Giặc bên Ngô…

16 Tháng Ba, 2023 | Uncategorized
Minh hoa: Hình TVTS

(Thư cháu X)

Quý bạn đọc thân mến,

Tuần này TL góp ý kiến với cháu X, một cô dâu trẻ bị bà chị của chồng ghét một cách vô cớ, không bỏ lỡ một cơ hội nào để chỉ trích, chê bai. Vì tính cách tế nhị của đề tài, và cũng để tránh người trong cuộc phải giật mình, TL chỉ xin góp ý một cách chung chung như sau:

Người Việt có câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Giặc Ngô là quân của nhà Đông Ngô thời Tam Quốc (gồm Bắc Ngụy của Tào Tháo, Tây Thục của Lưu Bị, và Đông Ngô của Tôn Quyền). Ngày ấy, thế kỷ thứ 4 sau CN, Đông Ngô chiếm đóng đất Giao Chỉ (Việt Nam) và gọi là Giao Châu; vì thế trong ngôn ngữ của Việt, chữ “Ngô” cũng đồng nghĩa với “Tàu”.

Câu “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” thường được sách vở giải thích theo hai cách sau đây:

(1) Giặc Ngô hung dữ, tàn ác nhưng vẫn không bằng bà cô bên chồng.

(2) Giặc Ngô khó đánh đuổi nhưng vẫn không bằng bà cô bên chồng suốt đời theo ta để làm khó dễ.

Theo nhận xét của TL, cách giải thích thứ nhất có vẻ hợp lý hơn.

Cũng xin được viết thêm: mấy chữ “bà cô bên chồng” nên hiểu là người chị của chồng thì hợp lý hơn là em gái của chồng, bởi vì ở vai chị thì mới có vị thế, quyền hành để “đì” cô em dâu, như trong trường hợp của cháu X.

Thực ra, quan niệm về sự ghét bỏ của “bà cô bên chồng” cũng như xung đột giữa “mẹ chồng nàng dâu” không phải lúc nào cũng chính xác mà còn tùy thuộc bản chất của đối tượng (bà cô, mẹ chồng) và bản lĩnh của nàng dâu.

Riêng trong trường hợp của cháu X, bản chất của “bà cô bên chồng” được mô tả là “độc ác”, luôn luôn tìm mọi cách để chê bai, chỉ trích cô em dâu.

Nếu cha mẹ chồng đã qua đời, cách giải quyết thật đơn giản: monkey no see no talk no hear!  Nhưng trong trường hợp cha mẹ chồng còn sống, tết nhất giỗ kỵ bắt buộc phải về, thì chuyện đụng độ “bà cô bên chồng” là không thể tránh khỏi.

Cách tốt nhất là không nên đối phó trực tiếp, ăn miếng trả  miếng, vì làm như thế có thể sẽ khiến những người khác trong gia đình chồng về phe với bà cô, trái lại nên một mặt cắn răng “chịu đòn”, một mặt ra sức lấy điểm cha mẹ chồng và những thành viên khác trong gia đình, kể cả những đứa con nít, thậm chí cả con chó của gia đình chồng (nếu như bên chồng có nuôi chó) cũng phải tìm cách kéo nó về phe mình.

“Lấy điểm” nói tới ở đây không chỉ mang ý nghĩa vật chất (tiền bạc, quà cáp) mà còn là về mặt tinh thần. Trước hết, lời nói không mất tiền mua, tại sao không sử dụng để lấy lòng từ cha mẹ chồng xuống tới lũ cháu, và tất cả họ hàng thân thuộc bên nhà chồng; mỗi cuối tuần không về thăm được, chỉ cần một cú điện thoại hỏi thăm sức khỏe bà mẹ chồng là đủ để có điểm.

Cùng với việc lấy điểm một cách tổng quát, chung chung, nên tìm mọi cách để chứng tỏ mình hay hơn, tốt hơn, đáng yêu hơn bà cô bên chồng kia.

Những gì TL viết ra sau đây một số độc giả có thể gọi là “thủ đoạn” nhưng là những “thủ đoạn” bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng. Đó là những việc gì bà cô làm mà được khen, mình cũng bắt chước và cố gắng làm hay hơn; những người nào được bà cô ưu ái thì mình tìm cách ưu ái người đó hơn, và lẽ dĩ nhiên, những người nào bị bà cô ghét thì chính là những “đồng minh” đắc lực nhất nếu chúng ta biết cách lôi kéo…

Trong thư, cháu X không cho biết chồng cháu là trưởng nam hay thứ nam, nếu chồng cháu là trưởng nam đương nhiên phải nhớ tới ngày tết, ngày giỗ mà mua sắm hoa trái nhang đèn, nhưng kể cả trường hợp chồng cháu là thứ nam, cũng làm y như “anh hai”, chắc chắn sẽ được khen là “quá đầy đủ” chứ không ai chê là “dư thừa” cả.

Thêm một chi tiết nho nhỏ nhưng không kém phần quan trọng: trong những dịp họp mặt nhân tết nhất giỗ kỵ tổ chức bên nhà chồng, nên tới thật sớm, tốt nhất là tới đầu tiên để vừa có điểm với gia đình chồng vừa không sợ người ta xúm lại nói xấu mình sau lưng.

Thanh Lan

TVTS -1563