Từ Hi Thái Hậu có thể không còn là nhân vật xa lạ gì đối với đa số người Việt ở Úc, bởi vì có quá nhiều video, phim nói về cuộc đời của bà hoặc về những nhân vật khác trong triều đại nhà Thanh mà có liên hệ đến bà.
Cũng mới đây thôi, ngày 26.7.95, đài SBS đã chiếu cuốn phim có tựa “Li Lianying, The Imperial Eunech”, cuốn phim nói về cuộc đời của quan thái giám Lý Liên Anh, người hầu thân tín nhất của bà Từ Hi, tức là Tây Thái Hậu.
Từ cô gái nghèo đến… Đức Bà
Trước khi có cái tên Từ Hi do vua Hàm Phong đặt, tên của người đàn bà này là Xuân Lan (hay Lan Nhi). Tuyển vào cung từ bé, Xuân Lan được ông vua dâm dật Hàm Phong yêu quý vì vẻ đẹp và sự khôn khéo, và được chọn làm Quý Nhân. Sau khi sinh được một đứa con trai, Quý Nhân Xuân Lan được nâng lên hàng Quý Phi. Thời gian này Sương Kiều đã được chính thức gọi là Hoàng Hậu, nhưng vì Sương Kiều chỉ sinh được cho nhà vua một đứa con gái yếu ớt bệnh hoạn nên bao nhiêu nuông chiều nhà vua đều dành trọn cho Xuân Lan.
Khi con của Quý Nhân Xuân Lan được một tuổi, nàng đã dùng mưu trí để vua cân nhắc lên chức Hoàng Hậu. Nhưng vì đã có một Hoàng Hậu rồi cho nên nhà vua mới ra sắc lệnh phong cho Sương Kiều làm Đông Cung Hoàng Hậu, với tên gọi là Từ An, còn Xuân Lan được phong làm Tây Cung Hoàng Hậu với tên gọi là Từ Hi.
Kể từ đây người ta chỉ còn gọi Xuân Lan là Từ Hi hay là Tây (Cung) Hoàng Hậu.
Tuy chỉ là Tây Hoàng Hậu, nhưng Từ Hi đã sớm bắt nạt Từ An, Đông Hoàng Hậu (hoàng hậu chính được cho ở cung điện phía Đông – Đông Cung – và thông thường người con trai (hay trai trưởng) của bà này sẽ được đặt làm Đông Cung Thái Tử, là người sẽ được nối ngai vàng sau này. Từ An không có con trai, và chẳng bao giờ hy vọng có con trai với ông vua hoang dâm nhưng yếu xìu Hàm Phong nên Từ Hi được dịp tìm cách nắm hết quyền hành trong tay.
Vẫn còn nghi vấn lịch sử về người con của Từ Hi, tức vua Đồng Trị.
Có giả thuyết cho rằng Đồng Trị là con của Sở Anh, một cô gái gốc Hán Tộc đã được vua Hàm Phong ăn nằm một lần và có bầu nhưng sau đó bị bỏ quên. Trong thời gian Sở Anh có bầu, Lan Quý Phi (tức Từ Hi sau này) cho kẻ hầu cận phao tin mình có bầu, độn bụng và khôn khéo giả bộ dưỡng thai để tránh gần vua. Sau đó Lan Quý Phi cho người thủ tiêu Sở Anh.
Một giả thuyết khác được hầu hết các nhà viết sử, viết truyện, dựng phim xem là có sức thuyết phục, cho rằng Đồng Trị là con của quan Chưởng Vệ Lữ Phong và Lan Quý Phi. Số là Phong Lữ trước đây là người yêu của Lan Quý Phi khi còn ở miền quê. Khi vào cung hai người lại gặp nhau và mối tình xưa tái nảy nở. Lan Quý Phi có một thời gian làm bộ tránh không gặp vua để thầm lén ăn nằm với quan Chưởng Vệ. Sau khi biết mình đã có thai với Lữ Phong thì Lan Quý Phi chịu ăn nằm trở lại với ông vua hoang dâm. Rồi sau đó báo tin mình có bầu.
Thời gian này Hoàng Hậu Sương Kiều (Từ An sau này) vừa sinh con gái. Hoàng tộc thất vọng. Đến khi Lan Quý Phi sinh một con trai thì tất cả đều hướng về nàng. Nhiều người trong hoàng tộc đã xầm xì về chuyện tình trong cung cấm giữa Lữ Phong và Lan Quý Phi. Họ cho rằng vua Hàm Phong không thể nào còn đủ sức làm cho Lan Quý Phi có bầu được, lại có một đứa con trai khỏe mạnh vì ông quá yếu về đường tình dục dù quá háo sắc. Chỉ có quan Chưởng Vệ mới đủ sức làm điều đó.
Chuyện tình cung cấp thường rối như tơ vò. Nhiều ông… hoạn quan trong cung là hoạn quan giả. Nhà vua, hoàng tộc, các cung nữ đều biết nhưng vẫn cứ dùng họ như những quan thái giám.
Vua Hàm Phong chết lúc Đồng Trị mới lên 6. Từ Hi lập tức cho giết và triệt hạ những phần tử chống đối rồi tự nắm quyền nhiếp chính. Tây Hoàng Hậu bây giờ trở thành Tây Thái Hậu. Vua trẻ chỉ là kẻ bù nhìn.
Lớn lên, tuy thông minh đỉnh ngộ, nhưng vì không có thực quyền, Đồng Trị trở nên sa đọa, hút sách và đĩ điếm. Bọn thái giám còn giúp vua giả làm thường dân bỏ cung cấm ra bên ngoài đi nhà thổ. Đồng Trị dính bệnh giang mai nhưng không biết. Khi bệnh giang mai đến thời kỳ chót, người sưng đỏ lên thì chỉ còn chờ chết. Từ Hi cũng tỏ ra hối hận vì gián tiếp đẩy con ruột vào con đường đen tối đó. Nhà vua mất lúc 20 tuổi.
Là con người đa mưu hiểm độc táo bạo, Từ Hi cấp tốc ép buộc hoàng thân Đối Khoát – em của vua Hàm Phong – giao đứa con ba tuổi để bà tập làm vua. Đã thấy sự đối xử của Từ Hi với con ruột là Đồng Trị, hoàng thân Đối Khoát năn nỉ xin tha con mình khỏi làm vua nhưng không được. Từ Hi muốn có đứa bé ba tuổi làm vua để bà có thể nắm trọn quyền trong tay, càng lâu càng tốt. Vua trẻ ba tuổi được đặt hiệu là Quang Tự.
Số mạng của vua Quang Tự sau này cũng rất thê thảm. Mặc dầu thông minh, muốn theo lời các nhà cách mạng như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu để canh tân Trung Hoa chống lại Nhật và các nước Tây Phương nhưng bị Từ Hi đì, trừng phạt bằng cách đánh đập, giam cầm, làm cho trở thành người bất toại, á khẩu một thời gian để rồi một mình bà tác yêu tác quái. Ba mươi bốn năm Quang Tự làm vua là làm vua bù nhìn.
Bạn đọc đã xem nhiều phim về Từ Hi, nhất là phim quan Thái Giám Lý Liên Anh trên đài SBS gần đây mới thấy Từ Hi là một người đàn bà tài giỏi, ghê gớm, độc ác như thế nào trong lịch sử Trung Hoa. Trong phim thường có phụ đề Anh ngữ “Old Buddha” khi người ta gọi Từ Hi, đấy chính là “Tâu Đức Bà”, Từ Hi thích người ta ví bà như là Phật Bà Quan Âm Thị Kính. Rõ là ngông.
Người ta nói rằng trước khi nhắm mắt, Từ Hi nói như sau: “Ta muốn nhắn với hậu thế là đừng bao giờ trao ngôi báu cho một người đàn bà. Cuộc đời của ta là một bài học quá đắt”.
Ai xây Di Hòa Viên?
Sau khi đi xem Vạn Lý Trường Thành, Quảng Trường Thiên An, Tử Cấm Thành, chúng tôi đã dành ngày cuối đi Cung Di Hòa mà tiếng Anh trong các tờ quảng cáo viết là The Summer Palace (Cung Điện Mùa Hạ) hay Yiheyuan.
Gọi Di Hòa Viên là Cung Điện Mùa Hạ cũng đúng thôi vì đây là nơi dành cho vua và hoàng gia nghỉ mát. Di Hòa Viên là một nơi mà du khách đã đến Bắc Kinh thì không thể bỏ qua. Không đi xem là cả một sự thiếu sót. Phim Quan Thái Giám Lý Liên Anh cũng đã dùng Di Hòa Viên ngày nay để dựng lại câu chuyện của ngày xưa.
Vua Thế Tổ Thuận Trị của nhà Thanh là người đầu tiên xây Di Hòa Viên. Chiến tranh tàn phá, vua Khang Hy xây lại, nhưng vẫn ở quy mô nhỏ. Đến đời Càn Long thì Di Hòa Viên đã được biến thành một thứ hoàng cung nguy nga lộng lẫy. Càn Long (Vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789 dưới thời Càn Long, cũng là năm xảy ra cuộc Cách Mạng Pháp) là một ông vua thông minh, học rộng, văn võ kiêm toàn lại rất có tính nghệ sĩ.
Ông đã cho vời những thương gia Tây Phương đem những kiến trúc ở Âu Châu như Pháp, Ý làm mẫu để giúp ông xây điện Di Hòa nên ngoài những phong cảnh hữu tình như núi đồi, hoa viên, suối lách, non bộ, cầu gỗ là những sắc thái Đông Phương, kiến trúc đồ sộ của các cung điện trong Di Hòa Viên phản ảnh phần nào sự vĩ đại của các cung điện vua chúa Âu Châu.
Di Hòa Viên bị liệt quốc đốt phá trong Trận Chiến Nha Phiến nhưng sau đó đã được Từ Hi xây dựng lại rực rỡ, tráng lệ hơn xưa bội phần. Tây Thái Hậu đã đến thăm và nghỉ mát tại Di Hòa Viên lần đầu tiên khi vua Hàm Phong còn sống, bị bán thân bất toại. Bạn đọc xem xi nê đã (sẽ) thấy cảnh triều đình chuẩn bị xe ngựa, kiệu để rước vua và hoàng hậu đi từ Tử Cấm Thành đến Di Hòa Viên, mất nửa ngày trên đoạn đường dài chỉ khoảng 13 cây số.
Một ngày đi thăm nơi Tây Thái Hậu sống
Chúng tôi ngụ tại khách sạn Landmark, cách xa Thiên An Môn (trung tâm Bắc Kinh) chừng 20 phút xe taxi (khoảng 7-8km). Nhưng muốn đi thăm Di Hòa Viên phải mất khoảng 40 phút đi taxi. Chúng tôi nhờ viên giám đốc khách sạn đồ sộ và đông nhân viên này, là người duy nhất nói được tiếng Anh, viết cho mấy chữ tiếng Tàu trên giấy, những địa điểm mà chúng tôi muốn đi. Rồi cứ thế kêu taxi, chỉ vào tờ giấy là họ lái xe đi.
Tài xế taxi sẽ nói với bạn họ chờ bạn nhưng qua kinh nghiệm của chúng tôi, bạn biểu họ đừng đợi, vì nếu bạn muốn ngồi chơi suốt cả ngày thì làm sao tính tiền với taxi. Ở Bắc Kinh, chỗ nào cũng có taxi phục vụ du khách. Có taxi đi tới thì sẽ có taxi khác chở về. Khi đi, nhớ nhìn vào đồng hồ tính tiền, cho tài xế có cảm tưởng mình không ngớ để họ vặn đồng hồ bậy!
Ở Bắc Kinh không thiếu tài xế taxi gạt du khách!
Xe taxi đi từ khách sạn đến Cung Di Hòa mất chừng 8 Úc kim. Vào cổng chính mất hơn 6 Úc kim (35 nhân dân tệ). Vào các cổng khác trong khu Di Hòa Viên cũng lại phải tốn vài Úc kim nữa. Nhà nước Trung Công chịu khó bày ra nhiều cửa ải để moi tiền du khách, đặc biệt là du khách ngoại quốc. Nhưng thật ra, số tiền đó cũng không lớn gì so với lợi tức của những du khách từ các nước giàu có.
Như đã nói ở trên, trong chuyến đi đầu tiên với vua Hàm Phong đến Cung Điện Mùa Hạ, Tây Hoàng Hậu đã mê cảnh vật nơi này. Và trong mấy chục năm trị vì Trung Hoa, Tây Thái Hậu đã cho trùng tu và nới rộng Di Hòa Viên. Vì thế, Di Hòa Viên còn đồng nghĩa với cung điện của Từ Hi Thái Hậu.
Cung điện xây trải dài từ chân hồ lên đến đỉnh đồi, cao khoảng 60 mét. Đây là một cái hồ thật lớn (diện tích khoảng 30 cây số vuông), rộng bằng khoảng 10 cái hồ Xuân Hương ở Đà Lạt gộp lại, mắt thường nhìn từ bờ này không thấy rõ cảnh vật bên bờ hồ kia. Nhà cửa, cung điện xây bọc một nửa hồ, không biết bao nhiêu mà kể. Chỉ nội cái hành lang (changlang) trước hồ nối liền các cung điện ở phía đông và tây với nhau cũng đã dài khoảng 800 mét. Hành lang có mái ngói che, rất kiểu cọ. Trên hành lang này thôi cũng đã có khoảng 9,000 bức tranh đủ màu được khắc họa dính liền trên trần hay hai bên hành lang. Chỉ mới cái hành lang thôi mà đã như thế thì bao nhiêu cung điện trong Di Hòa Viên còn tốn kém bao nhiêu mà kể.
Vua Đồng Trị (con ruột) và vua Quang Tự (cháu) đã bao lần than phiền việc phung phí công quỹ vào Cung Di Hòa nhưng Từ Hi không chịu, lại còn mắng con chửi cháu là ai đưa họ lên làm vua mà vô ơn, không nghe lời bà.
Chúng tôi đã từng xem phim chiếu cảnh Cung Di Hòa nhưng phải tới tận nơi xem mới thấy cái to lớn, vĩ đại, tinh vi, nghệ thuật của công trình kiến trúc này. Chỉ nội một đoạn ở giữa, từ bờ hồ đi lên cái Chùa nằm trên chóp đồi không là cả một công trình kiến trúc quy mô và tỉ mỉ đến mức nào. Bạn sẽ đi trong hành lang không bị mưa nắng, qua cung này đến cung kia, đi bên phải quẹo bên trái, cứ thế mà bước lên những bậc thang chạm trổ không biết bao nhiêu tranh cảnh, cứ thế mà bước đến mỏi chân. Chỉ khi lên Chùa trên đỉnh thì bạn mới phải bước lên tầng cấp hoặc bên trái hoặc bên phải mà không có mái che. Lên Chùa bạn cũng phải trả tiền vào cổng. Từ đây bạn có thể nhìn bao quát hết các núi đồi xung quanh, nếu có ống dòm bạn có thể nhìn thấy các cao ốc của thành phố Bắc Kinh.
Vì là người mộ Quan Âm nên Đức Bà (Từ Hi) cũng đã xây cái chùa trên chóp đồi một cách nguy nga. Du khách có thể đứng ở trong chánh điện nhưng không được trèo lên tháp chùa. Chỉ đứng trong khuôn viên, hành lang chùa trên đỉnh núi thôi, tay chân tôi cũng đã toát mồ hôi vì ngợp. Chúng tôi nghĩ rằng, muốn giết ai, Từ Hi chỉ ra lệnh cho ngự lâm quân hay thái giám xô họ ở bất cứ hành lang nào trên lưng đồi là đủ chết rồi, không cần phải bỏ thuốc độc hay xô xuống giếng sâu.
Xây dựng cung điện trên cả hàng chục mẫu đất chưa đủ, Từ Hi còn muốn xây cung điện trên một chiếc thuyền! Theo sử liệu, Từ Hi muốn xây Doanh Đài và Phù Kiều nhân dịp mừng thọ lục tuần. Quang Tự nói công quỹ hết sạch nhưng Từ Hi cho rằng vẫn còn. Ông vua thông minh nhưng nhu nhược cuối cùng cũng phải để cho Từ Hi lấy quỹ xây dựng hải quân Tàu để xây Doanh Đài và Phù Kiều.
Trớ trêu thay, chính Doanh Đài trên chiếc thuyền, trong khu vực Cung Di Hòa đã trở thành nơi giam cầm vua Quang Tự khi nhà vua muốn theo phe canh tân Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi. Chúng tôi có đến gần nhưng không được phép lên ngắm Doanh Đài trên chiếc thuyền này.
Giữa hồ có một cù lao, nghe nói trên đó có xây một ngôi chùa cũng nguy nga lắm (Longwangmiao – Dragon King’s Temple). Chúng tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ 2 Úc kim để đi chơi trên hồ trong một giờ. Rất tiếc nó lại là chiếc tàu đạp nước. Phải dùng chân đạp mới chạy. Vì đi quá nhiều trong mấy ngày liên tiếp nên chúng tôi đã chỉ đạp một đoạn, không dám đạp tới tận cù lao giữa hồ để ngắm vì sợ đạp về không nổi. Nếu bạn đi chơi tàu trên hồ, nhớ tìm chỗ có tàu chạy máy mà thuê. Tuy chạy rất chậm nhưng đỡ mệt. Ngoài ra, có những tàu lớn chở khách ra cù lao đó, nhưng phải đợi lâu.
Cũng nên nói với các bạn là một số phòng ốc cung điện của Từ Hi Thái Hậu không mở cửa cho công chúng vào xem. Bạn chỉ đứng ngoài ngắm giường tủ, đồ trang sức, các báu vật trang trí của người đàn bà trí xảo và thâm độc này mà thôi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể vào thăm một nơi bà ngủ. Phòng này có còn giữ lại ghế bà ngồi. Bạn chỉ trả 10 nhân dân tệ (gần 2 Úc kim) là có thể mặc áo Thái Hậu ngồi lên ghế của bà chụp hình kỷ niệm. Đàn ông con trai có thể mặc áo của quan hầu hay thái giám.
Đi Di Hòa Viên là ngày cuối cùng của chúng tôi trong chuyến thăm viếng Bắc Kinh. Người ta nói ở cả ngày may ra mới đi hết khu vực Cung Điện Mùa Hạ. Chúng tôi chỉ ở đó khoảng 5 tiếng đồng hồ thôi. Sau đó dùng thời giờ còn lại để đi mua sắm và đi vào các ngõ hẻm để nhìn mặt trái của thành phố Bắc Kinh. Để viết ký sự.
Bạn đã tới Bắc Kinh thì nhớ phải đi cho được The Summer Palace. Ở đây cũng có bán thức ăn, nước uống. Và dĩ nhiên cũng có toilet công cộng, khá hôi và không sạch nhưng phải trả tiền: 2 nhân dân tệ, khoảng vài chục xu Úc cho mỗi lần sử dụng cầu tiêu. Nhưng họ chỉ cho bạn một miếng giấy tissue to bằng tờ giấy học trò, cứng, xù xì đen như giấy sách báo của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để làm vệ sinh.
Xem phim, đọc lịch sử Trung Hoa rồi lại được ngắm di tích lịch sử đó thì chẳng có gì thú bằng. Cảnh thật chắc chắn đẹp hơn, hùng vĩ hơn trên màn ảnh, trong sách báo.
Từ Hi Thái Hậu chết vào năm 1908 tại Di Hòa Viên. Di sản là một nước Trung Hoa tả tơi bị liệt cường xâu xé để rồi dẫn đến cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 do Tôn Dật Tiên lãnh đạo.
Nguyễn Hồng Anh
Trích TVTS số 491 phát hành ngày 23.8.1995
(Kỳ tới: Tử Cấm Thành)