Được hơn 70 chuyên gia xem xét lại, bản nghiên cứu nhấn mạnh: “Hút thuốc lá gây tốn kém hơn 1,000 tỉ Mỹ kim/năm cho các chi phí y tế và mất năng suất lao động”. Con số này vượt xa nguồn lợi tức toàn cầu từ các khoản thuế thuốc lá, WHO ước tính khoảng 269 tỉ Mỹ kim trong khoảng thời gian 2013-2014.
Chưa hết, theo nghiên cứu, số người chết hằng năm liên quan đến thuốc lá dự kiến tăng từ khoảng 6 triệu lên 8 triệu vào năm 2030. Hơn 80% số ca tử vong này xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo nghiên cứu, tổng số người hút thuốc trên khắp thế giới đang tăng mặc dù thói quen hút thuốc trong dân số toàn cầu nhìn chung là giảm. Các chuyên gia y tế chỉ ra hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong lớn duy nhất trên thế giới có thể ngăn ngừa được.
Nghiên cứu cũng cho rằng tổn thất do hút thuốc lá sẽ tiếp tục leo thang trong khi hầu hết chính phủ các nước không sử dụng hiệu quả các biện pháp hạn chế hút thuốc – như nâng thuế và giá, cấm hoàn toàn quảng cáo thuốc lá, sử dụng các hình ảnh cảnh báo ấn tượng… “Các chính phủ lo ngại kiểm soát thuốc lá sẽ gây tổn hại kinh tế. Thực tế không phải như vậy và giờ là lúc phải hành động” – nghiên cứu kêu gọi.
WHO ước tính các nước chi chưa tới 1 tỉ Mỹ kim để kiểm soát thuốc lá trong năm 2013-2014. Theo WHO, có thể sử dụng thuế đánh vào thuốc lá để tổ chức các chiến dịch chống thuốc lá rầm rộ trên truyền thông, hỗ trợ các cơ sở cai thuốc lá và điều trị…
Theo NLĐ