Rượu – Thịt: sinh thú hay tai hại?
Tiểu đề trên là ưu tư thắc mắc của Tửu sĩ Đặng T. ở Sydney, một người “không thể thiếu thịt và rượu trong cuộc sống thường ngày”. Đặng huynh viết:
“Tôi không phải là người tu hành, cho nên tửu sắc đủ mục. Nói thế nhưng cũng không phải ăn chơi trụy lạc gì – sắc thì là “sắc nhà”, tức cơm nhà quà vợ; còn tửu thì cũng chỉ uống cho bữa cơm thêm ngon miệng, chứ chưa bao giờ ngất ngưởng ngoài đường như Lệnh Hồ Xung, chưa bao giờ “sắc ngả màu trôi – thuyền chìm tại bến” trong các tiệc nhậu.
Nhưng trong thời gian gần đây, ra vẻ một số cơ quan truyền thông, Úc cũng như Việt, quá đặt trọng tâm vào việc khuyên người ta không nên uống rượu, bởi rượu có hại – mỗi ngày chỉ uống nửa ly cũng có hại chứ đừng nói gì tới 2, 3 ly như cái thằng tôi!
Tôi xin được trình bày ưu tư thắc mắc của cá nhân như sau: Nếu quả thực rượu có hại tới mức ấy, tại sao chính phủ Úc và các nước văn minh khác không cấm quảng cáo, như đã cấm quảng cáo thuốc lá, và đánh thuế thật nặng để làm nản lòng những người uống rượu?
Với tư cách là “Hội chủ” Hoàng Hoa Hội, xin LNĐ cho biết ý kiến và nhận định của mình.
* Đặng huynh thân mến,
Nếu LNĐ viết rằng uống rượu không có hại một chút nào, chắc chắn sẽ bị quý nương tử (và có thể một vài đấng tu mi nam tử) đang làm việc cho các cơ quan bài trừ uống rượu, kịch liệt phản đối. Thành ra cứ chấp nhận tiền đề “uống rượu là có hại” để khỏi gây mất đoàn kết.
Tuy nhiên, nếu nói rằng việc uống rượu điều độ, chừng mực là có hại, thì xét cho cùng, bất cứ thứ gì ngon ngọt trên cõi đời này cũng đều có hại: thịt gây ung thư, mỡ gây cholesterol, đường gây mập phì, áp huyết cao…, thậm chí chocolate cũng là kẻ thù nguy hiểm của con người!
Chính vì cái gì cũng có hại, cho nên các nhà khoa học mới bỏ công nghiên cứu để đưa ra những kết luận đúng đắn nhất, để để dân chúng và các cơ quan y tế tùy nghi.
Riêng về mục rượu chè, tai hại của nó đối với cơ thể, cuộc sống gia đình, và xã hội ra sao, có lẽ chẳng cần đợi tới khi sống ở Úc, chúng ta mới biết. Nhưng thử hỏi tỷ lệ người uống rượu tới mức gọi là “say sưa” ấy, là bao nhiêu phần trăm. Không ai có câu trả lời chính xác, chỉ biết tỷ lệ ấy rất nhỏ.
Lấy thí dụ ngày hội thời trang ở Melbourne Cup tuần qua – ngày của thời trang, hoa hồng, và rượu sâm-banh – trong hơn 100.000 người tham dự, chỉ có hơn 10 người bị cảnh sát bắt về tội gây rối – mà chưa chắc cả 10 người ấy đều gây rối vì say rượu!
Như vậy, việc chính phủ cho quảng cáo các loại rượu hợp pháp, thậm chí còn khuyến khích, nâng đỡ kỹ nghệ làm rượu vang của Úc, là để phục vụ đại đa số người uống rượu có ý thức. Uống rượu, về căn bản là một nhu cầu trong cuộc sống, và với một số không ít người, còn là một nghệ thuật – nghệ thuật thưởng thức, nghệ thuật sống. Mỗi năm, ở Úc có hàng chục “Wine Show” để giới thiệu và chấm điểm các chai rượu vang ngon, và cũng có cả các “Beer Show” với mục đích tương tự.
Cho nên, ý kiến của LNĐ là: nếu người uống rượu không nên kỳ thị người không uống rượu, thì người không uống rượu cũng không nên kỳ thị người uống rượu. Riêng những giới chức trong ngành xã hội – tức các “chuyên gia bài trừ tệ nạn cờ bạc, rượu chè, xì-ke ma túy, bạo hành trong gia đình”, trong khi trình bày những kiến thức chuyên môn nhằm hướng dẫn cộng đồng mình tiến tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, cũng nên nhớ tới cái “common sense” tối thiểu, để mọi người đừng có ấn tượng quý vị bị “dị ứng” với tất cả những ai uống rượu, khiến họ phải mang mặc cảm mình thuộc thành phần “có hại” cho xã hội, cho nên mới trở thành mục tiêu của các cơ quan bài trừ!
Rượu đỏ… bỏ đá cục!
Tửu sĩ Trần T. ở Victoria thắc mắc:
Xưa nay, LNĐ, Thụy Văn và tất cả những tác giả viết về cách uống rượu ở Úc, đều viết rằng chỉ có rượu vang trắng và sâm-banh mới uống lạnh, nhưng chính mắt tôi thấy người Úc uống rượu đỏ ướp lạnh. Người Úc này là dân trung lưu, Úc thứ thiệt chứ không phải di dân từ các nước cộng sản Đông Âu nghèo khổ, tại sao lại không biết nguyên tắc căn bản ấy? Hay là vì vào mùa hè nóng nực, chúng ta có thể du di?
* Trần tửu sĩ thân mến,
LNĐ xin nhắc lại chân lý (của chung nhân loại mà già Hồ đã ăn cắp, nhận làm của riêng):
“Rượu đỏ uống theo nhiệt độ trong phòng (room temperature), rượu trắng ướp mát lạnh (cool), rượu sâm-banh ướp thật lạnh (chilly) – sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Theo suy đoán của LNĐ, loại rượu đỏ mà “ông người Úc trung lưu thứ thiệt” ấy uống, nếu không phải là một chai “lambrusco” của Ý, thì ắt phải là một trong những loại “rượu đỏ sủi bọt” (sparkling red) thường thấy ở Úc.
Người Ý có rất nhiều loại rượu vang dành cho nữ giới, thường có độ rượu thấp, có khi hơi ngọt, trong số có “lambrusco” – một lại rượu đỏ rất phổ biến trong cộng đồng người Ý ở Úc. “Lambrusco” có thể uống như rượu đỏ, hoặc ướp lạnh cho vị ngọt thêm đậm đà.
Còn “rượu đỏ sủi bọt”, LNĐ chưa có dịp tìm hiểu xuất xứ, chỉ biết những chai phổ biến nhất trên thị trường đều sản xuất tại Úc, như các chai: Seppelt Original Sparkling Shiraz – Banrock Station Sparkling Shiraz – Fox Creek Vixen Sparkling Red…, thường giá từ 15 tới 20 Úc kim.
Theo các tác giả viết về rượu vang ở Úc, thì “rượu đỏ sủi bọt” chưa bao giờ “cất cánh”, nhưng một số hãng rượu vẫn duy trì để phục vụ một số khách hàng nào đó.
Nếu tửu sĩ nào muốn uống thử trong mùa hè này, LNĐ đề nghị nên mua chai có cái tên hơi khác thường là “Rymil The Bee’s Knees Sparkling Red” của vùng Coonawarra, được làm bởi 4 loại nho cabernet sauvignon, merlot, cabernet blanc, và shiraz.
Theo suy đoán của LNĐ, có lẽ vì một số di dân tóc đen thấy người Úc uống “rượu đỏ sủi bọt” ướp lạnh, lại cứ tưởng đó là rượu đỏ bình thường, cho nên mới xảy ra tình trạng “rượu đỏ… bỏ đá cục”, như LNĐ đã có lần chứng kiến!
Rượu trắng… chua lè!
Độc giả Lê V., ở Victoria hỏi:
Xưa nay, trong mùa hè tôi thường uống bia. Những năm gần đây, thấy một số bạn bè chuyển sang uống vang trắng, tôi cũng thử uống xem sao. Tôi mua đủ 3 loại vang trắng mà LNĐ nói là phổ biến nhất: chardonnay, sauvignon blanc, và riesling, với giá dưới 20 đô. Uống vào thì không thấy mùi vị chi đặc biệt mà chỉ thấy… chua như nhau!
Tôi không có đầu óc “trưởng giả học làm sang” mà chỉ muốn thưởng thức những gì người khác đang thưởng thức, nhưng cho tới nay, mấy năm rồi, vẫn chịu thua, chưa thưởng thức được. Thành thử, khi bạn bè họp mặt ăn uống, tới các món tôm cua, đồ biển, chỉ có một mình tôi uống rượu đỏ, không giống con giáp nào cả. Trong Hoàng Hoa Hội của LNĐ, có ai rơi vào trường hợp như tôi không?
* Kính ông Lê,
Quả thật trong Hoàng Hoa Hội, cũng có ít nhất là một hội viên chỉ chuyên trị vang đỏ – kể cả khi ăn các món nặng mùi “biển” như mực, oyster, tôm hùm… Có lần cho đương sự uống chai chardonnay giá 4, 5 chục Úc kim, vẫn lắc đầu quầy quậy, miệng chê là “vừa lạt vừa chua”!
Trường hợp này, chỉ có thể giải thích: uống vang đỏ đã trở thành thói quen. Tuy nhiên với tư cách là “Hội chủ” Hoàng Hoa Hội, LNĐ ước mong mọi hội viên đều có khả năng thưởng thức mọi loại rượu phổ biến. Muốn thưởng thức được rượu trắng thì trước hết phải quên đi cái vị chua của nó. Bởi vì vị căn bản của rượu trắng là vị chua (do trái nho), điểm khác nhau giữa rượu đắt tiền và rượu rẻ tiền chỉ là chua dịu hay chua gắt.
Không bị ám ảnh, phân tâm bởi cái vị chua, chúng ta mới nhận ra mùi thơm độc đáo, và những vị ngọt, vị đậm, vị chát riêng của từng loại vang trắng.
Thế nhưng, một khi nói tới vang trắng, nhất là ở Úc, thì người ta sẽ nghĩ ngay tới chardonnay, bởi vì đây là loại vang trắng phổ biến nhất, và cũng là một trong hai loại vang khiến Úc nổi tiếng thế giới (loại kia là shiraz).
Tuy nhiên, như LNĐ đã viết trước đây, chardonnay là loại rượu kén… chủ. Viết một cách rõ ràng hơn, người uống chardonnay phải có tiền và có trình độ thưởng thức.
Chardonnay khi ngon thì không một loại vang trắng nào có thể sánh bằng, mà khi dở thì cũng không một loại vang trắng nào có thể dở hơn. Cho nên, khi mới tập uống vang trắng, không nên uống những chai chardonnay giá dưới 20 Úc kim, trong khi nhiều chai sauvignon blanc, riesling, semillon giá dưới 20 uống rất được.
Thành thử, khi nào bà xã làm một món ăn (gà, cá, tôm cua, đồ biển…) mà ông thích nhất, hãy chơi bạo mua một chai chardonnay hiệu “Voyager Estate Chardonnay”, giá khoảng 35 Úc kim. Sau khi ướp lạnh, rót ra ly, TRƯỚC KHI ăn, đưa lên mũi ngửi, làm một ngụm rồi ngưng lại để vị rượu thấm vào kẽ răng, lưỡi và cuống họng, sau đó làm một ngụm khá hơn, rồi mới gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai…
Nghề chơi nào cũng tốn công phu. Nếu ông muốn thưởng thức được vang trắng thì lúc đầu phải chịu khó hao của tốn công vậy. Sau này khi đã uống quen rồi, uống các chai chardonnay, sauvignon blanc, riesling giá dưới 20 Úc kim, cũng thấy ngon miệng như thường.
(TVTS – 1233 11.11.2009)