Tiệc rượu bên hồ bơi là một cái thú trong mùa hè |
Bạn sẽ hỏi Thụy Văn tôi, sau khi đã có chỗ cất rượu rồi thì sẽ cất rượu như thế nào đây. Câu trả lời lòng thòng như sau:
Tùy túi tiền của bạn. Nhưng giả sử mỗi tuần bạn muốn có một chai rượu già (old) để hưởng thụ cuộc đời này, bạn cần phải bắt đầu trữ mỗi tuần một chai. Một năm, bạn sẽ phải để dành 50 chai. Và giả sử bạn cất trữ chai rượu loại khoảng $15, thì mỗi năm bạn sẽ phải bỏ ra số tiền đầu tư cho cái thú uống rượu già, rượu ngon số tiền khoảng $780. Số tiền này, so với tiền thuốc lá hàng tuần, chắc chẳng thấm thía vào đâu.
Trồng người phải mất 100 năm, trồng cây phải mất 10 năm, còn cất trữ rượu- theo Thụy Văn nghĩ- cũng phải tính chuyện 5 năm. Một chai rượu loại $15 cất trong vòng 5 năm sau là có thể đạt đến hương vị gọi là ngon, tương đối đủ ngấu (ageing), đủ già (aged wine) để có thể thưởng thức ngang hàng với những chai ba, bốn chục bạc trở lên.
Trong 5 năm sau đó, do đầu tư tiếp, không gián đoạn, bạn có được số lượng rượu 260 chai, tương đương với 21 két rượu. Thụy Văn tôi nghĩ, 21 két rượu cũng không choáng bao nhiêu chỗ trong nhà, chỉ bằng thể tích của cái giường đơn.
Rượu đỏ bán trên thị trường Úc thường là rượu đã được làm một hai năm sau vụ mùa thu hoạch nho. Lúc này ra các tiệm rượu, bạn sẽ thấy người ta bán các chai rượu đỏ đề năm 1997 hay 1996. Như chai rượu đỏ mà Thụy Văn tôi hiện đang thích uống là chai Wynns Coonawarra Estate Cabernet Sauvignon 1996. Chai này hiện được một số tiệm quảng cáo là “one of the best value for money wines in the world”.
Các tiệm rượu khi được Thụy Văn tôi hỏi chọn chai rượu để cất trữ với giá tiền dưới $20 thường giới thiệu cho Thụy Văn tôi chai này. Rượu thơm, ngọt, và có hương vị gỗ sồi (dĩ nhiên vẫn có mùi cồn vì rượu còn non). Lại xuất phát từ cái nhãn rượu lừng danh Wynns Coonawarra Estate nên lại thêm một sự bảo đảm phẩm chất khác.
Tiệm rượu Vintage Cellars giới thiệu chai rượu Cabernet Sauvignon 1996 này là chai rượu đầu tư bảo đảm thuộc loại rất an toàn (a safe and exciting blue chip investment). Chai này được một số tiệm bán với giá đặc biệt là $16.99. Gặp dịp có giá thấp như vậy, dân chơi rượu nên mua cất. Uống ngay lúc này cũng khá ngon, mà cất 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa thì tuyệt cú mèo. Khi đó, chai này có thể là $30, $40 hoặc $70, $80 hoặc nhiều hơn nữa không chừng.
Xin trở lại việc cất trữ rượu đỏ nói ở trên. Cất một chai rượu đến 5 năm có nghĩa là rượu này được 7,8 tuổi, là đã hội đủ tiêu chuẩn để cho các loại rượu đỏ của Úc đạt đến mức ngon nhất hay ít ra cũng gần mức đó. Nếu bạn có khả năng cất lâu hơn nữa thì càng tốt. Tuy nhiên, trong tuần lễ khui chai đầu tiên sau 5 năm cất trữ, bạn vẫn phải tiếp tục cất trữ mỗi tuần một chai rượu đỏ nữa. Có như vậy thì cái vốn rượu của bạn không mất. Và sau đó, mỗi tuần bạn đều có thể thưởng thức một chai rượu “aged wine” đúng nghĩa.
Muốn được như vậy, bạn phải là người biết tự chủ, tự chế, không để sự thèm thuồng cám dỗ làm bạn phá hỏng kế hoạch đầu tư trữ rượu. Nếu cần, bạn nên nhờ bà xã của bạn tiếp tay, cầm đũa bếp khẻ vào tay bạn mỗi khi bạn sờ mấy chai rượu cất trữ trong thời gian 5 năm đầu.
Dĩ nhiên, trong tuần, nếu bạn là người có thói quen uống rượu trong bữa cơm, bạn vẫn có thể uống rượu bình (casket) loại 4 lít giá $8 một bịch. Bạn có thể uống những chai $6, $7 hoặc $11, $12 hoặc từ $15 trở lên nếu tình trạng tài chánh bạn cho phép. Một người uống rượu điều độ, một chai rượu có thể uống bốn, năm ngày mới hết. Rẻ hơn hút thuốc lá nhiều, lại ăn ngon miệng, chóng tiêu hóa, bổ dưỡng và nghe đâu còn trị nhiều bệnh như… chống nghẹt tim, mờ mắt, đãng trí?
Mùa hè: cá nướng (cá đối thịt mềm, thơm, ít xương) cuốn bánh tráng đi với… |
Đó là nói về rượu đỏ, chứ rượu trắng thì người ta thường đem ra bán chỉ một năm sau mùa gặt nho. Bạn sẽ thấy ở các tiệm hiện giờ có nhiều chai rượu trắng đề năm làm rượu là 1998, chẳng hạn như chai Coldstream Hills Chardonnay 1998 hay chai Coldstream Hills Sauvignon Blanc 1998 mà Thụy Văn tôi đã có lần giới thiệu với bạn đọc, bởi vì hai chai này là những chai rượu cá nhân Thụy Văn tôi thấy ngon. Một số tiệm bán với giá từ $20-$22, nhưng có những tiệm có nhiều lúc hạ giá xuống còn $14.99. Bạn nên xem quảng cáo trên báo Úc mà mua.
Những chai rượu này uống ngay bây giờ cũng đã ngon, mà cất thêm chục năm nữa càng tuyệt vời. Nhưng nếu bạn cất những chai rượu trắng này tới 5 năm sau mới uống, thì rượu đã được 6 tuổi rồi, là quá “aged” đủ để uống. Không như rượu đỏ, các rượu trắng là những loại rượu không sản xuất ra để cất trữ thật lâu. Nghe nói có những chai rượu nếu cất quá lâu thì sẽ bị ôi.
Mỗi tuần “đầu tư” một chai rượu là kế hoạch dành cho những người bình thường. Gặp những người dư giả, mỗi tuần nên “đầu tư” chừng 3 chai. Tai sao? Bởi vì nếu bạn chỉ cất trữ một chai, gặp lúc khui chai đó mà thích, thì bạn không còn cơ hội thưởng thức một chai thứ hai với hương vị như thế nữa. Bạn sẽ tiếc nuối. Ngoài ra, nếu bạn có nhiều chai, như 3 chai cho một loại rượu, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức sự khác biệt của một chai rượu đó ở những năm, những giai đoạn khác nhau.
Và nếu bạn tính làm người chơi rượu thứ thiệt, thay vì mỗi lần chọn một chai rượu tiêu biểu nào đó để cất trữ, bạn nên mua cả két hay nửa tá. Thí dụ như chai Wynns Coonawarra Cabernet Sauvignon 1996 mà Thụy Văn tôi chấm, dân “chơi rượu” thứ thiệt khi mua thì nên chơi luôn một két. Nếu không thì cũng nên mua nửa tá cho khỏi bõ công.
Tại sao? Lý do là rượu phát triển hương vị của nó theo thời gian cất trữ. Bạn sẽ có cơ hội thử chai Coonawarra Cabernet đó hôm nay để biết chai rượu ba tuổi như thế nào. Cứ mỗi hai năm sau, lấy ra một chai Coonawarra Cabernet để thử. Khi đã đạt tới “kế hoạch ngũ niên” bạn sẽ bắt đầu thử chai rượu Coonawarra Cabernet 8 tuổi, ở cái “tuổi trăng tròn của rượu” thì bạn vẫn còn đâu 6 chai nữa.
… vang trắng “Coldstream Hills Chardonnay” để lạnh là mê tơi |
Độc giả LTT ở Richmond nay đã cải qua đạo rượu nho, và mới có 48 tuổi mà muốn cất một chai rượu để uống vào năm bạn mừng lục tuần, có hỏi Thụy Văn nên cất chai rượu nào. Câu trả lời thật dễ: nếu bạn và bạn bè trong nhóm trúng bốn con số lô-tô system 8 thì cứ mua chai Grange 1994 để uống thử cho biết Grange là cái chi chi, làm sao mà thiên hạ ca ngợi thế. Còn không, cứ nhắm mắt mua một chai Grange 1994 cất dành uống mừng bạn sống tới 60 tuổi. Chai rượu Grange 16 tuổi sẽ rất ngon, tuổi trăng tròn thứ thiệt đấy!
Hãy đọc một đoạn điểm rượu trong trang rượu của báo The Age số gần đây về chai Grange 1994:
Nếu bạn có khả năng, hãy chiều sở thích của bạn với chai Penfolds Grange 1994, giá từ $275 đến $325.
Rượu Grange mới này gây xôn xao và hứng thú trong giới đầu tư và giới chơi rượu (investors and collectors), những khách hàng chính của thị trường này. Bởi vì họ ít uống loại rượu này nhưng lại làm cho những người khác không thể với tay tới mà mua được. Mùi vị chủ yếu của rượu này là anh đào và mận quyện với mùi vị sô-cô-la, cà-phê phát xuất từ loại gỗ sồi chọn lọc. Khẩu vị sẽ được hưởng một hương vị đậm đà, liên tục, có hậu nhờ pha trộn với vị của ta-nanh. Tối thiểu cũng nên đợi rượu 10 tuổi mới uống( tức nên uống chai Grange 1994 vào năm 2004) và muốn ngon tuyệt đỉnh thì nên đợi 20 năm sau.
Thụy Văn thấy nhà sản xuất rượu cũng ghi ở trên nhãn chai rượu là nên cất trên 20 năm sau hãy uống. Đến khi đó, chai rượu này sẽ có giá trên $10,000 một chai là cái chắc. Nhưng liệu bạn có sống tới ngày đó không và bạn có chịu đựng nỗi cám dỗ của thần Lưu Linh không?
Kỳ sau, Thụy Văn sẽ bàn chuyện cất trữ loại rượu nào, cất trữ bao lâu và sẽ giới thiệu một vài loại rượu để cất trữ. Tạm thời, Thụy Văn nói về một đề tài thời sự.
Có lẽ người ta quan niệm uống rượu vào mùa lạnh là hợp nhất, nên trong tháng còn lại của mùa đông nam bán cầu, ở Melbourne này có rất nhiều lễ hội rượu. Thử rượu, thi đấu rượu và nghe nói chuyện về rượu. Người ta gọi dịp này qua cái tên “Victorian Wine Week 1999”.
– Royal Melbourne Wine Show:
Trước hết là cuộc đấu xảo rượu vào hai ngày 12 và 13 tháng 8 tuần này tại Melbourne gọi là Royal Melbourne Wine Show. Đêm 12.8 là đêm trao giải thưởng Melbourne Wine Show Adwards Dinner tại khách sạn Grand Hyatt. Giá vé đến dự buổi cơm tối xem phát giải thưởng rượu là $110 một đầu người. Ngày 13.8 là ngày mở cửa cho công chúng vào Royal Melbourne Showgronds ở Ascot Vale để thử rượu. Tuy là gọi là public tasting, nhưng muốn vào cổng để thử rượu, phải có giấy mời bằng cách liên lạc bằng điện thoại với cơ quan tổ chức đấu xảo rượu Royal Agricultural Society of Victoria để xin giấy mời (số fax: 9376 8156), nhưng Thụy Văn nghĩ khi báo Tivi Tuần San số này đến tay bạn đọc thì có thể đã trễ rồi.
Năm nay, trong cuộc thi đấu rượu tại Melbourne có 3,670 chai rượu của 450 nhà làm rượu khác nhau thi để giành 68 danh hiệu rượu. Trong số này, danh hiệu Jimmy Watson là danh hiệu có nhiều chai rượu thi nhất. Rượu này phải là rượu đỏ và chỉ một tuổi thôi (best one-year old red wine). Có đến 740 loại rượu khác nhau của các nhà làm rượu dự tranh danh giải rượu Jimmy Watson.
Các loại rượu trúng giải sẽ được thưởng các huy chương vàng, bạc hay đồng và gián lên chai rượu. Những chai rượu trúng giải có thể giúp cho thương vụ đạt thêm cả $1 triệu đồng nữa. Vì vậy, các giám khảo chấm giải thi rượu phải làm việc liên tục trong 5 ngày tuần qua. Họ là những người sành rượu, làm việc trong kỹ nghệ rượu và chấm giải với tính cách thiện nguyện, không được trả công. Có tất cả 30 giám khảo. Mỗi ngày, từ 7g.30 sáng đến 6g.30 chiều, mỗi giám khảo phải nếm chừng 250 ly rượu khác nhau! Dù chỉ ngậm vào và nhổ ra, các giám khảo cũng phải chóng mặt và tê cả lưỡi. Các chai rượu sẽ được đánh giá căn cứ trên màu, mùi và vị của rượu.
Giải Jimmy Watson được thành lập cách đây 38 năm, và năm đầu chỉ có 20 chai rượu dự thi và ban giám khảo chỉ có 3 người.
– Tasting Victoria by The Glass:
Từ 12 đến 22 tháng 8. Bởi rượu ngon một chút thì hơi đắt, nên ở thành phố Melbourne này là cái lệ một số nhà hàng tham gia vào tuần lễ bán rượu tính tiền theo ly. Mỗi ly rượu giá từ $5 đến $25 với những chai rượu chiến như Giaconda chardonnay và Bass Phillip premium pinot noir. Những quán rượu, nhà hàng tham gia vào lễ hội bán rượu từng ly này chấp nhận sự may rủi, bởi vì một chai rượu mở ra mà chỉ có bán được một ly thôi thì có thể lỗ, vì rượu đã mở ra rồi đâu có cất giữ lâu được nữa. Nhưng đây là cơ hội để người thích rượu có dịp thưởng ngoạn những loại rượu ngon của tiểu bang Victoria.
Các cửa tiệm có tham gia gồm: Langtons (City); Walter’s Wine Bar (Southbank); Punch Lane Wine Bar (City); Simply French (Southbank); Glencoe (Mont Albert); Caffe Antico (South Yarra); Melbourne Wine Room (St Kilda); Near East (South Melbourne).
– Exhibition of Victiorian Winemakers:
Từ 19 đến 22 tháng 8, tại Melbourne Exhibition Centre.
Đây là lần triển lãm thứ 20 của các nhà làm rượu của tiểu bang. Năm nay sẽ có 63 nhà làm rượu tham dự cuộc triển lãm này, từ những nhà làm rượu cỡ bự như Seppelt, hay Baileys, Yarra Ridge, Yellowglen, St Huberts thuộc nhóm công ty Mildara Blass đến các nhà làm rượu nhỏ như David Trager, Austins Barrabool hoặc như nhà làm rượu mới như Woods Park, Yarra Hill, Dal Zotto. Các buổi triển lãm và thử rượu kéo dài trong bốn ngày từ Thứ Năm đến Chủ Nhật , vào các buổi trưa, chiều và tối. Có thể mua vé trước qua RACV Ticketing số 13 28 86 hay mua vé trước cửa vào. Tùy loại và tùy buổi, giá từ $12.50 đến $22 hoặc $30.
Ngoài những bữa ăn nói chuyện rượu, những hội nghị rượu và du lịch, giữa tháng 8 này còn có những nhà hàng dọn những bữa ăn tối kèm rượu. Đặc biệt vào lúc 7 giờ tối ngày 16.8.99 một số nhà hàng Á châu ở City đặt ra một ngày gọi là “Asian Food and Wine Summit”. Trong bữa ăn này, tùy đó là nhà hàng Tàu (Quảng Đông hay Hoa Bắc), Ấn, Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai hay Việt Nam, các chủ nhà hàng sẽ bán một bữa ăn tối bao gồm rượu và các món ăn đặc sản của nước đó. Tùy tiệm, phần ăn mỗi đầu người từ $35 đến $65. Các tiệm gồm Saigon Inn, Dragon Boat, Fortuna Village, Sawasdee Gaylord, Banana Palm…
(TVTS – 698)