Bị hù dọa, Đài Loan đường ta, ta cứ đi

10 Tháng Mười Một, 2021 | Uncategorized
Hình minh hoạ. Cờ Trung Quốc và cờ Đài Loan và hình máy bay chiến đấu. Photo courtesy: Reuters

Từ ngày đơn vị đồn trú cuối cùng của Hoa Kỳ rời Đài Loan năm 1979 chưa bao giờ người ta nghe một nhà lãnh đạo nói có sự hiện diện của lính Mỹ trên đảo quốc này để huấn luyện binh sĩ của họ. Trả lời đài CNN, Tổng thống Thái Anh Văn nói không có nhiều quân nhân Mỹ như người ta nghĩ, bởi chỉ có một thành phần quân sự liên hệ với [quân đội] Mỹ. Bà nói nước bà có một loạt những hoạt động hợp tác với Mỹ để phát triển khả năng quốc phòng của Đài Loan. Bà nói thêm, Đài Loan đang tiên phong trên mặt trận chiến đấu bảo vệ dân chủ với sự đe dọa gia tăng từng ngày từ Trung Cộng.

Tổng thống Joe Biden trong hội nghị trực tuyến thượng đỉnh Đông Á vào tuần qua lên án sự cưỡng bức Đài Loan của Trung Cộng đồng thời nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Vì chính sách thừa nhận “Một Trung Quốc” và “bảo vệ” Đài Loan của Mỹ mơ hồ nên Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó nói Mỹ không có sự thay đổi gì trong chính sách Một Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.

Dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng trên thực tế có Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Đài Loan. Có thể trong tương lai gần, Mỹ sẽ dùng từ Đài Loan thay vì Đài Bắc bởi một số nước Âu Châu dù có quan hệ ngoại giao và mậu dịch với Trung Cộng, đã dùng tên Đài Loan thay vì Đài Bắc như Lithuania. Nước này bị Trung Cộng phản đối triệu hồi đại sứ về nước nhưng Lithuania nói Trung Cộng không thể dùng sức ép kinh tế để khuất phục nước khác.  Tại Úc, Thượng nghị sĩ Tự do Eric Abetz đã nói trước quốc hội rằng đã đến lúc Úc nên hủy bỏ chính sách Một Trung Quốc.

Tuần này Ngoại trưởng John Wu lần đầu tiên đến thăm Brussels như một hành động được sự ủng hộ chưa từng có của Liên Âu. Tuần tới, một phái đoàn quốc hội Liên Âu sẽ thăm đáp lễ Đài Loan dù Bắc Kinh dọa Liên Âu sẽ trả giá vì xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Cộng.

Không phải tự nhiên bà Thái Anh Văn nói binh sĩ Mỹ đang có mặt ở Đài Loan và ông Biden nói sẽ bảo vệ hòn đảo này. Cuộc thăm viếng xã giao và mở rộng đầu tư giữa Đài Loan và Liên Âu cũng không phải là sự tình cờ. Úc vận động thành lập Bộ Tứ Kim Cương, hiệp ước AUKUS là có chủ đích. Nhật gia tăng ngân sách quốc phòng và kêu gọi đồng minh cùng bảo vệ Đài Loan. Tất cả là một chiến lược mới để Trung Cộng không còn tác yêu tác quái như trong vòng 30 năm qua. Cho nên, những tuyên bố đao to búa lớn của Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao và cái loa Hoàn Cầu Thời Báo sẽ không cản bước đi bảo vệ chủ quyền của Đài Loan bằng chính sức mạnh của nước này với sự hỗ trợ của những quốc gia yêu chuộng tự do.

Vai trò chính của Úc tại hội nghị COP26

Sau Thượng đỉnh G20 ở Rome vào cuối tuần, đầu tuần này Hội nghị Khí thải COP 26 đã bắt đầu từ ngày Thứ Hai kéo dài hai tuần lễ theo đó lãnh tụ của trên 120 quốc gia sẽ tham dự trong hai ngày đầu trong đó lãnh đạo Trung Cộng, Nga, Á Rập Saudi, Mễ Tây Cơ và Nhật tham dự trực tuyến, chưa kể khoảng 10,000 nhân viên của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động. Anh, Mỹ và Liên Âu là những nước mạnh mẽ hô hào chấm dứt xả khí thải vào năm 2050 nhưng ngoài họ chỉ có Canada, Úc, Nhật và Nam Hàn cam kết mà thôi.

Sự việc các lãnh tụ những nước xả khí thải hàng đầu như Trung Cộng, Nga không đến dự hội nghị và các quốc gia khác đến dự mà không có một cam kết đã báo hiệu hội nghị khí thải lần thứ 26 sẽ không đi đến đâu, ngoài những cái bắt tay, đổ trách nhiệm cho nhau và để những tổ chức chống khí thải trình diễn và bày tỏ quan điểm của họ.

Thủ tướng Úc cam kết rõ ràng nhưng cho rằng các nước tiên tiến phải nghĩ đến các nước nghèo, đang phát triển trong đó khoa học và kỹ thuật sẽ giúp giảm khí thải mà không ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân, một ý kiến được Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam hỗ trợ. Nhưng hội nghị sẽ thất bại dù Thủ tướng cộng sản Phạm Minh Chính bước xuống phi trường Glasgow được đại diện Bộ ngoại giao đón giữa cơn mưa đã “mê tín dị đoan” phán rằng mưa là điềm tốt báo hiệu hội nghị sẽ thành công.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1858 phát hành ngày 03.11.2021)