Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại quảng trường Tự do ở thủ đô Tallin của Estonia

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại quảng trường Tự do ở thủ đô Tallin của Estonia hôm 25.9.2018. Photo Courtesy: Reuters

Vào sáng thứ Ba 25 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế Tallinn. Sau những nghi lễ chào đón tại phi trường, Đức Thánh Cha đã viếng thăm xã giao tổng thống tại dinh tổng thống và ngài đã đọc một diễn từ trước chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Vườn Hồng của phủ tổng thống.

Sau đó, vào lúc gần 12g, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết với giới trẻ tại nhà thờ Kaarli của Tin Lành Lutheran.

Lúc 15h30, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với những người giúp vào công việc bác ái tại nhà thờ chính toà hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Lúc 16h30, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ tại quảng trường Tự Do.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong suốt lịch sử của mình, Estonia đã từng bị nhiều quốc gia láng giềng đô hộ, tiêu biểu nhất là Thụy Điển và Nga. Chỉ nói về lịch sử cận đại thì từ thế kỷ 18 Estonia bị sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, người Estonia giữ gìn được bản sắc dân tộc qua một nền văn học, âm nhạc, sân khấu mang bản sắc riêng của Estonia. Vì thế, mặc dù bị đô hộ trong nhiều thế kỷ, họ không bị đồng hóa.

Người Nga ráo riết Nga hóa vùng này cho nên người Estonia có một thái độ rất e dè đối với người láng giềng xấu bụng. Vào những năm 1890 các nhà trí thức đã kêu gọi quyền tự trị lớn hơn cho vùng đất này, và xa hơn nữa là sự độc lập hoàn toàn cho Estonia. Sau khi cộng sản lên nắm chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Estonia đã tự tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 2 năm 1918. Với sự trợ giúp của phương Tây, Estonia đã chiến thắng quân đội Liên Sô trong cuộc chiến tranh giành độc lập (1918-1920).

Với Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Sô và Quốc Xã Đức, thường được gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop 1939, cùng với Lithuania và Latvia, Estonia lại bị sáp nhập vào Liên Bang Sô Viết với tên gọi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Estonia.

Trong suốt hai năm 1939 và 1940, người Đức đã di tản kiều bào Đức ở Estonia và Latvia về nước. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1940, quân Liên Sô tiến vào Estonia, Latvia và Lithuania. Chính phủ Estonia quyết định không phản ứng lại để tránh đổ máu. Các lực lượng quân đội của Estonia được lệnh tiến hành giải giới, không chống lại Hồng quân Liên Sô. Lòng căm thù người Nga lại tăng lên một mức đáng kể nữa.

Năm 1941, Đức Quốc xã tấn công Liên Sô và sáp nhập Estonia thành một tỉnh của Đức đặt tên là Ostland. Cũng giống như tại Kiev của Ukraine, khi quân Đức tràn vào, dân chúng túa ra đường hoan hô họ như những anh hùng giải phóng.

Các trại tập trung được thành lập trên lãnh thổ Estonia với những vụ giết chóc và thảm sát đẫm máu những người Nga di dân sang Estonia. Khoảng 70,000 người Estonia đã tham gia vào các lực lượng vũ trang Đức Quốc xã bất chấp thực tế lúc đó đã gần như hiển nhiên rằng Đức đang trên bờ vực bại trận.

Đầu năm 1944, Hồng quân Liên Sô tấn công vào Estonia. Quân Đức và vô số các đơn vị Estonia sát cánh với quân Đức chống trả dữ dội và cầm chân quân Nga suốt 6 tháng tại biên giới. Tháng Ba, 1944, máy bay Nga sô bắt đầu thả bom bừa bãi vào Tallin và các thành phố khác. Đến tháng Mười Một, 1944, quân Nga tiến vào Tallin. Cuộc tắm máu kinh hoàng bắt đầu và được tiếp diễn với cảnh hàng chục ngàn người bị đầy sang Tây Bá Lợi Á. Estonia lại bị sáp nhập vào Nga.

Quảng trường Tự do này là nơi tưởng niệm các nạn nhân cộng sản.

Theo Vietcatholic