Người bệnh ung thư phổi nên sử dụng một số thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng như canh hạt sen, canh nấm linh chi…
Với biểu hiện ho có đờm, kèm theo rêu lưỡi trắng hoặc nhầy, người bị ung thư phổi nên kiêng những thực phẩm chiên, rán, tôm, cua, cá, thịt mỡ; kiêng các thức ăn cay, nóng, thực phẩm hun khói… Ngoài ra, nên sử dụng một số thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng như canh thịt bò hầm, canh hạt sen, canh nấm linh chi và một số loại hoa quả, củ giàu vitamin tác dụng thanh nhiệt giải độc như nho, cam, táo, lê, củ cải hầm đường phèn, hạn chế uống đồ lạnh.
Khi ho, rát họng, ho ra máu, nên kiêng những thực phẩm thô ráp làm tổn thương vòm họng (bánh mì, ngũ cốc nguyên cám)…
Một số món ăn bài thuốc trong y học cổ truyền có tác dụng tư âm nhuận phế, kiện tỳ lợi thấp có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư để bạn đọc tham khảo và áp dụng:
Nếu người gầy, tức ngực, ho khan, trong đờm có những sợi máu tươi, sốt về chiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng, môi khô, miệng khát, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ… Dùng bài: hạt sen 30g, bách hợp 30g, phổi lợn 200g, gia vị vừa đủ. Phổi lợn rửa sạch thái miếng, cho vào nồi cùng hạt sen và bách hợp, hầm mềm, nêm gia vị vừa đủ. Chia ăn vài lần trong ngày.
Nếu tức ngực khó thở, ho có đờm dính máu sắc không tươi, đổ mồ hôi, ngại nói, môi tím, mặt nặng, chân phù, hồi hộp, đánh trống ngực, đại tiện lỏng.
Dùng bài: thịt vịt 1 con, đông trùng hạ thảo 20g, tỏi vỏ tím 15g, gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ. Thịt vịt làm sạch, chặt miếng ướp với gia vị, gừng, tỏi 20 phút rồi đem hầm cùng đông trùng hạ thảo cho mềm. Ăn nóng.
Nếu ho nhiều, khó thở, ngại nói, đờm trắng dễ khạc, sắc mặt nhợt, sợ gió, ăn uống kém, bụng sườn đầy tức, đại tiện lỏng…
Dùng bài: phổi lợn 100g, ý dĩ 50g, táo tầu 10g, gạo 100g. Nấu chung thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Theo Sức khỏe & Đời sống