Hỏi và giải đáp 353: Ngủ chung, giữ tiền riêng!

25 Tháng Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến về một đề tài rất thông thường, và cũng là nguyên nhân gây ra rắc rối, bất hòa trong cuộc sống hôn nhân. Đó là: ăn chung, ở chung, ngủ chung nhưng giữ tiền riêng!

Sơ lược câu chuyện của cháu A:

A, gần 30, và chồng (B) chung sống đã mấy năm, chưa con cái, cả hai đều có job thơm, giữ tiền riêng, ‘home loan’ và tất cả các bills đều được chia đôi. Lúc đầu, A xem đây là việc tự nhiên nhưng dần dần thấy mình ‘không giống ai’ (vì đa số các cặp VN quen biết, ai cũng có trương mục chung). Nay A muốn  bắt chước bạn bè, làm sao mở miệng thuyết phục B?

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Cháu có thể tự nhận mình ‘không giống ai’ nhưng nếu lấy tiêu chuẩn căn bản của thế hệ trẻ (tây phương, hoặc đã tây phương hóa) thì không có gì ‘wrong’. Hay có thể nói ‘wrong hay không là tùy suy nghĩ của mỗi người’.

Tuy nhiên, nếu được phép khuyên các bạn trẻ, TL sẽ khuyên như sau: nếu đã có con, hoặc dự tính có con, thì tiền bạc nên giữ chung. Trên thực tế, có không ít cặp vợ chồng tây phương đã có con với nhau nhưng vẫn tiếp tục giữ tiền riêng và chia đôi tiền bills, hoặc phân công mỗi người trả một số bills nhất định, mà vẫn sống hạnh phúc hàng chục năm.

Những người ủng hộ hình thức này cho rằng làm như thế sẽ không bao giờ có sự nghi ngờ, kèn cựa, so bì về tiền bạc, nhưng với những cô gái Việt còn ít nhiều tư tưởng Á đông – ‘phu xướng phụ tùy’, và ‘của chồng công vợ’ – thì sớm muộn, tới một lúc nào đó sẽ cảm thấy không ổn.

Trong trường hợp của cháu, đã dự trù một hai năm nữa sẽ sinh con thì nên thực hiện ngay từ bây giờ. Để tới khi cháu nghỉ việc để sinh con, đồng thời chi tiêu trong gia đình cũng tăng vọt, thì B đã quen với việc xài tiền chung.

Muốn mở miệng với B, cháu nên gián tiếp bằng cách đề cập tới việc có con cái: nói với B rằng không nên chờ đợi lâu hơn, vì cháu đã sắp bước vào tuổi 30. Rồi từ chuyện bầu bì nói sang chuyện tiền bạc: một khi có con, tất cả những gì hai vợ chồng làm ra chỉ có mục đích duy nhất là lo cho con cái, vì thế hai vợ chồng cần phải hợp nhất tài sản, tiền bạc làm ra để dễ theo dõi và tính toán khi chi tiêu.

Để đánh đòn tâm lý, cháu hãy nói với B rằng, anh muốn mỗi kỳ lương, giữ lại một số tiền để dằn túi, hay bỏ hết vào chương mục rồi khi nào cần xài cứ việc rút ra. Cháu đề nghị như thế, dù chọn giải pháp nào, B cũng cảm thấy vui vì được vợ tôn trọng, tin tưởng. Sau đó, dù B có xài hơi nhiều, cháu cũng không bao giờ nên càm ràm, so bì, hoặc đòi quyền bình đẳng bằng cách cố gắng xài cho bằng chồng. Làm như thế chính là tự sát đó cháu à!

Cuối cùng, nếu B không chịu xài chung, cháu vẫn phải tiến hành việc có con, không nên vì B mà chờ đợi thêm nữa. Trong trường hợp này, để tránh những bất đồng có thể xảy ra sau khi chi tiêu gia tăng, thỉnh thoảng cháu nên nhờ B đi mua sắm hoặc trả các bills có liên quan tới đứa nhỏ, để anh chàng biết được những tốn kém mà cháu phải trả.

Viết đề phòng vậy thôi, chứ cô chưa hề thấy, và không tin có ông chồng nào vô tình và thủ cẳng tới mức đó. Bởi vì một khi vợ đã sanh con cho mình là coi như trúng độc đắc rồi, ai lại còn so đo tiền bạc!

Chúc cháu thành công.

Thanh Lan

NHẮN TIN:

Thúy Vân (QLD)

TL và LNĐ rất mến phục lòng tốt của em đối với một người không hề quen biết. Rất tiếc, người ấy đã từ chối vì hiện nay đang quá chán ngán tình đời, cho nên em bị hụt ăn… đầu heo! Chúc em và gia quyến vạn sự như ý trong năm mới. TL