Nỗi buồn 30 tháng Tư – Bài của Lão Ngoan Đồng

 

Dương Văn Minh và Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge: ăn mừng!
Photo courtesy: ongvove.wordpress.com

 
 

Trong thời gian mấy chục năm qua, “nỗi buồn 30 tháng Tư” có lẽ là “nỗi buồn” được người Việt lưu vong nhắc tới nhiều nhất. Điều đó cũng dễ hiểu bởi 30 tháng Tư năm 1975 là ngày Sài Gòn thất thủ – viết một cách chính xác là “đầu hàng quân cộng sản theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh”.

Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi nhắc lại biến cố “30 tháng Tư” với ý nghĩa bao quát hơn: đó là kết cuộc bi thảm của thời kỳ đen tối, hỗn loạn, và bất hạnh nhất trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam.

Có lẽ chúng tôi không cần viết ra, độc giả cũng thừa biết thời kỳ đen tối, hỗn loạn, và bất hạnh ấy khởi đầu với sự xuất hiện của Hồ Chí Minh và bè lũ cộng sản Việt Nam, ngày ấy núp dưới danh xưng “Đảng Cộng Sản Đông Dương”. Tiếp theo là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) giữa thực dân Pháp và Việt Minh, rồi Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1961-1975) giữa VNCH + đồng Minh Hoa Kỳ và Việt Cộng trong Nam + cộng sản Bắc Việt.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi không đề cập tới Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, bởi nó đã đi vào dĩ vãng, mà viết về Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, tức cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam, Bắc – một bên là đàn em của Hoa Kỳ, một bên là con đẻ của Đệ tam Quốc tế (cộng sản do Lê-nin, Sta-lin lãnh đạo), để trả lời một câu hỏi: tại sao miền Nam VN, tức VNCH, cùng hoàn cảnh với Đại Hàn Dân Quốc, tức Nam Hàn, lại bị thua cộng sản?

Tiên trách kỷ hậu trách nhân!

Nếu chỉ xét giai đoạn cuối của cuộc chiến – từ lúc Mỹ và cộng sản Bắc Việt (CSBV) bắt đầu đi đêm với nhau ở Paris vào năm 1968 cho tới ngày miền Nam thất thủ – có thể viết một cách dứt khoát: VNCH thua vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Nhưng nếu nhìn lại toàn bộ diễn tiến chính trị, quân sự tại miền nam VN từ khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh (7/7/1954) cho tới khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập (1967) thì chúng ta phải tự trách mình trước khi đổ lỗi cho người Mỹ!

Trong phạm vi bài này chúng tôi không nhắc lại những gì vẫn còn gây tranh cãi, gây mất đoàn kết trong tập thể người Việt hải ngoại: chế độ Ngô Đình Diệm tốt hay xấu, hai anh em ông có công hay có tội với đất nước, chế độ của ông có đàn áp Phật giáo (chân chính) hay không, cộng sản ngày ấy có trà trộn vào hàng ngũ lãnh đạo Phật giáo hay không, v.v… Chúng tôi chỉ viết về những gì xảy ra sau cuộc đảo chánh 1/11/1963 để mọi người thấy rõ trách nhiệm của đám tướng lãnh phản phúc, đám chính khách xôi thịt trong việc để miền Nam lọt vào tay cộng sản, mà đứng đầu và nổi bật là nhân vật Dương Văn Minh.

Như chúng tôi đã viết ở trên “VNCH, cùng hoàn cảnh với Đại Hàn Dân Quốc, tức Nam Hàn…”, Nam Hàn cũng trải qua những giai đoạn hỗn loạn như miền Nam VN nhưng chế độ cộng hòa của họ vẫn đứng vững; không chỉ đứng vững mà còn trở thành một cường quốc ở Á châu.

Điểm giống nhau đầu tiên là Nam Hàn cũng trải qua những giai đoạn cực kỳ hỗn loạn khi nền dân chủ mới được hình thành.

Sau khi Nhật bại trận vào năm 1945, bán đảo Triều Tiên được chia ra làm hai vùng giải giới: phía nam vĩ tuyến 38 do quân đội Hoa Kỳ, phía bắc do Hồng quân Liên Xô.

Năm 1947, Liên Hiệp Quốc đưa ra chương trình tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trên bán đảo. Chương trình này bị Liên Xô phản đối vì lúc đó Kim Nhật Thành (Thiếu tá trong Hồng Quân Liên Xô) mới trở về nước, ảnh hưởng của cộng sản chẳng có bao nhiêu.

Vì thế, năm 1948, cuộc tổng tuyển cử do Liên Hiệp Quốc bảo trợ chỉ được tổ chức tại miền nam, ông Lý Thừa Vãn (Syuingman Rhee, phiên âm tiếng Hán là Li Sung-man) trở thành vị tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (Republic of Korea).

Còn tại miền Bắc, Kim Nhật Thành tuyên bố thành lập nước Công Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Peoples Democatic Republic of Korea).

Giữa năm 1950, quân cộng sản Bắc Hàn vượt vĩ tuyến 38 xâm lược Nam Hàn, ông Lý Thừa Vãn, vốn là người chống cộng quyết liệt, đã giữ vững miền Nam cho tới khi Hiệp ước Đình chiến Bàn Môn Điếm được ký kết vào năm 1953.

Về cai trị, Lý Thừa Vãn thi hành một chính sách độc tài, bởi ông quan niệm trong giai đoạn phôi thai của nền dân chủ, trước hiểm họa cộng sản từ phương Bắc, cần phải độc tài.

Năm 1956, sau khi Lý Thừa Vãn thắng cử nhiệm kỳ thứ ba, sinh viên toàn quốc đã tổ chức những cuộc biểu tình vĩ đại để phản đối, đưa tới việc ông phải từ chức, sống lưu vong ở Hạ-uy-di, Hoa Kỳ cho tới khi qua đời vào năm 1965.

Sau khi Tổng thống Lý Thừa Vãn từ chức, Thủ tướng Trương Miễn (Chang Myun) lên giữ chức “quyền Tổng thống”, cho tới khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập vào năm 1960.

Vào những năm dưới thời “dân chủ thực sự” của Trương Miễn, do sự lộng hành của sinh viên học sinh, tình hình chính trị Nam Hàn lại trở nên cực kỳ hỗn loạn; trong khi họ Trương lại xuất thân là một nhà ngoại giao (Đại sứ đầu tiên của Nam Hàn tại Hoa Kỳ) không đủ bản lĩnh để chống đỡ.

Trước tình hình này, ngày 16/5/1961, tướng Phác Chính Hy (Park Chung-hee) đã lãnh đạo quân đội đảo chánh. Năm 1963, nền Đệ tam Cộng hòa được thành lập, và Tổng thống Phác Chính Hy đã cho mọi nguời thấy ông còn độc tài gấp chục lần Lý Thừa Vãn!

Chính nhờ độc tài, Phác Chính Hy mới có thể lãnh đạo một đất nước đang kiệt quệ vì rối loạn chính trị lại có khả năng phát triển thần tốc về kinh tế, biến Nam Hàn thành con rồng đầu tiên của Á châu, một việc mà thế giới xưng tụng là “Điều kỳ diệu trên sông Hàn”. Cái gương “độc tài để xây dựng đất nước” ấy, Thủ tương Tân-gia-ba Lý Quang Diệu đã noi theo, và thành công như thế nào, thiết nghĩ khỏi cần chứng minh!
 
 Gia đình TT Phác Chính Hy (ái nữ Phác Cận Huệ, tổng thống tương lai) đứng sau cùng.
 Photo courtesy: tinparis.net
 
 

* * *

Tình hình chính trị trên mảnh đất hình chữ S vào năm 1954 cũng giống bán đảo Triều Tiên năm 1948: đất nước chia đôi, miền Bắc theo chế độ cộng sản, miền Nam theo chế độ tư bản.

Hai nhà lãnh đạo hai “miền Nam” cũng giống nhau: cả ông Ngô Đình Diệm lẫn ông Lý Thừa Vãn đều chống cộng quyết liệt. Có khác chăng là khi bị người dân trong nước chống đối, ông Lý Thừa Vãn đã chấp nhận từ chức để sống lưu vong, trong khi ông Ngô Đình Diệm lại tự nộp mình cho phe đảo chánh để rồi bị chết thảm cùng với em trai.

Nếu 9 năm sau (1963), tại miền Nam VN, tướng Dương Văn Minh lãnh đạo cuộc đảo chánh thì tại Nam Hàn, trước đó 2 năm, tướng Phác Chính Hy cũng lãnh đạo cuộc đảo chánh.

Chỉ có một điều khác nhau: Phác Chính Hy đảo chánh vì an nguy của tổ quốc, tiền đồ dân tộc, còn Dương Văn Minh đảo chánh vì tư thù, vì danh lợi cá nhân.

“Hàng tướng”, “Hèn tướng”, “Phản tướng”?

Nhắc tới Dương Văn Minh, phe ta (người Việt quốc gia) hay phe địch (CSVN), thậm chí cả phe miệng nói không theo “địch” nhưng luôn chống “ta”, chẳng hạn nhóm Giao Điểm, đều gọi ông là “hàng tướng” (tướng đầu hàng), nhưng riêng chúng tôi, qua cung cách đầu hàng của ông, cho rằng phải gọi ông là “hèn tướng”.

Liệu thấy không đánh nổi bèn “hàng” là chuyện thường tình, sa cơ thất thế để lộ cái “hèn” của mình ra cũng không phải việc hiếm thấy. Nhưng trong khi người đời có thể chê “hàng tướng” là thiếu tài ba, “hèn tướng” là thiếu tư cách, thì với một “phản tướng” cần phải lên án.

Dương Văn Minh là một phản tướng!

Một số người bênh vực Dương Văn Minh đã lập luận rằng một khi người Mỹ đã muốn lật ông Ngô Đình Diệm thì nếu “Big Minh” không tình nguyện cầm đầu đảo chánh, cũng sẽ có một tướng lãnh khác bị mờ mắt trước đồng đô-la!

[Thời Đệ nhất Cộng hòa có hai tướng lãnh tên Minh: Dương Văn Minh và Trần Văn Minh. Do vóc dáng, tướng Dương Văn Minh được gọi là Minh Cồ (người Mỹ gọi là “Big Minh”), tướng Trần Văn Minh là “Minh Nhỏ” (Little Minh). Cũng xin lưu ý: Trung tướng Trần Văn Minh ở đây là một vị tướng cựu trào, không phải Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân sau này]

Chúng tôi không đả phá lập luận này, chỉ xin viết thêm: nếu một tướng lãnh khác cầm đầu cuộc đảo chánh, chẳng hạn Trần Văn Đôn, anh em ông Ngô Đình Diệm đã không bị chết thảm.

Cho tới những ngày cuối đời, Dương Văn Minh vẫn không xác nhận mình đã ra lệnh giết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu mà cũng không tiết lộ ai đã ra lệnh giết, nhưng chỉ cần căn cứ vào việc thủ phạm cầm súng bắn vào đầu hai ông là Đại úy Nguyễn Văn Nhung, người ta có thể chắc chắn tới 100% chính Dương Văn Minh đã ra lệnh giết.

Đại úy Nguyễn Văn Nhung là một sĩ quan Nhảy Dù được Dương Văn Minh chọn làm cận vệ kiêm “sát thủ” trong cuộc đảo chánh 1/11/1963. Hai người đầu tiên bị Nguyễn Văn Nhung giết (vì không chịu tham gia cuộc đảo chánh) là Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, và Thiếu tá Lê Quang Triệu, Tham mưu trưởng Lực Lượng Đặc Biệt.

Khi được ông Ngô Đình Diệm báo tin đang ở nhà thờ Cha Tam và muốn gặp phe đảo chánh, Dương Văn Minh đã trao nhiệm vụ đi đón anh em ông Diệm cho Đại tá Mai Hữu Xuân, có Đại úy Nguyễn Văn Nhung đi theo, và chính viên đại úy Dù này sau đó đã bắn chết hai anh em ông Diệm trên chiếc thiết vận xa M-113.

Câu hỏi được đặt ra là nếu Dương Văn Minh không chủ ý giết hai anh em ông Diệm, ông ta cho “sát thủ” Nguyễn Văn Nhung đi theo Đại tá Mai Hữu Xuân để làm gì; viên Đại úy này là “cận vệ” của Dương Văn Minh thì phải luôn luôn kề cận Dương Văn Minh chứ?!

Gần ba tháng sau, khi Nguyễn Văn Nhung đã được vinh thăng Thiếu tá, Đại tá Nguyễn Chánh Thi (nguyên Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù, tham gia cuộc đảo chánh hụt năm 1961 và chạy sang Căm-bốt tỵ nạn chính trị) trở về VN, và một trong những việc đầu tiên của ông Thi là “trị tội” viên sĩ quan Nhảy Dù này.

Chúng tôi không được biết ông Thi quy kết Nguyễn Văn Nhung vào tội gì, hạ sát hai anh em ông Diệm (ông Thi chủ trương chỉ lật đổ ông Diệm và cho sống lưu vong) hay là đi làm tà-loọc cho Dương Văn Minh?

Chỉ biết vào sáng ngày 30/1/1964, một lực lượng Ngảy Dù đã tới tư dinh của Dương Văn Minh bắt Nguyễn Văn Nhung trước mặt Đại tướng và đem đi, Đại tướng không hề dám hó hé.

Nguyễn Văn Nhung bị đưa về giam giữ trong Trại Hoàng Hoa Thám, tổng hành dinh của Lữ Đoàn Nhảy Dù, và bị xiết cổ chết ngay trong đêm hôm đó bằng bằng dây giày “bốt-đờ-xô”. Tuy nhiên, tin chính thức loan đi thì nói rằng Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung đã tự xiết cổ bằng dây giày. Dĩ nhiên, đây chỉ là một cách loan tin cho yên chuyện, còn trên thực tế, các quân nhân khi bị giam giữ đều phải cởi bỏ dây thắt lưng và dây giày (để đề phòng việc tự tử) thì Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung lấy đâu ra dây giày mà tự tử?

* * *

Cùng với cao trào “chống Diệm Nhu” lúc ấy, với một số phe phái chính trị và tín đồ tôn giáo khác, khi ra lệnh giết hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh đã không có tội mà còn có công!

Nhưng với đất nước, viết một cách chính xác là với miền Nam VN đang phải đương đầu với cuộc xâm lược của cộng sản, dứt khoát Dương Văn Minh là kẻ có tội!

Dương Văn Minh có quyền trả thù ông Diệm vì bị thất sủng (sau khi an ninh tình báo khám phá việc Dương Văn Minh thường liên lạc với em ruột là Thiếu tá VC Dương Văn Nhật) nhưng trả thù bằng cách xóa bỏ mọi cố gắng chống cộng của anh em ông Diệm, điển hình là quốc sách Ấp Chiến Lược vốn khiến bọn VC trong Nam phải điêu đứng vì bị cô lập, là có tội với non sông đất nước.

Người mình có câu “nghĩa tử nghĩa tận”, nhưng vẫn có những trường hợp trừ, chẳng hạn Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh.

Nhưng trong khi Nguyễn Cao Kỳ ít ra cũng còn được một số người khen về một số việc đã làm được trước năm 1975, trong đó có việc lái máy bay oanh tạc miền Bắc, thì Dương Văn Minh chỉ bị chê.

Nói cho ngay thì cũng có một vài người khen, nhưng đều là những người không được “bình thường” cho lắm. Chẳng hạn cựu Thiếu tướng Đỗ Mậu (cũng là một phản tướng nổi tiếng), hoặc Giáo sư “Phật tử” Trần Chung Ngọc, người chuyên viết bài chống Công giáo theo đơn đặt hàng của CSVN, hay cái nhà ông “tiến sĩ sử học mắc bệnh tâm thần” Vũ Ngự Chiêu (tức nhà văn Nguyên Vũ trước năm 1975)…

Lão Ngoan Đồng

(Báo giấy TVTS số 1569 phát hành ngày 20.4.2016)