Tản mạn về rượu vang: ĐÔI LỜI “KHAI VỊ” (bài 1)

05 Tháng Hai, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 * * *

 

Tuần rồi, chắc bạn đọc đã nghe qua tin một vị nghị sĩ Tự do của Tiểu bang Victoria lái xe húc vào 3 chiếc xe đậu gần bờ biển Port Melbourne, gây thiệt hại có thể lên tới $100,000.  Ông Andrew Olexander, 39 tuổi, với nồng độ rượu cao gấp ba luật định, đã phải tuyên bố rút khỏi chức vụ đối lập về Thanh niên Sự vụ và công khai xin lỗi dân chúng về hành động “quá ngu ngốc” của ông, nhưng không biết rồi đây đảng có cho ông tiếp tục ra ứng cử và cử tri đơn vị Silvan có tiếp tục bỏ phiếu cho ông không?

 

Cách đây một tháng, bà dân biểu Lao động Carolyn Hirsh cũng đã phải từ chức chủ tịch Ủy ban Phòng ngừa Tội phạm và Ma túy khi bị chặn xe thử, nồng độ rượu của bà đã lên tới .07 cũng vì cái sự  “ngu ngốc” đã uống rượu mà còn lái xe!

Và còn nhiều vị dân cử bị mất chức, mất bằng lái xe,  kê ra không hết. Các vị bị chê trách làm gương xấu dù đã từng lên lớp, chỉ dạy cho kẻ khác nhưng chính họ lại phạm phải lỗi lầm đó.

 

Nói vậy để thấy rằng chuyện uống rượu lái xe có lẽ là chuyện khá thường tình của hầu hết những người thích rượu, từ các vị tai to mặt lớn đến dân ngu khu đen, dù ai cũng biết rằng “if you drink and drive, you’re bloody idiot”!  Khác nhau chăng, có thể ở mức  nồng độ rượu và có xui xẻo bị thổi hay không.  Vì thế, Thụy Văn tôi luôn cố gắng mang theo bà xã bên cạnh khi đi tiệc tùng để còn nhờ lái xe về, vì trong một bữa tiệc kéo dài, khó mà uống dưới nửa chai, nếu rượu ngon…

 

Đã là đàn bà, ai chẳng thích kim cương? Có một chiếc nhẫn chừng một cà-rá trở lên đeo trong tay thì sẽ sung sướng và thú vị dường nào. Bà ta sẽ cho viên kim cương tiếp cận với ánh sáng hay ngọn đèn điện để hột xoàn lóng lánh chiếu những tia sáng màu xanh, vàng, trắng, nhưng tuyệt vời nhất vẫn là màu tím. Nước càng tốt, độ trong càng cao thì ánh sáng tỏa ra càng rực rỡ. Câu nói “lấy vàng thử đàn bà”  cần được sửa lại là lấy kim cương thử đàn bà vì sự thật vào thời đại này vàng không còn hấp dẫn đối với phái đẹp.

 

Đàn ông cũng có một số ít người  thích mang hột xoàn. Nhưng chắc một điều, đa số các ông đều thích bia rượu, thích có một tủ rượu hay một hầm rượu.  Cho Thụy Văn tôi ví von  một cú: đàn ông mê rượu (vang) như đàn bà mê kim cương vậy!

 

Gần đây, đã rộ lên phong trào uống rượu vang, nói về rượu vang. Nhiều độc giả gởi thư, gọi điện thoại đề nghị báo Tivi Tuần-san viết thêm bài về rượu hay cho đăng lại những bài cũ của các cây bút Thụy Văn hay Lão Ngoan Đồng.  Tivi Tuần-san không chủ trương lấy bài cũ đăng lại nên Thụy Văn tôi nối tiếp đề tài này với mục “Tản mạn về rượu vang”. Viết được đến đâu hay đến đó.

 

Khi nói đa số đàn ông thích uống rượu là muốn nhấn mạnh đến  đàn ông Mít tộc. Chứ đàn bà Úc uống rượu cũng như đàn ông Úc, bởi vậy mới có chuyện một bà dân biểu Lao động mất cái “dóp” thơm và bổng lộc liên hệ.  Phụ nữ Mít ở Úc cũng đã bắt đầu  thưởng thức rượu vang nhờ các ông chồng khuyến khích.

 

Uống rượu điều độ không những giúp tránh một số bệnh hoạn, sống thọ mà còn làm cho yêu đời. Khi rượu vào,  con người trở nên vui vẻ, cởi mở hơn. Có một chai rượu ngon để chia sẻ với bạn bè là một cái thú trong cuộc sống. Uống một mình với thức ăn ngon, lại hợp với loại rượu chọn lọc, là tận hưởng được nửa phần của một trong tứ khoái.

 

Kiểu cách: ly uống rượu và bình dựng và gạn cặn (decanter) bằng pha lê

 

Ngày trước, Thụy Văn tôi và hầu hết bạn bè, bạn nhậu chỉ biết rượu là Cognac, Whisky, những thứ rượu mạnh mà người Việt mình thích do ảnh hưởng của Pháp và Mỹ. Qua Úc trong thập niên đầu, khi muốn thết đãi bạn bè thì tệ lắm cũng phải từ Napoléon (tôi nhớ thời đó $17) là một loại brandy khá mạnh, bị một số người chê vì uống vào, sáng hôm sau còn nhức đầu. Khá hơn thì chơi Hennessy, Courvoisier, loại  VO (Very Old) là những thứ cognac của Pháp. Xịn hơn một chút  thì  đãi Martell Cordon Bleu loại VSOP (Very Superior Old Pale).

 

Đến đầu thập niên 1990, với đời sống ổn định, có nhà có cửa, có đồng dư đồng để dành, dân uống rượu Mít tộc bắt đầu chơi rượu Tây với nhãn hiệu XO (Extra Old). Bất cứ chai rượu nào được chủ nhà mang ra bàn tiệc có hai chữ XO đều được khách tán thưởng và khen là chủ nhà chịu chơi.  Rượu XO là loại rượu mạnh hảo hạng, được cất trong thùng gỗ có thể đến ba bốn chục năm trước khi  vào chai để bán trên thị trường (do đó người ta không  cất trữ các chai rượu cognac như rượu vang). 

 

Chai cognac XO rẻ nhất cũng phải trên $100 úc kim. Từ $160 trở lên là những chai “thơm hơn da thịt người yêu”. Trên $400, uống cả chai sáng dậy, cái đầu vẫn êm ru. Và ngoài tiệm thấy có những chai cognac trên $1,000 nhưng Thụy Văn tôi không biết mùi vị  nó ra sao, có thơm hơn da thịt của vợ ông vua Louis nọ không?

 

Nhưng qua đầu thập kỷ 2000, dân nhậu Mít tộc đã từng bước giã từ cognac. Dân chơi chỉ còn uống tráng miệng chút đỉnh sau bữa cơm hoặc những đêm khuya thơ thẩn một mình trước giờ ngủ. Nhiều chai cognac trong đó có loại thượng hảo hạng XO bị bám đầy bụi trên các kệ rượu của những tay sành và mê rượu.

 

Bây chừ đi đâu cũng nghe bàn về rượu vang. Nhập gia tùy tục, đi dự tiệc mang theo chai rượu vang góp phần với chủ nhà được coi là lịch thiệp, điệu nghệ như  Tây. Và trong bữa tiệc không thể không bàn, khen chê một loại rượu vang nào đó.

 

Khen rượu Úc  là đúng thôi, vì Úc ngày nay đã có thể sánh hàng với những nước làm rượu nổi tiếng khác như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và trong nhiều trường hợp, có những loại rượu vang ăn đứt mấy nước vừa nói. Nhưng nếu có ai nói  rượu Penfolds mới là loại rượu ngon thì chẳng khác nào cho rằng đi xe Toyota mới là xe xịn. Nhưng xe Corolla khác với xe Lexus mặc dù cả hai đều do hãng Toyota chế tạo.  Cũng vậy, Penfolds chỉ là tên của một nhà làm rượu ở Nam Úc có những nhãn hiệu rẻ tiền như Rawson’s Retreat vài đô một chai  và nhãn thượng hảo hạng Grange từ $400 trở lên.

 

Khen rượu Úc đã đành, nhưng nếu người trong bàn tiệc vui miệng mà chê luôn cả rượu Pháp, quê hương của nơi làm rượu nổi tiếng nhất thế giới từ nhiều thế kỷ qua và hiện vẫn là nơi làm rượu ngon nhất thế giới, thì cũng quá đáng. 

 

Cũng như làng rượu Úc, rượu của Pháp cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau. Loại thấp nhất ông Tây gọi là vin de table (tiếng Anh gọi table wine) là rượu vang thông dụng với giá rẻ từ vài đô trở lên. Loại cao cấp thường được ghi  thêm ba chữ tắt AOC (Appellation d’ Origine Contrôlée) tức là loại rượu có kiểm tra tận gốc, như người ta gắn thêm tên bằng cấp sau tên họ của mình nếu có bằng cử nhân trở lên.

 

Loại rượu thượng hảo hạng của Pháp là loại rượu được sản xuất trong một vùng được quy định riêng, tiếng tây gọi là VQPRD (Vins de Qualité Produits dans une Région Determinée). Những loại rượu thượng hảo hạng này có ghi những chữ như Clos, Château, Cru.  Bạn thử ra ngoài các tiệm rượu Úc như Dan Murphy xem các kệ trưng bày rượu Pháp sẽ thấy các chai với nhãn hiệu Château (như Château Margaux) trung bình vài trăm và khá nhiều chai  trên $1,000 trong khi rượu số 1 của Úc là Grange trung bình chỉ từ $350 đến $800.

 

Vì tinh thần ái quốc, vì túi tiền  ta có thể cho rượu Úc là ngon nhất, rẻ nhất nhưng cũng nên biết rằng cha đẻ ra loại rượu Grange là ông Max Schubert đã phải qua Pháp học cách làm rượu sao cho ngon mới cho ra đời đứa con đầu lòng Grange 1951 cách nay hơn nửa thế kỷ. Muốn cho rượu ngon còn phải cất trong các thùng gỗ sồi, và phải là gỗ sồi Pháp, hoặc gỗ sồi Mỹ (American oak).

 

Nước Pháp vẫn luôn luôn hãnh diện về rượu vang của họ. Chưa nước nào qua mặt ông Tây về loại rượu vang thượng hảo hạng. Và có thể sẽ không bao giờ. Rượu vang (do đọc trại từ chữ vin của tiếng Tây, còn  được gọi là rượu chát hay rượu nho) là một món quà mà ông trời ban cho con người, không biết đã xuất hiện trên trái đất này từ bao giờ?

 

Chỉ biết rằng, ngày xưa trong hành trình 40 năm từ Ai Cập trở về miền đất hứa, dân Do Thái đã được Đức Gia-vê của họ cho “bánh ma-na” từ trời rơi xuống hằng ngày, cứ việc mỗi sáng ngủ dậy ra ngoài lượm. Nghe nói với bánh này,  ăn vào tưởng tượng hay muốn ngửi mùi gì thì ra mùi đó.

 

Cách đây khá lâu, khi viết về rượu vang, Thụy Văn tôi đã gọi  rượu vang là một thứ ma-na của thời nay. Cầm một chai rượu vang rót vào ly, nhất là rượu vang đỏ, ta có thể thưởng thức bằng cả 5 giác quan: thị giác, khứu giác, vị giác và cả thính giác cùng xúc giác nữa. Rứa mới lạ.

 

Với vị giác thì thiên hình vạn trạng. Phải uống mới thưởng thức được. Bạn không cần phải uống những chai Grange của Úc hay những chai có nhãn Château của Tây. Vẫn biết rằng rượu đắt tiền thì ngon, nhưng ta có thể thưởng thức rượu rẻ tiền, và từ đó lần mò đi lên nhờ biết “dành dụm” hay “đầu tư”.

 

Thụy Văn tôi nghĩ từ $10 là có thể uống được. Từ  $20 làm cho bữa ăn thêm ngon. Từ $30 là có thể rung đùi thưởng thức. Từ  $50 là tuyệt cú mèo, có thể mời bạn thân để chia sẻ một tuyệt tác phẩm của con người. Đó là Thụy Văn tôi nói với giá cả mà bạn đi mua lúc các tiệm như  Dan Murphy bán đại hạ giá, vì khoảng cách giữa một cửa hàng bán đại hạ giá và các tiệm rượu lẻ,  sự sai biệt giá cả có thể từ 30% đến 45% hoặc hơn nữa.

 

Và nếu cách đây khoảng 5 năm khi Thụy Văn tôi viết về rượu, có nói đến những loại rượu rẻ tiền và ngon, đồng thời có thể cất giữ (cellaring) trung hạn (medium term) như rượu Cabernet Sauvignon của nhà làm rượu Wynns Coonawarra Estate ở Nam Úc mà bạn chịu mua vài két  cất giữ đến hôm nay thì bạn sẽ có rượu ngon tuyệt với giá mua rất rẻ. Chai rượu Wynns Coonwarra Cabernet Sauvignon 1996 lúc đó được bán với giá $17 một chai.  Năm 1996 nói chung là năm có mùa nho tốt, chai Wynns Coonawarra Cabernet Sauvignon 1996 được chuyên gia phê bình rượu Jeremy Oliver cho 18.1 điểm (trên 20), liệt vào hạng Top Silver Medal. Chai này có thể cất trữ trong hầm thêm từ năm 2004 đến 2008 để rượu già và tăng thêm hương vị.  Mua chai đời 1996 lúc này có thể phải trả đến $60 nếu còn bán trên thị trường. Vậy là bạn đã lời được 250% trong vòng 5 năm, cao hơn đầu tư vào địa ốc hay chứng khoán. Có loại đầu tư nào cho return thơm  như thế?

 

Cùng tên nhà làm rượu nhưng khác giá: Wynns Coonwarra Cabernet Sauvignon (trái) và Wynns Coonawarra John Riddoch Cabernet Sauvigon (chai sau đắt gấp đôi hay gấp ba)

Chai rượu  Wynns Coonawarra Cabernet Sauvignon 2001 vài tuần trước đây (lưu ý: chúng ta đang ơ năm 2004 nhưng  nhà làm rượu mới bắt đầu bán rượu  mùa nho năm 2001) được Dan Murphy quảng cáo bán hạ giá trên báo Herald Sun và The Age với giá khoảng $19.50. 

 

Nếu là người có đầu óc tính xa, bạn nên dành dụm vài két, đợi vài năm sau từ từ mỗi tháng thử một chai để coi rượu cất lâu ngon như thế nào qua giòng thời gian.  Hoặc đợi 5 năm sau, khi chai rượu $19.50 của bạn lên tới $60, $70  hãy cùng bạn bè lai rai thưởng thức. Đó là một trong những cái thú của người chơi rượu vang.

 

Nhưng bạn đọc cũng nên lưu ý những điều Thụy Văn tôi viết ra là nhận xét của bản thân, rất có thể sai. Sự chọn lựa là trách nhiệm của bạn vì trang “Tản mạn về rượu vang”  là trang nói lung tung lang tang về một vấn đề không ngoài mục đích mua vui cho bạn đọc sau những giờ làm việc mệt nhọc. Mời bạn chuẩn bị vào… “main courses” trong các số báo kế tiếp.