Kể chuyện đường xa Fiji: Ngày đầu ở Warwick Resort & Hotel (kỳ 3)

11 Tháng 7, 2025 | Châu Đại Dương,Fiji
Từ đường cái (hình trái) vào sâu bên trong mặt tiền của Warwick Resort and Holtel 5 sao này chỉ thấy toàn là cây cối. Hình: TVTS

(Nguyễn Hồng-Anh) – “7 ngày ở xứ đảo thần tiên” Vanuatu là tựa tôi đặt cho chuyến du lịch Vanuatu năm 2008. Có lẽ ngày đó người ở Việt Nam chưa đi du lịch nhiều như hiện nay nên đã có một độc giả từ Việt Nam sau khi đọc loạt  bút ký chuyến đi này, hỏi tôi làm sao để đi Vanuatu. Có thể độc giả này sau khi đọc bài “ kể chuyện đường xa” (Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên – gặp một gia đình Việt Nam, kỳ 6), nghe câu chuyện một cô gái đang làm việc ở Vanuatu, muốn qua làm việc hay sống ở Úc, nên hỏi chúng tôi làm thế nào để đi Vanuatu. Chắc độc giả này đã thất vọng vì tôi không làm dịch vụ du lịch, không  chấp nhận  và hoàn toàn không có liên hệ với nhà nước Việt Nam hiện nay (xem bài này, hiện còn trên mạng).

Gọi là “7 ngày ở xứ đảo thần tiên” là hợp với gia đình chúng tôi gồm vợ chồng và ba đứa con mà con lớn nhất đã 23 tuổi và  nhỏ nhất cũng đã 19 tuổi. Đó là cái vui của một gia đình với con cái đã trưởng thành, đang học đại học và cùng vui chơi với cha mẹ, thưởng thức ăn uống, thăm thú thắng cảnh, mua sắm và chơi những trò chơi mạnh. Là một trong những kỷ niệm du lịch mà mỗi khi đại gia đình sum họp, con cái đôi khi nhắc lại.

Chuyến đi tháng vừa qua là chuyến đi du lịch ngoại quốc lần đầu tiên của chúng tôi với con và cháu nội. Mục đích và vui chơi với các cháu nên chúng tôi chọn chuyến đi gần để tránh ngồi lâu trên máy bay và đồng thời chọn một nơi nghỉ mát thích hợp cho các cháu. Tôi đề nghị chọn Fiji vì trước kia tôi cũng đã tìm hiểu về xứ sở và nền chính trị nước này. Con và dâu lên mạng chọn nơi ở thích hợp nhất: Warwick Resort and Hotel. Chỗ ở rộng rãi, trong khuôn viên khi nghỉ dưỡng có nhiều phương tiện vui chơi cho người lớn lẫn trẻ con, nằm ngay trước mặt bãi biển và có những bãi biển đẹp gần đó, ngoài ra cũng có một công viên trò chơi cho trẻ con là Kula Wild Adventure Park chỉ cách khoảng 30 phút lái xe.

Nhà thờ St Peter Chanel ở làng quê, những căn nhà nhỏ bên phải là khu vực nhà xứ và trường học. Hình: TVTS

Và đó là lý do chúng tôi thuê chiếc xe 7 chỗ ngồi để muốn đi đâu tùy ý, ngay cả lái tới thủ đô Suva chỉ mất  hai tiếng. Du khách có thể book đi chơi, bằng xe khách, tàu, thăm thắng cảnh, văn hóa làng thôn của Fiji qua văn phòng khách sạn. Cũng có thể nhờ họ gọi taxi để đến thủ đô Suva hay thành phố (phi trường) Nadi tốn khoảng $150 đô la Fiji (khoảng $103 Úc kim).

Chúng tôi, con và dâu đồng ý chương trình hàng ngày sẽ chọn sau, tùy ý thích và thuận tiện.

Đất nước bao bọc bởi vòng đai  trắng xóa

Chúng tôi đến khách sạn tối Thứ Bảy. Tôi biết ngày mai là Chủ Nhật, nhưng vì đến xứ lạ, ở một khu nghỉ mát xa nhà cửa dân chúng, nên nghĩ rằng trong chuyến du lịch lần này sẽ bỏ lễ ngày Chủ Nhật.

Khi đến khách sạn đêm dầu, tôi hỏi con và dâu ngày mai sẽ làm gì. Con dâu nói sáng mai sẽ đi lễ,  trở về sẽ tính sau. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên,  con dâu nói nhà thờ chỉ cách khách sạn 5 phút lái xe. Đây là sự thuận lợi và hữu ích đầu tiên của chúng tôi khi các con đề nghị thuê xe riêng.

Giáo dân ngồi trên nền lót thảm suốt thánh lễ. Ca đoàn ngồi hát ở góc phải gần bàn thờ. Linh mục mặc áo tím trong Mùa Vọng Phục Sinh. Hình: TVTS

Chúng tôi dậy sớm. Kiến trúc khách sạn hình chữ U, có ba tầng. Chúng tôi ở tầng dưới, bây giờ mới biết mặt phòng đối diện với hồ bơi dành cho người lớn, trông ra biển. Đi nghỉ mát mà thấy biển ngay trước mặt thì chẳng còn gì thích hơn. Nhiệt độ ở Fiji lúc này khoảng 27 độ C, thật là lý tưởng. Trời nóng nhưng mát nhờ gió, bóng cây dừa, cả “rừng” dừa và nhiều cây cối bản xứ. Khu nghỉ dưỡng rất rộng, từ  quốc lộ vào cổng, qua khu mặt tiền là cây cối, vườn. Sâu bên trong là chỗ ở và các khu tiện nghi như nhà hàng, các hồ bơi, khu chơi thể thao, thể dục… Vợ chồng chúng tôi ra bãi biển đi dạo một vòng, nhìn một vài du khách lớn tuổi ra ngâm mình dưới nước biển lặng như tờ dù ngoài khơi, cách bờ  chừng một hai cây số sóng biển dâng cao, và ngưng lại tạo thành một bức tường trắng dài  bao quanh bờ biển hàng cây số hay hàng chục cây số cho đến khi mắt không còn trông thấy. Tôi rất lấy làm lạ tại sao có hiện tượng này.

Tôi nói với nhà tôi không lẽ người ta xây tường đá chận sóng để người tắm biển không bị sóng nước cuốn, vì vậy Fiji mới được khách du lịch ưa thích? Nhưng làm sao  xây thành chặn sóng biển đối với một nước không phải giàu có. Mà làm vậy được ích gì? Vì thế, khi thấy nhân viên  của khách sạn, tôi hỏi ngay cái thắc mắc không cần thiết này. Nhờ vậy tôi mới biết hòn đảo này được bao bọc bởi bức tường san hô nên sau này khi xe chạy hàng chục cây số ở những đoạn quốc lộ gần biển, tôi vẫn thấy sóng biển trắng xóa bọc quanh hòn đảo này.

Chúng tôi đã thấy một nửa phía sau của khu nghỉ dưỡng, trở về phòng trọ và cùng con cháu đến phòng ăn điểm tâm có sẵn trong tiền phòng trọ. Ăn xong, chúng tôi đi dự lễ Chủ Nhật lúc 10 giờ sáng tại nhờ thờ của Giáo xứ St Peter Chanel.

Theo wikipedia, năm 2023 tại Fiji Thiên Chúa giáo (Christian) chiếm khoảng 69.21% dân số trong đó đạo Giám lý (Methodist chiếm đa số. Đạo Công giáo (Catholic) có khoảng 83,000 tín đồ, chiếm khoảng 9.1% dân số. Và theo cuộc kiểm tra dân số năm 2023,  trên 75% là người bản xứ Fiji, 5% là người Jiji-Ấn Độ, phần còn lại là các sắc tộc khác.

Cây pandanus (phải) và rễ cây. Hình: TVTS

Tôn giáo và âm nhạc

Nhà thờ Giáo xứ St Peter Chanel  nằm cách quốc lộ chừng trăm mét, trên con đường đất nhỏ làng quê đủ để hai xe tránh nhau. Khung cảnh không giống làng quê Việt Nam đồng ruộng vì Fiji là xứ của rừng núi, nhiều cây cao, rậm. Thánh đường vừa phải, kiến trúc đơn giản, mái cao với cây thánh giá lớn gắn vào bức tường trắng.   Lối vào bên trong thánh đường bằng nhiều cửa hai bên hông. Kiến trúc này với trần cao có mục đích tạo không khí mát mẻ đối với khí hậu nóng của đảo quốc với những chiếc quạt điện chong chóng trên trần.

Chúng tôi là những người tới sau. Cha chưa làm lễ.  Từ ngoài đường cái đã nghe tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Âm vang của lời ca làm tôi nhớ lại khi tới khu kiểm soát của hải quan, du khách được chào đón bởi một ban nhạc vài người hát và chơi guitar, giống như ở Vanuatu. Có lẽ đây là truyền thống của những người dân hải đảo?

Loại nhạc có giai điệu và âm thanh tôi thường nghe như các ca viên ca đoàn người đảo Samoa trong nhà thờ St John The Baptist ở Clifton Hill của cộng đoàn giáo xứ Đức Bà Thánh Giá Phương Nam. Người Fiji và Samoa có chữ viết gần giống nhau (mẫu tự La-tinh) và âm phát nghe giống nhau. Âm sắc của ngôn ngữ khi hát nghe vang và xa, rộn ràng, sinh động dù bạn chẳng hiểu gì. Và họ chẳng cần đàn đệm, vẫn nghe hay. Như ca đoàn của giáo xứ St Peter Chanel mà chúng tôi nghe. Suốt thánh lễ, với nhiều bài hát khác nhau, nam nữ ngồi chung, hát bè, chẳng cần đàn mà nghe vang cả nhà thờ. Đây là thứ nhạc mà chúng tôi còn được nghe mỗi buổi tối khi các nhóm nghệ sĩ trình diễn bằng các điệu vũ, đồng ca hay kết hợp cả hai.

Nhiều sắc dân Phi Châu cũng có lối trình diễn  “hát chay” như Fiji  mà vẫ n thấy hay, lôi cuốn. Tiếng Việt với độc âm lại có dấu (khó khi soạn nhạc, dấu khi hát một chữ (lyric) có thể gây sốc nếu không biết cách thay đổi nốt nhạc cao hay thấp.  Thí dụ, hát hai chữ “lên đèo” mà chữ sau cho nốt nhạc cao thì người nghe sẽ bịt tai hay bỏ chạy!

Chiều tối xem đốt đuốc hay gõ trống Lali hình chiếc thuyền, biểu tượng văn hóa của người Fiji, âm thanh nghe vui tai. Hình: TVTS

Thánh lễ có khoảng 300 tín hữu dự. Hầu hết mọi người đều ngồi trên chiếu, chỉ có vài dãy ghế băng ở cuối. Chúng tôi được nhường ghế ngồi. Trong thánh lễ mọi người đều ngồi hay đứng, không quỳ. Linh mục bản xứ  cử hành thánh lễ bằng tiếng Fiji, thỉnh thoảng sử dụng tiếng Anh, cả khi giảng.  Vì có thêm nghi thức xức dầu mỗi đầu tháng cho người bệnh hay bất cứ ai muốn,  nên thánh lễ kéo dài gần một tiếng rưỡi. Không khí thánh lễ và lối con chiên tham dự thánh lễ một cách nghiêm trang, không chuyện trò, giống như một họ đạo làng quê ở Việt Nam.

Một số giáo dân đi bộ, số ít đi xe hơi và một số đi bằng xe buýt lớn do có lẽ họ ở xa. Vài người đi ngang qua gần chúng tôi chào “bula”, chúng tôi cũng chào lại, cám ơn  với câu “bula, vinaka”.

Hồ bơi, biển và cây cối

Warwick Resort & Hotel nằm trên đường Queens Road, Korolevu, đảo Viti Levu, được xây trên khu đất rộng  28 mẫu tây, với bãi biển  dài 3 dặm nhìn ra Vịnh Korolevu, bao bọc bởi các hòn đảo và bờ biển san hô Coral Coast. Khu nghỉ dưỡng có 250 phòng với rất nhiều tiện nghi, kể cả dịch vụ cho thuê xe.  Có sân tennis, sauna, massage… nhưng tôi không sử dụng nên không biết giá cả điều kiện. Tôi chỉ thích tắm, đi bộ và ngắm cây cảnh trong khu nghỉ mát này.

Cây cối có người chăm nom, đường đi bộ trong khu nghỉ mát sạch sẽ. Phần lớn cây cối được cắt tỉa đẹp, tuy không biết tên cây nhưng quen mắt. Có một cây rễ hơi khác lạ làm tôi phải hỏi tên gì. Đó là cây pandanus mà cô nhân viên nói người địa phương dùng để làm thảm (mat), có trái tùy theo mùa.  Về Melbourne, có thì giờ tra cứu, mới biết ở Úc cũng có cây pandanus mọc ở rất nhiều Bắc Úc, các đảo Thái Bình dương và các vùng nhiệt đới, còn gọi là screw pine (cây thông vít) hay dứa dại. Trái ăn được, ăn sống hoặc chín. Lá có thể dùng trong y dược cổ truyền, tạo hương thơm trong nấu ăn.

Một buổi cơm tối trước sân của nhà hàng món ăn Nhật. Hậu cảnh là biển. Hình: TVTS

Đi nhà thờ về, chúng tôi ăn trưa trong phòng ăn chính của khách sạn, những món ăn bình thường như các tiệm ăn của tây phương. Giá cả thức ăn và uống cũng gần  ngang ngửa các tiệm ở thành phố Melbourne. Sau đó chúng tôi cùng con và cháu ra hồ bơi dành cho trẻ con, cũng nhìn ra biển.  Hồ bơi này thỉnh thoảng có những người hướng dẫn trò chơi cho trẻ con và phụ huynh. Đặc biệt có bar rượu bia với ghế đá chìm dưới nước để người lớn vừa uống rượu vừa trông chừng con cái mình. Chơi với cháu xong, vợ chồng chúng tôi kéo nhau ra bãi biển, tắm swimming lagoon (một loại đầm phá có đê nhân tạo khá an toàn cho người tắm biển), vì đây là dịp để ngâm mình dưới nước biển ấm không thể có ở thành phố Melbourne nước biển quanh năm lạnh. Tuy cảnh đẹp nhưng đầm này có nhiều rong và đá hay san hô vụn gây khó chịu cho bàn chân, nên chúng tôi không thích lắm. Chỉ ngâm nước một lúc,  hẹn nhau sẽ có dịp đi xa để tắm những vùng biển cát mịn.

Buổi chiều khi hoàng hôn xuống, ông bà con cháu lại ra bờ biển  ngắm cảnh, chạy nhảy nô đùa trên sân cỏ hay xuống bãi biển nghịch ngợm với cát,  xem biểu diễn đánh trống gỗ truyền thống của người Fiji (Lali Drum/ Lali Ni Meke), xem đốt đuốc và sau đó ăn tối. Ở nơi này, resort phục vụ ba loại thức ăn mỗi đêm với nhà hàng Ý, nhà hàng Nhật và buffet đồ biển thay đổi hàng đêm kiểu Tàu, Trung Đông, Địa Trung Hải, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ. tại khu vực dành cho điểm tâm nơi thực khách sẽ tự đi chọn thức ăn, ngoại trừ gọi thức uống.

Xong một ngày ở trong resort, ngày mai chúng tôi sẽ lái xe ra bên ngoài, đem các cháu đi  chơi ở công viên trò chơi Kula Wild Adventure Park.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hồng-Anh, 31/5/2025

(Trích báo tuần-san điện-tử www.etvts.com.au số 2036 phát hành ngày 4/06/2025)