Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Chiều vàng trong rừng Lộ Đức (kỳ 7)

01 Tháng Chín, 2003 | Pháp
Mặt tiền Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức

Nguyễn Hồng-Anh

***

Sau khi đi Pháp, tôi hỏi một đứa con của tôi rằng “trong các nơi ở Pháp đã đến, nơi nào thích nhất?” thì đã được con trả lời “Lourdes”. Hỏi tại sao, con nói “Vì cảnh đẹp và con người ở đó dễ thương”.

Với tôi, nơi nào ở Pháp mà tôi đã tới, đều thích cả, nhưng vì Lourdes (1) – phiên âm sang tiếng Việt là Lộ Đức – có khí hậu tương đối mát mẻ của một vùng rừng núi và nhất là nơi hành hương nổi tiếng cả trăm năm nay, nên với tôi, khi nói đi Lourdes, là đi hành hương mà cũng có thể là đi nghỉ mát.

 

Đi xe lửa siêu tốc 300 cây số giờ

Trước khi qua Pháp, tôi nghe nói vé xe lửa Paris- Lourdes khoảng 150 Euro. Vì đường xa (khoảng 900 cây số), sợ tốn kém vé xe và khách sạn, anh bạn tôi đề nghị chỉ hai vợ chồng đi chừng một ngày một đêm là đủ, còn con cái thì nên để ở nhà để mấy anh chị dẫn đi chơi Disneyland Paris mà nghe nói không thua gì bên Mỹ và đôi khi còn có những nét độc đáo hơn nữa vì được xây cất sau. Nhưng chúng tôi chủ trương đi đâu cũng đem con theo, dù Lourdes là nơi hành hương, có thể không hấp dẫn hay phù hợp với tuổi nhỏ.

Cô con gái chu đáo của anh bạn chủ nhà lo việc mua vé cả tuần trước, vì giá vé xe lửa thay đổi theo mùa, ngày hay dịp lễ lạc. May mắn, vé hôm đó rẻ vì mỗi người chỉ phải trả 115 Euro (đi Classe 2, tức hạng chót, lớn nhỏ cùng giá). Vé đi là 59 Euro, dù phải ngồi trong một toa dành cho người hút thuốc lá (assis fumeur), và có một quãng đường chót phải đổi trạm để đi xe lửa thường tới Lourdes. Lý do: mùa va-căng, nhiều người về quê, đi nghỉ mát. Tôi khuyên các con ráng chịu mùi khói thuốc, vì không còn loại vé khác (Pháp vẫn còn dễ dãi trong việc hút thuốc nơi công cộng). Chuyến trở về được đi một mạch bằng xe siêu tốc và không bị ngồi trong toa được phép hút thuốc lá: chỉ 56 Euro.

Tại Lourdes cũng có một khách sạn do một người Việt làm chủ, nhưng không còn chỗ, nên cô cháu gái ghi danh giữ chỗ với khách sạn Scala Santa, một khách sạn loại 2 sao (điện thoại 05 6294 0353. Gọi từ Úc, phải bỏ số 0. Số 5 là số vùng của Lourdes). Phòng một giường đôi 32 Euro một đêm. Phòng có 3 giường đơn cho các con 42 Euro một đêm. Tổng cộng 74 Euro cho một gia đình 5 người là cũng cái giá dễ chịu, so với giá 150 Euro ở ngay trung tâm thành phố Rome hay 108 Euro ở quận 13 Paris.

Đón xe lửa đi Lourdes tại ga Montparnasse nằm ở phía Nam Paris. (Mua vé xe và đi đường xuyên tỉnh, phải tới ga có tên hoặc có bảng hiệu S.N.C.F. Từ Paris đi Bayonne bằng xe lửa siêu tốc, mất 5 tiếng đồng hồ. Có 10 phút đổi xe ở trạm này. Từ Bayonne tới Lourdes bằng xe lửa thường, mất 1 giờ rưỡi. Trở về, mất 5 tiếng rưỡi bằng một chuyến xe lửa siêu tốc với tốc độ tối đa là 300 cây số giờ. Có ngưng khoảng bốn, năm trạm để khách lên xuống. Tại sao xe có sức chạy 300 cây số mà chặng đường khoảng 900 cây số lại mất trên 5 giờ? Vì có những đoạn đường chưa tái thiết để cho xe siêu tốc có thể chạy tối đa, nên chỉ chạy chừng 160 cây số giờ.

Ở Pháp, người ta gọi xe lửa siêu tốc này là TGV (Très Grande Vitesse). Ở Anh, người ta gọi là Eurocar. Kỹ thuật máy móc và hình dáng bên ngoài giống nhau, nhưng trang trí bên trong có thể khác nhau. Khi xe của TGV bắt đầu chạy, hành khách có ngay cảm giác là đang bị đẩy mình về phía trước và có thể bị ù tai, như trong tình trạng phi cơ rời khỏi phi đạo. Lát sau, sẽ quen và không còn thấy xe chạy nhanh nữa, trừ phi gặp những đoạn xa lộ, thấy xe hơi chạy song song và các xe hơi bị xe lửa TGV bỏ xa thì mới biết rằng xe lửa đang chạy với tốc độ cực nhanh. Bình thường chạy rất êm, dù chạy với tốc độ tối đa, nhưng cũng có những đọan xe chạy khá lắc lư, nhất là khi vào thành phố hay gần tới trạm, đi ở hành lang giữa toa không vịn, có thể bị té.

Người viết trước Hang Đá và phần sau của tập hợp 3 căn nhà thờ

Từ Paris đi Lourdes, xe lửa chạy gần mé biển Đại Tây Dương, tức phía Tây nước Pháp. Quá nửa chặng đường, xe chạy xuyên qua thành phố Bordeaux, một trong những vùng trồng nho và làm rượu nổi tiếng ở Pháp. Nổi tiếng đến độ người Việt khi nói đến màu đỏ sậm thường gọi là màu đỏ bót-đô, chẳng hạn áo thung màu bót-đô. Bordeaux là thành phố kỹ nghệ và là thành phố lớn thứ hai sau Paris.

Xuống ga Lourdes, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh những nữ y tá ăn vận như các nữ tu ra sân ga để đón các bệnh nhân. Thời gian chúng tôi đến Lourdes (đầu tháng 7) cũng là khởi đầu của mùa hành hương mà cao điểm là ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời (15 tháng 8) nên các nhân viên bệnh viện đem xe đẩy, xe băng-ca ra đón các bệnh nhân đến điều trị, cầu nguyện và xin ơn.

 

Ăn uống

Trong xe lửa cao tốc, ngồi vé hạng chót mỗi hàng có 4 ghế, rộng đủ thoải mái, có bàn xếp để được cái máy computer xách tay. Có những toa bán thức ăn riêng trong đó có những loại ghế ngồi cao thấp khác nhau nên có thể nhìn cảnh bên ngoài xe theo sở thích. Một ly cà phê trên xe lửa 2.2 Euro, chai nước cam 2.8 Euro, lon bia nhỏ 3 Euro.

Chúng tôi đến Lourdes cũng đã 2 giờ chiều. Ngay trong ga S.N.C.F ở Lourdes có các tiệm ăn. Một đĩa beefsteak với khoai tây 7.50 Euro; đĩa thịt gà 6.50 Euro. Cùng món ăn, ở các tiệm gần nhà thờ Lộ Đức hay trong khu phố Lourdes đắt hơn khoảng từ một nửa đến 1 Euro. Trong phố cũng có tiệm Mc-Donald.

Ở sân ga có taxi, nhưng do đã biết địa chỉ và nghe nói khách sạn cũng như trung tâm hành hương gần đó, nên chúng tôi đến tiệm sách báo trong ga mua cuốn sách chỉ nam về Lourdes bằng tiếng Anh, có bản đồ và đường xá với tất cả các địa điểm hành hương. Vừa cầm bản đồ vừa dòm đường, chúng tôi chỉ mất khoảng 10 phút là tìm ra khách sạn.

Chủ nhân là hai ông bà già, nói chỉ một hai chữ tiếng Anh nhưng sau này, có đứa con trai biết nói tiếng Anh tới giúp hai ông bà, nên thoải mái hơn khi tiếp xúc. Như bất cứ nơi nào có trung tâm du lịch thì người địa phương cũng có thể nói  được  tiếng Anh để giao tiếp với người ngoại quốc, dù rằng không hẳn ai cũng nói được và nói thông thạo.

Nhận chìa khóa phòng và cất xách tay, chúng tôi lấy bản đồ và xem các địa điểm của trung tâm hành hương Lộ Đức. Ngoại trừ đi từ tây sang đông hay từ bắc xuống nam và muốn đi nhanh thì cần đi taxi, ngoài ra, đến tất cả mọi nơi đều có thể đi bộ. Do được ở Lourdes trọn hai ngày và hai đêm (không kể thời gian đi xe lửa), nên chúng tôi nghĩ có thể thu xếp để viếng những nơi mình đã nghe danh, hay thích thú bất ngờ.

Đã tới Lourdes thì trước tiên  phải đi xem hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra, tiếng Pháp gọi là La Grotte, tiếng Anh The Grotto. Chủ khách sạn cho biết từ mùa Phục Sinh cho đến tháng Mười, mỗi ngày có 2 cuộc rước kiệu, từ Hang Đá sau lưng nhà thờ vòng ra trước cổng sân nhà thờ và trở lại mặt tiền nhà thờ trên đoạn đường dài khoảng 2 cây số. Kiệu Thánh Thể (The Blessed Sarcament Procession) từ 4 giờ 30 chiều. Rước đèn cầy (The Torchlight Procession) bắt đầu từ 8 giờ 30 tối.

Một buổi kiệu ban ngày, xe người tàn tật xếp hàng đầu

Đường đến Hang Đá và lên Đồi Thánh Giá

Nhìn bản đồ thấy có vài chục con đường dài ngắn trong khu vực hành hương, thương mại và hành chánh của thành phố Lourdes, chúng tôi nghĩ có thể đi bộ thẳng tới nhà thờ Lộ Đức mà không lạc, dự trù mất chừng nửa tiếng đồng hồ, vừa đi vừa ngắm phố xá, hàng quán hai bên đường.Chợ (La Halle – The Market) nằm ngay giữa lòng thành phố, sát War Memorial. Từ War Memorial đi nhà thờ Lộ Đức theo hướng tây bằng hai con đường Rue de la Grotte hay Boulevard de la Grotte, đường nào cũng dẫn tới cổng nhà thờ trước khi qua những cây cầu khác nhau bắc qua con suối có tên Gave du Pau. Trước cổng, có một mô đất vòng tròn lớn ghi dòng chữ bằng tiếng La-tinh có nghĩa bằng an cho người dưới thế. Chung quanh mô đất tròn là đường đi trám xi măng hướng tới sân nhà thờ bằng hai con đường xi măng, ở giữa là dải đất trồng cỏ, kéo dài cho đến chân tượng Đức Bà Đội Triều Thiên (Our Lady Crowned), kế đến là cái sân nhà thờ hình chữ nhật thật rộng đủ sức chứa hàng chục ngàn người.Cuối sân là tập hợp ba ngôi thánh đường xây chồng lên nhau mà muốn lên các nhà thờ ở trên, phải đi những cầu thang vòng cung ở hai bên cánh nhà thờ, hoặc có thể đi bằng những cây cầu xây nổi (cầu vượt) cao dần dần, từ phía ngoài tượng Đức Mẹ Đội Triều Thiên bọc lên nhà thờ tầng 1. Như vậy sân nhà thờ với một loại “khán đài” hình chữ U bọc chung quanh, trở thành một loại sân vận động mà khi cử hành lễ dưới hoặc giữa sân, người đứng chung quanh trên cao vẫn có thể trông thấy và tham dự được. Tôi nghĩ nhà thờ Lộ Đức là một công trình kiến trúc to lớn và độc đáo cuối thế kỷ 19.

 

Nhà thờ Lộ Đức

Gọi chung là như thế, vì đây là 3 ngôi thánh đường xây chồng chất lên nhau như tòa nhà ba tầng, nhưng mỗi nhà thờ có một tên riêng.

The Rosary Balisica: Vương Cung Thánh Đường Mân Côi. Nằm sát đất, rộng 52 mét, dài 48  mét, chứa được 2,500 người. Trên nóc trần của bàn thờ chính có bức tranh khảm (mosaic) lớn hình nữ vương có hào quang. Bên dưới có những vòm cung với nhiều tranh khảm màu sắc rực rỡ. Quanh tường bên trong nhà thờ có 15 nhà nguyện (chapel) nhỏ mà trên trần của mỗi nhà nguyện đều có một bức tranh khảm nói về sự tích 15 mầu nhiệm của Chuỗi Mân Côi. Trước mặt hai bên nhà thờ tầng trệt này người ta thấy treo hình của hai Giáo hoàng Leo XIII và Plus XII.

  • The Crypt: Nhà thờ Mộ Thánh Bernadette, ở tầng 1. Ngôi thánh đường này được xây ngay trên vùng đá đen  của các hang đá cao 27 mét, nơi Đức Mẹ hiện ra. Vì xây lên trên hang đá, nên nhà thờ Mộ Thánh nằm thụt lùi so với nhà thờ Mân Côi nằm ở dưới. The Crypt tương đối nhỏ hơn nhà thờ tầng trệt, có ba gian, được chống đỡ bởi 28 cột trụ bằng cẩm thạch, xây xong năm 1866 trước khi chị Bernadette đi tu. Ngày nay, bên cạnh bàn thờ giữa, có hòm đựng di hài của chị Bernadette bên bàn thờ phụ. Chị Bernadette chết mà khoảng 40 năm sau xác còn khá nguyên vẹn. Bên ngoài nhà thờ, có chân dung Giáo hoàng Pius IX.
  • The Upper Basilica: Vương Cung Thánh Đường Thượng, còn gọi là The Immaculate Conception (Đức Mẹ Đồng Trinh, danh xưng khi Bernadette hỏi bà là ai để có thể về thưa lại với cha sở Peyramale). Nhà thờ tầng 2 này có sức chứa 1,000 người, có cái tháp nhọn kiểu Gothique cao 70 mét tính từ mặt đất. Trong nhà thờ có 21 bàn thờ nhỏ (altar), bên ngoài có chân dung Giáo hoàng Pius X.

Gần bên cánh phải nhà thờ Lộ Đức, bên kia suối là nhà thờ Thánh Bernadette (Saint Benadette Church) có sức chứa 5,000 người và một tập hợp những phòng ốc hội họp có sức chứa từ 50 đến 400 người, mới xây vào năm 1988.

Bên trái nhà thờ Lộ Đức, từ cổng sân vào nhà thờ, có một gò đất hình xoan bọc cỏ xanh, tưởng rằng đó là một sân chơi banh, nhưng kỳ thật bên dưới là một ngôi thánh đường to lớn nằm dưới lòng đất, xây xong năm 1958 dịp kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra. Với đường kính mỗi bề 201 mét và 81 mét, nhà thờ có sức chứa 27, 000 người. Bàn thờ nằm ở giữa, các chặng đường thánh giá nằm chung quanh với lối đi ngắm đàng thánh giá rộng đủ cho xe hơi chạy.

Đó là tất cả các ngôi thánh đường nằm trong khuôn viên chính của Lộ Đức, một vùng đất rộng khoảng 50,000 mét vuông.

Sau khi xem qua Vương Cung Thánh Đường Mân Côi và đứng trên nhà thờ Mộ Thánh nhìn xuống khu vực người ta đang mở và hứng nước từ các vòi rô-bi-nê mà tôi nghĩ là từ nước suối Lộ Đức, chúng tôi vòng qua bên trái vương cung thánh đường để xem các di tích của chị Bernadette, nhưng cửa đóng. Thấy cạnh có bảng hiệu và mũi tên chỉ con đường thánh giá (The Station of the Cross) nằm trên đồi, chúng tôi lại có chương trình khác ngay.

Mặt trời đã về chiều với những tia nắng chiếu qua rừng cây làm cho cảnh vật trên đồi trở nên thơ mộng. Tôi thích đời sống ở vùng đồi núi, nhiều cây, nên rừng Lộ Đức trong buổi hoàng hôn lôi cuốn tôi ngay. Ở một nơi đông người mà chẳng có thấy ai đi ngắm những chặng đàng thánh giá, tôi đề nghị cả nhà cùng đi, vì trời lúc này đang mát mẻ, là dịp thuận tiện nhất. Tôi nói với nhà tôi, ngày mai sẽ đi tìm xem hang đá Đức Mẹ hiện ra ở đâu.

Người nào nghĩ ra một chặng đường thánh giá trên đồi quả là một người có óc sáng tạo và nhất là có khả năng để thuyết phục hay thi hành công tác này. Trước hết là phải cắt đồi để làm đường vòng vo lên núi và xuống núi. Sau đó là phải tạc những bức tượng bằng đồng lớn hơn người thật (cao 2 mét), diễn tả những cảnh, cốt chuyện của mỗi đoạn trong chặng đường lên Đồi Gôn-go-tha (núi Can-vê?) trong cuộc tử nạn của Đức Giê-su. Năm 1885, một cây thánh giá được mang từ Jerusalem qua cắm ở đồi này. Chặng đường thánh giá được khánh thành năm 1912.

Đi ngắm những Chặng Đường Thánh Giá nơi đây, với tôi, còn là một lối leo đồi băng rừng (bush walking) nên tôi quên mất thời gian. Chỉ khi xuống khỏi đồi và trở ngược vào sân vương cung thánh đường, thì cuộc rước kiệu cũng đã bắt đầu.

Chúng tôi đứng trên vành đai lên nhà thờ tầng 1 nhìn xuống sân lớn để xem cảnh rước kiệu đèn cầy. Hàng trăm chiếc xe lăn từ phía sau nhà thờ tầng trệt được các cô y tá đưa ra đợi bên cánh trái nhà thờ. Các đoàn hành hương thuộc nhiều địa phận, quốc gia với cờ xí, biểu ngữ, bảng hiệu đã tụ tập sẵn ở nhà thờ Thánh Bernadette bên kia suối sắp hàng kéo qua cầu. Các phái đoàn từ ngoài phố vào cổng chính nhập đoàn. Giòng thác người di chuyển trong trật tự, như đã có sự tập dợt trước.

Hầu hết người hành hương đều có cầm nến. Đoàn kiệu bắt đầu với dàn kiệu có tượng Đức Mẹ, theo sau là các xe lăn của hàng trăm bệnh nhân và cuối cùng là những người hành hương. Họ rước kiệu ra ngoài cổng xong quay vào lại giữa sân nhà thờ tầng trệt. Trong lúc rước kiệu bằng đèn cầy, người ta đọc kinh bằng nhiều thứ tiếng khác nhau mà đa số là tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Những lời cầu nguyện đầu mỗi 10 kinh có lúc bằng tiếng Anh, Đức và nhiều thứ tiếng khác. Nhưng xem ra, trong những buổi đọc kinh và rước kiệu, ngôn ngữ không còn là hàng rào ngăn cản những người hành hương cùng hiệp ý cầu nguyện. Bài hát nổi tiếng Ave Maria rất dễ hát do Beethoven hay Mozart soạn cứ vang lên sau mỗi 10 kinh Kính Mừng. Tôi không rõ hôm đó người ta hát bằng tiếng La-tinh hay tiếng Tây Ban Nha, nhưng rõ là mình đang hòa vào giòng nhạc và hiểu ý nghĩa linh thiêng của bài hát “Kính Mừng Maria – Ave  Maria – Hail Mary”. Âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là vậy.

Tôi thấy trong hầu hết các cuộc rước kiệu, các bệnh nhân, những kẻ tật nguyền được ưu tiên. Hình như họ tới đây với hy vọng lớn nhất là được chữa lành bệnh về thể xác. Cũng nghe nói có những người tuy không được lành bệnh như mong muốn nhưng họ lại được sự an ủi về tinh thần, tâm linh. Có lẽ vì thế mà ở Loudres có nhiều bênh viện hiện đại và những trung tâm tiếp đón khách (Accueil) để đón các bệnh nhân tới đây hành hương và cầu xin ơn. Người ta phải có niềm tin lắm mới có thể lặn lội từ xa đến đây cầu nguyện. Tôi cũng có nghe trường hợp bệnh nhân ung thư ở Úc đã đi hành hương Lộ Đức như là một hy vọng cuối cùng: Có hơn không. Vì chỉ được thêm chứ không thua vào những ngày cuối đời?

Trong khi đang viết bài cho tuần này, tôi nhận được một tấm bưu thiệp của ông Đào Văn An đề ngày 20.8.03 cho biết đã gởi qua cho tôi một cuốn băng video thu từ đài truyền hình F-2 của Paris, nhân dịp cao điểm của mùa hành hương ở Lộ Đức. Cuốn băng tài liệu của đài F-2 dài tới 3 tiếng mà ông An tặng là để nhớ chuyến đi Lộ Đức vừa qua của gia đình chúng tôi (nhân đây, xin gởi lời cám ơn ông Đào Văn An).

Như bạn đọc còn nhớ, ông Đào Văn An là một cộng tác viên của Tivi Tuần San ở Pháp, và tuy không phải là người Công giáo, nhưng đã có những bài viết nói về những sự kiện lành bệnh lạ lùng của một bệnh nhân người Pháp tên là Jean Salaun do báo L’echo của Pháp đăng vào năm 1994. Sau đó, để có bài viết riêng cho Tivi Tuần San, ông Đào Văn An lại đích thân đến tận nhà ông Jean Salaun vào ngày 17.2.94 để phỏng vấn, chụp hình và được ông Salaun viết mấy lời xác nhận để đăng lên Tivi Tuần San, bằng những gì tờ báo L’echo của Pháp đăng về ông là đúng sự thật.

Như ông Đào Văn An cho biết thì tại Lộ Đức người ta ghi nhận có khoảng 6,000 trường hợp khai báo lành bệnh được gởi tới Hội Đồng Y Khoa Thánh Địa Lộ Đức nhưng chỉ có khoảng 2,000 trường hợp đã được thành lập thành hồ sơ để hội đồng nghiên cứu. Và cho tới nay, chỉ có 65 trường hợp được chánh thức công nhận là phép lạ.

Vài dòng về thánh Bernadette

Nói đến tên Lộ Đức, người Công giáo hầu như đều biết. Nói đến Fatima thì lại càng biết hơn, vì sự kiện Fatima chỉ mới xảy ra vào năm 1917 khi Đệ I Thế Chiến sắp chấm dứt, với câu chuyện của 3 trẻ người Bồ Đào Nha, những bí mật hay mệnh lệnh của Đức Mẹ chung quanh vấn đề chiến tranh, và nhất là nhân chứng – Xơ Lucia – vẫn còn sống.

Nhưng khi nhà tôi hỏi tôi về chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức ra làm sao, thì tôi gần như mù tịt, vì chỉ biết một chuyện là “nước suối Lộ Đức” mà bạn bè khi hành hương trở về Úc mang tặng như là một món quà quý. Nhưng, do đã tới Lộ Đức, vừa đọc lược sử vừa thăm viếng các di tích nên có thể tóm lược như sau:

Bernadette Soubirous sinh ngày 17.1.1844. Cha là ông Francois Soubirous, một thợ xay bột mì, rất nghèo, nghèo đến độ có lần trở thành tội nhân một vụ ăn cắp trong nhà máy nhưng về sau không có đủ bằng chứng nên được thả khỏi tù. Là con cả trong một gia đình có 4 người con, Bernadette phải vất vả phụ giúp cha mẹ và chẳng được đến trường nên thuộc diện mù chữ.

Năm 14 tuổi, trong khi đi mót củi về nấu bếp, băng qua suối vào rừng, Bernadette gặp một bà lạ hiện ra trong hốc đá trong núi. Bernadette về nhà kể cho cha mẹ, bạn bè, cha sở nhưng không ai tin. Đó là ngày 11.2.1858 lần hiện đầu tiên. Sau đó, bà lại lại tiếp tục hiện nhiều lần. Lần thứ 18 là lần chót, vào ngày 16.7.1858.

Ban đầu, cả cha sở Peyramle cũng cho rằng đấy chỉ là chuyện nhảm. Nhà chức trách trong vùng cũng dọa bỏ tù Bernadette nếu cô bé cứ tiếp tục nói chuyện hiện ra của bà lạ hay rủ dân chúng tới Hang Đá xem Đức Mẹ hiện ra.

Con suối lớn bên hông nhà thờ

Trong những lần hiện ra, có lúc có những đám đông 400, 800, 8,000 hay có lần cả 15,000 người trong vùng cùng tới xem, nhưng họ không thấy bà lạ, chỉ thấy Bernadette xuất thần nói chuyện một mình như đang có người ở trước mặt. Bác sĩ Dozous là một nhà khoa học, chỉ tin khi có bằng chứng, có đi theo chứng kiến. Trong khi Bernadette cầm nến đọc kinh, nến cạn, cháy đến tận tay, nhưng bác sĩ theo dõi mạch thấy nhịp đập vẫn bình thường. Sau cơn xuất thần (nghĩa là khi bà lạ đã biến), bác sĩ lấy một cây đèn cầy đang cháy dí vào tay thì cô bé kêu đau. Ông bác sĩ sau đó thừa nhận là có phép lạ.

Trong lần hiện thứ 9, bà lạ bảo Bernadette tới nước suối mà uống nhưng do không nhìn thấy suối nên cô bé ra uống nước sông, bà lạ nói làm thế là không đúng, bảo cô bé đào nước gần hang đá. Thấy toàn đất và bùn, nhưng cô bé nghe lời làm theo. Sau bốn lần đào, nước bắt đầu phun lên và tiếp tục chảy không ngừng cho đến ngày nay (2). Bà lạ cũng bảo cô ăn ít cỏ gần suối nước.

Trong lần hiện thứ 13 bà lạ nói hãy về nói với cha sở là linh mục Peyramale xây nên cái nhà thờ ngay nơi hang đá, hãy ăn năn thống hối. Cha sở hỏi tên bà lạ nhưng cô bé không biết. Cha bảo cô bé cha chỉ thực hiện yêu cầu của bà lạ nếu bà cho biết tên của bà và làm cho những bụi hồng ở hang đá (lúc đó đang mùa đông) trổ hoa. Trong lần hiện ra sau đó, bà lạ chỉ mỉm cười khi cô bé hỏi tên. Nhưng trong lần hiện thứ 15, khi hỏi tên, bà lạ nói: “Que soy era Immculada Concepciou” bằng thổ ngữ Bigourdan (những sắc dân Pháp sống ở dãy Pyrenees), nghĩa từng chữ là “Ta là Vô Nhiễm Thụ Thai” hay nói theo từ nhà đạo “Ta là Đức Mẹ Đồng Trinh”

Cô bé phải lặp lại nhiều lần để có thể nhớ lại dòng chữ này mà về kể lại cho cha sở. Nghe vậy, cha cảm động và bắt đầu tin. Cha nói: “Hoa hồng không nở nhưng nước suối đã phun lên”. Cha viết thư thông báo cho giám mục địa phận Tarbes. Theo cha, một cô gái không học hành không thể nào biết hay hiểu được những danh từ và ý niệm trừu tượng như Thụ Thai và Vô Nhiễm (Conception và Immaculate).

Năm 1866, lúc 22 tuổi, Bernadette vào tu dòng Sisters of Nevers và khấn năm 1867. Sau 12 năm sống trong dòng, Xơ Bernadette qua đời vì bệnh suyễn, lúc đó mới 35 tuổi.

Thăm di tích

Đã tới Lộ Đức thì không thể không đi xem di tích, những nơi chị Bernadette đã sống  lúc còn sinh thời. Vì tự tìm và có ít thì giờ, chúng tôi chỉ đi một vài nơi nằm ngay giữa trung tâm thương mại Lourdes, tức cách khách sạn chúng tôi chừng một cây số.

The Boly Milk: Đây là căn nhà mà ông bà Soubirous sống khi sinh hạ Bernadette. Sở dĩ có tên Boly vì người chủ căn nhà là một bác sĩ người Anh, tên là David Boly, có vợ người Pháp. Ông đặt tên ông cho căn nhà xay bột này.

The Cachot: Tiếng Pháp, le cachot có nghĩa là nhà tù vì trước đó là nơi giam giữ tội nhân. Căn phòng chỉ rộng mỗi bề 4 mét mà lại là nơi cư ngụ của một gia đình hai vợ chồng và 4 con. Chính tại căn nhà nghèo nàn và quá chật chội này mà khi đi mót củi, Bernadette đã gặp Đức Mẹ hiện ra. Vào thăm, tôi thấy còn cái ghế tròn ba chân và nhất là cỗ tràng hạt thật lớn treo tường trên cái lò sưởi quá giản dị và tồi tàn của căn nhà.

The Maison Paternelle: Căn nhà của cha mẹ. Năm 1862, các giáo chức trong địa phận Tarbes bắt đầu xây nhà thờ Lộ Đức theo yêu cầu  của Đức Mẹ truyền qua cô bé Bernadette. Năm 1863, thấy gia đình Soubirous quá nghèo, cha sở Peyramale mới thuê lại căn nhà hai tầng khá khang trang của ông thị trưởng Lourdes là ông Lecade cho gia đình của Bernadette ở. Đến năm 1867, khi Bernadette đã vào dòng tu, giám mục Tarbes cho gia đình ông Soubirous làm sở hữu chủ. Từ đây căn nhà hai tầng này thuộc quyền của cha mẹ Bernadette nên du khách tới xem sẽ thấy bảng hiệu bên ngoài với dòng chữ thật lớn Maison Paternelle de Ste. Bernadette.

Du khách được đi xem từ tầng trệt lên tầng một. Từ các giường chiếu của cha mẹ Bernadette, đồ dùng trong nhà, những đồ vật của chị Bernadette trước khi vào dòng tu, đồ dùng trong bếp, tất cả còn được giữ và bảo trì nguyên vẹn. Có thể nói căn nhà của cha mẹ Bernadette sau khi Đức Mẹ hiện ra là một căn nhà của những người trung lưu trở lên (cựu tư gia của ông thị trưởng mà). Trên lầu có bán nhiều đồ lưu niệm. Tất cả các di tích này đều mở cửa theo giờ, đóng cửa nghỉ trưa khoảng 2 tiếng (rất Pháp, bạn còn nhớ ở Việt Nam nhân công và học sinh về nhà ngủ trưa 2 tiếng rồi mới tới trường, sở lại không?).

Bà Soubirous trước sau đẻ tất cả 9 người con, nhưng chết 4 người, còn lại 5 người theo thứ tự: Bernadette, Antoinette, Jean-Marie, Justin và cậu út Pierre được sinh ra sau khi qua ở nhà mới do cha sứ thuê. Bà chết năm 1866, hưởng dương có 41 tuổi. Ông Soubirous chết năm 1871, thọ 64 tuổi.

Trên tường, tôi thấy có bảng ghi gia phả (family tree) của giòng họ Soubirous. Hình như giòng họ này hiện nay còn một số con cháu đang sống sau một thế kỷ rưỡi của biến cố năm 1858.

Tối hôm sau, tình cờ qua khuôn viên Lộ Đức, gia đình chúng tôi lại chứng kiến thêm một cuộc rước kiệu. Với không khí linh thiêng đó, chúng tôi bị cuốn hút vào cuộc rước đèn với rừng người từ khắp mọi nẻo đường trên trái đất. Có những người phải đi hàng ngàn cây số hay hơn vạn dặm, để chỉ tới dự cuộc rước kiệu. Chúng tôi đi ngang, làm sao không dừng lại để ngắm, để tâm hồn được thư thái, chìm lắng giữa rừng núi với hàng ngàn ánh nến lung linh?

Tuần tới: Núi Pyrenees, nơi nghỉ mát và trượt tuyết nổi tiếng của Pháp

(1): Lourdes: Thành phố nhỏ chỉ có 18,000 dân thuộc địa phận Tarbes, sát dãy núi Pyrenees ngăn chia nước Pháp với Tây Ban Nha. Tuy là một thành phố của Pháp, nhưng Lourdes mang đậm nét và sắc thái của văn hóa Tây Ban Nha. Không lạ gì trong các buổi lễ, ngoài đường phố, người ta dùng tiếng Tây Ban Nha khá nhiều. Giáo dân và các linh mục tu sĩ với nét mặt người Tây Ban Nha chiếm tỉ lệ lớn trong số người hành hương. Sau Paris, Lourdes là thành phố có nhiều khách sạn nhất nước Pháp, với số lượng du khách hàng năm khoảng 5.5 triệu người đến từ trên 150 quốc gia.

(2) Suối nước Lộ Đức: trong lần hiện ngày 25.2.1858, người đàn bà lạ nói: Con hãy tới uống nước ở suối kia và rửa ráy ở đó”. Cái suối mà Bernadette đào lên theo lời Đức Mẹ truyền ngày nay có lưu lượng nước chảy 122,400 lít mỗi ngày (tức nước phun ra 85 lít mỗi phút). Người ta bắc vòi rô-bi-nê ra bên tường cánh phải của nhà thờ trệt để cho khách hành hương dùng. Bên trong nền của nhà thờ trệt nằm ở phía bắc nhà thờ và gần Hang Đá, người ta xây một hồ chứa lớn với dung tích 450,000 lít để đáp ứng nhu cầu dùng nước trong những ngày bận rộn nhất là vào ngày lễ Đức Bà Thăng Thiên 15 tháng 8 khi số lượng khách hành hương lên tới 50,000 người. Khách hành hương vặn vòi, đổ nước vào các tượng hay các thùng nhựa 5 hoặc 10 lít mang về nhà. Có người uống nước tại chỗ cho đỡ khát (nước suối trong và ngọt), với ước nguyện gì đó hoặc lấy nước xoa lên cổ như một hình thức chữa bệnh. Cạnh Hang Đá và đi sâu vào phía sau, có một dãy phòng tắm với bồn tắm bằng đá, xây từ năm 1955 để tắm cho các bệnh nhân. Mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân được các người thiện nguyện có kinh nghiệm dẫn vào tắm, trước cửa phòng có dòng chữ ghi lời Đức Mẹ: “Hãy đến uống nước suối và rửa mình ở đó”. Để rửa sạch tội, làm sạch thân thể hay để được ơn lành bệnh: tùy ý người xin.

TVTS số 910 – 3.9.2003