Lê Hiếu Đằng: “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…”

 

 

Luật gia Lê Hiếu Đằng. Hình: RFI/Capdevielle

 

LTS: Trong những ngày gần đây, bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” của ông Lê Hiếu Đằng –một người lớn lên ở Miền Nam nhưng theo Việt Cộng và nay đã “phản tỉnh”—đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng không thiếu sự chê bai. Bài sau đây được trích đăng từ mạng boxitvn.net, để rộng đường dư luận.

 

Sau hơn 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng, thôi thúc tôi phải viết lại những suy ngẫm của mình nhằm “thanh toán”, “tính sổ” lại những việc đã làm, những chặng đường đời đã đi qua, những đúng sai mà mình đã trải.

 

Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy của đạo diễn Trần Văn Thủy, truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần và qua tivi xem các chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc, Myanmar (Miến Điện) lại càng giục giã tôi viết những dòng này.

 

Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái gọi là chủ nghĩa xã hội từng được xây dựng ở Miền Bắc, một xã hội thiếu vắng sự tôn trọng cá nhân, tôn trọng con người và quyền làm người.

 

Tôi cứ lan man nghĩ mãi về những chuyến công du vừa rồi của các nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta như chuyến đi của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang không nhận được những nghi thức đón tiếp dành cho nguyên thủ quốc gia, hay chuyến đi thăm Hàn Quốc, Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Nếu đem so sánh các chuyến đi thăm Trung Quốc của các vị thì không khí hoàn toàn khác nhau. Không biết các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với lòng tự trọng dân tộc có “mở mắt” thấy điều đó không? Hẳn nhiên chúng ta không thể đòi hỏi Mỹ làm nhiều điều tích cực hơn bởi vì công bằng mà nói anh không thể “mở lòng” với một nước mà thái độ không rõ ràng, bất nhất.

 

Tất cả tình cảm của gia đình và bạn bè trong nước cũng như ở nước ngoài làm tôi suy nghĩ miên man trong lúc nằm bịnh, càng khẳng định con đường mà tôi cùng nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ của đất nước. Tôi ngày càng hiểu sâu sắc từ “GIẢI PHÓNG” không có nghĩa như ngày nay người ta thường dùng mà là sự thoát xác thật sự làm người tự do dù cho người cai trị là da trắng hay da vàng; điều đau khổ, bi thảm là hệ thống cai trị khắc nghiệt nhất lại là của những người cùng dân tộc, như Việt Nam, như Trung Quốc, v.v.

 

Nếu hiểu từ giải phóng theo ý thức sâu xa đó thì tôi cũng rất đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả ở Miền Bắc, trong đó có nhà báo Huy Đức trong cuốn Bên thắng cuộc mới đây. Trên một số lĩnh vực, đặc biệt là sự giải phóng cá nhân, tôn trọng quyền con người, quyền được tự do suy nghĩ, tranh luận, về tập quán tôn trọng pháp luật, về cách quản trị trong thương mại, trong kinh doanh sản xuất thì chính là Miền Nam đã “giải phóng” Miền Bắc… Đấy là chưa nói đến thóc gạo của đồng bằng sông Cửu Long đã giải quyết vân đề lương thực cho cả nước như thế nào…

 

Vì những lẽ trên tôi nói là cần phải “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam và với bản thân cuộc đời của tôi, tư cách một đảng viên, một công dân ở những điểm cơ bản sau: một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới.

 

1. Vì sao tôi đi kháng chiến, vào Đảng Cộng sản Việt Nam?

 

Vào thế kỷ trước, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã làm say mê biết bao trí thức, văn nghệ sĩ ở các nước, nhất là ở nước Pháp, cái nôi của khuynh hướng xã hội, dân chủ mà cả thời kỳ ánh sáng với các tên tuổi như Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, v.v. với khát vọng xây dựng một xã hội bác ái, tự do, bình đẳng. Chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản chẳng những lôi cuốn, làm say mê nhiều thế hệ trí thức phương Tây mà ở Việt Nam cũng vậy. Những tri thức văn nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng như Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Thế Lữ, v.v. hay những trí thức tên tuổi ở nước ngoài như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường.

 

Thật ra họ theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh mà đi vào chiến khu chứ phần lớn trong họ ít hoặc chưa am hiểu lắm về chủ nghĩa Marx, càng chưa hiểu chủ nghĩa xã hội rồi sẽ ra sao, nhưng họ hy vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ xã hội, tự do, hạnh phúc mà trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946 ông Hồ Chí Minh đã trịnh trọng cam kết trước toàn dân tại quảng trường Ba Đình lịch sử.

 

Lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc đã thúc đẩy mọi người tham gia Cách mạng tháng 8 và sau đó đi kháng chiến. Bạn bè tôi và bản thân tôi cũng được thôi thúc bởi những tình cảm đó: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập tự do dân chủ cho Tổ quốc để rồi sẽ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn các chế độ cũ ở đó công nhân, nông dân, người lao động, những người hy sinh nhiều trong chiến tranh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Tôi vào Đảng cũng rất đơn giản: năm 1966, anh Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết) phụ trách đơn tuyến tôi, hẹn tôi gặp nhau ở một chùa trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2) để sinh hoạt. Anh Nguyễn Ngọc Phương nghiêm mặt tuyên bố: “Đồng chí Bắc Sơn [bí danh của tôi lúc đó], đồng chí từ nay là Đảng viên Đảng Nhân dân cách mạng [thực chất là Đảng Lao động Việt Nam ở Miền Nam mà thôi]. Lẽ ra tôi đưa điều lệ để đồng chí nghiên cứu nhưng đồng chí là người hoạt động công khai trong Ban Chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và Đại học Luật Khoa nên tôi bây giờ mới phổ biến một số điều trong điều lệ để đồng chí biết”. Một buổi kết nạp chẳng có lời thề thốt, cờ quạt gì cả.

 

Anh Nguyễn Ngọc Phương, người phụ trách tôi trong thời gian đầu, là người lớn lên trong một gia đình khá giả, có em gái lấy nghệ sĩ hài nổi tiếng Bảo Quốc. Thật ra qua một số người hoạt động ở Huế anh ấy đã biết tôi đã từng tham gia phong trào đấu tranh sinh viên học sinh Huế lúc tôi còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một năm với Lý Thiện Sanh (nay là bác sĩ định cư ở Úc) vì chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó nghĩ tôi là thành viên của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam.

 

Nhắc đến đây tôi có một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi. Tôi theo ban C Triết học nên chỉ còn vài ngày nữa là thi, ba tôi gửi một số sách vào cho tôi. May mắn lúc đó tôi đã đọc nhiều sách triết học của các Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn và các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại của nhà văn Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, Tô Thuỳ Yên, v.v., kể cả quyển sách viết về Nietzsche của Nguyễn Đình Thi trước năm 1975. Gặp đề thi triết khá hay tôi tán đủ điều, đậu hạng thứ dễ dàng. Còn Lý Thiện Sanh học ban B vốn rất giỏi nên đậu hạng bình thứ.

 

Những ngày ba tôi đến đón tôi ra thi, ông đã đi qua cánh đồng An Cựu trong giá lạnh. Tôi không thể nào quên hình ảnh đó của ba tôi. Bây giờ Người đã mất nhưng tôi không bao giờ quên ông, biết ơn nuôi dạy tôi thành người trưởng thành pha một chút ân hận vì tôi mà ông phải khổ sở. Tôi không biết với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?

 

Trong thời gian đó, lúc nhà tù cho tù nhân làm văn nghệ, tôi thường hát bài “Tình quê hương” thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Đan Thọ, lúc đó là Đại úy Quân đội Sài Gòn. Gia đình của người phụ trách lao Thừa Phủ đứng trên bức tường có đường đi bao quanh nhà tù để xem. Đúng là cái máu lãng mạn của đám sinh viên học sinh chúng tôi lúc đó ngay trong tù cũng nổi dậy đùng đùng và có cô con gái rất thích bài đó. Lý Thiện Sanh đùa: “Nó khoái mày rồi đó”.

 

Về anh Nguyễn Ngọc Phương – người phụ trách tôi sau này bị địch bắt, đã hy sinh trong tù năm 1973. Năm ngoái, nhân ngày giỗ anh, tôi có kể lại việc mỗi lần sinh hoạt với tôi xong anh đề nghị tôi hát bài “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. Hát xong tôi hỏi anh: “Anh là bí thư Đảng ủy sinh viên mà sao thích bài hát ướt át quá vậy?”. Anh cười buồn và nói: “Chúng ta chiến đấu xét đến cùng là vì con người. Nhưng bài hát đó viết rất hay về con người thì sao mình không thích được!”.

 

Nghe anh tôi càng cảm phục người đồng chí phụ trách tôi và hôm giỗ anh tôi hát lại bài “Trăng mờ bên suối” để cúng anh. Sau đó, chị Cao Thị Quế Hương có vẻ trách tôi vì cho rằng anh Phương không thể ủy mị như vậy. Tôi cười buồn và im lặng.

 

Tôi đã đi theo kháng chiến và vào Đảng như thế đó…

 

2. Vấn đề đa nguyên, đa đảng

 

Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà tôi hiểu được, có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó.

 

Với những sai lầm kéo dài như chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả quy luật tự nhiên, cop-py mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao “thuyền nhân” phải chết tức tưởi trên biển. Trong đó có gia đình nhà báo Trần Triệu Luật, người đã cùng tôi vào chiến khu và đã hy sinh vào ngày 11.10.1968 tại căn cứ Ban Tuyên huấn Tuyên huấn cục Miền Nam cùng với nhà thơ Thảo Nguyên Trần Quang Long sau trận bom ác liệt của F105 của Mỹ. Tất cả điều đó là hệ lụy thảm khốc của chủ thuyết “chuyên chính vô sản” trong tư duy bảo thủ, giáo điều của những người lãnh đạo, nếu không gọi là tội ác thì cũng không thể tha thứ được.

 

Trước sự rên xiết của người dân, những nhà lãnh đạo còn có tấm lòng và sự gắn bó với dân đã nhận ra được sai lầm dẫn đến chủ trương “Đổi Mới”, chấp nhận kinh tế có nhiều thành phần trong đó có kinh tế cá thể. Thế thì một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là quy luật tất yếu: không thể không đa nguyên đa đảng được. Như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước. Nếu Đảng cộng sản chấp nhận đa đảng thì sẽ tạo ra cho mình có sức kháng thể, tạo cơ may thoát được tình trạng quan liêu, tham nhũng làm ruỗng nát như hiện nay. Tôi hi vọng sẽ có những vị lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam dám chấp nhận thách thức này: Các Đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như Campuchia đã làm.

 

Tôi thách bất cứ ai trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong Ban Tuyên huấn của Đảng mà đứng đầu là ông Đinh Thế Huynh, vừa là Trưởng ban, vừa là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương trả lời luôn một cách công khai, minh bạch với chúng tôi trên các diễn đàn mà không chơi trò “bỏ bóng đá người” như thường sử dụng hiện nay.

 

Thực tế hiện nay, trong Nam ngoài Bắc đã tập hợp được những khuynh hướng có chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hòa mà tiêu biểu là đề nghị 7 điểm và dự thảo Hiến pháp năm 2013 của nhân sĩ trí thức tiêu biểu ở trong Nam ngoài Bắc như nhà văn Nguyên Ngọc, các giáo sư Hoàng Tụy, Chu Hảo, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, những trợ lý Tổng Bí thư, Thủ tướng hoặc Đại sứ nhiều thời kỳ như ông Trần Đức Nguyên, Việt Phương, Nguyễn Trung, v.v.; các nhà kinh tế có uy tín lớn như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà báo, nhân sĩ trí thức kỳ cựu như Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Đình Đầu, Lữ Phương, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Quốc Thái; và các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975 như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Trần Văn Long (Năm Hiền), Huỳnh Kim Báu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập và biết bao con người tâm huyết khác. Trong đó có những người, mặc dầu đời sống kinh tế đã khá giả, có những người là giàu có nhưng không thể yên tâm thụ hưởng tất cả những tiện nghi của đời sống đã dũng cảm chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân mình cũng như gia đình, dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ của họ, cái lý tưởng đang bị phản bội, bị chà đạp, những lời hứa tốt đẹp năm nào trong kháng chiến đã bị vứt bỏ. Ngoài ra còn cả một lớp trẻ hăng hái, nhiệt tình bao gồm những blogger, những sinh viên đang có những hoạt động ở các trường Đại học hoặc nhiều tổ chức khác.

 

Tình hình trên cộng với thực tế hiện nay tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta, hàng trăm đảng viên, không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán.

 

Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này? Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này, mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta.

 

Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao? Chúng ta phải đấu tranh với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết đại khái trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người thất bại đều là nhân dân. Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa.

 

3. Độc lập dân tộc đang bị thách thức!

 

Việt Nam đã thống nhất mặc dầu còn nhiều điều chưa hòa hợp, đoàn kết thực sự. Nhưng còn độc lập thì sao? Sau khi hy sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc, những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc mà tên Đặng Tiểu Bình xấc xược gọi là dạy cho Việt Nam một bài học.

 

Thật ra tổ tiên chúng ta, những tiền nhân thời xa xưa đã cho họ nhiều bài học Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, v.v. Không biết tập đoàn Tập Cận Bình có còn nhớ những bài học đó không? Riêng các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam nên quá “hiền lành” đối với một nước lớn nhưng rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét nói về “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang hành nghề trong ngư trường truyền thống của mình, hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta.

 

Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao. Đến nỗi có những vụ việc lớn cũng không dám thực hiện một việc bình thường trong quan hệ quốc tế là triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội để trao công hàm phản đối, chứ không chỉ là đưa công hàm đến toà đại sứ. Vậy thì độc lập cái gì? Hẳn nhiên là chúng ta không dựa vào nước này chống các nước khác nhưng thực tế quốc tế hiện nay rất thuận lợi cho chúng ta liên kết với các nước dân chủ để đấu tranh chống thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc về Biển Đông.

 

Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam. Trả lời phỏng vấn một thiếu tướng Trung Quốc, Thủ tướng đã khéo léo nói nước đó là nước nào ai cũng biết. Rõ ràng đây là cú đấm đích đáng bọn bành trướng Bắc Kinh trong một diễn đàn quốc tế. Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ Chính trị cả. Vì thế mà Hạ Đình Nguyên trong một bài viết về vấn đề này đã hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến năm lần.

 

4. Vấn đề Dân chủ, tự do và hạnh phúc

 

Thực chất đây là vấn đề dân sinh, dân chủ mà trước đây trong thời kỳ kháng chiến hoặc trước 1975 Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động để đấu tranh giành quyền sống. Đây là vấn đề về con người.

 

+ Về dân chủ thì đã quá rõ. Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Phải có một nền tư pháp độc lập thì mới có thể chống tham nhũng hiệu quả. Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới. Sau đó thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ để bầu quốc hội lập pháp theo đúng các nguyên tắc mà học giả Jeane Kirkpatrick đã tổng kết: “Phải có các tính chất cạnh tranh, định kỳ, phổ thông, bỏ phiếu kín”. Đảng Cộng sản phải thông qua cuộc bầu cử tự do, bình đẳng như vậy mới trở thành Đảng cầm quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân một cách thuyết phục.

 

Tôi nghĩ trong một thời gian dài Đảng Cộng sản vẫn là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản cần tự tin điều đó. Dần dần các đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập mà cứ duy trì thể chế “toàn trị độc đảng” thì tham nhũng, cửa quyền, xâu xé giữa các nhóm lợi ích đang kết nối với quyền lực thành một thế lực mafia khuynh loát toàn bộ hoạt động xã hội, đẩy đất nước vốn đang lâm vào cơn bạo bệnh trở nên vô phương cứu chữa, chỉ còn chờ chết mà thôi.

 

+ Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (như cách Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu nói). Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự. Do đó Hiến pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội lại Hiến pháp đó, tước đoạt tất cả các quyền cơ bản mà Hiến pháp 1946 đã ghi, vất bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng để lấp liếm cho sự phản dân chủ, phản tiến hóa của họ. Họ không biết rằng đó là quyền cơ bản và phổ quát mà loài người đã đấu tranh qua nhiều thế hệ mới có được.

 

Nhà văn Nguyễn Khải đã nói: “Khi đọc cuốn Bàn về tự do của Stuart Mill thì vỡ ra nhiều vấn đề”, và cuốn sách đó khơi nguồn cảm hứng cho ông viết bài tùy bút để đời: Đi tìm cái tôi đã mất. Nguyễn Khải đã nhìn lại những gì mà ông đã trải nghiệm một cách sâu sắc với một giọng văn nhẹ nhàng không hàm hồ nên rất thuyết phục. Đây là quyển sách đã đi sâu vào tim óc của chế độ mà không thấy các vị “phê bình chỉ điểm” (cách gọi mới đây của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, đối với Nguyễn Văn Lưu cùng với một số người trong việc “bề hội đồng” bài viết của Thạc sĩ Nhã Thuyên về nhóm “Mở miệng”) nào dám phê phán, chửi rủa.

 

Các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản tại sao không suy nghĩ trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà cho đến nay chưa có thời kỳ nào có thể so sánh được dù là chế độ gọi là “tự do gấp vạn lần” như bà Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Báo chí thì nở rộ Gia Định báo, Phụ nữ tân văn, Nam Phong, Phong hóa, Ngày nay… với những học giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi,… Văn học nghệ thuật thì có cả một trào lưu thơ mới với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác với nhiều bài thơ bất hủ mà đến nay ai cũng thuộc nằm lòng. Về tiểu thuyết thì có nhóm Tự lực văn đoàn với Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo…

 

Ngoài ra còn có hàng loạt nhà văn tài hoa khác như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Lan Khai, Thanh Tịnh, Nguyên Hồng, v.v. Với Thanh Tịnh, tôi vẫn nhớ bài “Tôi đi học” trong tập Quê mẹ của ông. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

 

Nhạc thì có một thời có nền tân nhạc rực rỡ với các tên tuổi như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Doãn Mẫn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương… Thế mà rồi Thanh Tịnh cũng như một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khác không có nổi những tác phẩm lớn mà họ ấp ủ khi phải sống trong sự ngột ngạt của chế độ toàn trị, bóp nghẹt dân chủ và tự do.

 

Sau 1975, không khí vui vẻ, sum họp của những ngày đầu đã tạo hứng khởi để nhạc sĩ Văn Cao làm bài “Mùa xuân đầu tiên” với điệu valse dìu dặt. Nhưng tội nghiệp cho Văn Cao đã ngây thơ tin rằng “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết quê người…”. Cũng phải nói thêm rằng bài ca này cũng mấy năm bị cấm hát!

 

Những năm sau khi vào chơi với Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ Miền Nam ông đã nói lên nỗi thất vọng của ông. Cảnh chia lìa, vượt biên, đày đọa, tù tội trong đó có người bạn văn chương của các ông đã làm ông chỉ biết trầm ngâm bên ly rượu. Có một điều an ủi ông là vào Nam, vào Sài Gòn ông nghe mọi người từ trẻ đến già đều hát “Mùa xuân đầu tiên”, “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, v.v. của ông.

 

Vấn đề là Đảng Cộng sản Việt Nam cần trả lại những gì của lịch sử, của tiền nhân để lại. Việc đổi tên đường từ Trần Quý Cáp thành Võ Văn Tần, từ Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu, v.v. là việc làm thiếu suy nghĩ, nếu không nói là ngu xuẩn, chà đạp lên lịch sử, xúc phạm những chiến sĩ tuy không phải là Cộng sản nhưng đã đấu tranh bảo vệ đất nước trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân.

 

Ngay trong lĩnh vực báo chí, tại sao lại lấy ngày ra đời báo Thanh niên, báo của tổ chức Cộng sản làm ngày báo chí Việt Nam? Quan điểm tôi là phải lấy ngày 15-4 là ngày số báo đầu tiên của Gia Định báo năm 1865 làm ngày báo chí Việt Nam. Năm sau, một số nhà báo cùng chúng tôi sẽ tổ chức ngày báo chí Việt Nam vào ngày 15-4. Còn Đảng Cộng sản và các tổ chức của mình cứ lấy ngày 21-6 làm ngày báo chí Cách mạng cũng không sao. Việc ai nấy làm. Thế thôi.

 

Tại Miền Bắc gọi là xã hội chủ nghĩa khi hòa bình mới lập lại, các văn nghệ sĩ mà đặc biệt đi tiên phong là các nhà thơ, nhà văn quân đội, tiêu biểu là Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm,… đã gây chấn động trong vụ Nhân văn Giai phẩm. Có lẽ là những người trực tiếp chiến đấu chứng kiến cảnh chết chóc của nhân dân trong chiến tranh nên họ quyết tâm tiếp tục chiến đấu để xây dựng một chế độ xã hội tự do dân chủ và tiến bộ xã hội. Họ đã quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đấu tranh quyết liệt đòi hỏi tự do sáng tác, đòi hỏi chính trị không được can thiệp vào sáng tác của văn nghệ sĩ.

 

Nhà nước độc tài Đảng trị trong những năm đó thấy đây là nguy cơ đe dọa của chế độ nên đã ra tay đàn áp, bắt bớ, tù đày một cách không nương tay. Công thần Nguyễn Hữu Đang, người đã làm lễ đài Độc lập năm 1946, bị tù với vụ án ngụy tạo. Hữu Loan với lòng tự trọng của một người văn nghệ sĩ cương quyết về quê thồ vác đá nuôi vợ con. Nguyên Hồng khảng khái bỏ về Yên Thế nuôi heo để kiếm sống. Nguyễn Hữu Đang sau khi ra tù sống những ngày tủi nhục phải góp nhặt bao thuốc lá làm hàng “đối lưu” với ếch nhái, rắn rết của bọn trẻ chung quanh.

 

Năm 1989, tôi gặp Tiến sĩ Luật Nguyễn Mạnh Tường ở Pháp, người đã theo Hồ Chí Minh về nước năm 1946. Ông kể lại hoàn cảnh của ông lúc đó, bị cô lập đến nỗi học trò cũng không dám nhìn mặt, phải bán tủ sách quý để sống qua ngày. Còn nhà triết học Trần Đức Thảo, khi tôi còn làm Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM đã mời ông đến nói chuyện. Bước xuống xe ông ngó lên liền xem có công an theo dõi ông không.

 

Tôi còn có những kỷ niệm đau đến xé lòng khi còn nằm trong hệ thống chính trị của nhà nước toàn trị, lúc còn là Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM và là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 4, khóa 5. Có mấy việc tôi còn nhớ mãi:

+ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày trở thành kiêu binh. Đâu đâu cũng vỗ ngực xưng tên là “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Ngay cả Hội trường của cơ quan dân cử như Hội đồng Nhân dân Thành phố mà cũngchẳng thấy đất nước, Tổ quốc đâu cả, chỉ thấy một khẩu hiệu to chần dần [to đùng] “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Một số đại biểu trong Hội đồng Nhân dân trong Đảng cũng như ngoài Đảng thấy chướng mắt nhưng không dám nói. Họ đến nói với tôi. Tôi thông cảm họ. Trong Hội đồng Nhân dân khóa 5, khi lên phát biểu ở Hội trường, tôi trầm giọng nói: “Đây là cơ quan dân cử, đại diện cho nhân dân Thành phố, nhưng tôi không thấy đất nước, Tổ quốc ở đâu mà chỉ có Đảng Cộng sản muôn năm thôi là sao? Đảng chỉ là một bộ phận của nhân dân, không có Tổ quốc, nhân dân thì làm gì có Đảng. Đảng phải đặt Tổ quốc lên trên hết, vì vậy tôi đề nghị thay đổi khẩu hiệu này bằng Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Cả hội trường im phăng phắc. Nhưng ngay kỳ họp sau thì khẩu hiệu Đảng đã thay đổi bằng tên nước.

 

+ Tôi là Trưởng ban Văn hoá – Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 5. Trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố, các ban có bài thẩm định khá công phu. Phải đi thực tế, làm việc với các ngành và sau đó họp toàn ban để thông qua; Trưởng ban là người quyết định cuối cùng. Tôi nhớ trong một kỳ họp, tôi thức suốt đêm sửa chữa, hoàn thiện văn bản để phát biểu trước Hội đồng Nhân dân. Khi lên phát biểu, nhìn xuống thì không thấy vị Phó Chủ tịch nào dự, kể cả Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá – Xã hội. Thấy vậy tôi không đọc mà đề nghị ông Huỳnh Đảm, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, cho các thư ký, trợ lý điện gấp cho các Phó Chủ tịch, nhất là các Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá – Xã hội về dự họp.

 

Ban thẩm định chuẩn bị công phu để phân tích những vấn đề, nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, các vấn đề xã hội khác – những vấn đề có liên quan thiết yếu đến đời sống nhân dân Thành phố. Khi thấy các Phó Chủ tịch lục tục về họp tôi mới phát biểu bản thẩm định của Ban. Đây là lần đầu tiên các phóng viên báo chí thấy việc này nên rất khoái. Từ đó, kỳ họp nào các Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cũng đều có mặt trừ một số Phó Chủ tịch có lý do chính đáng. Cái bệnh chỉ coi trọng Đảng, Thành ủy, xem thường Hội đồng Nhân dân đã vào máu các vị quan chức của chúng ta.

 

+ Việc thứ ba là cuộc đấu tranh hay có thể nói là đấu khẩu của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Võ Viết Thanh và tôi về việc có nên dẹp chợ hoa Nguyễn Huệ hay không? Cuộc đấu khẩu gay gắt đến nỗi Chủ tịch Võ Viết Thanh nói đại ý nếu đồng chí Đằng thấy Đảng chật hẹp quá thì xin ra khỏi Đảng. Tôi liền đốp chát lại: đó là chuyện mà tôi và anh sẽ nói trong Đảng, còn đây là Hội đồng Nhân dân. Giữa lúc có nhiều đại biểu đồng ý với tôi, trong đó có Trần Văn Tạo, Ủy viên Thường vụ Thành uỷ, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Phạm Phương Thảo, Ủy viên Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá – Xã hội Uỷ ban Nhân dân Thành phố thì chủ tọa kỳ họp lại được tin ban Thường vụ Thành ủy họp và đã đồng ý dẹp chợ hoa Thành phố. Tôi cương quyết đề nghị phải có nghị quyết riêng về vấn đề này, nhưng chủ tọa làm ngơ và thông qua nghị quyết ở Hội đồng Nhân dân Thành phố. Tuy đấu tranh gay gắt như vậy nhưng đối với anh Võ Viết Thanh tôi vẫn tôn trọng tính trung thực, quyết đoán của anh.

 

Lúc đó tôi với tư cách đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố có phối hợp với các vị hưu trí Q.6, với Ban quản lý thị trường Thành phố để tố cáo những tiêu cực, sai trái của Giám đốc Đông lạnh Hùng Vương. Phối hợp với cuộc đấu tranh này có anh Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Thường vụ Quận ủy Quận 6, Trưởng ban Tuyên huấn Quận 6. Thắng cũng là dân phong trào sinh viên. Không hiểu sao sau đó có một văn bản có danh sách 12 người gọi là điệp báo của Cục tình báo Trung ương Mỹ trong đó Nguyễn Văn Thắng nằm ở số 7. Lúc ấy anh Nguyễn Minh Triết mới về làm Phó Bí thư thường trực của Trung ương. Tôi gặp anh Nguyễn Minh Triết và trình bày với anh về vấn đề này thì anh đề nghị tôi không can thiệp nữa vì danh sách đã có dấu đỏ của Đặc ủy tình báo Trung ương của Mỹ. Trước đó có người biết chuyện ngụy tạo danh sách này và nói danh sách láo được đánh máy trên giấy Bãi Bằng là giấy sản xuất sau 1975. Anh Nguyễn Minh Triết ghi nhận nhưng Nguyễn Văn Thắng vẫn bị giam ở 4 Bạch Đằng.

 

Lúc ấy Quận 6 tính lấy lại nhà của Nguyễn Văn Thắng ở Bà Hom, Quận 6. Tôi gặp Chủ tịch Võ Viết Thanh và đề nghị anh xem xét lại vấn đề này thì anh nói với tôi một cách cương quyết: “Chuyện chính trị của Thắng tôi không biết nhưng chuyện nhà của Thắng tôi bảo đảm không ai lấy được”. Anh giữ lời hứa khi Thắng được giải oan về lại Bà Hom, Quận 6 như cũ.

 

Tôi gặp anh Võ Viết Thanh cám ơn anh. Nhân đó tôi hỏi thăm tại sao anh không đi học Cử nhân, Tiến sĩ như những người khác. Anh cười nói rất Nam Bộ: “Tôi không chơi kiểu đó. Nếu tôi học tôi sẽ xin nghỉ làm để đi học thật sự, không như những vị học giả mà bằng thật như hiện nay”. Từ đó quan hệ giữa anh và tôi rất vui vẻ, không còn nhớ gì trận đấu khẩu nảy lửa ở Hội đồng Nhân dân về vụ chợ hoa Nguyễn Huệ. Sau này anh bị thất sủng vì vụ án Sáu Sứ mà trong quyển Bên thắng cuộc nhà báo Huy Đức có nêu.

 

Tôi nêu những trải nghiệm nói trên để chứng minh rằng trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh. Giờ đây chúng ta phải phá vỡ nỗi sợ hãi đó đi để thực hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

 

Cuối cùng tôi xác định bài viết này chỉ có mục đích là thanh toán, tính sổ cuộc đời của mình, trang trải những món nợ còn lại để gửi các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, để mong các vị hiểu ra mà có sự lựa chọn con đường sống cho dân tộc. Hiện nay xu hướng chạy theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Nghĩa là đây là cuộc đấu tranh quyết liệt cho con người, vì con người chống lại các thế lực phản động đang âm mưu nô dịch nhân dân, phá hoại môi trường vì những lợi ích kinh tế ích kỷ của các tập đoàn, lũng đoạn nhà nước.

 

Tôi không tin lắm, nhưng dù sao thì vẫn cố hy vọng một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm thấy tình hình và xu thế phát triển hiện nay để đặt lợi ích của Đất nước, Tổ quốc lên trên hết mà có một giải pháp hợp lý, không vì lợi ích và sự tồn tại của Đảng, của chế độ mà đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại hiện nay.

 

Tôi nghĩ, chúng ta hiện nay cùng có trách nhiệm phải cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng và thực hiện lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh và giàu mạnh. Xã hội công dân một khi mạnh lên sẽ có đủ sức kìm hãm, ức chế các khuynh hướng độc tài của một nhà nước toàn trị. Trước mắt là phải “chấn dân khí” để không còn sợ hãi các thế lực tàn bạo, không sợ bắt bớ, tù đày. Sau đó là “khai dân trí” và “hậu dân sinh”.

 

Bài viết này cũng là để trải lòng với bạn bè, đồng đội và những nhân sĩ trí thức, các văn nghệ sĩ, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh mà tôi đã quen hoặc mới quen, để khẳng định một điều: với lòng tự trọng của một công dân một nước có lịch sử hào hùng chúng ta phải hành động. Không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia. Vì thật ra cả một bộ phận loài người trong đó có người Việt Nam khát khao với một xã hội tốt đẹp hơn, chống lại cái ác, cái xấu nên đã có thời gian dài nuôi ảo tưởng về đường lối xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết Stalin của Đảng Cộng sản.

 

Trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại. Nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới. Đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử. Còn chúng ta trước mắt là hành động, hành động và hành động. Điều này tôi nói một lần rồi thôi…

 

Viết trong những ngày nằm bịnh.

 

L. H. Đ.

-Nguyên phó TTK Ủy ban TƯ LM các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam

-Nguyên phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố.HCM (từ 1989-2009)

-Đại biểu HĐND Thành phố khóa 4, khóa 5