường.
Đại Tá Lê Doãn Thường gởi lên mạng “bài trần thuật” có đoạn như sau:
“Đối với những ai chưa biết, tôi xin thưa rằng tôi là cựu Đại Tá Trần Doãn Thường, thuộc Binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Vào thời điểm đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi là Chánh Văn Phòng của Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm mà Th/Tg LVN là một thành viên trong hàng ngũ sĩ quan đảo chánh, như vậy những điều cố Thiếu Tướng LVN thuật với tôi là Chánh Văn Phòng ắt phải là những điều khả tín và có giá trị A1.
Tại sao tôi đã không lên tiếng khi biết sự thật Ai đã giết Đại Tá Lê Quang Tung từ 47 năm trước mà nay lại viết ra?
Lý do là:
a/ vào thời điểm đó, không khí “cách mạng” sục xôi, nói những điều mà không khí cách mạng và tình thế chưa ổn định thì kẻ “hớt lẻo” đương nhiên là sẽ và phải chịu hậu quả khó lường
b/ Vào thời điểm khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn văn Khiêm cầm quyền thì mọi sự coi như đã ổn cố, nếu tiết lộ bí mật ra chắc sẽ gây xáo trộn và hậu quả chắc không mấy tốt đẹp.
c/ Sau 1975 nếu tiết lộ bí mật này ra thì để làm gì khi nước đã mất, nhà đã tan?
a/ những sự buộc tội gây hàm oan cho người khác là Th/ Tg Lê Minh Đảo
b/ Những sự vu khống, bịa đặt cho người đã chết là đại úy Nguyễn văn Nhung. Vu khống để buộc tội cho người đã chết, đã có thành tích giết cố TT NĐD và CV NĐN là chuyện quá dễ và thông thường vì người chết không đội mồ lên mà cải chính hàm oan được.
c/ Những vị viết hồi ký có thể là đã có thoả thuận qui kết cho đại úy Nhung giết Đại Tá LQT, một là để chạy tội hai là để kết tội, ba là như ngạn ngữ “Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”, chuyện này chỉ những ai ngây thơ mù quáng tin tưởng vào các hồi ký để chạy tội và buộc tội hoặc là các vị trong trường phái viết sử PHỊA có thể làm được.
Đại Tá Lê Quang Tung đã bị giết như thế nào?
Theo lời Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm thuật lại cho tôi và hai sĩ quan cấp úy thường chầu chực tại tư dinh th/tg LVN vào chiếu tối 2/11/1963 thì:
Do lệnh của Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Trần văn Đôn đã điện thoại kêu Đại Tá LQT tới bộ TTM họp vì có tin có kẻ định ám sát và đảo chánh TT NĐD. Đại Tá Tung liền qua họp, (không phải là để qua dự Lunch Party)
Tr/tg Trần văn Đôn đã ra lệnh cho Quân Cảnh canh gác trước phòng hội Toà Nhà Chính Bộ TTM là “BẤT CỨ AI BƯỚC RA KHỎI PHÒNG HỌP NÀY LÀ PHẢI BẮN CHẾT NGAY” Trong khi họp đã có tuyên bố là sẽ đảo chánh TT NĐD và nếu ai không đồng ý thì cứ việc ra về. Đại Tá Tung liền bỏ ra và bị bắn chết ngay tại hành lang của toà nhà chính nơi có phòng họp.
Không có chuyện cố Đại Tá LQT chửi bới, mắng nhiếc, không có chuyện ép cố Đại Tá Tung gọi điện thoại vì đã bị giết ngay khi bước ra khỏi phòng họp.
Không có chuyện đại úy Nhung lôi anh em LQT và LQTr lên sân thượng toà nhà chính Bộ TTM để bắn chết ngay vì Th/Tá LQTr chỉ tới Bộ TTM vào buổi tối khi đi kiếm cố Đại Tá LQT.
Chi tiết những lời trung thực của Tướng Lê Văn Nghiêm có thể không đúng 100% nhưng đại ý là như vậy.
Cùng lúc tòa soạn nhận được bài viết sau đây của Lữ Giang, một cây bút đã có nhiều bài đăng trên TVTS. Bài viết khá dài nhưng để cho độc giả biết đôi chút về tiểu sử của anh em nhà họ Lê-Quang, TVTS cho đăng nguyên văn như là một hình thức thông tin. Nhận xét thuộc về bạn đọc.
Trở lại vụ án Lê Quang Tung
Trong những tuần qua, trên báo chí cũng như trên các diễn đàn Internet, đã diễn ra một cuộc tranh luận khá sôi nỗi, đó là: Ai đã giết Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu?
Qua cuộc tranh luận này, chúng tôi thấy hầu hết đều căn cứ vào “hearsay” (nghe nói), sự suy đoán, cảm tính hay thành kiến để tranh luận và kết luận. Những người bị “chạm nọc” thường ngăn cản cuộc tranh luận bằng cách đặt ra câu hỏi: “Tại sao trước 30.4.1975, không ai nêu lên vấn đề này, nay nêu lên để làm gì? Tốt hơn cả là bỏ qua chuyện cũ và lo chống cộng!”
Như chúng ta đã biết, sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, người Mỹ đã đưa những tay sai của họ thực hiện cuộc đảo chánh đó thay nhau lên nắm chính quyền tại miền Nam cho đến ngày 30.4.1975. Hai nhân vật chủ chốt của cuộc đảo chánh là Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm đã được Mỹ giao cho làm Tổng Thống và Thủ Tướng! Ngày 1 tháng 11 được quy định là “Ngày Quốc Khánh”…
Với tình hình như thế, ai dám đưa ra những bí ẩn của cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963? Đụng vào “các nhà cách mạng 63” nếu không bị ăn kẹo đồng hay mãng cầu cũng bị đi mò tôm. Vã lại, lúc đó sử liệu chưa được Mỹ tiết lộ nhiều, nên rất khó xác định được ai đã ra lệnh giết Đại Tá Lê Quang Tung.
Lúc này tại sao phải viết lại một cách chính xác biến bố lịch sử 1.11.1963? Câu trả lời rất đơn giản: Để làm sáng tỏ lịch sử và rút kinh nghiệm cho các thế hệ theo sau. Với bài học này, các thế hệ tới sẽ không ai dám làm tay sai cho Mỹ để làm mất nước và bị Tổng Tống Mỹ chửi là “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” nữa. Vụ Lê Quang Tung còn là một bài học lớn đối với những người hợp tác với Mỹ trong các hoạt động tình báo.
Trong vụ giết Đại Tá Lê Quang Tung, với sự giúp đỡ của nhiều người, chúng tôi đã tốn khá nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu xem nội vụ đã diễn tiến như thế nào. Thỉnh thoảng chúng tôi tung ra một vài chi tiết để những người hiểu biết có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề. Đến đây chúng tôi thấy kết quả nghiên cứu đã tạm đủ vì điều quan trọng nhất đã được xác định, đó là lệnh giết Đại Tá Lê Quang Tung. Những chi tiết khác chỉ giúp hiểu rõ thêm thực chất và diễn biến của biến cố lịch sử ngày 1.11,1963 mà thôi.
– Vài nét nề Đại Tá Lê Quang Tung
Đại Tá Lê Quang Tung sinh tại giáo xứ An Vân (sau chùa Thiên Mụ) thuộc làng An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Một vài tài liệu nói Đại Tá Tung sinh năm 1923 hoặc 1926, nhưng theo Sổ Rửa Tội tại giáo xứ An Vân, Huế, ông Lê Quang Tung sinh ngày 13.6.1919, rửa tội ngày 15.6.1919, tên thánh là André. Ông là người con thứ 5 trong một gia đình có 9 con gồm 6 trai 3 gái. Lê Quang Triệu là người con út.
Ngày 7.2.1947, Pháp tái chiếm Huế, gia đình ông Tung cũng như đa số dân chúng Huế đã hồi cư, sau đó ông đi làm việc cho cơ quan an ninh tại Huế do Thủ Hiến Trần Văn Lý thành lập và được cử đi làm Trưởng Ty An Ninh ở Quảng Trị (đến tháng 4 năm 1950, các Ty An Ninh ở miền Trung mới được đổi thành Ty Công An). Tháng 6 Năm 1948, ông Phan Văn Giáo lên làm Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trấn Trung Phần (Sắc lệnh số 3 ngày 2.6.1948). Ít lâu sau, ông Lê Quang Tung được thuyên chuyển về làm việc tại Nha Công An Trung Phần do ông Trần Trọng Sanh làm Giám Đốc.
Năm 1952, ông được gọi đi học Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan Nam Định, nhưng sau đó trường này đóng cửa nên ông được chuyển vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Vì trường Thủ Đức chưa xây cất xong, nên năm 1953 ông được cho vào Khoá 3 phụ và được đưa đến thụ huấn tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
Ông tốt nghiệp năm 1954 với cấp bậc Thiếu Úy và được chuyển đến Tiểu Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Vốn là một nhân viên an ninh chuyên nghiệp, ông được chỉ định làm sĩ quan tình báo của tiểu đoàn và được thăng lên Trung Úy. Năm 1955 ông được đưa về làm Trưởng Ty An Ninh Quân Đội Huế rồi được thăng lên Đại Úy và làm Chánh Sở 2 An Ninh Quân Đội ở Huế.
Cuối năm 1956, theo khuyến cáo của cơ quan tình báo Hoa Kỳ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã giải tán Nha Tổng Nghiên Huấn, một cơ quan tình báo phản gián của Bộ Quốc Phòng, và thành lập một tổ chức mới lấy tên là Sở Liên Lạc, đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống, ngân sách do Hoa Kỳ đài thọ. Đại tá Rogers là ngươi đầu tiên được cử đến làm cố vấn cho sở này, sau đó Đại Tá Floyld Parker đến thay thế.
Đại Úy Lê Quang Tung đang làm Chánh Sở 2 An Ninh Quân Đội ở Huế được gọi vào Dinh Độc Lập. Ông được chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm phỏng vấn trong nhiều giờ, rồi phong cho làm Trung Tá giả định và cử làm Giám Đốc Sở Liên Lạc. Đại Úy Trần Khắc Kính làm Phó Giám Đốc.
Ngay sau đó Mỹ làm thủ tục và đưa Trung Tá Tung qua Honolulu học một khoá đặc biệt về hoạt động bí mật và xâm nhập. Đại Úy Trần Khắc Kính và Trung Úy Lê Quang Triệu, em của Trung Tá Lê Quang Tung, cũng được đưa qua Saipan – một hòn đảo lớn ở phía Bắc đảo Guam – huấn luyện về tình báo. Khi trở về, Trung Úy Triệu được giao cho tuyển dụng các điệp viên.
Năm 1958, Trung Tá Tung trở về và bắt đầu thực hiện kế hoạch xâm nhập ra miền Bắc dưới sự điều khiển của các chuyên viên Mỹ.
Đến tháng 4, 1960, Sở Liên Lạc được đổi thành Sở Khai Thác Địa Hình, nhưng tổ chức và hoạt động vẫn như cũ.
Ngày 15.3.1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã quyết định biến Sở Khai Thác Địa Hình thành Lực Lượng Đặc Biệt, thăng Trung Tá Tung lên Đại Tá và cử làm Tư Lệnh LLĐB, còn Thiếu Tá Trần Cửu Thiên làm Tham Mưu Trưởng.
Thật ra, Đại Tá Tung chỉ lo về hoạt động tình báo ở miền Bắc, còn việc tổ chức và huấn luyện LLĐB đều giao cho Thiếu Tá Trần Khắc Kính, Phó Tư Lệnh phụ trách. Sau này vì Thiếu Tá Kính không ngăn cản được Đại Tá Tung trong một điệp vụ thả tiếp tế cho một toán ở miền Bắc đã bị bại lộ, nên một chiếc C-47 bị bắn rơi, Thiếu Tá Kính đã xin rời khỏi Bộ Tư Lệnh.
Vì sợ chính phủ Ngô Đình Diệm dùng Lực Lượng Đặc Biệt để chống đảo chánh, ngày 19.10.1963, Tướng Harkins thông báo cho Tổng Thống Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho lực lượng này đã bị cắt.
Sở dĩ chúng tôi phải trình bày lý lịch của Đại Tá Tung với nhiều chi tiết như thế để độc giả có thể dựa vào đó tìm ra lý do tại sao Mỹ phải ra lệnh giết Đại Tá Tung.
Công điện đề ngày 27.8.1963 của Trạm CIA Sài Gòn gởi CIA trung ương, đã nói về bản tường trình của Lucien Conein về cuộc họp của Ủy Ban các Tướng Lãnh (Committee of Generals) như sau:
“Ủy ban quyết định rằng Đại Tá Lê Quang Tung được coi là mục tiêu đầu tiên của ủy ban đảo chánh và sẽ bị tiêu diệt cùng với toàn trại của ông ta như là một trong những hành động đầu tiên của cuộc đảo chánh.
“Cùng với việc tiêu diệt Đại Tá Tung và Lực Lượng Đặc Biệt của ông ta, Tướng Khiêm yêu cầu và được nói ông ta có thể nhận được một bản kê khai toàn bộ các vũ khí đạn dược hiện đang lưu trữ tại trại Long Thành.”
(FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 653 – 654, Document 299).
Công điện đề ngày 5.10.1963 cũng do Trạm CIA ở Sài Gòn gởi cho cơ quan CIA trung ương cho biết Lucien Conein báo cáo rằng hôm 5.10.1963, ông ta đã họp với Tướng Dương Văn Minh trong 1 tiếng 10 phút tại bản doanh của Tướng Minh ở đường Lê Văn Duyệt. Tướng Minh có giải thích rằng những người nguy hiểm nhất ở miền Nam Việt Nam là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Trọng Hiếu (có lẽ Lucien Conein lộn với Dương Văn Hiếu).
Khi Lucien Conein lưu ý rằng ông ta coi Đại Tá Lê Quang Tung là một trong những người nguy hiểm hơn, Tướng Minh bảo rằng “nếu loại bỏ được Nhu, Cẩn và Hiếu, Đại Tá Tung sẽ quỳ trước tôi.”
[When Col. Conein remarked that he had considered Col. Tung as one of the more dangerous individuals. Gen. Minh stated “If I get rid of Nhu, Can and Hieu, Col. Tung will be on his knees before me”]
(FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 365 – 367. Document 177).
Khi Lucien Conein coi Đại Tá Lê Quang Tung là “một trong những người nguy hiểm hơn”, số mạng của Đại Tá Lê Quang Tung đã được người Mỹ quyết định và “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” chỉ việc thi hành.
Tại sao người Mỹ quyết định phải giết Đại Tá Tung? Lúc đó, Đại Tá Tung đang nắm trong tay kế hoạch xâm nhập và mạng lưới tình báo của Mỹ ở miền Bắc. Nếu sau đảo chánh, Đại Tá Tung bị sa thải, những tin tức này có thể bị bại lộ, phương hại đến hoạt động tình báo của Mỹ. Vì thế, Lucien Conein đã lưu ý Lê Quang Tung là “một trong những người nguy hiểm hơn”, (one of the more dangerous individuals) và phải bị giết.
Thiếu Tá Lê Quang Triệu là người phụ trách công tác tuyển mộ điệp viên, sau làm Trưởng Phòng 85/Tài Chánh, biết khá nhiều các kế hoạch tình báo của Mỹ, giết đi là tốt hơn.
Khi Mỹ quyết định chấm dứt chương trình thả các điệp viên xuống miền Bắc, số điệp viên còn lại ở Long Thành cũng đã bị Mỹ đem thả xuống các làng mạc ở miền Bắc cho Việt Cộng bắt. Đó là thân phận của những người làm điệp viên.
Bị Trần Thiện Khiêm gài bẩy
Đại Úy Phạm Bá Hoa, Chánh Văn Phòng của Tướng Trần Thiện Khiêm, cho biết lúc 7 giờ sáng ngày 1.11.1963, Tướng Khiêm đã giao cho ông 2 danh sách bảo mời đến họp tại Bộ Tổng Tham Mưu: (1) Danh sách một số người (thuộc phe đảo chánh) được mời đến dùng cơm trưa tại Câu Lạc Bộ Bộ Tổng Tham Mưu lúc 12 giờ trưa. (2) Danh sách những người (cần lưu giữ) được mời họp tại phòng số 1 trong tòa nhà chánh, chậm nhất là 1 giờ trưa.
Riêng Tướng Trần Văn Đôn, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, đã đích thân gọi một số cấp chỉ huy trong đô thành và vùng phụ cận mời đến Bộ Tổng Tham Mưu họp để bàn về vấn đề an ninh.
Một nhân chứng ngồi ở phòng của Đại Tá Tung hôm đó cho biết từ sáng sớm Tướng Tôn Thất Đính đã gọi cho Đại Tá Tung và nói chuyện rất vui vẻ, có lẽ để thăm dò xem Đại Tá Tung có mặt ở Bộ Tư Lệnh LLĐB hay không, Sau đó, Đại Tá Tung đi họp Thanh Niên Cộng Hoà. Khoảng 11 giờ, khi Đại Tá Tung trở về, còn mặc đồng phục TNCH, thì Đại Úy Phạm Bá Hoa, chánh văn phòng của Tướng Khiêm, gọi đến và nói Tướng Khiêm muốn nói chuyện với ông. Khi Đại Tá Tung cầm điện thoại lên, hai người đã cười nói rất vui vẻ.
Đại Tá Tung rất thân và tin tưởng Tướng Khiêm. Trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1960, ông Ngô Đình Nhu đã bảo Đại Tá Tung gọi Tướng Khiêm đem quân về. Vì rất thân với nhau nên khi được Tướng Khiêm mời đi họp, Đại Tá Tung thay đồng phục TNCH, mặc quân phục vào rồi bảo tài xế lái chiếc xe Traction chở ông đi ngay, không có nghi ngờ gì và không có ai hộ tống cả!
Bây giờ Tướng Khiêm đang sống ở bắc Cali và nhân chứng cũng đang còn sống, ông có thể xác nhận hay phủ nhận lời chúng tôi tường thuật nói trên.
Trong cuốn “Lực Lượng Đặc Biệt giữa những tổ chức chiến tranh không quy ước” xuất bản năm 2008, Trung Tá Phan Bá Kỳ, một nhân chứng của vụ án Lê Quang Tung đã cho biết như sau:
Vào khoảng 1 giờ trưa, khi mọi người có mặt đông đủ tại phòng họp, Tướng Dương Văn Minh và Trướng Trần Văn Đôn vào phòng họp và tuyên bố Hội Đồng Tướng Lãnh quyết định lật đổ chính phủ hiện hữu. Yêu cầu mọi người đoàn kết và hợp tác với Hội Đồng Tướng Lãnh. Nếu người nào không hợp tác thì yêu cầu đứng dậy. Những người đứng dậy gồm có:
1.- Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
2.- Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
3.- Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh Trưởng Gia Định.
4.- Ông Lê Văn Văn Tư, Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành.
5.- Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù.
Tuy nhiên, khi đứng lên Đại Tá Viên đã tuyên bố ông không chống đối Hội Đồng Tướng Lãnh, nhưng là một quân nhân, ông không tham gia chính trị.
Tướng Dương Văn Minh liền ra lệnh cho quân cảnh dẫn 4 người đầu ra khỏi phòng họp và đưa đến một phòng có nhiều ghế và bàn dài nằm ở tầng trệt của ngôi nhà chính mà trên cùng là văn phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng. Riêng Đại Tá Cao Văn Viên được đưa đến giam ở phòng bên cạnh Tướng Trần Thiện Khiêm. Ít lâu sau, Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi xin gặp Tướng Dương Văn Minh và cũng được dẫn đến giam với Đại Tá Viên.
Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân, cũng được mời họp, nhưng lúc đó đang ở Đà Lạt. Buổi chiều lúc 3 giờ, khi ông đến trình diện cũng bị giữ lại ở phòng Đại Tá Tung. Riêng Đại Tá Hồ Tấn Quyền, tuy cũng được mời họp, nhưng đã bị Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang giết vào khoảng 9 giờ sáng.
Sau đây là một số người, tuy không được mời đến họp, nhưng đã đến đó và bị bắt giữ luôn cùng phòng với Đại Tá Tung:
1.- Thiếu Tá Trần Cửu Thiên, nguyên Tham Mưu Trưởng LLĐB, đã được bổ nhiệm đi làm tỉnh trưởng, đến Bộ Tổng Tham Mưu nhận sự vụ lệnh, đã bị giữ lại.
2.- Thiếu Tá Lê Quang Triệu, em của Đại Tá Tung, Phó Tham Mưu Hành Quân và Tiếp Vận, khi nghe Đại Tá Tung bị bắt, đã cùng với Trung Úy Lê Văn Hành, chánh văn phòng của Đại Tá Tung, đi vào Bộ Tổng Tham Mưu để hỏi tin, cũng bị giữ lại.
Trong bài “Tướng Trần Thiện Khiêm, Cơn lốc rối loạn Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam”, Thiếu Tá Trần Ngọc Giang, Trưởng Phòng An Ninh Quân Đội Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó, nói rằng khoảng 2 giờ trưa Đại úy Triệu dẫn 1 đại đội LLĐB cùng với 4 chiến xa đến cổng Bộ Tổng Tham mưu để hỏi tin và bị chết thảm.
LLĐB là lực lượng cơ động, không có chiến xa. Trong ngày 31.10.1963, các đơn vị thuộc LLĐB đã bị Tướng Đôn lừa, đem thả vào trong rừng hết rồi, Thiếu Tá Triệu lấy quân và xe thiết giáp ở đâu mà dẫn đi?
3.- Trung Tá Phạm Bá Kỳ, Trưởng Phòng 3 của Liên Đoàn 77 LLĐB, được Thiếu Tá Phạm Văn Phú ra lệnh lấy một tiểu đội vào Bộ Tổng Tham Mưu tìm cách gặp Đại Tá Tung để xin chỉ thị, cũng bị đưa vào phòng giam. Trung Úy Kỳ gặp Thiếu Tá Triệu đang ngồi trong phòng và nói lệnh của Thiếu Tá Phú. Thiếu Tá Triệu cười nhẹ và nói: “Toa vào đây là kẹt rồi”. Đại Tá Tung từ xa nhìn lại rồi cúi đầu xuống.
(Phan Bá Kỳ, tr. 71 – 74).
Giờ định mệnh
Trong cuốn “Nam Việt Nam 1954 – 1975, Những sự thật chưa hề nhắc tới”, hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt có ghi lại như sau:
“Cũng tại phòng họp, khi Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, chửi lớn trước Hội Đồng “Chúng bây đeo lon, mặc áo, thụ hưởng phú qúy, lạy lục để được Tổng Thống Diệm ban ơn, mà nay lại dở trò bất nhơn bất nghĩa…” liền bị dẫn ra khỏi phòng và bị Đại Úy Lê Minh Đảo, Sĩ quan Tùy viên của Tướng Lê Văn Kim, đưa lên chòi canh trên sân thượng toà nhà chánh Bộ Tham Mưu hạ sát ngay đêm đó (Ngày lễ Mồ).
“Em của Đại Tá Tung là Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, khi nhận được tin liền chạy tới Bộ Tổng Tham Mưu, để xem hư thực cùng chịu chung số phận…”
Cuốn sách này được viết khi các tài liệu mật của Hoa Kỳ chưa được tiết lộ nhiều và các nhân chứng từ Việt Nam chưa qua đủ, lại viết không đúng phương pháp sử học, chỉ dựa trên “hearsay” nên cả phần sự kiện lẫn phần nhận định đều có nhiều sai lầm. Trường hợp của Đại Tá Lê Quang Tung là một thí dụ điển hình.
May mắn là hai nhân chứng cùng bị giam chung với Đại Tá Lê Quang Tung ngày 1.11.1963 là Đại Tá Trần Cửu Thiên và Trung Tá Phan Bá Kỳ, đều sống tại Nam Cali. Nhờ sự giới thiệu của Đại Tá Trần Khắc Kính, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn Trung Tá Phạm Bá Kỳ ở Irvine. Còn Đại Tá Trần Cửu Thiên hiện sống ở Canoga Park, chỉ nói chuyện với Đại Tá Trần Khắc Kính. Cả hai đều tường thuật vụ Lê Quang Tung hoàn toàn giống nhau.
Nhân chứng quả quyết Đại Tá Tung không hề chửi lớn trước Hội Đồng Tướng Lãnh như Hoàng Lạc và Hà Mai Việt đã ghi. Họ cũng không thấy Đại Tá Tung được Dương Văn Minh gọi đến thuyết phục ông Nhu đầu hàng lúc 4 giờ chiều như Tướng Đôn tường thuật lại trong “Việt Nam Nhân Chứng” (tr. 271 – 272).
Nhân chứng kể lại rằng khoảng 9 giờ tối, quân cảnh bảo những người bị giam ra trước cửa để nghe thượng cấp nói chuyện. Tướng Minh nói: “Tụi moa quyết định đánh chiếm Dinh Gia Long. Đến giờ phút này, các toa có theo không?” Sau vài giây im lặng, bỗng Đại Tá Tung hỏi: “Tổng Thống ở đâu?” Dương Văn Minh trả lời: “Tổng Thống đang ở trong dinh. Moa sẽ cho kêu gọi ông đầu hàng, nếu ông không đầu hàng, quân đội sẽ tấn công bắt ông.”
Mọi người im lặng. Tướng Minh và Tướng Đôn đi về phiá cầu thang. Mọi người vào phòng trở lại.
Khoảng 10 giờ tối, quân cảnh đem đến một chiếc xe GMC và một chiếc xe hồng thập tự bịt bùng. Quân cảnh còng tay những người bị giam lại. Trung Úy Đẩu, chánh văn phòng của Tướng Minh, yêu cầu mọi người, trừ Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu, lên xe GMC. Sau đó, hai quân cảnh đến bắt Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu nhốt vào trong xe hồng thập tự. Viên sĩ quan ngồi cạnh tài xế của xe hồng thập tự bảo tài xế lái xe đi ra cổng số 4 (cổng sau) của Bộ Tổng Tham Mưu. Còn Trung Úy Đẩu lên xe GMC ngồi với tài xế và bảo chạy vào khám Chí Hoà.
(Phan Bá Kỳ, tr. 74 – 75)
Những điều Đại Tá Trần Cửu Thiên và Trung Tá Phan Bá Kỳ chứng kiến chỉ đến đó. Phần sau không tìm được nhân chứng, chỉ được nghe kể lại.
Một sĩ quan có mặt ở Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó cho chúng tôi biết tối hôm đó ông thấy Tướng Minh đã gọi Trung Úy Đẩu, chánh văn phòng, và Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, tuỳ viên quân sự của ông, ra lệnh gì đó và sau đó hai người đã ra đi.
Đại Tá Trần Khắc Kính khi còn sống là người đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm gặp và nói chuyện với các nhân chứng lịch sử. Chính ông đã đi hỏi thăm và tìm ra hai quân cảnh được lệnh giết Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu. Nhưng hai quân cảnh này chỉ đồng ý kể lại cho ông trong riêng tư những gì đã xẩy ra với điều kiện ông không được công bố tên tuổi của họ và chuyện họ đã kể. Ông đồng ý và nói với tôi mình phải tôn trọng lời hứa.
Thiếu Tá Trần Ngọc Giang, Trưởng Phòng An Ninh Quân Đội Bộ Tổng Tham Mưu lúc đó, có lẽ là người đã ra lệnh cho hai quân cảnh bắt Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu đưa lên xe hồng thập tự. Ông có thể làm sáng tỏ chuyện này.
Vì cuốn sách của Hoàng Lạc và Hà Mai Việt, chúng tôi phải phỏng vấn Tướng Lê Minh Đảo nhiều lần về chuyện giết Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu. Tướng Đảo cho biết sau khi lật đổ ông Diệm xong, khi ngồi nói chuyện với anh em, Nguyễn Văn Nhung có kể lại như sau:
Khi xe ra khỏi cổng sau của Bộ Tổng Tham Mưu, qua một sân Goft, có một con mương sình lầy ở bên con đường nhỏ đi từ Nghĩa Trang Bắc Việt Tương Tế ra đường Võ Di Nguy ở Phú Nhuận, ông ra lệnh xe ngừng lại. Hai quân cảnh bảo Đại Tá Tung xuống xe và đánh ngang hông bằng báng súng. Đại Tá Tung kêu lên: “Các anh định làm gì tôi?”. Hai quân cảnh liền tiến tới đâm chết. Sau đó, hai quân cảnh kéo Thiếu Tá Triệu xuống. Thiếu Tá Triệu to con nên vùng vẫy rất dữ, nhưng cũng bị đánh bằng báng súng và đâm chết. Xác của hai người đã bị ném xuống mương sình lầy.
Khi nói chuyện Tướng Đảo có vẽ trên tờ giấy khu Đại Tá Tung bị giết cho tôi xem. Ông nói ông thường đi qua lại khu này nên biết rất rõ. Ông có thể giúp gia đình Đại Tá Tung đến tìm xác ở khu này.
Tôi tin rằng xác Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu đã bị vùi lấp, nếu không khi xác sình lên sẽ bị phát hiện. Theo gia đình, Đại Tá Tung chỉ mang cái Thánh Giá, không có thẻ bài. Đại Tá Triệu có thể có mang thẻ bài. Bây giờ khu này có thể đã bị vùi lấp và làm nhà lên trên rồi.
Trong tương lai chúng ta còn có thể phát hiện thêm nhiều chi tiết của vụ án nữa. Nhưng điều căn bản là ai đã ra lệnh giết Đại Tá Lê Quang Tung, chúng ta đã xác định được. Đây là điều quan trọng nhất.
Trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng” (tr. 274), Tướng Đôn còn xác quyết:
“Tất cả những sự việc xẩy ra đều có sự tiếp tay của Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge.”
Ông còn kể lại, lúc 4 giờ chiều ngày 3.11.1963, khi ông và Tướng Kim đến Toà Đại Sứ Mỹ, Đại Sứ Lodge ra đón từ ngoài đường và nói bằng tiếng Pháp khi hai ông vừa bước xuống xe:
“C’est formidable! C’est magnifique!”
[Thật phi thường! Thật tuyệt với!]
(Việt Nam nhân chứng, tr. 288)
Ngày 30.11.2010
Lữ Giang