Vào hôm 23.9, tại thủ đô Vilnius của Lithuania, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện tại một đài tưởng niệm những người Do thái của thành phố này đã chết trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc xã trong khu Vilnius Ghetto.
Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Estonia và Latvia, Lithuania lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Lithuania.
Vào ngày 16 tháng 6 năm 1940, quân Liên Sô tiến vào Estonia, Latvia và Lithuania. Những người Lithuania giàu có lũ lượt di tản ra nước ngoài. Những người còn lại tham gia vào nhiều phong trào kháng chiến chống quân Nga.
Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức Quốc Xã tấn công Liên Sô, tạo cơ hội cho Lithuania có một thời gian độc lập ngắn ngủi. Tuy nhiên, ngay lập tức, những khu trại tập trung để tàn sát người Do Thái được dựng lên ở rất nhiều nơi, lại có thêm sự tiếp tay của một số người Lithuania. Trước đó, Lithuania là một trong những cộng đồng người Do Thái hưng thịnh nhất tại châu Âu. Sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ 9% người Do Thái tại Lithuania còn sống sót.
Lúc 5g30 chiều, Đức Thánh Cha đến thăm Viện Bảo tàng Thời Kỳ Chiếm Đóng, tức là thời kỳ 50 năm Liên Sô cai trị Lithuania, và cuộc Chiến đấu dành Tự do.
Năm 1945, Hồng quân Liên sô chiếm lại Lithuania. Lithuania lại trở thành một nước cộng hòa xô viết.
Trong thời kỳ này, nhiều người Lithuania đã cộng tác với Đức Quốc xã bị đi đầy sang Siberia và các vùng hẻo lánh khác của Liên Sô. Đáp lại, hàng chục nghìn người Lithuania đã tham gia một tổ chức vũ trang du kích chống Liên Sô. Nhưng cuối cùng họ đã thất bại vào năm 1965.
Ít nhất 780,000 người Lithuania đã chết trong thập niên 1940, hầu hết là do tay của cộng sản Liên Sô.
Theo Vietcatholic