Hỏi và giải đáp 403: Chồng, con, và người yêu cũ

21 Tháng Sáu, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư của bà X, một người vợ, người mẹ đang đứng trước một hoàn cảnh vô cùng khó xử: người yêu xưa muốn gặp con gái.

Có lẽ đọc hàng chữ trên, độc giả cũng có thể đoán ra một “cốt truyện” thường thấy trong những cuốn tiểu thuyết tình cảm của “bà Tùng Long” trước năm 1975. Theo TL, có thể còn ly kỳ và lãng mạn hơn nữa!

Mấy chục năm về trước, vào tuổi 17, X có thai với người tình đầu (A) nhưng gia đình nhất quyết không chấp nhận vì không môn đăng hộ đối. Khi gia đình chuẩn bị đưa X đi phương xa, thì B – con trai một gia đình giàu có – nhờ người mai mối. Sau khi được X thú thật, B vì say mê X, vẫn muốn tiến tới và hứa sẽ nhận đứa bé là con của mình. Cưới xong, B đưa X đi nơi khác sinh sống để khi đứa bé (Y) ra chào đời, không một ai biết nó không phải con của B. Trước đó, chính A cũng không biết X có thai với mình.

Về sau, X và B có với nhau mấy đứa con, và sống rất hạnh phúc. Nhưng sau năm 1975, ra hải ngoại, một người nào đó trong gia đình X đã tiết lộ bí mật này với A.

A hiện sống độc thân vì hôn nhân tan vỡ. A nhờ người quen tiếp xúc với X, xin được sang Úc gặp con gái – nay đã yên phận chồng con.

Ý kiến Thanh Lan:

Bà X thân mến,

Câu chuyện của bà thật rắc rối nhưng phương hướng giải quyết thì lại rất đơn giản, đó là ưu tiên cho người xứng đáng được ưu tiên – trong trường hợp này là B. Không cần làm một cuộc tham khảo ý kiến, TL cũng có thể đoán tới 99.9% độc giả sẽ đồng ý giải pháp tiếp tục để B được làm cha của Y, để  Y tiếp tục xem B là người sinh ra mình!

TL hoàn toàn đồng ý với bà rằng ngày ấy A không phụ bà, tức là A không có lỗi gì cả, trái lại còn đáng thương vì giọt máu của mình bỗng trở thành con của người khác! Nhưng ở đời, trong bất cứ lĩnh vực nào, cũng có những người bị thiệt thòi và phải chấp nhận sự thiệt thòi ấy vì mình là thiểu số, hoặc ưu tiên của mình thấp hơn của người khác.

Lấy một thí dụ điển hình là khi chính phủ ở một nước dân chủ tây phương quyết định mở xa lộ, một số nhà dân sẽ bị giải tỏa, và sẽ được bồi thường theo giá thị trường, hoặc có khi cao hơn một chút để an ủi. Nhưng cũng có một số người chỉ thích sống ở khu vực ấy, dù được bồi thường cao tới đâu cũng không muốn đi, nhưng cuối cùng vẫn phải đi, và nếu đưa ra tòa thì sẽ thua, bởi vì lợi ích của đại đa số được ưu tiên hơn.

Áp dụng vào chuyện “tình phụ tử tay ba” hiện nay giữa A, B và Y cũng thế. Người nào cũng có tình và lý của mình, nhưng nếu cộng phần của B và Y lại thì rõ ràng là “cha con” họ xứng đáng được ưu tiên gấp chục lần A.

Cho nên A không còn lựa chọn nào khác hơn là phải hy sinh tình phụ tử, hy sinh vì phúc lợi của chính con mình! Hơn nữa, A cũng phải hiểu rằng nếu A nhận con, thì hậu quả không chỉ đơn thuần là B mất con, mà còn đảo lộn cuộc sống yên ấm của TẤT CẢ mọi người trong cuộc.

Theo suy đoán của TL, A hành động như thế chẳng qua chỉ vì thôi thúc tình cảm tự nhiên trong trái tim của một con người, chứ A không nghĩ xa hơn. Một khi bị bà từ chối, A sẽ nghĩ lại và chấp nhận hy sinh. Hơn nữa, nếu A là một người cao thượng thì chính A sẽ tìm thấy nguồn an ủi trong việc hy sinh ấy: đó là nhìn thấy con mình tiếp tục sống với tình cảm, trong sự yêu thương của “cha mẹ” như từ bấy lâu nay.

TL cũng xin nhấn mạnh: đây là chuyện tình cảm có ảnh hưởng  tới cả một đời người, chứ không phải là chuyện pháp lý để mà lập luận rằng Y đã là người trưởng thành, đã có gia đình riêng, thì nên cho cháu biết sự thật!

Có những sự thật không bao giờ nên phô bày. Trường hợp của bà hiện nay là một.

Thanh Lan