Hỏi và giải đáp 533: Nàng dâu “bản lãnh”!

28 Tháng Tư, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL đã nhận được lá thư của một nữ độc giả, tạm gọi là bà X, viết về cô con dâu mà bà mô tả là “đầy bản lãnh” của mình. Lá thư có những chi tiết đặc thù mà cho dù tóm gọn lại, những người liên quan cũng rất dễ bị nhận diện, trong khi đó mục ‘Hỏi và giải đáp’ lại không có lệ trả lời bằng thư riêng (trừ trường hợp mang tính cách sinh tử – nghĩa đen), cho nên TL giải quyết như sau: lấy lá thư của bà X làm căn bản rồi thêm vào một số chi tiết, để có những nhân vật tưởng tượng, đại khái một nàng dâu “tối trời” hơn, một bà mẹ chồng khắc nghiệt hơn, một người chồng nhu nhược hơn, và đưa ra ý kiến để bà X ứng xử vào trường hợp của mình, kỳ dư xin được xem như những lời khuyên chung chung cho mọi người.

Vậy chúng ta có: bà X, con trai bà là A, và cô con dâu B. Khi A bắt đầu quen B, bà X đã phản đối kịch liệt, nhất quyết không chấp nhận cho con trai lấy B chỉ vì xuất thân của B, đưa tới việc A và B tự động cùng nhau xây tổ ấm. Sau khi A, B đã có… con,  bà X vì thương cháu, đã chấp nhận “thua”, cho người thân đứng ra dàn xếp để nhìn nhận con dâu qua một buổi “lễ” tổ chức tại tư gia chứ không có tiệc cưới ở nhà hàng.

Mặc dù không sống chung nhà, nhưng quan hệ đôi bên luôn căng thẳng, B là một nàng dâu bản lãnh, hỗn láo, nhưng A luôn luôn đứng về phía vợ, bất kể công lao sinh thành dưỡng dục mấy chục năm trời của cha mẹ, không bao giờ dám một mình về nhà thăm cha mẹ, thậm chí tết nhất mà mua quà tết cha mẹ chỉ trị giá hơn chục đồng!… Bà X cho rằng B đang tìm cách trả thù bà vì trước kia đã không chấp nhận B… Đêm nào bà cũng phải khóc; nhiều khi bà muốn buông xuôi, nhịn nhục mọi chuyện, quên đi cách đối xử của con dâu để đổi lấy đức cho cháu, nhưng B lại được đàng chân lân đàng đầu… Có lẽ tới khi chết, bà cũng vẫn chưa yên thân với cô con dâu này!

Ý kiến của Thanh Lan:

Bà X thân mến,

Tạm thời cho rằng bà là người đã gieo “nhân” trước tiên – không chấp nhận cho con trai lấy B – thì nay phải lãnh “quả”, TL và có lẽ đại đa số độc giả cũng phải thừa nhận B là một nàng dâu quá tệ. Mong rằng rồi đây, khi con trai của chính mình khôn lớn và tìm một người con gái để lấy làm vợ, B sẽ thông cảm với bà, sẽ phải ân hận.

Nhưng thói đời đã cho chúng ta thấy việc ấy không dễ xảy ra, và đó chính là mâu thuẫn của con người: cùng thái độ, hành động ấy, nhưng của tha nhân là xấu, là sai, còn của mình thì chính đáng!

Tuy nhiên trong trường hợp này, TL cũng bắt buộc phải quy  trách một phần cho A, vẫn biết rằng vì sự khắt khe của bà, trước kia A đã phải tự mình lo liệu hạnh phúc lứa đôi, nhưng nay mẹ mình đã nghĩ lại, mà vẫn nhất nhất theo lệnh vợ thì thật không đáng mặt nam nhi!

Nhưng có thể nói, giờ này thì tất cả mọi sự đã quá muộn, bà không còn cách nào khác hơn là chấp nhận, bởi nếu không chấp nhận thì sự việc càng trở nên tệ hại. TL không hy vọng thái độ dĩ hòa vi quý của bà sẽ cải hóa được B, nhưng ít ra nó cũng không tạo thêm cơ hội, lý do để B thể hiện oán thù. Muốn tìm được an nhiên, thanh thản, bà hãy cố nghĩ tới các cháu của mình: mẹ chúng có thù ghét, tàn nhẫn với bà nội của chúng tới đâu, cũng sẽ không để ảnh hưởng xấu tới việc nuôi dạy chúng nên người. Tóm lại, thái độ chấp nhận của bà nếu không khiến B hồi tâm, thì ít ra cũng đem lại phúc lợi cho các cháu, và khiến con trai bà bớt khổ tâm hơn; bởi có một điều chắc chắn: khi ép bụng nghe lời vợ để tệ bạc với mẹ, A cũng không sung sướng gì, mà trái lại.

Cuối cùng, TL cũng xin có đôi lời với các nàng dâu: câu ca dao “mấy đời bánh đúc có xương…” chỉ có giá trị tương đối, chẳng khác nào câu “tiền bạc không đem lại hạnh phúc”, không phải thời nào, bất cứ ở đâu, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng xấu, hoặc đi tới bế tắc, mà hoàn toàn tùy thuộc vào hai nhân vật chính (mẹ chồng nàng dâu) và nhân vật phụ (người chồng). Nếu cả hai nhân vật chính ấy đều biết suy nghĩ, đều biết điều thì chẳng nói làm gì, nhưng trong trường hợp chỉ được một người, TL cho rằng người ấy nên là cô con dâu. Bởi với những bắt buộc của người phận dưới, việc cô con dâu phải chịu đựng một bà mẹ chồng khắc nghiệt sẽ dễ dàng (và có lý) hơn là một bà mẹ chồng phải đối phó với một cô con dâu “trời đánh”, mà lại bản lãnh!

Thanh Lan