Ngày 3.2, Giáo hoàng Francis đã tới thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân tới Bán đảo Arab.
Giáo hoàng đã được Hoàng Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đón tiếp và hộ tống đến gặp Đại giáo chủ Sheikh Ahmed al-Tayeb – Viện trưởng Đại học Al-Azhar của Ai Cập, vốn là một trong những nơi học chính của người Hồi giáo dòng Sunni.
Giáo hoàng sẽ gặp các lãnh đạo Hồi giáo và tiến hành buổi cầu nguyện ngoài trời cho khoảng 135.000 người Cơ đốc giáo, trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ trên Bán đảo Arab. Giáo hoàng Francis cho biết chuyến công du của ông là cơ hội để “viết nên một trang sử mới về quan hệ giữa hai tôn giáo.”
Về phần mình, UAE coi 2019 là Năm của Lòng vị tha, và cho biết chuyến thăm của Giáo hoàng cho thấy lịch sử của vương quốc này là “cái nôi của sự đa dạng.” UAE là nơi có khoảng 1 triệu người Cơ đốc giáo xa quê, đa phần đến từ Philippines.
Khoảng 1 triệu người Cơ đốc giáo khác đang sống tại các quốc gia khác trên Bán đảo Arab.
Các linh mục và các nhà ngoại giao mô tả UAE là một trong những nơi áp dụng ít quy định hạn chế nhất ở vùng Vịnh đối với việc cầu nguyện của người theo đạo Thiên chúa.
Các nước vùng Vịnh, trừ Saudi Arabia, cho phép các tín đồ Cơ đốc giáo vào nhà thờ nhưng phải cầu nguyện trong yên lặng. Tại Saudi Arabia, những người không theo đạo Hồi phải cầu nguyện bí mật tại nhà riêng.
Trong bài phát biểu thường kỳ ngày 3.2 ở Vatican ngay trước khi lên đường tới Abu Dhabi, Giáo hoàng Francis cho biết ông theo dõi sát và đặc biệt quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thực thi thỏa thuận ngừng bắn mong manh và tạo điều kiện cho việc phân phát hàng cứu trợ tới hàng triệu người dân đang đói khát.
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết UAE hoan nghênh thông điệp của Giáo hoàng về cuộc khủng hoảng tại Yemen, và bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận hòa bình mà ông nhắc tới là bước đột phá lịch sử.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, khi Giáo hoàng vừa hạ cánh xuống Abu Dhabi, ông Gargash viết: “Hãy cùng đảm bảo việc thực thi thỏa thuận và hãy biến 2019 thành năm của hòa bình ở Yemen.”
Các bên tại Yemen đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn tháng 12.2018 tại các cuộc đàm phán hòa bình lớn đầu tiên trong gần 4 năm xảy ra xung đột. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, và theo Liên hợp quốc, hàng triệu người đang sắp chết đói. Sự tồn tại của họ tùy thuộc vào việc thực thi ngừng bắn.
UAE là nước đóng vai trò hàng đầu trong liên minh Arab (do Saudi Arabia đứng đầu) can thiệp quân sự tại Yemen nhằm chống lại lực lượng nổi dậy Houthi và ủng hộ Tổng thống lưu vong Mansur Hadi.
Tổng hợp