Một khu buôn bán của người Việt ở Little Saigon |
Máy bay cất cách khỏi phi trường Melbourne lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, nhưng lại đáp xuống phi trường Los Angeles lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu. Thời gian chạy ngược lại làm chúng tôi lợi được hơn 1 ngày (bù lại, chúng tôi rời phi trường Los Angeles lúc 9 giờ tối Thứ Bảy, nhưng lại phải đến 8 giờ rưỡi sáng Thứ Hai mới đặt chân đến phi trường Tullamarine, mặc dù chuyến đi thật sự chỉ kéo dài khoảng 17 tiếng đồng hồ, gồm thời gian dừng lại ở Tân Tây Lan).
Chính cái ngược giờ này làm cho những người đi xa, ít ra, là trong ngày đầu không làm quen được với thời gian của địa phương mới tới. Hậu quả là sẽ mất ngủ trong một hai ngày đầu.
Thủ tục nhập cảnh của hải quan Hoa Kỳ cũng khá nhanh. Tôi nghĩ chỉ mất chừng nửa tiếng, kể từ máy bay ra đến cổng phi trường. Nhưng đợi xe đưa rước (miễn phí) trong vé bao du lịch thì quả là hơi lâu, nếu không muốn nói rằng quá lâu.
Thấy mấy chiếc xe bus hoặc van mang bảng hiệu hãng đưa rước Super Shuttle thì tôi nghĩ là đúng của mình rồi nên ùn ùn kéo nhau chạy tới cho kịp nhưng khi hỏi thì mới biết rằng tuy cùng hãng, nhưng có nhiều tuyến đường khác nhau. Bảng xe đề Los Angeles không có nghĩa là xe sẽ chạy về khách sạn của mình. Xe đưa rước tới bốc khách tới tấp, nhưng tôi phải đợi chiếc xe nào mang tên hãng của mình mà lại là xe đi về thành phố Anaheim hay Disneyland.
Có lúc sốt ruột vì thấy mình chỉ đi vài ngày mà phải đợi lâu nên cũng muốn gọi taxi. Nhưng lại ngại chân ướt chân ráo gọi taxi dễ bị mấy ông chạy vòng vòng tính tiền, và cũng tiếc cho cái voucher chuyên chở trong vé bao nên cứ ráng đợi. Đợi hơn cả giờ mà chẳng thấy có mấy xe đi về Anaheim. Thảng hoặc có một chiếc đi Anaheim hay Disneyland thì bị người khác nhanh chân lên trước.
Tôi nhủ thầm sao việc đưa rước khách du lịch ở Mỹ tệ thế, nhưng nghĩ lại phi trường Los Angeles thuộc loại bận rộn nhất thế giới, mà mình lại đi kiểu bao rẻ tiền thì phải chịu chờ. Đi kiểu này, bạn đừng có đứng ở trong phi trường mà dòm coi có ai cầm bảng mang tên khách sạn của mình. Hãy ra đường lộ trước mặt phi trường mà sắp hàng đợi. Thấy xe hãng của mình đi về vùng của mình thì mới lên được.
Tôi nghĩ chúng tôi đã phải đợi xe đưa rước hơn một tiếng đồng hồ. Tài xế taxi là một người Hoa. Anh ta nói tiếng Anh giọng Mỹ một cách thoải mái và luôn miệng nói chuyện với khách (cùng lên xe với chúng tôi có cặp vợ chồng người Úc xồn xồn), thỉnh thoảng cũng nói dăm ba câu khôi hài để chọc cười hành khách.
Từ phi trường Los Angeles về khách sạn, tài xế xe van cho biết mất khoảng 45 phút, nhưng vì gặp lúc này khoảng 5 giờ chiều nên rất kẹt xe. Nhìn trong bản đồ, tôi thấy ở Los Angeles đi các quận hạt có khoảng 20 cái xa lộ. Mà xa lộ nào cũng lớn. Xe van chúng tôi chạy về Disneyland bằng Santa Ana Freeway và mất đúng một giờ đồng hồ.
Đến nơi, bác tài xin cái voucher chuyến rước phi trường – khách sạn và cũng xin tôi ký vào cái receipt là mình đã đi chuyến này với giá $55 Mỹ kim (cho chuyến đưa rước 5 người) và để trống ô đề tiền boa. Nhập gia tùy tục, và đã thấy trên xe treo “khẩu hiệu” tiền xe đi chưa tính tiền tip và khách hàng nên thưởng tài xế tiền tip, nên tôi đã thủ sẵng tờ bạc $5 để đưa cho bác tài, bởi vì người ta nói rằng, cho boa thì phải khoảng 10%. Nhưng nếu tôi cho bác tài hai, ba đô (tức khoảng 5%) thì chắc chắn họ cũng không khiếu nại đâu.
Ở Úc, đi ăn nhà hàng, đi xe taxi không những đã không cần phải cho tiền boa mà ăn uống mua sắm cũng chẳng phải trả thuế (rất có thể phải trả thuế GST 10% sau ngày 1.7.2000) nên khi qua Mỹ cứ phải chi thêm thì thấy rất ư là khó chịu. Chẳng hạn cái áo đề gia $18 Mỹ kim, nhưng khi trả tiền phải trả thêm 7% hoặc 8% thuế sales tax. Đi mua mấy cái bánh McDonald’s thấy giá trên bảng ghi một đàng, mà khi tính tiền họ lại thối một nẻo, bởi vì có thêm thuế sales tax.
Mỹ hầu như là quốc gia kỹ nghệ tiền tiến duy nhất mà không đánh Thuế Hàng hóa và Dịch vụ GST hay Thuế Trị giá Gia tăng (Thuế Kiệm ước) AVT, nhưng đánh thuế sales tax lên mọi món hàng và dịch vụ thì… cũng rứa. Nhưng ở Mỹ có 8 ngày mà ăn tiêu theo kiểu người Mỹ cũng đã làm tôi quen dần, để mai mốt có bị Liên đảng giáng cái thuế “dễ sợ” GST thì cũng không còn sợ nữa, vì đã có thử qua rồi.
Đến khách sạn, sau khi trình giấy tờ, họ cho chúng tôi ở một căn phòng hai giường đôi ở lầu 6. Bởi vì là khách sạn, nên không có bếp, chén bát để nấu ăn như trong các apartment ở Gold Coast bên Úc. Đứa nhỏ thứ 3 thì phải nằm trên ghế xa-lông, được cho thêm cái gối và cái mền, mà tôi biết là giá $100 mình phải trả thêm cho cái gối và cái mền đó.
So với apartment ở Úc thì phòng của khách sạn này chỉ bằng một nửa, nhưng được cái hơn là có người dọn phòng, xếp chăn mền hàng ngày giúp mình. Thế thôi. Ngoài ra, cũng chỉ có hồ bơi, chứ không có sân tennis.
Vào trong phòng, tôi thấy họ dán cái bảng giá thuê phòng mỗi ngày là $104 Mỹ kim (thời giá úc kim là khoảng $179 đô). Vậy, so với những apartment rộng gấp đôi ở các khu du lịch bên Úc như Gold Coast, tiền ở trọ khách sạn Fairfield đắt gấp đôi. Nhưng nếu bạn đi theo vé bao như gia đình chúng tôi đi trong dịp holiday vừa qua thì rẻ nhiều. Gọi đi bao hay package là thế.
“Cali đớp hít”: tiếp theo
Vì ngủ gà ngủ gật trên máy bay gần một ngày, chúng tôi cảm thấy không còn buồn ngủ nữa mặc dầu đến khách sạn, ngả lưng ra nghỉ một chút thì cũng đã 7 giờ tối rồi. Do không thể chờ đợi ngủ tiếp, chúng tôi quyết định ra phố người Việt ăn tối cho biết (mà ăn xong, về ngủ thêm được một hai tiếng là thức từ hai giờ sáng đến sáng hôm sau).
Ra đường cái, tôi gọi taxi lên phố Bolsa của người Việt ở quận hạt Westminster. Gọi là phố Bolsa vì khu người Việt nằm trên đường Bolsa Avenue, như đường Victoria Street ở Richmond. Nói đi Little Saigon của người Việt hay khu Bolsa của người Việt, các tài xế (đa số là dân gốc Nam Mỹ) đều biết.
Cảnh người ngồi trước khu phố Phúc Lộc Thọ |
Xe chạy gần nửa tiếng. Bác tài nói rằng lúc này xe cô kẹt đường nên đi chậm. Tôi cũng đành tạm tin như vậy, chứ biết làm sao vì mình là khách lạ vừa mới tới. Bác tài chạy trên đường Bolsa Avenue nhưng chẳng thấy mấy quán xá mở cửa vì trời đã tối. Ngay cả thương xá Phước Lộc Thọ cũng thấy vắng bóng người dù đèn đuốc sáng trưng.
Tôi bảo bác tài dừng ở dãy quán bên kia đường đối diện với Phước Lộc Thọ vì thấy có bảng hiệu Phở Hòa. Nhưng Phở Hòa (tiếng tăm một thời bay qua tận Úc) chỉ còn vài người khách ngồi. Tôi biết rằng quán thường đóng cửa sớm, mà mình thì muốn ngồi lâu, dẫu sao thì cũng đã mất một cuốc xe đến 22 Mỹ kim mà còn phải cho thêm tiền boa “theo luật Mỹ” cũng đã làm mình mất đi khoảng 43 Úc kim, nên bước lên Long Phụng Lầu Seafood Restaurant nằm trên lầu phía trên quán Phở Hòa để xem đồ biển của quán Hoa-Việt ở Mỹ có ngon hơn ở Melbourne chăng.
Phải nói rằng Long Phụng Lầu rất đẹp, khang trang, lại có cái “viêu” tuyệt vời vì vách toàn bằng kiếng nên có thể nhìn thấy các khu phố, thương xá người Việt chung quanh.
Vào tối Thứ Sáu khoảng 8 giờ mà một cái quán đẹp như vậy, ngoài chúng tôi, chỉ có hai bàn với khoảng 5 người khách, trong đó có một khách là người Mỹ. Tôi lấy làm lạ tại sao một nhà hàng lớn và đẹp như thế mà chỉ có mấy mống người ăn đêm thì làm sao mà sống được. Nhưng tôi đã chưa nghĩ ra được rằng đây là khu người Việt, chỉ toàn thấy người Việt, mà người Việt thì đâu có tập tục kéo nhau đi ăn nhà hàng vào buổi tối (ngoại trừ tiệc tùng) như người Tây và người Hoa ở khu phố Richmond tại Melbourne hàng đêm?
Tôi thấy các món chúng tôi chọn ăn, ngon cũng tương đối thôi, nhưng theo cái “gu” của gia đình chúng tôi thì món tôm hùm ở Long Phụng Lầu không ngon bằng Tiệm Fu-Ku ở Richmond. Về giá tiền, tôi nghĩ cũng tương tự ở Úc, không rẻ hơn.
Bà quản lý là người Việt gốc Hoa, thấy cách ăn mặc theo kiểu du khách ba-lô của chúng tôi liền hỏi chúng tôi từ đâu đến, và khi biết người “cùng quê” liền cho biết bà cũng là người trước kia ở Sydney được anh chị em kéo qua Mỹ lập nghiệp, nhưng bà cũng không quên thêm câu ở đây lúc này làm ăn khó khăn vì có quá nhiều cạnh tranh.
Ăn đồ biển thì phải uống rượu vang trắng như chardonay mới đã, mới thưởng thức cái tinh túy của các món biển, nhưng tôi lại gọi bia Mỹ nổi tiếng Budweiser để uống cho nên có thể vì thế mà cảm thấy bớt ngon. Hỏi các con nghĩ sao về các món ăn thì chúng chỉ rùn vai nên tôi nghĩ các món ăn không ngon lắm, hoặc chúng đi xa mệt. Bà chủ hỏi ngon không thì đành trả lời “được”. Bà hẹn sáng mai đến thưởng thức món nhẩm xà, quảng cáo rằng đông người ăn lắm. Tôi không để ý, vì không trở lại sáng Thứ Bảy.
Nhưng qua sáng Chủ Nhật, khi mấy người em dẫn đi tham quan khu phố người Việt và hỏi người ta đứng sắp hàng trên lầu kia làm gì mà đông như đi coi hát, thì được các chú em trả lời rằng người ta sắp hàng để chờ ăn nhẫm xà. Tôi nhìn lên bảng hiệu và thấy mấy chữ Long Phụng Lầu: À ra thế!
Tôi muốn đi ăn sáng ở phố Bolsa để chiêm nghiệm những bài viết quảng cáo các món ăn của ông bạn đồng nghiệp Trường Kỳ. Nghe ông viết thì chỉ muốn đến Mỹ mà ăn và ăn, chứ chẳng muốn đi đâu nữa. Tuy vậy, tôi vẫn hồ nghi, bởi vì cái khẩu vị của mỗi người có phần khách nhau và cũng không thiếu người đi Mỹ vẫn cho rằng phở ở Úc ngon hơn, hoặc phở ở Melbourne ngon hơn… Sydney.
Tôi yêu cầu mấy người em – là mấy ông thổ địa ở nam Cali – hãy đem tôi đi ăn sáng ở các quán người Việt. Mấy người em thấy tôi là dân Huế nên đề nghị đến quán Huế. Nhưng tôi đòi phải ăn phở vì qua Mỹ mà chưa… ăn phở ở khu Bolsa thì chưa phải là… qua Mỹ!
Một người em của tôi lái xe dẫn chúng tôi đến quán Phở Nguyễn Huệ nằm trên đường Bolsa Ave thuộc quận hạt Westminster (tôi không biết nên gọi quận hạt hay thành phố những vùng như Westminster, Garden Grove, Santa Ave là những vùng cũng tương tự như Richmond, Collingwood hay Footscray của chúng ta ở Úc này), giới thiệu rằng đây là tiệm phở nổi tiếng ở Little Saigon, nơi các nghệ sĩ Việt Nam thường lui tới.
Ờ, thì tôi cũng đã nghe ông bạn Trường Kỳ trong mục “Cali đớp hít” trên TVTS số ngày 5.8.98 đã không tiếc lời về cái quán này. Tôi nói với nhà tôi mình đã tới được quán “nổi tiếng” đến tận xứ Úc nhờ đọc bài viết của ông Trường Kỳ, bây giờ thì chỉ còn coi danh tiếng có đúng như truyền tụng không. Nhưng quán ăn vắng bóng, trước cửa có tấm biển đề “xin cáo lỗi, tạm đóng cửa” vì chờ thanh tra. Tôi cười nói với chú em: “À ra thế, ngon quá, nổi tiếng quá thì cũng có thể bị mấy ông y tế Mỹ thanh tra”.
Tôi nói với người em còn chỗ nào có phở mà chú cho là ngon thì cứ chở chúng tôi tới đó. Người em đưa chúng tôi đến quán Phở 54 ở trên đường Brookhurst Street, vùng Westminster (Phở Hòa, Phở 54 là một trong những tiệm phở có chi nhánh hay tên hiệu ở nhiều vùng tại Nam Cali, nên tôi cầm phải nói rõ vùng, hay đường kẻo nhầm).
Tôi nhớ lại ông bạn Trường Kỳ có giới thiệu Phở 54 là phở “danh bất hư truyền” nằm trong ngoặc kép. Lúc này đã khoảng 11 giờ trưa, tôi cảm thấy ăn như vậy là hợp, vì tôi không có thói quen ăn sáng (chỉ ăn trưa bằng một tô bún hay tô phở nhỏ, hoặc là một cái bánh mì Big Mac là quá đủ).
Và quả thật là “danh bất hư truyền”. Quán đông nghẹt người. Gia đình anh em chúng tôi có trên 19 người nên phải chờ nhân viên trong quán sắp chỗ, kiếm cho một góc trống kê thêm bàn. Tôi nghĩ thầm, đông người như thế thì phải ngon, mai mốt về Úc sẽ có dịp quảng cáo cho bà con biết cái tên của Phở 54 ở Westminster.
Gia đình chúng tôi gọi phở bò gà. Nhưng khi trông thấy mấy miếng thịt gà, cục nào cục nấy to gần bằng cái trứng gà mà béo ngầy ngậy thì tôi phát khiếp. Chưa ăn mà đã thấy ớn tận cổ.
Mấy chục năm gặp lại em út, được mời đi ăn lần đầu tiên mà chê thì quả cũng thiếu tế nhị. Tôi ráng nuốt, ăn một miếng thịt gà và húp ít nước phở, nhưng đến gần nửa tô phở thì đành buông đũa, dù biết rằng các em mình sẽ còn dẫn đi vòng vo thăm thú phố xá và đời sống ở đây, nên bụng cần đầy.
Nhà tôi cũng lắc đầu, nói béo quá, không ăn được. Các em tôi là khổ chủ mời khách xa từ Úc cũng nói vào phở đây không ngon lắm đâu. Nhà tôi phát biểu tại sao phở như thế mà đông người ăn, thì tôi nói có thể khách họ thích cái gu thịt gà béo ngậy. Các cô em tôi nói đùa quả “danh bất hư truyền”. Còn tôi thì cho rằng, ngon hay không cũng tùy sở thích của từng người, nhưng tôi không chịu được gu phở gà này. Quả là hơi xui.
Sau món phở béo ngậy với những miếng gà để thành từng cục mà không xé, tôi được một ngày đầy bụng, chẳng còn hứng thú cái mục “cali đớp hít” nữa. Các em tôi lái xe vòng vòng ở khu Bolsa cho chúng tôi chiêm ngưỡng đời sống của mấy trăm ngàn người Việt ở Quận Cam, nói rõ hơn là vùng Westminster.
Sau đó, họ đưa chúng tôi về thăm gia đình của một thông gia, và đến chiều thì lại đưa… đi ăn. Lần này thì ăn ở một quán Huế có tên là Hỷ ở vùng Garden Grove (sát vùng Westminster và nằm giữa Westminster và Anaheim – Disneyland).
Nghe chữ hỉ là thấy vui rồi. Bà chủ quán lúc nào cũng cười, từ tốn dọn những món ăn Huế rất tỉ mỉ, nhỏ tí tí cho khách thưởng lãm. Tôi hỏi nấu lách cách như thế làm sao lời thì bà chủ quán cho biết nấu vì vui, vì thích làm cho người thích ăn món Huế được thưởng thức những món Huế.
Tôi được ăn món bánh bột lọc kẹp với bánh ram, rồi ăn những món Huế như bánh bèo đổ trong những cái chén nho nhỏ như ở núi Ngự Bình của xứ Huế. Chén không xếp chồng đã cao mà chưa thấy gì… trong bụng, bởi vì người Huế làm món ăn gì cũng tí tí, kiểu ăn lấy hương lấy hoa.
Nhà tôi là người Bắc mà cũng phải tấm tắc khen ngon, nhưng thêm rằng quả là quá công phu. Tiếp đến là món cơm hến. Dù là những con hến nằm trong hộp nhập cảng, tôi cũng phải công nhận gần 2 chục năm mới được dịp ăn cơm hến và ngon như thế. Tôi chỉ biết mẹ tôi nấu cơm hến ngon nhưng không nhớ ngon như thế nào để sánh với món cơn hến ở quán Hỷ. Nhà tôi cứ một mực khen cả đời nghe nói cơm hến nhưng hôm nay mới được ăn cơm hến. Thế là cả hai chúng tôi mỗi người ăn một tô thật lớn, lớn như tô phở tàu bay, phở xe lửa.
Chủ quán giới thiệu thêm món bún bò Huế. Tôi nói ở Úc tôi khoái ăn món bún bò Huế ở một cái quán có tên là Minh Tiên. Cả hai năm trời qua, tuần nào cũng đi ăn vài lần, ăn độc một món bún bò Huế mà không chán, nhưng hôm nay xin chịu thua, vì quá no. Thôi thì đành hên một dịp khách, có thể vài… năm sau. Bà chủ quán Hỷ lại cười.
Vì được các em đãi, nên tôi không biết giá cả ở các tiệm phở, bún bò Huế đó ra sao. Qua ngày Thứ Ba, một người em của tôi dùng một ngày nghỉ để đem anh chị và các cháu đi chơi vùng Bolsa thêm một lần nữa, và luôn tiện chở đi thăm các nhà xuất bản lớn mà chúng tôi có làm ăn, mua bán qua lại trong mười năm qua như nhà xuất bản Đại Nam của ông Trương Đình Nho, nhà xuất bản Xuân Thu của ông Phạm Công Danh và nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết.
Lần này tôi yêu cầu em tôi phải chở tôi đến một quán phở nào mà các em tôi nghĩ rằng ngon. Chú em tôi chở tôi đến quán Phở 86 ở đường Brookhurst Street, Westminster. Quán này tuy chưa được nằm trong danh sách TOP 10 (bảng danh sách này tôi đặt để chọc ông bạn đồng nghiệp) của Trường Kỳ nhưng cứ thấy tiệm phở mà có những con số như 64, 79, 87, 90 v.v… thì tôi nghĩ tệ lắm cũng trên bậc trung. Vả lại, người em tôi đã thấy tôi chê một tiệm phở vì không hợp khẩu vị rồi.
Dù là khách, nhưng tôi cũng phải dòm bảng giá tiền trong tờ thực đơn để có thể mách lại với độc giả Tivi Tuần San. Tôi thấy tô phở lớn nhất và đắt tiền nhất là tô xe lửa với giá $4.40 Mỹ kim (quy ra hối xuất 58 xu khi đó là $7.58 Úc kim). Thế thì phở hay đồ ăn ở Mỹ đâu có rẻ so với Úc?
Không chê như Phở 54, nhưng chúng tôi cũng không dám khen Phở 86 là ngon, chỉ có thể nói với mấy người em là phở ăn được. Thôi thì dành nói khách với mấy người từng đi Mỹ khen phở ở Mỹ ngon, hay như Trường Kỳ! Còn những món ăn khác mà Trường Kỳ kể dài dài trong mục tạp ghi “Cali đớp hít” thì tôi đã không có thì giờ để thưởng thức, vì phải bận dẫn các con đi chơi.
Ngày về, sau khi trả chìa khóa phòng lại cho khách sạn trước 12 giờ trưa mà máy bay thì đến 9 giờ tối mới bay, tôi lại gọi taxi ra khu phố Bolsa để một lần nữa nhìn cuộc sống của người Việt tại đây, nhìn cho kỹ hơn nữa để xem có cái gì đặc biệt trong cuộc sống của tập thể người Việt đông nhất ở hải ngoại. Chúng tôi chỉ có dịp ghé quán phở $2 ở thương xá Phước Lộc Thọ nhưng đã không ăn món phở $2 vì nghĩ rằng với $2 thì ăn được cái gì, nên ăn đĩa bánh cuốn. Nhận xét: cũng được.
Kết luận: tôi chỉ có thể nói rằng, vì sống ở Mỹ chỉ có mấy ngày, ăn được hai tô phở nên chưa đủ “thẩm quyền” để nói rằng phở ở Mỹ ngon hay không. Chỉ nói các món ăn ở Miệt Dưới có thể không thua ở đâu, và ngon dở “tùy người đối diện”, tùy khẩu vị của mỗi người.
Rằng ăn uống cả là một chuyện phức tạp.
(TVTS số 656 – 21.10.1998)