“…Phong tình năm canh” (Chúc tết Hoàng Hoa Hội)

12 Tháng Ba, 2013 | Tìm hiểu về rượu

Thời gian hai tuần qua, có vô số đề tài hấp dẫn hoặc gây tranh luận dữ dội, từ vụ “Đệ nhất nam” (First Bloke) Tim Mathieson lỡ mồm “đụng chạm” phụ nữ Á châu tới việc người tình của chàng là Hồng Mao Nương Tử Julia Gillard lo “coi ngày”(?) để tổ chức tổng tuyển cử; từ việc nhạc sĩ “nhớ kháng chiến” Phạm Duy “nghìn trùng xa cách” tới vụ dân biểu Craig Thomson, vai chính trong xì-căng-đan “sexgate”, chính thức bị buộc tội (charged) lấy quỹ của nghiệp đoàn để trả tiền chơi gái… Tuy nhiên, vì số báo này là số “tống cựu nghinh tân”, theo thông lệ nên viết về những gì vui vẻ thoải mái tốt đẹp, cho nên LNĐ đã quyết định “để dành” những vụ nói trên, còn trong số báo này chỉ viết về rượu, thay cho lời chúc tết gửi tới hội viên Hoàng Hoa Hội nói riêng, độc giả Tivi Tuần-san nói chung.

Anh một ly em một ly!

Mới đây, ông X, một hội viên ở Victoria viết cho LNĐ:

 

Nhóm chúng tôi là bạn tri kỷ, cho nên mỗi khi họp mặt ăn uống, ai cũng đãi khách, hoặc khách đem tới những chai rượu vang khá xịn (từ 30 đô trở lên), có khi rất xịn (trên 100 đô). Vấn đề nó là nếu không rót cho các bà thì coi không được, mà rót thì uổng rượu, bởi vì tôi biết chắc chắn các bà không biết thưởng thức. Có đôi lần tôi làm bộ tử tế mời các bà uống rượu ngọt (port, cherry, liqueur…) nhưng bà nào cũng chỉ nhấm nháp một chút rồi thôi! Còn cho uống sâm-banh thì mấy bả chê là “chua”… 

Cái kẹt là đa số đàn bà con gái ngày nay ai cũng lo đai-ệt nên không mấy người chịu uống nước ngọt nữa… Lão hội chủ có cao kiến gì chăng? 

* * * 

Viết như ông X (…chắc chắn các bà không biết thưởng thức) là khi dể con cháu Eva, rất dễ mích lòng. Còn nhớ cách đây khoảng 5, 7 năm, trong loạt bài viết về nghệ thuật và thú uống rượu, LNĐ đã làm bốn câu thơ con cóc như sau:

 

Nam hữu tửu như kỳ hữu phong

Nữ hữu tửu như sư hữu tình

Cụng ly chỉ có đôi mình

Giao bôi nửa lít phong tình năm canh

(Sư: sư tử Hà Đông; nửa lít: rượu chát)

Nghĩa là cái thuở “ông uống bà khen” đã lùi vào quá khứ, còn thời nay thì cả hai ông bà cùng uống cùng khen nhau. Tuy nhiên, xét riêng trong cộng đồng Mít tộc nhà mình thì tỷ lệ các bà các cô hiểu được “nghệ thuật uống rượu” và biết hưởng cái “thú uống rượu” cũng chưa cao cho lắm. Vì thế, LNĐ xin trình bày một số hướng dẫn và đưa ra một vài đề nghị, để quý ông dựa vào đó mà “hầu tiếp” các bà, vừa khỏi sợ “uổng rượu” vừa vui vẻ cả làng!

* * *

Trước hết, LNĐ xin nhắc lại bốn loại rượu chính đã trình bày trong loạt bài về nghệ thuật và thú uống rượu, đó là rượu mạnh, rượu vang, rượu ngọt, và rượu bia. Trong bài này chỉ đề cập tới rượu mạnh, rượu vang, và rượu ngọt.

 

Rượu mạnh (spirit): gồm các loại rượu nấu cất (distilled) bằng nho, ngũ cốc, đường thô, trái cây…, như whisky, brandy, gin, rhum, vodka, đế, sake, v.v… Rượu mạnh thường có nồng độ rượu từ 40% trở lên.

 

Rượu vang (wine): làm bằng nước ép của trái nho được ủ cho lên men, gồm vang đỏ, vang trắng, vang sủi bọt (champagne), và vang ngọt (chẳng hạn “rosé” hoặc rượu lễ của Công giáo). Rượu vang thường có nồng độ rượu từ 12 tới 15%.

 

Rượu ngọt: gồm hai loại liqueur fortified wine. “Liqueur” là tiếng Pháp đã được quốc tế hóa, là rượu mạnh được nấu cất, pha chế với trái cây, hương hoa, thảo mộc, cà-phê, kem… Liqueur có vị ngọt, nồng độ rượu từ 15 tới 55%. Cũng xin lưu ý: “liqueur” khác nghĩa với “liquor” trong tiếng Anh, là chữ để chỉ chung tất cả mọi loại thức uống có nồng độ rượu, thí dụ: liquor shop, liquor license, Liquorland…

 

Trong số các loại liqueur được ưa chuộng và phổ biến ở Úc hiện nay có Bénédictine, Chartreuse, Cointreau, Grand Marnier… của Pháp, Campari, Frangelico, Galliano, Martini… của Ý, Dambruie của Tô-cách-lan, Baileys Irish Cream của Ái-nhĩ-lan, Jack Daniel’s Tennessee Honey, Wild Turkey American Honey của Mỹ, Tia Maria, Kahlua của Mễ-tây-cơ, Midori của Nhật…

Còn “fortified wine” là rượu vang ngọt được pha thêm rượu mạnh để có nồng độ cao hơn rượu vang nguyên chất. Các loại “fortified wine” phổ biến là port sherry có nguồn gốc Bồ-đào-nha, và muscat của Pháp.

* * *

Sau khi đã nắm vững ba loại rượu căn bản – rượu mạnh, rượu vang, rượu ngọt – chúng ta mới bàn tới việc nên mời các phu nhơn uống rượu gì trong một buổi tiệc vui.

Dĩ nhiên, việc đầu tiên là phải loại bỏ rượu mạnh, vì thứ nhất, người sành điệu không ai uống rượu mạnh trong bữa ăn, và thứ hai, chúng ta đang nói tới những bữa tiệc mà các ông uống rượu vang.

Kế đến, cho các phu nhơn uống rượu ngọt như ông X đã thử làm là trật sách vở, bởi vì rượu ngọt, cho dù nhẹ như rosé (khoảng 12% độ rượu), trung bình như port, cherry (khoảng 17%) hay nặng như các loại liqueur của Pháp, cũng đều là “rượu tráng miệng”, hoặc uống chơi, dứt khoát không uống trong bữa ăn.

Như vậy, chỉ còn vang trắng và vang đỏ. Lý tưởng nhất là các ông uống chai nào thì mời các bà “share” chai đó, vừa thể hiện tinh thần nam nữ bình quyền vừa có mục đích huấn luyện người bạn đời kiêm bạn tình đạt tới trình độ “cụng ly chỉ có đôi mình, giao bôi nửa lít phong tình năm canh”!

Tuy nhiên, theo sự quan sát của LNĐ, cả đến các bà các cô Úc da trắng, không phải ai cũng đạt tới trình độ uống rượu đó, cho nên người ta phải tìm một “lối thoát” để vừa giúp các phu nhân, các tiểu thư có tí men, ăn thêm ngon miệng, talk thêm… ồn ào, vừa khỏi “uổng rượu xịn” của đám đàn ông con trai.

Và “lối thoát” tốt nhất, ít ra cũng là ở Úc, là cho các phu nhơn uống rượu vang sủi bọt, rượu vang có nồng độ nhẹ, hoặc rượu vang hơi ngọt.

Sâm-banh: bà uống ông khen. Dom Pérignon của Pháp và  chai Moscato “Rosa” của Úc. Hình: Wikipedia

(1) Rượu vang sủi bọt:

Tức rượu “champagne” của Pháp (người Việt gọi là sâm-banh), hay “sparkling wine” của các quốc gia khác, xưa kia chỉ để uống trong các buổi tiếp tân, hoặc uống khai vị trước khi bước vào bữa tiệc. Nhưng từ mấy chục năm qua, người ta đã trở nên thực tế hơn, nghĩa là bất chấp nguyên tắc, miễn sao mình thấy hợp, thấy ngon miệng là đủ, thì cùng với việc bia được ghi vào danh sách thức uống của các nhà hàng sang trọng, rượu vang sủi bọt cũng được nhiều người sử dụng như một thức uống trong lúc ăn.

Thí dụ: trong đám cưới của kép Mỹ Michael Douglas với cô đào Anh Catherine Zeta-Jones, khách đã được mời ăn tôm hùm  Alsaka và uống rượu champagne Dom Pérignon của Pháp.

Tuy nhiên, champagne nói riêng, rượu vang sủi bọt nói chung, không thể vượt khỏi nguyên tắc “tiền nào của nấy”, hơn nữa đa số dân Mít chưa quen thưởng thức loại rượu này cho nên dù được mời uống loại xịn, vẫn thấy chua như ông X đã viết.

Sau đây là một số hướng dẫn căn bản cho những độc giả muốn thưởng thức rượu vang sủi bọt:

Trước hết, trên chai rượu, ta thường thấy ghi những chữ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh như Extra Brut, Brut, Extra Dry, Sec, hoặc Demi-sec, để chỉ lượng đường có trong rượu, từ nhiều cho tới ít.

 

Để độc giả khỏi điên đầu, LNĐ tóm tắt như sau:

 

– Extra Brut có nghĩa là Extra Dry: ít ngọt nhất

 

– Brut (Dry): hơi ngọt, thích hợp nhất cho các món ăn

 

– Extra dry: ngọt vừa, lý tưởng để khai vị (aperitif)

 

– Demi-sec: ngọt nhất, đi với trái cây hoặc đồ tráng miệng.

 

Ngoài ra, còn có chữ NV hoặc mùa nho (Vintage…). NV có nghĩa là “non-vintage”, tức là rượu làm bằng nho của nhiều mùa khác nhau trộn lại, còn “Vintage”, chẳng hạn “Vintage 2000”, là làm bằng nho của mùa nho năm 2000. Như một định luật, chỉ có những mùa nho xuất sắc mới được lựa chọn để làm rượu “Vintage” cho nên rượu có chữ “Vintage…” bao giờ cũng mắc hơn rượu có chữ “NV”.

Kế tới là chữ “Cuvée”, tiếng Pháp có nghĩa chung chung là “xịn”, còn trong kỹ nghệ rượu vang sủi bọt có nghĩa là nước nho đợt một, nho được “đạp” chứ không phải nho bị “ép”.

Xin giải thích thêm như sau: theo đúng truyền thống của vùng Champagne, khi mới đem về, nho được đựng trong các vại lớn bằng gỗ, sau đó các cô đầm (ưu tiên chọn các trinh nữ!) bước vào vại, hai tay vén váy lên và sử dụng hai bàn chân ngà ngọc để đạp cho nho nát ra. Sau khi lấy được 35% nước nho, người ta mới cho nho vào máy ép để lấy 65% nước nho còn lại.

Thế nhưng, tùy chất lượng nho của từng hãng mà nhiều khi nước “ép” của hãng này vẫn còn ngon hơn nước “đạp” của hãng nọ. Cho nên, chữ “Cuvée” trên một chai rượu vang sủi bọt chỉ có giá trị tương đối, cũng tương tự chữ “Reserve” trên các chai rượu vang ở Úc vậy.

Cuối cùng là chữ “Rosé” có nghĩa là chai rượu vang sủi bọt này được pha với rượu vang ngọt “rosé”.

Về giá cả, LNĐ xin ghi vài loại champagne của Pháp phổ biến như sau:

– Dưới 30 Úc kim: Saint-Hilaire Blanquette de Limoux, Mumm Napa Brut, Billecart-Salmon Brut Réserve…

– Từ 50 tới 100: Moet & Chandon, Piper Heidsiek Champagne Brut

– Trên 100: Veuve Cliquot Ponsardin, Dom Pérignon (của hãng Moet & Chandon)

Còn các loại rượu vang sủi bọt (sparkling wine) của Úc, xịn thì có chai Clover Hill (khoảng 35 Úc kim), trung bình thì có chai Chandon Brut VN (khoảng  25 Úc kim).

Ngoài ra, hầu như hãng nào của Úc cũng có một vài chai giá dưới 20 Úc kim; nhiều khi có ghi trên nhãn những chữ như Shiraz, Pinot Noir, Chardonnay… để cho người mua biết giống nho được sử dụng để làm loại rượu vang sủi bọt này.

(2) Moscato: bà uống bà khen!

Như LNĐ đã viết ở trên, đa số dân Mít chưa quen thưởng thức champagne hoặc rượu vang sủi bọt, cho nên “lối thoát” tốt nhất, theo LNĐ là cho các phu nhơn uống rượu vang có nồng độ nhẹ, hoặc rượu vang hơi ngọt. Mà loại rượu vang vừa có nồng độ nhẹ vừa hơi ngọt dễ uống nhất hiện nay là Moscato.

 

Moscato là tiếng Ý, do chữ Muscat của Pháp mà ra. Hiện nay trên trường quốc tế, hai chữ này được sử dụng để gọi hai loại rượu khác nhau: Muscat là một loại rượu vang ngọt làm bằng giống nho Muscat, còn Moscato là một loại vang chỉ hơi ngọt, nồng độ rượu thấp (5-9%), và đôi khi có chút ga (hơi sủi bọt).

 

Moscato cùng với Lambrusco là hai loại rượu phát xuất từ Ý, nhưng sau khi được “Úc hóa”, trong khi Lambrusco bị xuống cấp và xuống giá (giá chỉ 4, 5 Úc kim một chai) thì Moscato lại mau chóng trở thành một loại vang trắng được ưa chuộng.

Đặc điểm của Moscato là có mùi thơm dịu dàng của hoa cam, hoa kim ngân (honeysuckle), hạnh nhân và gừng, vị ngọt ngào của nho xanh, chanh xanh, cam, đào và táo.

Theo Wikipdedia, hiện nay Moscato đang được xem là loại rượu vang phổ biến nhất trong giới trẻ; riêng tại Hoa Kỳ, Moscato đứng hàng thứ 3 trong số các loại rượu vang bán chạy nhất trong năm 2012.

Riêng LNĐ, sau vài lần thí nghiệm, còn nhận thấy Moscato rất thích hợp với các món ăn Á đông, cho nên những lúc không có tiền để “chơi” một chai chardonnay kha khá (trên 30 Úc kim), khui đỡ một chai Moscato cũng thấy ngon miệng.

Cuối cùng, cũng phải nói tới một trong những công dụng của Moscato là giúp người uống cảm thấy “nhẹ bụng” sau khi ăn một món “nặng bụng”.

Vì thế, LNĐ đề nghị quý ông lần tới có tiệc tùng, thử mua mấy chai Moscato cho các bà uống, không nhất tiết phải là hạng xịn, mà trên dưới 15 Úc kim cũng “dzừa đủ xài”.

Bảo đảm bà uống bà khen. Mà khen thì thường đi đôi với… thưởng!

Lão Ngoan Đồng 

(TiVi Tuần-san số 1402 – 6.2.2013)