Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo năm nay đã bắt đầu từ ngày 6-5, trừ một số nước như Ấn Độ, Pakistan và Iran sẽ bắt đầu tháng ăn chay âm lịch vào ngày 7-5 do chu kỳ Mặt trăng.
Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo năm nay đã bắt đầu từ ngày 6-5.
Người Hồi giáo tại các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và hầu hết các quốc gia tại Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Iraq và Saudi Arabia bắt đầu tháng lễ ăn chay Ramadan kể từ ngày 6-5. Tuy nhiên, hàng triệu tín đồ Hồi giáo khác tại Ấn Độ, Pakistan và Iran sẽ bắt đầu tháng ăn chay âm lịch vào ngày 7-5 do chu kỳ Mặt trăng.
Người Hồi giáo sử dụng lịch Mặt trăng và dựa vào thời điểm Mặt trăng mọc và lặn nên dẫn tới một số quốc gia khác nhau bắt đầu tháng lễ Ramadan lệch nhau một hoặc hai ngày.
Theo truyền thống, các quốc gia tuyên bố bắt đầu tháng lễ nếu hội đồng theo dõi Mặt trăng đánh dấu trăng khuyết vào tối trước khi lễ ăn chay bắt đầu.
Trên khắp thế giới, người Hồi giáo ăn chay mỗi ngày trong suốt tháng lễ Ramadan, không dùng thức ăn và đồ uống từ bình minh đến chập tối. Điều này có nghĩa người Hồi giáo sẽ không ăn, uống, hút thuốc… trong suốt 15 giờ liên tục của mỗi ngày trong tháng lễ.
Tháng lễ ăn chay nhằm đưa tín đồ tiếp cận gần hơn với Thượng đế thông qua việc tự kiểm soát, tưởng nhớ và khiêm nhường. Thách thức của việc ăn chay đối với nhiều tín đồ cũng là cơ hội để khôi phục tinh thần và thể xác, loại bỏ các thói quen xấu và lấy lại sự thánh thiện.
Vào ban ngày, tín đồ Hồi giáo phải tránh xa tình dục, khẩu nghiệp và sự báng bổ, khuyến khích tập trung vào suy ngẫm như cầu nguyện, đọc kinh Quran và bao dung.
Hầu hết tại các nước có đông tín đồ Hồi giáo vào tháng lễ Ramadan, các cửa hiệu và khách sạn sẽ hạn chế việc bán đồ uống có cồn, thông thường các nhà hàng sẽ đóng cửa vào ban ngày.
Tuy nhiên, việc ăn chay không áp dụng đối với trẻ em, người già, người ốm yếu, phụ nữ đang mang thai, y tá hay người hành hương.
Tháng lễ ăn chay Ramadan bắt đầu với bữa ăn trước khi Mặt trời mọc, gọi là “Suhoor” để chuẩn bị cho việc nhịn ăn trong suốt ban ngày sau đó. Một bữa ăn “Suhoor” thông thường bao gồm bánh mỳ, rau, hoa quả, sữa chua lên men, trà, cũng như đậu lăng và đỗ.
Vào lúc Mặt trời lặn, đánh dấu kết thúc thời gian ban ngày, các gia đình và bạn bè tụ tập ăn bữa tối, được gọi là “iftar”.
Tín đồ Hồi giáo thường kết thúc ăn chay như cách nhà tiên tri Muhammad đã thực hiện 1.400 năm trước là ăn một ít chà là ngọt và uống nước sau khi tiến hành cầu nguyện vào lúc Mặt trời lặn. Sau đó, các tín đồ sẽ dùng bữa tối “iftar”, bao gồm chủ yếu các món được tự nấu như gạo, món hầm, một số món tráng miệng và đồ ngọt.