Tạp ký của Trường Kỳ: Cali đớp hít (1)

26 Tháng Tám, 2008 | Ăn uống

 

Trường Kỳ và các thân hữu tại một nhà hàng

 

Với tính khoái đớp hít nên tác giả khởi đầu “tạp ký” lẩm cẩm này bằng màn “đớp hít”. Có “đớp hít” mới có sức viết, đó là chuyện dĩ nhiên. Đến Cali mà không “đớp hít” thì kể như chưa đến Cali bao giờ. Từng thăm Disneyland, từng viếng Universal Studio, đã đến Beverley Hills ở Hollywood, đã lang thang trên phố Tàu San Francisco hay từng đi ngang qua Golden Gate cũng vẫn chưa được coi là đã tới Cali. Tất cả những thứ đó thuộc Cali của… Mỹ.

 

Cali của “Mít” chúng ta phải là vùng Little Saigon, phải là Westminster, là Santa Ana, là Garden Grove, là Orange, v.v… ở miền Nam hay cũng phải là San Jose, Fremont, Milpitas, v.v… ở miền Bắc hoặc San Diego ở cực Nam Cali, gần biên giới Mễ.

 

Ta thường gọi tắt là Cali, quen miệng nói với Mỹ thì bố bảo Mỹ cũng chẳng hiểu Cali là cái quái gì. Cũng như San Francisco được “Mít” nhà ta nói ngắn gọn là “San Fran” cho đỡ mất thì giờ. Gặp người anh em Huê Kỳ chính gốc chắc chắn sẽ phải ngẩn tò te, vì thời cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa hề nghe tới cái địa danh nào gọi là “San Fran” hay là “Cali” hết sốt cả. Chỉ có dân “Mít” nhà ta là hiểu với nhau mà thôi.

 

Về “đớp hít” ở Cali, miền Nam có vẻ trội hơn hết. Trước tiên phải nói tới Phở là món quốc hồn quốc túy, ngon không chịu được. Tác giả là người nghiền phở kinh niên. Khi còn torng tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về” đã từng ăn phở vào buổi trưa liên tiếp trong 5 năm liền, trải qua 5 đời chủ quán và trở thành người khách hàng trung kiên nhất, luôn được chủa quán dành cho cảm tình đặc biệt với lòng ưu ái vô vàn!

 

Vừa xuống phi trường Los (lại là một cách đọc tắt của Los Angeles hay là L.A.), tên bạn đã chở như bay về ngay Little Saigon cách khoảng gần một tiếng để vù ngay vào Phở 86 làm một tô xe lửa cho chắc dạ. Ăn trên máy bay Air Canada kể thì cũng được, nhưng sao cái khẩu phần nó khiêm nhượng quá sức, phải xơi đến hai lần như thế mới lửng bụng.

 

Những ngày kế tiếp vào buổi sáng, dĩ nhiên chỉ có phở và phở. Nào là Phở 54 “danh hư bất truyền”, Phở Bolsa, Phở Bắc Huỳnh, Phở Nguyễn Huệ, Phở 79 v.v… Mỗi phở một vẻ, tùy theo khẩu vị từng người. Nói theo kiểu “huề vốn” cho nó chắc ăn, chả dám so sánh ai ngon, ai dở.

 

Riêng về phở gà thì Nguyễn Huệ có thể gọi là độc đáo nhất, không những buổi sáng nào cũng đầy nghẹt người, mà giờ nào cũng tấp nập người ra kẻ vào.

 

Không chỉ chuyên trị phở gà, Nguyễn Huệ còn được coi là quán cơm Bắc thuần túy – một loại quán Bà Cả Đọi “de luxe” – được rất nhiều người ưa chuộng. Nào là canh cá thì là, thịt đông dưa chua, chả trứng đúc thịt, ốc giả ba ba, v.v… nhất là món gà luộc và dồi heo, lòng heo quả là tuyệt vời.

 

Da gà thì vàng ngậy, thịt thì dai và thơm phúc; những miếng dồi heo ôi sao mà mượt mà, mướt mát quá sức, thêm một tí ngò gai và húng quế thì… quên chết. Công Thành, Tuấn Anh, Khánh Ly, Kiều Chinh, Phương Hồng Quế, Carol Kim, Khả Tú, Tố Uyên (em gái Khánh Ly), Ngọc Hoài Phương, v.v… là những khuôn mặt quen thuộc ở đây.

 

Trở lại với Phở thì dịp sang Cali lần này có một tiệm phở mới khai trương được vài tháng. Đó là Phở Tầu Bay L.T.T. Tại sao lại có thêm chữ L.T.T. kèm theo tên tiệm phở quen thuộc này?

 

Chủ nhân cho biết đó là chữ viết tắt của tên đường Lý Thái Tổ – gần nhà thờ Bắc Hà – là nơi ra đời của Phở Tầu Bay chính gốc, nổi tiếng như cồn. Cũng có thể hiểu đó là chữ viết tắt của “Là Thứ Thiệt” cũng được.

 

Chủ nhân của Phở Tầu Bay L.T.T. tên Thế, là người con trai nuôi của bà chủ Phở Tầu Bay chính gốc, vợ anh tên Thơm là con gái của chủ tiệm Phở Tầu Thủy trước kia. Con của hai tiệm phở nổi tiếng “giao lưu” với nhau như vậy thì quả khó ai địch nổi, phở của Thế – Thơm sao mà thơm thế!

 

Nghĩa tử Phở Tầu Bay, phối hợp với trưởng nữ Phở Tầu Thủy đã có sáng kiến chế ra một “size” phở mới đặt tên là tô Mẫu Hạm. Tô Xe Lửa (cũng do Phở Tầu Bay đặt ra từ rất lâu) đã thấy khổng lồ, nhưng chẳng thấm đâu với tô Mẫu Hạm.

 

Thật ra phải gọi là một cái… thau mới đúng. Trong thời gian người viết thường hay lui tới, mới chỉ có 3 vị có khả năng thanh toán hết một tô Mẫu Hạm kể từ ngày khai trương. Để chứng minh cho sự chính gốc của mình, Phở Tầu Bay L.T.T. đã treo la liệt những hình ảnh của Phở Tầu Bay trên đường Lý Thái Tổ, đặc biệt nhất là hình bà cụ chủ tiệm đứng sau quầy thịt và bánh phở.

 

Trên bức tường phía sau là một tấm bảng lớn chần dần với hàng chữ xác nhận là chỉ có Phở Tầu Bay L.T.T. trên đường First ở Santa Ana là “chi nhánh duy nhất phở Tầu Bay tại hải ngoại” và “do con chúng tôi là Thế và Thơm phụ trách”.

 

Bà cụ chủ Phở Tầu Bay tại Việt Nam vào năm 97 bị đứt mạch máy não và bị liệt nữa người. Nhưng sau một năm điều trị nay đã bình phục được đến 80 phần trăm, tuy nhiên đã ốm bớt hẳn đi so với trước kia. Nhờ sự “xác nhận” như vậy mà có “ép phê” vô cùng, để ngày nào cũng đông nghẹt người. Giới nghệ sĩ, báo chí, quay phim, v.v… ồ ạt kéo tới rất nhiều.

 

Trong mấy ngày đầu, người viết đã gặp nào là Nam Lộc, Lý Kiến Trúc, Mai Năng Quân, Ngọc Minh, Trọng Viễn, v.v… say sưa thưởng thức nạm, gầu, vè dòn, hành trần nước béo. Thế Sơn cũng là tay khoái phở, được người viết giới thiệu đến ăn cũng lấy làm thú vị vô cùng.

 

Riêng đối với Nam Lộc và người viết, chủ quán đã quên tật nên luôn kèm theo một chén nước tiết (nước tiết có từ những miếng thịt tái khi cắt, chan nước lèo thật sôi để làm chín, quyện vào nhau thành từng khối sền sệt nóng hổi, ngon đáo để) và một chén hành tây cắt nhỏ, pha dấm để sau đó chế thêm tương ớt đỏ để ăn đệm với phở tạo nên một sự hài hòa… không đối thủ!

 

Không những vậy còn được tăng cường thêm một chén nước béo hành trần nếu không sợ bị Cholesterol nó quật. Nếu cảm thấy chưa đủ no, ta có quyền kêu thêm một tô bánh phở không, tức là một tô “không người lái” để thêm phần chắc bụng. Cuối chương trình “chơi” thêm một ly cà phê sữa đá bưng ra… trước cửa nhâm nhi điếu thuốc nơi đặt mấy cái bàn dành cho dân “hít” thì không còn gì bằng!

 

Hình như dân “Mít” ở Cali khoái ăn đồ Tây, cho nên tiệm nào có tên bằng tiếng Tây hoặc bán những món ăn giống như Tây là y như rằng đông khách. Cái bản chất lè phè của dân Tây có vẻ rất phù hợp với dân “Mít” nhà ta.

 

Ngay từ buổi sáng, tiệm “Au Croissant Doré” đã đầy nghẹt những khách, đại đa số là dân thuộc giới truyền thông như báo chí và phát thanh. Đây có thể coi như một đài phát thanh tổng hợp đủ mọi tin tức của Cali. Đài Little Saigon Radio, VNCR, Radio Bolsa, VOV, Văn Nghệ Truyền Thanh, Saigon Radio Hải Ngoại, v.v… chưa chắc đã có nhiều tin tức bằng “Radio Croissant Doré”.

 

Một tiệm khác có tên là “Coffee Factory” trên đường Brookhurst ở Westminster cũng được giới văn nghệ và báo chí chiếu cố không kém.

 

Hẹn với ông Lê Thụy của báo Người Việt ở đây để hàn huyên trong vòng một tiếng mà đã thấy rất nhiều khuôn mặt quen thuộc ra vào. Nào là Tô Kiều Phương, nào là Trọng Viễn, lại còn có cả Nguyễn Châu là giám đốc nghệ thuật của nhóm âm nhạc dân tộc Lạc Hồng.

 

Cà phê ở “Coffee Factory” thật ngon, cộng thêm món paté, thịt nguội rất Tây, cùng với “ốp-la”, “ốp-lết” và Jambon kèm theo “petit pain” đặt trong những cái giỏ bằng mây, lót khăn trắng kiểu cách. Lần đi với nhà thơ Du Tử Lê tới đây đã gặp ngay “ông thầy” Trầm Tử Thiêng đang cùng “đệ tử” là nam ca sĩ Quốc Việt đang ngồi phơi nắng và hóng gió ở một bàn đặt trước cửa. Cô chủ quán tên T.A. cùng với cô em và bà mẹ đều là người gốc Montreal, mới sang Cali làm ăn khoảng vài năm mà có vẻ phất ra phết.

 

Chẳng thế sau một thời gian, “Coffee Factory” đã mở rộng thêm bằng cách lấy luôn căn kế bên để khai thác thành một Restaurant chính hiệu với những món Tây (vịt nấu cam, bò nấu rượu, v.v…), Tầu (như xíu mại chẳng hạn) và Ta hỗn hợp.

 

Nhưng gần đây “Coffee Factory” đã gặp phải một địch thủ đáng ngại có một cái tên nửa Mỹ, nửa Tây là “Au Bon Bakery” trên đường Bolsa, hiện đang là một nơi rất “thời trang”. Thiên hạ ùn ùn kéo tới để thưởng thức bánh ngọt hoặc những món ăn kèm với bánh mì như là Tây chính cống. Sau một buổi đến thăm và phỏng vấn với Phạm Duy, khi mòi ngài đi ăn, ngài đã không lưỡng lự chọn ngay “Au Bon Bakery” và lúc ra về còn thủ theo một cái bánh ngọt!

 

Các con ngài như Duy Cường, Duy Minh, Duy Hùng cũng là nhữngk hách hàng quen thuộc với quán này mà cô chủ tên Nhung rất khéo léo trong việc phục vụ khách hàng. Chẳng thế mà “Au Bon Bakery” (thường được gọi tắt là “Au Bon” cho gọn) đã trở thành nơi tụ họp của những “dân chơi” và giới báo chí, văn nghệ ở Little Saigon.

 

Vừa cùng chủ nhiệm Kỳ Phát của báo “Trẻ” bước vào đã gặp ngay Trần Quốc Bảo và Diễm Phúc. Trần Quốc Bảo hình như bận bịu với việc đi show đây đó nên đã lơ là với tạp chí văn nghệ “Thế Giới Nghệ Sĩ” của anh là một tạp chí về nghệ sĩ rất phong phú nhưng phát hành một cách rất “trồi sụt”.

 

Gặp lần nào cũng tuyên bố là sẽ ra đều đặn, nhưng truyện đó chưa bao giờ xẩy ra. Lần này chàng tuyên bố sẽ ra thêm một tờ tuần báo văn nghệ khác, đã được quảng cáo lai rai, nhưng ngày phát hành thì chưa được rõ.

 

Còn Diễm Phúc thì từ ngày về cộng tác với Radio Bolsa đã trở nên quá bận rộn nên tạp chí “Diễm” của chĩ cũng đã rơi vào tình trạng “trồi sụt” không đều. Không những thế Diễm Phúc còn là một tay “điều hợp Viên” sáng giá nhất của gần như tất cả những buổi ra mắt CD hay những show đặc biệt của những nghệ sĩ ở Little Saigon.

 

Ra mắt, ra mũi mà không có tay Diễm Phúc thì thật là một sự thiếu sót. Vì vậy chị đa trở nên một người bạn thân thiết với giới nghệ sĩ. Một số khách hàng quen thuộc khác của “Au Bon Bakery” đã coi nơi này  như là một nơi tụ họp có tính cách gia đình, thân mật.

 

Chẳng thế mà sau giờ đóng cửa, khoảng 9 giờ tối thì phe ta kéo cửa lại, bầy đồ nhậu ra đánh chén với Remy Martin tưng bừng. Thuốc lá được dịp phì phèo như điên mà không sợ anh Mẽo nào hết ráo. Hết giờ tiếp khách, ta có quyền đóng cửa lại để trở về tình trạng “cái nhà là nhà của ta”, ta muốn làm gì thì làm, khỏi có phải ngồi ở những bàn tênh hêng trước cửa mà kéo, mà rít cho đỡ thèm.

 

Gần như ngày nào cũng có “độ nhậu” ở đây, có khi lên đến hàng chục mạng. Nhà bếp của quán đã trở nên nhà bếp gia đình của những tay chơi ngồi đấy láo đủ mọi thứ truyện trên trời dưới đất. Khách có quyền ra chợ như Vanco, Bến Thành, ABC, v.v… mua đồ tươi về, mang vô bếp chế biến tùy thích.

 

Đó là nói về sau giờ đóng cửa. Vào ban ngày thì gần như lúc nào đi ngang qua, cũng thấy từng nhóm ngồi đấu hót, tán hươu tán vượn rất nhộn nhịp. Đó là một trong những hình ảnh đặc thù của Cali mà ở Montreal không hề có.

 

Một tiệm ăn có tên Tây nổi tiếng khác đã có từ lâu là “Favori” cũng được nhiều thực khách chiếu cố. Tiệm này kin cổng cao tường chứ không “hờ hênh” như “Au Bon” hay “Coffee Factory” là nơi ta có thể ngồi nhâm nhi cà phê, cà pháo, thưởng thức bánh ngọt. “Favori” đúng nghĩa là một Restaurant với cách xếp đặt bàn ghế, với tiếp viên hướng dẫn chỗ ngồi và một không khí lịch sự, thích hợp với dân “business” hoặc cho những cặp tình nhân đang thời kỳ yêu nhau ra rít.

 

Tuy nhiên đèn đóm của tiệm này tối mù mù, lại còn gắn kính tùm lum quanh tường, khiến người mắt mũi kèm nhèm như tác giả mò mẫm khá vất vả. Lại còn “Vie De Paris” trên đường Brookhurst ở Garden Grove là một nơi cách đây khoảng hai năm còn tấp nập với chủ quán tên Danh và đầu bếp tên Dũng, chuyên trị món ăn Tây. Đây là một quán nhỏ xinh xắn với khoảng 30 chỗ ngồi cùng với vài cái bàn kê phía ngoài trên một khoảng sân nhỏ trồng hoa đủ mầu, vào buổi tối rất tình và thơ mộng.

 

Giờ đây sau một thời gian ngắn đóng cửa, “Vie De Paris” đã đổi chủ (chị của chủ cũ) đã tái khai trương nhưng chẳng biết làm sao trở nên lặng lờ quá sức. Đầu bếp Dũng đang cố gắng kêu gọi nhưng khách hàng quen thuộc trước kia trở về đóng đô như hồi cực thịnh để anh có dịp tiếp tục trổ tài nấu nướng như Tây.

 

Anh em kể lại cho biết rằng cách đây không lâu có một vị thuộc diện HO băng ngang qua đường Brookhurst, ngay trước cửa tiệm, đã bị xe hơi cán thiệt mạng. Do đó sự xui xẻo đã đến với “Vie De Paris” chăng? Nhiều người cho rằng chủ quán nên lập miếu thờ là sẽ được đâu vào đó ngay…

 

(TVTS 645 – 5.8.1998)