Tân Đảo có gì lạ? New Caledonia, Việt tộc từ làm công đến làm chủ (kỳ 2)

11 Tháng Tư, 2007 | Tân Đảo - New Caledonia
Nhà thờ Công giáo VN ở Nouméa và Linh mục Nguyễn Duy Tôn. Hình: NHA

Tuy Nouvelle Calédonie đã trở thành lãnh thổ của nước Pháp từ năm 1853, nhưng không phải người Pháp là người Tây Phương đầu tiên phát hiện hay đặt chân lên vùng đất xa xôi ở Thái Bình Dương này. Chính nhà thám hiểm người Anh, Thuyền trưởng James Cook trong chuyến hải hành lần thứ hai đến Úc vào năm 1774 đã phát hiện ra đảo lớn Grande Terre (mainland– đất liền của Tân Đảo ngày nay) và đặt cho hòn đảo lớn này cái tên New Caledonia, dựa theo tên Caledonia mà người La Mã ngày xưa gọi vùng cao nguyên ở Tô Cách Lan  của Anh quốc.

Năm 1843, những nhà truyền giáo người Pháp đầu tiên đến Tân Đảo và Pháp nói đấy là đất của họ. Người Anh cũng đòi giành chủ quyền. Năm 1851, chiến thuyền của Pháp cho một toán quân đổ bộ lên Tân Đảo nhưng bị người địa phương đánh phục kích, chỉ còn một binh sĩ sống sót. Vì thế, Pháp quyết định sát nhập vùng đất này và đến năm 1853 cho cắm cờ tam tài lên đảo. Đến lúc này thì Anh rút lui hẳn. Năm 1854, Pháp đặt tên tên thành phố là mới chiếm là Port de France, sau này đổi thành Nouméa. Thời gian này, cả  đế quốc Anh lẫn  Pháp đang mở rộng ảnh hưởng tới vùng Đông Nam Á.

Như bạn đọc đã biết,  quân Pháp dưới triều đại của Vua Napoléon Đệ Tam đã đưa các chiến thuyền sang bờ biển Việt Nam tìm cách gây hấn. Năm 1856, sau khi gởi thư cho triều đình Tự Đức nhưng không được hồi đáp, Đại tá Lelieur đã đưa chiến thuyền Catinat vào Đà Nẵng bắn phá đồn lũy  ở làng Sơn Trà để thị uy rồi rút lui. Năm 1858  Pháp mở cuộc tấn công quy mô lần đầu tiên vào Đà Nẵng với sự hậu thuẫn của tàu chiến Tây Ban Nha.  Chỉ trong một ngày họ đã làm chủ tình thế,  giết chết trên một ngàn binh lính Việt Nam. Năm sau,  họ tiến đánh thành Gia Định lần thứ nhất và sau đó là Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, mở đầu họ sự đô hộ của Pháp tại Việt Nam kéo dài gần một trăm năm.

 

Các sắc dân ở Tân Đảo

Đất liền gọi là Grande Terre và Royalty Islands (gồm các hòn đảo khá lớn ở phía đông  bắc như  Ouvea, Lifou, Maré) và đảo Ile des Pin ở phía đông nam tạo thành Tân Đảo (Nouvelle Calédonie).

Qua Tân Đảo, gặp người Việt Nam sinh sống ở đấy, kể cả những người mà giòng họ ở đấy cả năm sáu đời hay những người mới qua định cư một hai thập niên, tất cả đều gọi người bản xứ da ngăm ngăm hay da đen một cách chung chung là “tụi đen” mà họ nhận xét là “chúng nó ngu lắm”.

Nhưng người bản xứ, theo nhận xét của người viết, cũng có nhiều sắc dân với màu da khác nhau, từ tóc quăn  da đen xì (nhưng chưa đen như than)  đến ngăm đen, nâu và vàng sậm như người Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng như lục địa Úc Châu nơi mà người Thổ dân (Aborigines) đã sống khoảng 40,000 năm về trước, Tân Đảo thuộc vùng biển Tây Thái Bình Dương là nơi con người đã tới sống hàng chục ngàn năm.

Trước tiên là giống dân Austronesian, tức giống dân ở phía nam bán cầu pha trộn các giống dân như Nam Dương, Melanesian, Polynesian, Micronesian. Khoảng thế kỷ thứ 15 trước công nguyên, giống dân Melanesian đến định cư ở Tân Đảo và các quần đảo lân cận như  Papua New Guinea. Đây chính là sắc dân da đen (“tụi đen”) mà người Việt  ở Tân Đảo muốn nói đến. Giống dân này có bà con gần  xa với người Thổ Dân Úc. Tóc quăn, miệng rộng, môi dầy, khuôn mặt thô, da đen hoặc ngăm đen. Giống người Melanesian sống ở Tân Đảo  tập trung ở niềm bắc đất liền và nhiều nhất là ở các đảo Loyalty Isalnds.

Trong tổng số khoảng 213,000 người đang sống ở Tân Đảo hiện nay, giống dân bản xứ  Melanesian chiếm đến 42.5% dân số.

Người Melanesian ở Tân Đảo có nhiều bộ lạc và có 26 tiếng nói khác nhau.  Sắc tộc nổi bật nhất trong nhóm người Melanesian này là người Kanak. Có thể nói giống người này là chủ nhân ông của Tân Đảo, nhưng họ là giống dân nghèo nhất, ít học nhất, sống chủ yếu nhờ làm mướn hầm mỏ hay trợ cấp an sinh xã hội của chính phủ. Melanesian nói chung và Kanak nói riêng là những Abogines ở Úc. Chính vì nghĩ rằng họ là chủ nhân ông của đất nước nhưng quyền hành và tiền bạc đều nằm trong tay người  Pháp da trắng nên cách đây 20 năm, người Kanak  đã nổi dậy đòi độc lập qua một cuộc bạo động vũ trang bắt cóc  khiến 19 người Kanak và 6 cảnh sát thiệt mạng.

Hòa ước Nouméa 1988 cho phép Tân Đảo được quyền tự trị rộng rãi hơn và quy định đến khoảng thời gian năm 2013-2018 sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý để xem người dân có muốn Tân Đảo được độc lập hoàn toàn với Pháp không (về tư pháp, ngoại giao, an ninh quốc phòng và tiền tệ). Cho đến nay, đa số người Tân Đảo không phải là dân bản xứ, kể cả người Việt Nam, đều chống việc đòi độc lập. Muốn được quyền tham gia trưng cầu dân ý, người đi bỏ phiếu phải cư ngụ tại Tân Đảo ít nhất 20 năm. Vì thế, chính phủ Paris khuyến khích người dân Pháp sang định cư ở Tân Đảo bằng cách cho họ có nhiều quyền lợi về mặt kinh tế tài chánh.

Hiện nay,  tuy lãnh thổ Tân Đảo có chính phủ tự trị riêng, nhưng Tổng thống Pháp vẫn là vị quốc trưởng  của Tân Đảo và người đại diện của Tổng thống Pháp ở Tân Đảo là một vị Cao ủy.

Sau người Melanesian, người Âu Châu  mà đa số là người Pháp là giống dân đông thứ nhì với 37.1% dân số.  Giống dân đông hàng thứ 3 là Wallisian, 8.4%. Sau đó là người Polynesian 3.8%; người Nam Dương 3.6%; người Việt Nam 1.6%;  và các sắc dân khác chiếm 3%.

Giống Wallisian là sắc dân sống ở các hòn đảo ở Thái Bình Dương như Wallis và Futuna và một số ở Fiji, Tonga (hiện có khoảng 9,000 người ở các đảo đó). Giống Wallisian sau đó phần đông di dân qua Tân Đảo.

Giống Polynesian là giống người từ các đảo như  Hawaii, Samoa, Tonga, Tân Tây Lan (giống Maori) Mayolian (Mã Lai và Á Châu). Sắc dân pha trộn này có nước da vàng sậm như người ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, thân hình thon gọn  gần giống người Á Châu, nổi tiếng với các điệu vũ đẹp mắt, nhất là múa bụng, lắc mông trông rất đã mắt. Giống người Polynesian mà lại pha giống với người Pháp, Âu Châu thì con cái –nhất là phụ nữ– lại càng đẹp một cách mặn mà, rất quyến rũ. Người Việt ở Tân  Đảo (mà người viết gặp) thường lẫn lộn người Polynesian với người Melanesian và gọi chung là “tụi đen”, như vậy không được chính xác lắm, vì người Polynesian da không đen, mà vàng đậm hay nâu.

Bùi Duyệt Electronic Center ở trung tâm Nouméa. Hình: NHA

Việt tộc: từ làm công đến làm chủ

Căn cứ vào thống kê chính thức nói trên, dân số Việt Nam hiện nay ở Tân Đảo khoảng 3,500 người.  Người Việt đa số sống tập trung ở thành phố Nouméa, thủ phủ của New Caledonia nơi có khoảng 100,000 người sinh sống.  Bạn  đọc cứ tưởng tượng một lãnh thổ có diện tích  khoảng một nửa tiểu bang Tasmania như  Tân Đảo nhưng dân số chỉ bằng dân số của người Việt Nam tại Úc. Mật độ trung bình ở Tân Đảo khoảng 11 người trên 1 cây số vuông.

Tuy Việt tộc thuộc sắc dân thiểu số, nhưng ngay giữa trung tâm phố xá của thủ phủ Nouméa, tôi thấy có rất nhiều cửa tiệm của người Việt, phần lớn là các tiệm ăn, tiệm bán áo quần dày dép, đồ gia dụng, siêu thị, tiệm sửa xe và một cửa tiệm lớn chiếm nguyên cả một building nằm sừng sững giữa phố như  Bùi Duyệt Electronic Center.

Ngày đầu tiên tới Nounéa, tôi gặp một ông người Phi Luật Tân và hỏi đường ra phố. Cùng ngồi trên xe bus, khi xe chạy qua khu phố chính, ông Phi Luật Tân mới qua Tân Đảo làm việc hồi gần đây chỉ vào các dãy phố và nói đấy là các cửa tiệm của người Việt và ông ta nhận xét rằng người Việt ở Nouméa rất giàu, rằng họ làm chủ hầu hết các cửa tiệm ở phố. Tôi đã đi tìm và gặp vài người Việt Nam sinh sống ở đây để xem nhận xét của ông Phi Luật Tân có đúng không, và nếu đúng, ở mức độ nào.

Khi chiếm Tân Đảo, cũng như  Úc Đại Lợi đối với Anh, người Pháp dùng hòn đảo lớn này làm nơi giam giữ tội phạm. Từ năm 1864 cho đến năm 1896, Pháp đã đưa khoảng 22,000  tù nhân sang giam ở Tân Đảo. Việc đem tội phạm sang Tân Đảo chấm dứt vào cuối thế kỷ 19. Tôi không biết có nhân vật lịch sử Việt Nam nào đã bị Pháp đày qua Tân Đảo hay không,  chỉ biết rằng vào đầu thế kỷ 20 và khoảng thời Đệ nhất Thế chiến, Pháp đã tuyển mộ phu đi làm đồn điền ở Tân Đảo.

Như  cháu chắt của người Việt Nam đi làm phu ở Tân Đảo cho Pháp ngày xưa kể cho người viết nghe, ông cha của họ ở Miền Bắc vì nghèo nên đã nghe theo lời của thực dân Pháp sang làm phu ở Tân Đảo. Những người Việt này được gọi là “chân đăng”.  Tôi hỏi tại sao lại gọi là “chân đăng” thì họ nói không biết, chỉ nghe gọi vậy và có thể đăng có nghĩa là đăng ký để đi làm thuê.

Như chị Tâm, một phụ nữ tuổi khoảng 50 sinh đẻ tại Tân Đảo nói với người viết thì cha ông của chị ngày trước bị đưa qua Tân  Đảo và đẩy vào rừng khai thác đồn điền, đào mỏ ở những nơi xa xôi rất khổ cực, không khác chi người nô lệ. Nhưng ngày  nay, con cháu của những người thuộc thế hệ chân đăng đó đã khá hơn, không những vượt xa người bản xứ  “ngu lắm” mà còn đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống thương mại và kinh tế của Tân Đảo.  Lại còn nắm những chức vụ dân cử, hành chánh quan trọng trong chính quyền, như  một cô gái trẻ khi được người viết hỏi, đã nói rằng ông xếp cảnh sát cao nhất tại Tân Đảo hiện nay là một người gốc Việt, sinh đẻ tại Tân Đảo, có tên tây và không nói được tiếng Việt.

Ngược lại, những phụ nữ  như chị Tâm, bà Dung mà người viết có dịp trò chuyện với  5 đời ở Tân Đảo nói giọng Bắc rặt, chẳng khác gì một người sinh đẻ tại Việt Nam. Bà Dung, 70 tuổi nhưng trông như mới 60 tuổi, chủ cửa tiệm thức ăn Bambino trên khu bãi biển nổi tiếng Anse Vata cho biết con cái của bà đều được đặt tên bằng tên tiếng Việt. Bà nói đặt tên tây làm chi bởi cái mặt da vàng mũi tẹt đâu có thể thay đổi thành người tây, thôi thì cứ đặt tên con bằng tiếng Việt “để bắt bọn chúng gọi tên mình bằng tiếng Việt”.

Quán ăn Bambino ở bãi biển Anse Vata của bà Dung. Hình: NHA

Người Anh thường mang nhiều công nhân thuộc địa cũ  đi làm việc ở các thuộc địa mới như  ở đảo Fiji, Mauritus nên bây giờ dân số người Ấn Độ ở đấy rất cao, đôi khi ngang hàng với người bản xứ. Nhờ vậy, tại đảo quốc Fiji (gần Tân Đảo) người Ấn nắm trọn nền kinh tế và có lúc người gốc Ấn làm thủ tướng trước khi có các cuộc đảo chánh hồi gần đây.

Người Pháp chi li, thận trọng hơn nên họ đem người Phi Châu hoặc người Ấn sang làm phu ở các hòn đảo thuộc địa tại Thái Bình Dương hoặc mang chính người Pháp từ Pháp sang, bởi thế dân số Pháp mới cao đến 37% tại Tân Đảo. Người Việt Nam chỉ được Pháp mang qua Tân Đảo vào đầu thế kỷ 20 và sau đó là Vanuatu khi thiếu hụt nhân công bản xứ.

Tại nước cộng hòaVanuatu, độc lập từ Anh và Pháp vào năm 1980, người Việt hiện chiếm 1% trong tổng số dân khoảng 150,000. Tuy dân số ít, nhưng người Việt nhờ thông minh và làm việc chăm chỉ hơn người bản xứ nên họ nắm phần lớn nền kinh tế của nước Vanuatu. Nghe nói ông Đinh Văn Thân là một trong những người giàu và có quyền lực nhất ở Vanuatu. Ngoài ra, ông Thân là người Việt duy nhất ở Thái Bình Dương lãnh đạo một đảng phái chính trị trong một nước– đảng National United Party. Ông Thân là vua xây cất, chủ tàu biển và chủ hãng máy bay của Vanuatu. Nghe nói, sự thành công của nhiều người Việt ở đảo quốc Vanuatu là nhờ sự tiếp tay của các Việt kiều ở Mỹ.

Tại Tân Đảo, người Việt Nam, có thống kê cho rằng chiếm 2%, vẫn là thiểu số rất nhỏ, còn thua cả người Nam Dương di dân từ đảo Java sang làm việc ở đấy. Việc sút giảm dân số Việt Nam ở Tân Đảo  là do vụ ông Hồ Chí Minh dụ họ về nước sau hiệp định Genève.

Chị Tuyết –một thành viên trong xứ đạo thuộc “Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Nouvelle Calédonie” thuộc họ đạo gọi theo tiếng tây “Christ  Roi” ở vùng  Vallée Tir–  cho hay ngày đó, theo sự dụ dỗ ngon ngọt của ông Hồ, nói rằng Việt Nam nay đã được độc lập tự do không còn bị  thực dân Pháp đô hộ,  rất  nhiều người Việt  đã hồi hương về Miền Bắc và đã phải bị giam cầm hay đày đi những vùng kinh tế khiến họ có cuộc sống còn lầm than hơn làm công nhân và phu cho Pháp thực dân. Chị Tuyết nói may nhờ cha Nguyễn Duy Tôn (linh mục quản nhiệm từ 1954-65) khuyên đừng nghe lời ông Hồ mà về nên bây giờ những người Việt hiện còn ở lại Tân Đảo đã có một cuộc sống tương đối sung súc, tự do và hạnh phúc thật sự.

Sung túc như thế nào, mời bạn đọc theo dõi trong các số báo tiếp.

 

Du lịch Nouméa qua các quảng cáo khuyến mại

Nếu bạn đọc nào sau hai bài viết của tôi mà hứng thú muốn đi ngay, nhưng còn thắc mắc không biết thời tiết Tân Đảo ra sao sau khi nghe trận sóng thần xảy ra tại quần đảo Solomon Islands tuần trước làm trên 30 người thiệt mạng, người viết xin thưa, Tân Đảo được xem là một nơi nắng ấm và nhiệt độ đều hòa ổn định nhất ở vùng biển Thái Bình Dương. Người ta nói rằng, thời tiết lý tưởng nhất  ở Tân Đảo là vào khoảng tháng 9 đến 12 với nhiệt độ trung bình từ 23 đến 27 độ C và ít mưa. Những tháng còn lại trời nóng, ẩm và mưa, tuy nhiên cũng không mưa lâu để không thể đi ra ngoài chơi. Tháng 7 và 8 là những tháng lạnh nhất, có gió với nhiệt độ từ 17 đến 22.

Thời tiết xấu nhất từ tháng 2 đến tháng 4, là tháng mà người viết đi du lịch Tân Đảo cách đây hai tuần,  là những tháng được xem có nhiều mưa, vì thế nếu bạn đi chơi xa hay lên núi cao, nên mang theo áo chắn gió. Tuy nhiên,  trong 7 ngày tôi ở Tân Đảo,  phần lớn là trời nắng đẹp, nhiệt độ khoảng 27 độ, chỉ có một ngày mưa lai rai và ngắn. Từ tháng 11 đến tháng 3 là thời gian bão (cyclone) có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên hòn đảo nào. Vì thế, đêm cuối cùng khi ngồi nghe chơi dương cầm trong quán rượu, ông nhạc sĩ người địa phương báo cho tôi biết rằng sáng mai sẽ có bão, nhưng chỉ bão cấp 1 mà thôi. Nếu bão cấp 2 thì máy bay sẽ không được cất cánh.

Sáng sớm hôm sau, chuẩn bị lên đường, gió thổi mạnh, trời u ám, thỉnh thoảng có cơn mưa. Ngồi trên xe ra phi trường quốc tế Tontouta trong đoạn đường dài 55 cây số, bà tài xế nói rất hy vọng cơn bão sẽ chỉ tới đất liền sau buổi trưa và tôi có thể bay về Úc như dự định. Nhưng rồi những đám mây đen lớn từ từ trôi đi và bầu trời  trở nên quang đãng. Bà tài xế cho biết  bão đã chuyển hướng.

4 ngày sau, trận sóng thần xảy ra ở Thái Bình Dương, xuất phát từ  Solomon Islands, cách đông bắc Tân Đảo chừng hai ngàn cây số, và hướng về phiá tiểu bang Queensland làm Úc phải đặt trong tình trạng báo động.

Ông trời vui buồn lúc nào không ai biết.  Vì thế, nếu thích thì bạn cứ việc đi,  lúc nào cũng được, đặc biệt là cách đây khoảng 3 tuần, Flight Centre (điện thoại 131 600) có quảng cáo khuyến mại trên báo The Age ở Melbourne với giá đặc biệt đi nghỉ mát  ở thành  phố Nouméa như sau: “Hãy đặt mua đi nghỉ mát cho 2 người nhưng người thứ hai chỉ trả 50% (chưa tính thuế) so với giá bình thường bao gồm máy bay, khách sạn và di chuyển.

Với mục đích thông tin, người viết xin ghi sơ lại cái quảng cáo đó để bạn đọc có thể chọn lựa, nếu còn chỗ!  Có  3 loại du lịch đi trong thời gian từ 2/5 đến 30/6; 1-31/8 và từ 1-31/10 trong năm nay. Nói cách khác, chỉ trong các tháng 5,6,8 và 10.  Thời gian bị giới hạn, nhưng được cái là giá rẻ.

3 Night Noumea Escape:

Người (lớn) thứ nhất: $1422 (kể cả thuế $202); người (lớn) thứ hai: $812.

Gồm máy bay khứ hồi hạng chót của hãng Aircalin, khách sạn Nouvata Park Hotel có hồ bơi rất lớn, chuyên chở phi trường – khách sạn. Ở khách sạn thêm, tiền phòng mỗi đêm $108 cho người (lớn) thứ nhất và $54 cho người lớn thứ hai.

4 Night 4 Star Escape:

Người thứ nhất $1718; người thứ hai $960.

Gồm vé máy bay, 4 đêm khách sạn Ramada Plaza Noumea trong loại phòng Junior Suite, chuyên chở phi trường khách sạn. Ở khách sạn thêm mỗi đêm là $155 cho người thứ nhất và $78 cho người thứ hai.

4 Night 5 Star Escape:

Người thứ nhất $1994; người thứ hai $1098.

Gồm vé máy bay, bốn đêm khách sạn 5 sao số một của Noumea là khách sạn Le Meridien phòng Deluxe Room hàng ngày có ăn sáng và chuyên chở khách sạn phi trường. Ở khách sạn thêm một đêm nữa là $224 cho người thứ nhất và $122 cho người thứ hai. Trong quảng cáo này, riêng khách sạn Le Meridien không có chỗ trống trong thời gian 1-31/10/07.

Cũng nên lưu ý trong các quảng cáo thường có dấu thụy (*)  khiến mới xem làm cho người đọc thấy quá rẻ, nhưng cần coi lại, như trường hợp quảng cáo nói trên cho thấy giá của người thứ hai chỉ bằng một nửa người thứ nhất nếu chưa tính thuế.

Với giá tiền như thế so với chuyến đi bình thường của người viết thì rẻ hơn. Vé máy bay khứ hồi của 2 vợ chồng chúng tôi (đi từ Melbourne) tổng cộng  $2342; khách sạn loại 3 sao 7 đêm phòng giường đôi là $1155; chuyên chở từ khách sạn đến phi trường và ngược lại cho hai người $140; tổng cộng $3637  trong khi đó đi du lịch với loại 3 Night Noumea Escape mà muốn ở khách sạn tới 7 đêm, chỉ tốn $2882, có nghĩa tiết kiệm được $755, số tiền đủ để một cặp vợ chồng dùng 7 bữa cơm tối thịnh soạn và ngon lành tại một nơi mức sống khá đắt đỏ so với Úc.

Cùng với số tiền chúng tôi đã bỏ ra như nói trên, bạn có thể đi du lịch loại  4 Night 4 Star Escape để được ở khách sạn 4 sao trong 7 đêm.

Nhà của thổ dân. Hình: NHA

Đi du lịch trong thời gian có những quảng cáo khuyến mại thường hưởng giá rẻ, nhưng bất tiện là bạn chỉ có thể chọn đi trong thời gian cố định như quảng cáo ghi, và quan trọng hơn nữa là còn có chỗ không khi bạn điện thoại để ghi danh.

Tân Đảo có gì lạ? Còn nhiều chuyện để kể, mời bạn đọc theo dõi.

Nguyễn Hồng-Anh TVTS 11.4.2007