Nghiên cứu mới đây cho thấy tuổi thọ của những trẻ em sinh ra ngày nay trung bình bị giảm 20 tháng do hít phải bầu không khí độc hại lan rộng trên toàn cầu, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực Nam Á.
Theo báo cáo “Tình trạng không khí toàn cầu năm 2019” được công bố hôm 3-4, ô nhiễm không khí góp phần gây ra gần 1/10 trường hợp tử vong trong năm 2017, khiến nó trở thành “sát thủ” nguy hiểm hơn cả bệnh sốt rét, tai nạn đường bộ và có tác hại tương đương với việc hút thuốc.
Ở Nam Á và Đông Á, tuổi thọ trẻ em có thể lần lượt bị rút ngắn 30 tháng và 23 tháng trong khi con số này ở châu Phi Hạ Sahara là 24 tháng do ảnh hưởng cộng gộp từ ô nhiễm không khí ngoài trời như giao thông, công nghiệp và không khí bẩn trong nhà, phần lớn là do nấu ăn cháy khét. Trong khi đó, tuổi thọ trẻ em ở các nước phát triển được dự báo giảm dưới 5 tháng.
Ông Robert O’Keefe, Phó Chủ tịch Viện Hiệu ứng Sức khỏe (Mỹ) – tổ chức đưa ra báo cáo nói trên, cảnh báo: “Tuổi thọ của trẻ em đang bị rút ngắn nhiều đến mức gây sốc. Không có phép mầu nào ở đây, ngoại trừ việc các chính phủ phải hành động”.
Trong khi đó, ông Alastair Harper, người đứng đầu các chiến dịch vận động tại Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Anh, cho rằng có các bằng chứng tiếp tục cho thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với không khí độc hại và tình trạng trẻ sinh nhẹ cân, giảm sự phát triển của phổi và hen suyễn ở trẻ em.
Theo NLĐ