(Thư em A)
Quý độc giả thân mến,
Tuần này TL trả lời thư em A, một cô gái đang phân vân giữa chữ Tình và chữ Hiếu. Vì nội dung thư không có những chi tiết cá biệt, TL cho đăng nguyên văn đoạn chính như sau:
…Em và X thương nhau từ lúc hai đứa còn là bạn học. Nhưng gia đình em không chấp nhận X vì anh ấy là người khác miền và theo đạo Công Giáo. Hai đứa em đã kiên trì trải qua bao nhiêu thử thách, gia đình em mới chấp nhận. Vài tháng nữa chúng em sẽ làm đám cưới.
Trong gia đình, em là người được cha mẹ thương nhiều nhất, tất cả chị em đều có chồng hết, em là người cuối cùng, nên cả nhà đều đặt cả hy vọng vào em sẽ nuôi ba mẹ, nhưng anh ấy ở một tiểu bang, còn em thì ở một tiểu bang. Ba mẹ em thì không chịu về chỗ anh ấy, còn anh ấy thì không chịu về chỗ em. Vì anh ấy đi làm, nếu bỏ hãng thì không đủ tiền xoay xở và em cũng không muốn cho anh ấy bỏ hãng.
Về phần ba mẹ em thì không muốn về chỗ ảnh, vì một lý do riêng tư. Em là người đứng giữa, em không biết giải quyết ra sao, bên Hiếu bên Tình biết xử sao cho vẹn.
Bỏ cha mẹ theo chồng thì em không đành lòng, bởi cha mẹ em dự định sẽ ở với em đến chết, ba em năm nay gần 80, mẹ kém ba mấy tuổi; nhưng nếu ép ảnh về ở với cha mẹ vợ mà không thích nhau, anh ấy sợ sẽ có chuyện mích lòng cha mẹ vợ, đến lúc đó em sẽ là người khó xử bên cha mẹ ruột bên chồng, anh ấy không nỡ lòng thấy em đau khổ…
Trả lời của Thanh Lan:
Em A thân mến,
Quả thật trong trường hợp của em, chữ Tình, chữ Hiếu nếu đem lên bàn cân thì sẽ ngang ngửa. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, bắt buộc em phải có sự lựa chọn. Và theo luật tự nhiên, thì em phải chọn theo chồng.
Viết là “luật tự nhiên” bởi đây không phải là ý kiến riêng của cô mà nó là chiều hướng chung xưa nay người ta thường lựa chọn mỗi khi không thể vẹn được cả Hiếu lẫn Tình.
Đạo lý thì khuyên con người phải sống hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ. Luật sinh tồn thì bắt buộc người con gái phải theo chồng để xây dựng một gia đình tương lai. Cái kẹt của em là ở chỗ em là con út, được cha mẹ thương yêu nhất và cũng là người con mà cha mẹ muốn sống gần gũi cho đến ngày nhắm mắt.
Nhưng khách quan nhìn vào, ai cũng thấy rằng nếu chọn Hiếu thì em phải dứt Tình, nhưng nếu ngả theo Tình thì vẫn còn có thể giữ được chút Hiếu. Nếu em bị dồn vào đường cùng: theo chồng thì bị cha mẹ “từ” thì em sẽ phải phân vân, nhưng ở đây mối tình trắc trở của em đã được cha mẹ chấp nhận; như vậy cô tin rằng cha mẹ em, dù có buồn nhớ cũng chẳng oán trách gì một khi em đi theo chồng.
Nhưng phần em, không phải theo chồng rồi là quên cha mẹ. Tốt đẹp nhất là sau một thời gian X tìm cách thay đổi chỗ làm, em và X sẽ về sống gần gũi cha mẹ (ở gần thôi chứ không cần ở chung vì chồng em và cha mẹ không thích nhau). Nếu X người có lương tâm, biết suy nghĩ thì dù không hợp cũng phải nghĩ đến cái việc cha mẹ em đã chấp thuận cho hai người thành vợ chồng mà để cho em có cơ hội gần gũi mẹ cha…
Về việc lo liệu cha mẹ sau khi em theo chồng, cô không hiểu các anh chị của em ở Úc có bao nhiêu người, nếu có em nên sắp xếp để cha mẹ già về ở với một người (mà cha mẹ em ưa nhất), còn nếu cha mẹ em không chịu ở với người con nào khác, em đành phải xa cha mẹ một thời gian ngắn vậy. Trước khi theo chồng, em phải xếp đặt mọi sự cho chu đáo, tốt nhất là để cha mẹ ở gần những người quen thuộc để có thể nhờ vả những lúc cần thiết…
Vẫn biết bỏ cha mẹ (dù chỉ trong một thời gian ngắn) để theo chồng, em sẽ bị dày vò, cắn rứt, nhưng biết làm sao hơn, không lẽ bắt X phải chờ đợi em cho đến ngày cha mẹ em về suối vàng? Cho nên cô tin rằng người đời cũng không ai trách móc em đâu.
Cuối cùng cô cũng xin nhấn mạnh: khi đưa ra những lời khuyên ở trên, cô tạm thời cho rằng tình hình sức khỏe của cha mẹ em còn tương đối, nhưng trong trường hợp cha mẹ đã quá suy yếu mà lại không có anh chị nào ở gần, thì em phải xét lại, lúc đó nếu em có vì chữ Hiếu không thể bỏ cha mẹ đã gần đất xa trời thì X cũng phải vì chữ Tình mà hy sinh tất cả để về với em.
Trong trường hợp này, rõ ràng là em ở vào cái thế kẹt, nếu X không thông cảm được có nghĩa X chưa thương yêu em đến mức đám hy sinh vậy.
Thân mến,
Thanh Lan