![]() |
“Một vài vụ hôi của khi xảy ra tai nạn ở Việt Nam, không thể nói luôn Việt Nam là đất nước của ăn cắp và hôi của. Dứt khoát như thế” – nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Hỉnh và chú thích: GDVN |
LGT: Tuần qua một bức tâm thư có tựa “Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” được cho là của một du học sinh Nhật Bản đăng trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đã gây nhiều phản hồi từ vài nhà trí thức Việt Nam và bạn đọc của báo đó. TVTS cho đăng nguyên văn để rộng đường dư luận.
“Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan
Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.
Tôi có một nước Nhật để tự hào
Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.
Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.
Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.
Bạn cũng có một nước Việt để tự hào
Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.
Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.
Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mun, lọc lừa.
Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?
Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?
Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?”.
Coi thường người Việt – du học sinh Nhật đang mất cội nguồn
(GDVN) – Tác giả khinh bỉ những người Việt Nam chỉ sạch trong nhà và bẩn ngoài phố. Tại Việt Nam, tác giả có sẵn sàng cầm chổi đi quét ở bên ngoài nhà hay không?
Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia châu Á có những nét gắn kết rất đặc biệt. Cụ Phan Bội Châu đã có thời gian hoạt động tại Nhật Bản. Chúng ta còn nhớ Giáo sư Lương Định Của có người vợ Nhật Bản đã theo chồng về Việt Nam trong thời kỳ gian khó.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều binh sỹ Nhật đã sát cánh cùng Việt Minh. Những năm gần đây, Nhật Bản luôn luôn là quốc gia viện trợ và giúp vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam.
Trong cuộc sống hàng ngày các chuyên gia Nhật Bản hay những người dân Nhật Bản luôn luôn hiện diện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
Đối với dân tộc Việt Nam, người dân Nhật luôn luôn có những thiện chí và tình cảm đặc biệt.
![]() |
Sen Việt. Hình minh họa: GDVN |
Cách đây vài ngày có bài báo tác giả tự nhận là người Nhật sống tại Việt Nam và có những nhận xét không tốt về văn hóa Việt Nam.
Cá nhân cũng như bất kỳ một quốc gia nào cũng có những điểm yêu và ghét. Người dân Nhật Bản cũng chẳng vì những hạt sạn trong hành xử của người dân Việt Nam để ghét toàn bộ dân tộc chúng ta.
Mỗi xã hội đều có những thành phần cần được chấn chỉnh và hoàn thiện. Quan trọng nhất là hai dân tộc cùng có những điểm tốt từ lịch sử chung để phát triển về tương lai.
Tác giả khinh bỉ những người Việt Nam chỉ sạch trong nhà và bẩn ngoài phố. Tại Việt Nam, tác giả có sẵn sàng cầm chổi đi quét ở bên ngoài nhà hay không.
Tại sao không thắc mắc có những người Nhật rất yêu Việt Nam và tới để giúp đất nước Việt Nam trở nên đẹp đẽ và hoàn thiện hơn.
Lòng thương người và tinh thần cộng đồng là những giá trị nhân bản cốt lõi nhất tạo ra văn hóa nước Nhật tác giả đang thụ hưởng.
Khi các bạn bè Nhật Bản đọc những suy nghĩ của bạn thì thái độ sẽ không vui khi thấy tác giả đang đánh mất đi cái cội nguồn của một con người – lòng thương người.
Tác giả thắc mắc vì 4000 năm văn hiến không được thể hiện trong văn hóa đối xử giữa người Việt Nam lẫn nhau. Chúng tôi cũng thấy và nhiều người khác cũng thấy.
Câu hỏi kế tiếp ở đây không nên nhắc lại những gì mọi người đã biết, đã nói mà quan trọng là tác giả hành xử như thế nào. Đất nước Việt Nam rất cần những người khách tới và mang lại những điều tốt đẹp cho chúng tôi.
Tác giả cũng viết rất nhiều những thói xấu của người Việt Nam. Điều đó đúng và chúng tôi không thỏa hiệp với những thói xấu đó.
Những hiện tượng mà tác giả nói đến thường xảy ra chứ không phải xảy ra liên tục. Bản thân chúng tôi cũng đang đấu tranh và hướng tới những điều tốt đẹp như bản thân nhân dân Nhật Bản đã làm và duy trì trong cuộc sống.
Trong bài viết, tác giả có đề cập tới rất nhiều chữ nhất liên quan tới Nhật Bản. Đúng như vậy nhưng không một quốc gia nào chỉ có toàn chữ Nhất.
Những hiện tượng trong lòng Nhật Bản như kinh tế đang thiểu phát, sức sáng tạo của các tập đoàn Nhật Bảng đang dần bị mất đi, sức ép khủng khiếp lên vai những người lao động Nhật.
Những cái đấy người Việt Nam chúng tôi biết rất rõ vì thế giới là phẳng. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ phê phán chỉ trích một ai vì chúng tôi hiểu không ai lại muốn những vấn đề và nỗi khổ xảy ra với chính mình.
Cũng như thế, tôi tin rằng nhân dân Việt Nam cũng chẳng vì một thiểu số ít ỏi như bạn dẫn tới ác cảm với người Nhật Bản vì chúng tôi hiểu rằng nhân dân Nhật Bản luôn yêu quý và giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
Điểm “mù” trong y khoa là điểm mà mắt chúng ta không nhìn thấy được do cấu tạo của mắt. Điểm “mù” tồn tại khách quan với chúng ta.
Rất ngạc nhiên tới năm 1668 mới phát hiện ra điểm mù (1) trong thị giác. Tất cả con người đều có những “điểm mù” cố hữu nhưng nếu chúng ta hiểu nó và chấp nhận nó thì cuộc sống vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp đang chờ đón bạn. “Mù” hay không “Mù” chỉ khác chúng ta đứng ở góc độ như thế nào và nhìn vào cái gì. Cuộc sống vẫn tốt đẹp bất chấp những suy nghĩ hằn học và thiếu thiện cảm của một cá nhân.
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
Phản hồi của bạn đọc
Théo
27/03/14 09:21 27
Người Nhật này nói sự thật ! Không sai , hãy tự xét mình trước đi! Vụ người Việt qua lao động ăn cắp trong siêu thị nhật rồi bán lại cho người việt định cư bên đó sang lại cho tiếp viên Việt Nam Airlines đem về tiêu thụ tại Việt Nam đủ nói hết rồi!
Trần Thị
27/03/14 09:21 31
Nên lắng nghe những gì người khác nhận xét về mình. Đừng hỏi câu tại sao tác giả không xách chổi đi quét đường. Không quét nhưng không làm dơ bẩn cũng là tốt rồi. Cốt lõi là ý thức sản sinh ra hành động. Người xấu mãi là người không tự giác, không học hỏi, không sửa sai và có 2 cái đồng hành là tự mãn và tự ái.
Việt nam
27/03/14 09:21 25
Người ta nói đúng đấy đừng bảo thủ nữa tác giả ạ. Người Nhật nói riêng và người nước ngoài đến Việt Nam đều nói ra điều đó. Họ vạch những cái xấu ra để cho mình sửa và để cho nước mình giàu mạnh và văn… minh hơn chứ ko phải họ nói cho mình bào chữa những cái sai của mình chính người dân Việt Nam! Cũng tự nhận ra giờ xã hội của mình thế nào, ý thức ra sao thì ai cũng có mắt và tai để biết được những chuyện đó.
vankhoa
27/03/14 09:15 24
Tác giả bài viết quá tự ái dân tộc rồi, chả lẽ kinh tế thiểu phát, sức sáng tạo lại liên quan tới phẩm chất đạo đức và sự vô ý thức trong cuộc sống thường nhật để đem ra so sánh ưu nhược điểm? Sao lại đem tình trạng tham nhũng, sự vô ý thức của người dân, tình trạng ăn cắp vặt tầm quốc tế… với sức sáng tạo của người Nhật vậy? Các nhà phân tích đã lý giải rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới trì trệ kinh tế và kém đi sự sáng tạo của người Nhật vì dân tộc này đang ngày càng già đi, tỉ lệ sinh giảm mạnh, đây là nước có tốc độ già hoá dân số cao nhất thế giới, trong khi VN làm được gì khi là dân tộc trẻ thuộc vào loại hàng đầu?
loi nguyen
27/03/14 09:15 37
Đúng là người Việt Nam, không bao giờ tự nhận mình yếu kém, chỉ toàn là biện hộ cho những yếu kém của mình. “Tại Việt Nam, tác giả có sẵn sàng cầm chổi đi quét ở bên ngoài nhà hay không” => vẫn là cái… suy nghĩ CÓ GIỎI THÌ LÀM ĐI (và đã có người Nhật làm điều này), ý người ta là dân VN hay xả rác nơi cộng cộng đó.
Coi thường người Việt, 4 năm ở Việt Nam, du học sinh Nhật đã thất bại
(GDVN) – “Sau 4 năm ở Việt Nam mà bạn chỉ nhìn ra được những điều xấu ấy thì tôi cũng cho là bạn thất bại, chí ít về mặt nhân văn…”.
Liên quan đến bài viết về văn hóa con người Việt Nam gây xôn xao dư luận của một bạn du học sinh Nhật, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra quan điểm đáng chú ý.
Tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc chia sẻ của nhà văn.
![]() |
“Việt Nam – đó là quốc gia của chúng tôi, chúng tôi tự hào, chúng tôi xây dựng, chúng tôi bảo vệ, chúng tôi gìn giữ bằng ý chí, lòng tự trọng, sự nỗ lực vô tận và đấu tranh kiên nhẫn, bền bỉ cho một xã hội tốt đẹp hơn” – Nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Hình và chú thích: GDVN
|
“Mấy hôm nay, người ta chú ý nhiều về một bức tâm thư được cho là một sinh viên Nhật, từng ở Việt Nam 4 năm và viết về những cái xấu của người Việt Nam. Trong tất cả những điều bạn ấy viết, bạn ấy chê đúng chứ không sai:
Nào là chúng ta cứ mê mải với “rừng vàng biển bạc”, mê mải “4000 năm truyền thống”, mà ra đường gặp người chửi nhau, thóa mạ, vứt rác, ăn cắp vặt, tham nhũng, hối lộ…đủ hết.
Một số câu đáng chú ý trong bài viết của bạn này: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày”.
“Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư…”.
“Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình”…
Tôi tiếp cận bài viết, đọc rất kỹ và nhiều lần, nhưng không dẫn lên facebook và không bình luận. Dù có bạn kêu lên sau khi đọc, đúng quá, xấu hổ quá.
Cảm giác ấy cũng đúng luôn. Nhưng tôi muốn nói với bạn người Nhật (nếu thật) và mọi người thế này:
Không ai chọn nơi để sinh ra, tôi là người Việt, bất luận thế nào, tôi phải là người yêu nước mình, tự hào về dân tộc mình, kính trọng nhân dân và lịch sử, văn hóa nước mình.
Trong mọi thứ lổn nhổn của một đất nước, thói hư tật xấu, văn hóa xuống cấp, đạo đức tha hóa, quyền lực lũng đoạn… hầu như ở quốc gia nào cũng có, cũng đang báo động, vấn đề là cấp độ…Việt Nam không nằm ngoài điều báo động đó và cả Nhật Bản, bạn thân mến, cũng không thể nằm ngoài điều báo động đó.
Nếu chỉ nhăm nhăm kể xấu từng nước, thì xin lỗi, tôi biết Nhật Bản phát triển rất rực rỡ, nhưng cho tôi kể xấu, tôi cũng kể nhiều như bạn kể xấu về Việt Nam vậy.
Ví dụ bạn dẫn chứng một vụ việc mới nhất là vụ doanh nghiệp Nhật hối lộ quan chức Việt, thì đúng rồi, quan chức Việt nếu nhận hối lộ thì quá xấu, phải trừng trị, nhưng liệu công ty Nhật vốn có truyền thống làm ăn minh bạch và rõ ràng. Tại sao lại phải hối lộ? Tôi không đưa ra để đôi co, bởi vì không một quốc gia nào không có những tính xấu, thậm chí cực xấu, nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia đó xấu.
Mỗi quốc gia đang tồn tại dù giàu nghèo khác nhau, văn minh khác nhau, cao thấp khác nhau, lịch sử và văn hóa khác nhau, nhưng cho đến hôm nay, sự tồn tại chính danh của từng quốc gia chứng tỏ lòng tự trọng cao cả của chính quốc gia đó.
Nhờ vào lòng tự trọng, từng quốc gia độc lập về lãnh thổ, về văn hóa, về chính trị, dù đôi khi không phải sự độc lập nào cũng toàn bích. Nhưng chí ít, dù quốc gia tồi tệ nhất thì họ cũng đang đứng vững bởi cái tên mình, cùng nhân dân mình, lịch sử nước mình và văn hóa nước mình.
Thói xấu thì phải lên án, phải vạch mặt, dù là thói xấu của dân thường hay của chính khách, dù đạo đức tệ hại của dân thường hay của chính khách, đã xấu thì phải trừng trị, loại bỏ. Quốc gia nào cũng thế. Chỉ ra thói xấu, sự trì trệ hay sự ngạo mạn, sự tha hóa là rất cần thiết, nhưng điều đó nó không thể đại diện của hai tiếng Quốc gia.
Một số công ty Nhật đi hối lộ ở các nước trên thế giới để trúng thầu, không thể nói nước Nhật là một quốc gia hối lộ. Một vài vụ hôi của khi xảy ra tai nạn ở Việt Nam, không thể nói luôn Việt Nam là đất nước của ăn cắp và hôi của. Dứt khoát như thế.
Cám ơn bạn đã chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt để mọi người cùng ngẫm, cùng cố gắng hoàn thiện. Nhưng sự hoàn thiện theo từng vai trò của mình vì lòng tự trọng của quốc gia mình, chính khách điều chỉnh theo cách của chính khách, người dân tự điều chỉnh hành vi sống theo cách của từng công dân, bằng sự giao tiếp. Bằng quá trình hội nhập, cuộc sống là cuộc vận động và sàng lọc, hy vọng cái tốt sẽ khỏe lên, mạnh lên để lấn át đi những thói hư tật xấu.
Sau 4 năm ở Việt Nam mà bạn chỉ nhìn ra được những điều xấu ấy thì tôi cũng cho là bạn thất bại, chí ít về mặt nhân văn. Chúng tôi còn biết rõ hơn, thấm hơn, đau hơn nhiều lần điều bạn đang thấy và đang viết ra nhưng chúng tôi không vì thế mà giảm đi trong lòng tình yêu Tổ Quốc mình.
Vì chúng tôi, người Việt, chắc chắn là hiểu hơn bạn ngàn lần những lý do sâu thẳm. Chất chứa vì sao còn xảy ra những điểm khiếm khuyết đó, và dù không ngụy biện, thì không thể không nói tới sự suy kiệt toàn diện của một quốc gia mòn mỏi trong nửa thế kỷ bị nhiều cuộc chiến tranh chà đi xát lại.
Chúng tôi không khoan nhượng với sự trì trệ, với cái ác, với thói hư tật xấu, không thỏa hiệp với lạc hậu và những hành vi kém văn minh, luôn mong ước cho đất nước hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, khỏe hơn, nhưng cũng không vì những tồn tại. Trong đó có những cái xấu như bạn viết, mà chúng tôi nhạt nhòa đi tình yêu nước mình, kém đi sự tự hào về lịch sử và văn hóa của quốc gia mình.
Việt Nam – đó là quốc gia của chúng tôi, chúng tôi tự hào, chúng tôi xây dựng, chúng tôi bảo vệ, chúng tôi gìn giữ bằng ý chí, lòng tự trọng, sự nỗ lực vô tận và đấu tranh kiên nhẫn, bền bỉ cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Chúng tôi sẵn sàng, dù rất cay đắng để nghe những nhận xét về hành vi của một người, nhóm người xấu, về một chính sách sai, về một hành động trái đạo lý.
Nhưng không ai có quyền xúc phạm đến hai chữ Việt Nam”.
Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 ở Quảng Bình, là nhà văn, nhà biên kịch (điện ảnh, truyền hình, sân khấu), đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật. Các tiểu thuyết trước đây của ông: Người và dã thú, Dòng sông vàng, Người thất bại trở về, Phía Mặt trời lặn, Đêm thức.
Ông cũng là biên kịch của Chuyện tình bên dòng sông, bộ phim do Lê Khanh đóng vai chính (giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 10 năm 1993).
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Là người Việt, mẹ sẽ không dạy con…
(GDVN) – Hình ảnh về “người Việt hiện đại xấu xí” quá thật, quá đắng qua góc nhìn của một sinh viên Nhật và du học sinh Việt Nam đang khiến cộng đồng rung động.
Mẹ cho con hình hài, nhưng đất nước cho con nguồn cội. Giờ đây, khi hình ảnh đất nước mình không còn đẹp đẽ trong mắt bạn bè thế giới, mẹ bỗng chạnh lòng: Phải làm gì đây để các con tự hào là người Việt Nam. Phải làm gì đây để con là một người Việt Nam đáng tự hào?
![]() |
Mẹ sẽ không dạy con: Bạn đó xấu chưa kìa… Hình minh họa: GDVN |
– Mẹ sẽ không dạy con: Việt Nam có rừng vàng, biển bạc
Thay vào đó, mẹ dạy con, đất nước mình vốn rất đẹp nhưng đang ngày càng bị ô nhiễm, ngày càng nhiều các loại động vật bị tuyệt chủng. Mẹ chỉ cho con xem những con sông đã cạn nước, những đám bụi mờ ảo bao phủ thành phố, những bãi rác khổng lồ ngày càng to hơn… Mẹ cũng sẽ dạy con lựa chọn những món đồ ít để lại rác, dạy con giữ sạch mọi nơi con tới, dạy con tiết kiệm từng giọt nước nhỏ…
– Mẹ sẽ không dạy con: Bạn đó xấu chưa kìa…
Thay vào đó, mẹ dạy con, mỗi người bạn đều có nhiều điểm tốt. Dạy con biết sống sao cho tự tin và tự trọng, để biết yêu quý mình và yêu quý mọi người xung quanh. Dạy con tự hào về nòi giống, dạy con ngưỡng mộ những người tài năng. Dạy con cách đưa ra quan điểm riêng nhưng tôn trọng ý kiến của người khác.
Mỗi người Việt Nam là một phần của đất nước Việt Nam, chỉ có cùng nhau tốt, đất nước của mình mới tốt đẹp hơn…
– Mẹ sẽ không dạy con: Đánh chừa cái đất…
Thay vào đó, mẹ dạy con, bước chân con phải vững vàng, ánh mắt con phải tinh anh, và tâm trí con phải tập trung. Nếu có vấp ngã, hãy tự đứng dậy và mỉm cười vì con sắp bước vững hơn. Mẹ dạy con tinh thần vượt khó, nhưng mẹ cũng dạy con việc dám chịu trách nhiệm. Vững vàng với chính mình, thì chẳng thể hoàn cảnh nào xô đẩy được con.
– Mẹ sẽ không dạy con: Tiền là tiên, là phật…
Thay vào đó, mẹ dạy con về giá trị của đồng tiền ngay từ thưở bé, 10.000 đồng là giá của hai cái kẹo, là công 1 giờ con giúp mẹ dọn nhà, là đủ một suất cơm ngon lành cho các bạn nghèo khó. Con có thể làm ra giá trị đồng tiền, nhưng đồng tiền không làm ra giá trị của con. Tiền không mua được tình yêu của mẹ, tiền không trả được những kỷ niệm ấu thơ của con…
– Mẹ sẽ không dạy con: Người Việt Nam rất xấu
Thay vào đó, mẹ nói với con: Người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, Người Việt Nam yêu nước, trân trọng giá trị truyền thống, Người Việt Nam đã từng khiến cả thế giới phải nể phục. Và mẹ cũng nói với con, muốn trở thành người Việt Nam tốt đẹp thì luôn phải nỗ lực và cố gắng, không thể dựa vào quá khứ oai hùng. Hãy tự hào về quá khứ, nhưng đừng quên tạo ra quá khứ đáng tự hào. Những bậc tổ tiên đã quên mình vì nghĩa lớn, để Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Vậy thì há gì những việc nhỏ mẹ con mình không làm, để giữ cho chữ “Việt Nam” rạng ngời?
Và con ạ, có những thời điểm, như lúc này đây, chúng ta cảm thấy hổ thẹn khi bị bạn bè quốc tế chê cười vì những thói xấu. Hãy coi đó là một cú hích, để người Việt Nam trở về đúng những giá trị tốt đẹp từng tồn tại qua biết bao thế hệ.
M.N