Bút ký Trường Kỳ: Từ Los Angeles tới Bangkok (1)

03 Tháng Bảy, 2008 | Mỹ châu

 

Từ trái qua phải: Trần Đình Thục, Trường Kỳ, Nam lộc và Jo Marcel tại Los Angeles tháng 8 năm 2006

 

Với tôi, chuyến đi nào cũng  có những điều đáng nhớ, không ít thì nhiều. Chẳng hạn như chuyến đi Bangkok vào tháng 8.2006 vừa qua. Điều đáng nhớ đầu tiên xẩy ra ngay khi vừa qua khỏi hàng rào hải quan Mỹ ở phi trường Pierre E.Trudeau (tức Dorval, Montreal) đê đáp chuyến Northwest ghé Los Angeles, trước khi bay đi Bangkok.

 

Mới có 5 ngày sau khi âm mưu khủng bô bằng chất lỏng nhắm vào những chuyến bay từ Anh đi Mỹ bị khám phá, nên màn lục lọi và khám xét kỹ lưỡng đã làm mất  thì giờ và gây phiền phức hơn thường lệ rất nhiều.

 

Mặt mũi mấy anh chị nhân viên di trú Mỹ cũng đều tỏ ra lầm lì và căng thẳng nên việc hỏi han có phần dài dòng hơn mọi khi được diễn ra trước chiếc máy camera nhỏ chĩa thẳng vào mặt.  Ngoài ra có những hành khách thuộc một số quốc gia (thường là những người có nước da ngăm ngăm) còn phải lăn tay trước mặt nhân viên di trú mới là rườm rà.

 

Qua khỏi hàng rào kiểm soát này, đập vào mắt mọi người trước tiên là những  phụ tùng trang điểm của quí bà, quí cô được xếp thành đống như núi trước khi  hành lý xách tay được đưa qua máy X-Ray cùng với giầy dép, giây thắt lưng, computer, camera, điện thoại di động, vv…

 

Mặc dù đã được thông báo kỹ lưỡng qua các phương tiện truyền thông là cấm mang bất cứ chất lỏng gì lên phi cơ, nhưng chị em phụ nữ vẫn có người phớt lờ vì coi trọng vấn đề trang điểm hơn cả nền an ninh thế giới!  Cứ mang theo cầu may. Bị tịch thu thì… thua. Còn thoát được thì ta đây vẫn rực rỡ, mượt mà và thơm phức khi bước ra khỏi máy bay.  Ai ai thấy cũng phải xuýt xoa, trầm trồ.

 

Nhưng chẳng may, chả ai thoát khỏi mắt nhân viên an ninh phi trường khi tình trạng trở nên căng thẳng thấy rõ trong ngày hôm đó. Bất cứ một hành lý nào mang theo lên phi cơ cũng bị lục soát kỹ càng.  Chẳng thế mà có không biết bao nhiêu là lọ sơn móng tay, cây son, các loại gel hay bất cứ thứ gì lỏng lỏng, sền sệt đều được tịch thu để chất đống làm mẫu cho những hành khách khác coi đó mà tự mình móc ra để lại. Phiền thì có phiền, nhưng cũng lấy làm an tâm hơn là bị xét hỏi sơ sài, qua loa. Chẳng may lỡ để sơ xẩy, còn phiền đến cỡ nào.

 

Rồi cũng lên được phi cơ để ngồi phịch xuống một cách nhẹ nhõm trước khi máy bay cât cánh tới Detroit để đổi qua chuyến khác đi Los Angeles.  Sở dĩ tôi chọn con đường dài ngoằng này để đi Bangkok  bởi lý do… nhất cử lưỡng tiện! Vừa đến được nơi muốn đến, vừa có dịp gặp gỡ một số bạn bè thân thuộc ở nam California, dù chỉ trong gần chục tiếng “transit” ở đây trước khi lấy những chuyến Cathay Pacific bay đi Hồng Kông và kế đó là Bangkok.

 

Người không hẹn mà gặp đầu tiên ngay trước cửa phi trường là cậu cháu ca sĩ Nguyên Khang của tôi.  Cậu mới đi show ở Thụy Sĩ về.  Cách đó 5 tháng, cậu đã chưa bao giờ hát nhiều như trong buổi tiệc thân mật tại Montreal mừng tác giả bài này được… thượng thọ 60 năm cuộc đời. 

 

Mới chỉ hàn huyên chưa đầy 15 phút trước phi trường và cậu mới hít xong một điếu thuốc, đã có một nàng rà xe tới rước cậu lên, không kịp giới thiệu vì nhân viên an ninh đuổi như đuổi tà!  Cho nên không kịp quan sát cô nàng đến đón cậu mặt mày ra sao.  Cậu này kín đáo lắm, nổi tiếng đào hoa nhưng ít ai thấy được mặt mũi những bông hoa của cậu.

 

Như đã liên lạc từ trước, tôi được hai ông bạn thân Nam Lộc và Jo Marcel ra đón từ nơi làm việc là cơ quan USCC (United States Catholic Charities) tức cơ quan từ thiện Công Giáo Hoa Kỳ, không xa phi trường là mấy. Nam Lộc chễm chệ thủ vai giám đốc của cơ quan này từ nhiều năm nay.

 

Đây là một trường hợp rất đặc biệt vì Lộc là người đầu tiên không có đạo công giáo được đề cử làm giám đốc một cơ quan hoàn toàn Công Giáo, trực thuộc giáo phận Los Angeles, đứng đầu là một vị Hồng Y! Còn Jo Marcel tuy đã về hưu, nhưng bị Nam Lộc dụ dỗ trở lại làm việc “part-time” cho có anh, có em giống như trong những ngày đầu hoạt động văn nghệ với tôi ở Sài Gòn từ thập niên 60. 

 

 

Cơ quan USCC này cũng là nơi “chứa chấp” rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng trong những năm đầu tị nạn. Nào là Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Vũ Huyến, Hoàng Thi Thao, Minh Xuân, Minh Phúc, vv… Bây giờ anh chị em đã phân tán khắp nơi, chỉ còn trần xì hai ông bạn già. Một ông 68 tuổi là Jo và ông kia 63 tuổi là Lộc.

 

Và cũng theo kế hoạch, chúng tôi ghé vào Los làm một chầu sushi thay vì ghé Little Tokyo là nơi có nhiều hàng quán với khách khứa đông đảo, không tiện cho việc ngồi dai nhách để đấu láo của chúng tôi. Tiệm Dokdo vào một buổi chiều thứ ba chỉ có loe hoe vài mống khách nên rất tiện. Và cũng do đó, việc phục vụ cũng rất ra đâu vào đó.

 

Nam Lộc thì thỉnh thoảng tôi vẫn gặp.  Khi ở Washington, DC, hay Seattle. Lúc thì ở San Jose hoặc Houston.  Có khi ngay tại Montreal. Còn Jo Marcel, ít ra cũng 5, 6 năm tôi chưa gặp dù trong thời gian này có vài lần qua Little Saigon. Jo cho biết lái xe từ Los Angeles xuống Westminster cũng rất lười, nhất là nếu gặp cảnh kẹt xe thì quả vô cùng phiền phức.

 

Phải công nhận cái số đào hoa của Jo vẫn còn bám sát lấy anh.  Tuy đã có hơn nửa “dozen”… vợ và hơn một “dozen”… con, thế mà trên đoạn đường từ phi trường đến tiệm ăn, có một chị Mẽo gọi phone nhõng nhẽo quá trời.  Jo ra chiều thích chí, vừa nói vừa cười vung vít, khoe lấy khoe để cái sự đắt đào của mình. 

 

Bạn già cho biết đó là một em ký giả, cộng tác với tờ báo ca nhạc nổi tiếng của Mẽo là Rolling Stone.  Từ khi quen với em chưa được tứ tuần này, Jo cho biết có anh cảm tưởng như… cải lão hoàn đồng vì thường được em dẫn vào những nơi rất “hot” của giới trẻ nên bạn già thấy yêu đời  lạ thường và cho rằng mình đang ở trong tình trạng… đang yêu như chưa yêu lần nào! 

 

Một lát sau, qua sự thông báo của Nam Lộc, ông bạn Trần Đình Thục cũng dẫn xác tới.  Ông bạn này là một tay nhiếp ảnh và “designer” trứ danh trong giới văn nghệ Việt Nam tại hải ngoại.  Đó cũng là người “design” cho tất cả những poster cũng như bìa băng nhạc, CD và video cho trung tâm Thúy Nga trong suốt hơn một thập niên.  Sau đó là người được rất nhiều trung tâm nhạc khác tin cậy trong việc trình bày bìa và poster cho những sản phẩm của họ. 

 

Thục vừa thực hiện xong một bộ hình ảnh về một số thắng cảnh và di tích của Việt Nam tuyệt đẹp qua những lần về thăm quê hương gần đây.  Chưa gì đã có rất nhiều người đặt mua, trong số có một nhà hàng lớn ở Orange County đã đặt mua độc quyền một số tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật khổ lớn của anh.

 

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh rất nhiều đề tài liên quan tới các bạn bè trong giới nghệ sĩ. Như Tùng Giang mới trở về Việt Nam với cô vợ trẻ và cậu tí nhau sau khi điều trị căn bệnh gan của anh một thời gian dài ở Cali. Tưởng là nguy ngập, ai ngờ sau khi cắt đi một phần lá gan, nay cậu Giang lại trở nên hồng hào, lên cân mập mạp hẳn ra. Thật là hi hữu nên cũng mừng cho ông bạn. Nào là chuyện Tuấn Ngọc vừa rất thành công với một cái show được đánh giá rất cao ở Sài Gòn, cũng như là giá vé của chương trình này cũng cao chưa từng thấy. Cũng mừng luôn cho ông bạn. 

 

“Hot” nhất là chuyện liên quan tới căn bệnh ung thư hiểm nghèo của em ruột Jo Marcel là Hồng Loan, nữ ca sĩ nổi tiếng một thời trong ban nhạc  trẻ phái nữ đầu tiên của Việt Nam là The Blue Stars, cư ngụ ở San Jose.  Và Loan cũng là người bạn gái rất thân của tôi trong một thời nhạc trẻ.

 

Theo Jo cho biết, Hồng Loan sẽ không còn sống được bao lâu nữa vì các bác sĩ điều trị đã chịu thua. Tuy vậy Loan vân không tỏ ra bi quan để sẵn sàng chấp nhận cái chết đến với mình. Tôi đã nhận ra điều này khi nói chuyện với Loan qua điện thoại trước khi rời Montreal một thời gian ngắn. Vẫn tiếng cười tươi tắn  và giọng nói rộn rã đó như khi còn trẻ hay trong những lần tôi gặp Loan ở San Jose, không ai có thể ngờ rằng đó là một người đang chờ cái chết đến với mình một cách bình thản như vậy.

 

Chuyện “hot” thứ nhì liên quan đến ông bạn  Phan Kiên của chúng tôi. Ông này là “ex” của “trái táo” Vy Vân trong “The Apple 3” dạo nào và là “ông via” của nữ ca sĩ Phi Phi. Ông cũng là tác giả của những bộ DVD  phóng sự về những màn ăn chơi ở Sài Gòn, ở Miền Tây, vv… dưới nhãn hiệu Far East Productions một dạo rất hốt bạc.  Từ nhiều năm nay, Phan Kiên thường xuyên có mặt ở Sài Gòn và khoảng 2 năm nay đã từng đặt chân tới khắp miền đất nước để thực hiện một bộ phóng sự gồm cả chục DVD. 

 

Trước đó ông bạn cũng từng là ông bầu cho một giọng ca mới người miền Cao Nguyên có tên là Lyna Chăm Nguyên. Ông đã thực hiện cho  cô nữ ca sĩ trẻ và cũng rất “hot” này một CD có tựa đề là “Mơ Ai” và đã cất công  phổ biến CD với giọng ca này tại hàng chục tiệm cà phê ở Sài Gòn.  Phan Kiên mơ đến một ngày sẽ “lăng xê cháu Lyna trở thành một “siêu sao”. 

 

Đang hí hửng “mơ ai” để hy vọng rất có thể làm một màn xây  dựng  “lâu đài tình ái” thì vừa quay trở lại San Jose thì ông bạn bỗng dưng lăn đùng ra vì bị một trận “stroke” khiến miệng mồm méo mó và thân người bị liệt một nửa. Nghe đâu nguyên nhân cũng đến từ một con đau… tình ái khiến Phan Kiên bị căng thẳng quá nên lăn kềnh ra đó!   Mới trong dịp Tết vừa qua còn thấy Phan Kiên cười cười nói nói rất là vô tư và phóng xe gắn máy chạy ào ào. Vậy mà bỗng dưng ông sụm một cái rụp. 

 

Cũng mừng cho Phan Kiên khi tôi được nhạc sĩ Phan Nguyên Anh, một người rất thân với Kiên ở San Jose, cho biết tình trạng của ông bạn này đã khả quan để hiện đang chăm chỉ tập đi và tập nói rất đều đặn.  Nói thì đã bớt ngọng, đi đứng thì cũng khả quan, cố thể đi vòng vòng bệnh viện nhờ vào cây gậy…

 

Vì bận việc nên khi tan hàng, Nam Lộc đã phó thác tôi cho Jo Marcel chở vòng lại phi trường tiếp tục cuộc hành trình. Jo cho biết anh vừa mới cho phát hành lại CD “Cho Em” của anh, được trung tâm Tú Quỳnh thục hiện vào đầu thập niên 80 và từng được tái bản nhiều lần.

 

Lần tái bản gần đây nhất cũng  đã hơn 10 năm!  Trong thời gian đó, Jo đã nhận được rất nhiều lời yêu cầu tái bản CD này thêm nên anh vừa quyết định đáp lại cảm tình của người nghe dành cho mình bằng cách tung ra một đợt nữa CD gồm những nhạc phẩm đã tạo nên tên tuổi anh. Những ai đã từng đến với Jo ở “Chez Jo Marcel”, Queen Bee”, “Ritz” hay “Maxim’s”, chắc chắn không sao quên được Mộng Dưới Hoa, Thôi, Ai Về Sông Tương, Nỗi Lòng, Bài Không Tên Số 2, vv… là những bài được thu thanh trong CD được coi như “The Best Of Jo Marcel”.

 

Tới phi trường, hai anh em chia tay và Jo hứa sẽ lại cùng Nam Lộc tới phi trường Los Angeles đón tôi khi tôi từ Bangkok và Sài Gòn trở về để “transit” ở đây. Nhưng Jo đã không thể nào thục hiện được lời hứa của anh khi tôi quay trở lại phi trường này vào trung tuần tháng 9 vừa qua. 

 

Hồng Loan cuối cùng đã vĩnh viễn ra đi nên Jo đã bay lên San Jose dự lễ an táng của em gái mình.  Tôi được thông báo về cái chết của Loan khi chỉ còn khoảng một tuần nữa sẽ bay từ Sài Gòn về Los Angeles. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói khi nhận được tin buồn này qua e-mail.  Được biết Hồng Loan đã nhắm mắt lìa đời đúng vào ngày sinh nhật của mình. Loan đã ra đi một cách bình yên và an lành trong tay Chúa. Cầu cho linh hồn Loan sớm được vào nước Thiên Đàng.

 

 

Chỉ có một mình Nam Lộc ra đón  khi tôi quay trở lại phi trường Los Angeles.  Lần này chúng tôi  xuống Orange County để hưởng một chút không khí của Little Sài Gòn là nơi từng có một thời rất ư sôi nổi trong các sinh hoạt ca nhạc mà giờ đây theo nhận xét của một số người thì đã có vẻ… xìu xìu so với San Jose hoặc Houston. Xìu thì xìu nhưng đây vẫn là nơi tập trung đông đảo nghệ sĩ nhất và cũng là nơi ghi lại nơi tôi rất nhiều kỷ niệm niệm trong hàng chục lần thăm viếng nơi này. Có những lần lưu lại cả 2, 3 tháng trời khiến có người lầm tưởng tôi là cư  dân của Tiểu Sài Gòn…’

 

Với Sơn Ca và Anh Dũng tại khách sạn Imperial Queen’s Park ở Bangkok

 

Dĩ nhiên ghé Little Saigon là phải ăn. Nhân dịp Công Thành và bà xã Lyn mới khai trương một tiệm “seafood”, Nam Lộc bèn rủ tới ủng hộ. Và dĩ nhiên tôi không dám từ chối. Tiệm này tên là “Red Claw”, chuyên bán những “đặc sản” như cua, tôm, vv… và đạc biệt là crawfish, một loại tôm sống dưới bùn lầy, là món đặc biệt của những tiểu bang nhu Louisianna, Texas, vv…

 

Vỏ của crawfish rất cứng, với những người chưa ăn quen phải dùng sức lao động của ngón tay để bẻ vỏ và lôi thịt ra một cách khá vất vả. Nhưng đối với những tay sành điệu thì sau khi bẻ đầu con tôm có thân hình to hơn ngón tay út chút đỉnh, bèn mút chùn chụt gạch tôm một cách say sưa. Sau đó ngắt đuôi tôm và rút thịt từ phía trê ra một cái “oóc”, rất ngon lành. “Xử” một con tôm chỉ mất vài giây, nhanh chẳng khác gì cắn hạt dưa!

 

Hôm đó, tiệm “Red Claw” của vợ chồng Công Thành hấp crawfish với “sốt” tỏi và bơ ngon tuyệt vời, hơn hẳn loại “sốt” cajun và những loại “sốt” khác. Không có “sốt” mà chỉ hấp như những loại tôm, cua khác thì không cách chi nhá nổi vì tanh ơi là tanh. Ngon như vậy hẳn nào mới bước vào đã thấy vợ chồng Linda Trang Đài – Tommy Ngô đang ăn lấy ăn để với một núi vỏ tôm bùn trên bàn. Lyn cho biết vợ chồng này đã thưởng thức sơ sơ có 10 “pao” mà thôi.

 

Trong lần gặp gỡ này, Linda cho biết nếu không có gì thay đổi, cô sẽ tổ chức một “live show” cho riêng mình vào tháng 10 tới đây. Địa điểm trình diễn có lẽ sẽ là câu lạc bộ Lan Anh trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt trước kia).  Nhiều người cho là Linda đã trải qua nhiều cuộc… “tân trang” về ngoại hình, nhưng cô đã cực lực cải chính trên một tờ báo trong nước khi được hỏi về việc này. Dĩ nhiên cô cho rằng chưia hề biết cái thẩm mỹ viện nó như thế nào, làm sao mà sửa với sang cho được. Tôi tin ở lời cải chính của Linda. Nhưng tôi cũng tin ở con mắt tuy cận thị nặng nhưng rất tinh của mình khi thấy cô Linda đẹp hẳn ra, trẻ hẳn ra và cũng hơi… lạ lạ hẳn ra. 

 

Thật là ly kỳ, hay quá xá!  Bàn gần đó cũng thấy Cẩm Ly, Tuấn Hải và bạn bè cũng đang mê man với crawfish một cách rất tận tình, trong khi Công Thành và Lyn bận bịu tới tấp trong việc phục vụ khách hàng. Đông đảo như vậy khiến Công Thành phải xin lỗi chúng tôi để lấy xe vọt đi lấy thêm hàng gấp vì không còn một con… cua nào trong bếp! Thấy vợ chồng anh sếu vườn này bận bịu tíu tít cũng mừng.

 

Vừa đi hát tại những tiệc cưới liên miên, vừa đi bán nhà bán cửa, nay còn đèo bồng thêm cái restaurant quả là đáng phục. Một lát lại thấy Phi Khanh cùng ông xã Quốc bước vào. Ông bà chủ của vũ trường Majestic này cho biết công việc làm ăn trong việc khai thác vũ trường của họ tuy hiện có gặp khó khăn hơn so với trước kia, nhưng vẫn hoạt động đều đặn để luôn được coi là trung tâm của sinh hoạt ca nhạc của miền nam California… (còn tiếp)