Hỏi và giải đáp 466: Con nhà tông…

19 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời lá thư khá tế nhị của nữ độc giả A, một người mẹ đang lo chọn vợ cho cậu con trai đầu lòng. Viết là “tế nhị” bởi vì cho dù cố né tránh, TL cũng không khỏi làm mất lòng một số người không có cùng quan niệm, suy nghĩ về “tông giống” cũng như hai chữ “đạo đức” ở xã hội mới.

Xin sơ lược lá thư của bà A:

Gia đình bà ngày còn ở VN thuộc giai cấp mà TL tạm gọi là “bán trung lưu” – khá nghèo nhưng trí thức, hiếu học. Nay cậu X, con trai lớn của bà, đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm vững chắc, cho nên bà tính chuyện vợ con cho cho cậu. Là người thông cảm, hiểu biết, và cũng vì cậu X quen biết khá nhiều bạn gái, bà A chủ trương không tìm cách giới thiệu, mai mối cho con trai (trừ khi cậu không chấm bất cứ người nào trong số quen biết).

Hiện nay, X có hai cô bạn mà bà A đều chấm cho con trai. Bà đã so sánh rồi suy nghĩ đắn đo trong một thời gian khá dài nhưng vẫn chưa biết nghiêng hẳn về bên nào, bởi vì hai cô (Y, Z) đều có những ưu và khuyết điểm: Y con nhà giàu, thuộc giai cấp trưởng  giả, nhưng học dốt, trong khi Z con nhà nghèo nhưng học giỏi, chỉ phải tội nhà Z quá nghèo so với mức trung bình trong tập thể người Việt. Vì thế, X ra vẻ thích Y hơn, còn bà thì lại  nghiêng về phía Z…

Bà hỏi cách khuyên con trai sao cho có hiệu quả?

Ý kiến Thanh Lan:

Bà A thân mến,

Không phải TL vuốt nịnh, mà thực sự suy nghĩ của bà về “tông giống”, “đạo đức” cũng giống hệt suy nghĩ của TL.

Viết một cách chung chung, vào bất cứ thời buổi nào, ở bất cứ xã hội nào, khi dựng vợ gả chồng cho con, cha mẹ cũng thường ưu tiên lựa chọn những đám giàu sang, mà mục đích chính là để  con mình được giàu lây, sang lây, cháu mình sẽ có một tương lai sáng lạn, còn mình được nở mặt nở mày.

Đây là một lựa chọn rất tự nhiên và rất đáng khuyến khích, với điều kiện giàu mà không phải “trọc phú”, sang thật chứ không phải “học đòi”. Thế nhưng, thông thường (chứ không phải luôn luôn) người giàu có thì hay khinh rẻ người nghèo. Chính vì thế, từ đời ông đời cố, gia đình của TL có truyền thống úy kỵ việc thông gia với nhà giàu, và hậu quả của những vụ “phá lệ” càng có sức hỗ trợ thêm cho truyền thống ấy. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp trừ, và những “nhà giàu” ấy rất đáng cho mình quý trọng, nhưng dứt khoát chỉ là thiểu số.

Còn nói về chữ “sang” thì nếu là sang thật, điều kiện đầu tiên nơi những người ấy phải là sự đáng mến, từ đáng mến sẽ tiến tới đáng quý, đáng phục. Còn những người lúc nào cũng tìm cách tỏ ra mình thuộc thành phần sang trọng, giai cấp quý phái thì dù họ có sang thật, cũng chẳng nên gắn bó, nói gì tới những thành phần “học đòi”!

Áp dụng vào chuyện tình cảm hiện nay của X, cậu cả ra vẻ thích Y hơn bởi vì khi nam nữ quan hệ ở một chừng mực nào đó, “money means everything”, chỉ khi nào đã chung sống và gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt, mới nhận ra rằng “money means nothing”!

Bên cạnh đó, vì bà cho biết gia đình Y thuộc giai cấp trưởng giả, một khi X về làm rể của họ thì  một là phải nhũn như con chi chi, hai là sẽ “có chuyện” đều đều.

Còn Z con nhà nghèo thật đấy, nhưng thứ nhất, nghèo không phải là một cái tội, thứ hai, ở một đất nước như nước Úc chúng ta đang sống, dù nghèo tới đâu mà cả hai vợ chồng đều đi làm thì việc làm chủ một căn nhà cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Bà nên khôn khéo giải thích cho X, và đừng ngần ngại cho con trai biết suy nghĩ và kinh nghiệm của mình. Từ đó, X mới có thể có những nhận xét đích thực về Y và Z.

TL không thể đoan chắc X sẽ nghe theo lời khuyên của bà, nhưng kể cả trong trường hợp X nhất định chọn Y, thì nếu trong tương lai có những bất trắc, trục trặc, cậu cũng không thể đổ lỗi cho bất cứ ai.

Thân mến,
Thanh Lan