Vòng quanh thế giới (10): Công viên tượng khỏa thân Thành phố Oslo

15 Tháng Mười Một, 2017 | Na Uy
Bức tượng duy nhất trong công viên Vigeland Park có áo quần là của chính tác giả, điêu khắc gia Gustav Vigeland. (Hình: TVTS)

Tên của công viên này là Vigeland Park, lấy tên của người thiết kế công viên và tạc các bức tượng trong công viên này, đó là điêu khắc gia Gustav Vigeland.

Tôi chỉ nghe tên công viên này chừng mươi ngày trước khi đi du lịch Bắc Âu, được đồng hương Phạm Sĩ Việt ở Thành phố Oslo hứa là khi qua bên đó, sẽ dẫn tôi đi xem một số thắng cảnh  đáng xem trong đó có công viên mà anh gọi là “Công viên xếch-xi”.

Nghe vậy, tôi lên mạng thử xem nó “xếch-xi” như thế nào và đã liếc qua chừng mười bức tượng của một công viên nghe nói có tới hàng trăm bức tượng đủ kiểu, tất cả đều là tượng khỏa thân. Tôi tự hẹn khi qua tận đó sẽ xem cho “đã mắt”.

Và quả thật rất đã mắt khi cầm máy ảnh quay và chụp hầu như gần hết các tượng trong công viên này. Có bức tượng chỉ quét ống kính qua loa, có bức dăm mười giây, có bức quay vài phút với lời bình nói lên cảm xúc của mình trước bức tượng đó.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đăng vài tấm hình của những bức tượng khỏa thân.  Nhưng vì chúng tôi đã ở trong công viên khoảng hai tiếng đồng hồ, nên đã quay hình được nhiều bức tượng để làm một cuốn video cho khán thính giả tvtsonline.com.au xem.  Độc giả báo giấy muốn xem nhiều ảnh (photo) hoặc muốn thấy hình sống động (film) của tượng và công viên độc đáo này,   hãy lên mạng của TVTS để xem.

Thiết nghĩ có lẽ chưa có một tài liệu nào về Vigeland Park với nhiều hình ảnh đẹp và dài như chúng tôi đã làm, giải thích bằng tiếng Việt với hình và phim gốc, không vay mượn từ bất cứ nơi đâu. Hiện tại tvtsonline đang chiếu video “Vòng Quanh Thế Giới 7: viện bảo tàng tàu Viking” ở Đan Mạch”, video về “Công viên xếch-xi” sẽ lên sau, trong phần du lịch Na Uy.

Toàn cảnh công viên tượng khỏa thân với trục dài 850 mét nhìn từ khu tượng đá hoa cương ra phía cổng (khu tượng đồng) hướng về thành phố Oslo. Cổng sắt màu đen trước sân cũng uốn nắn  hình người. (Hình: TVTS)

Từ khỏa thân dung tục…

Khi đến Oslo, anh Phạm Sĩ Việt nói Vigeland Park còn được gọi là Công viên Nhân sinh mà theo tôi nghĩ, đấy là cái vòng nhân sinh, vòng sinh tử của con người.

Thật ra công viên này có tên chính thức (và hợp pháp) tại Na Uy là “Vigeland Installation” nằm trong công viên Frogner Park, nhưng người ta cứ gọi Công viên Vigeland cho tiện. Còn tôi thì gọi  là Công viên Tượng Khỏa thân cho có ấn tượng mạnh, gọn và dễ nhớ.

Công viên tượng khỏa thân nằm trong công viên Frogner, phía tây bắc thành phố Oslo và cách  ga xe lửa trung ương khoảng sáu cây số, nhưng đi từ  Trung tâm Nobel Hòa bình  đến công viên, xe chúng tôi mất khoảng 20 phút lái, do kẹt xe.

Được anh Phạm Sĩ Việt đưa đón trong bốn ngày ở Oslo, nên chúng tôi không phải tìm hiểu đường sá của thành phố bằng loại xe bus nhảy lên nhảy xuống như ở các thành phố khác.

Công viên Vigeland Park được xem là một công viên có tượng điêu khắc lớn nhất thế giới do một nghệ nhân thực hiện.

Gustav Vigeland (1869-1943) sinh ra trong một gia đình nghệ nhân làm nghề thủ công. Thời trai trẻ Vigeland chu du nhiều nơi, học hỏi và làm việc tại  Copenhagen, Paris, Berlin, Florence. Trở về quê hương, ông chọn một khu đất hoang để làm studio và tạc tượng. Năm 1921 Thành phố Oslo quyết định dẹp cái studio của ông để xây thư viện. Cuộc tranh cãi chấm dứt khi thành phố cho phép ông được dùng khu đất để làm việc, xây xưởng tạc tượng và dựng một  cái công viên tượng điêu khắc với điều kiện ông phải hiến cho thành phố tất cả mọi tác phẩm của ông, từ tượng cho đến tranh vẽ, phù điêu, những khuôn đúc v.v…

Angry boy: Bức ảnh nổi tiếng nhất trong công viên đã một lần bị đánh cắp với bàn tay của cậu bé bị mòn và phai màu do được du khách an ủi sờ vào. (Hình: TVTS)

Dĩ nhiên là ông cũng được thành phố cung cấp phương tiện tài chánh để sống và nhờ vậy ngày nay Thành phố Oslo và nước Na Uy mới có một danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới, hàng năm thu hút trên một triệu lượt người đến xem… miễn phí.

Khi vừa tới công viên này tôi đoán chiều dài của công trình trải rộng khoảng một cây số với vài trăm bức tượng.

Theo một số tài liệu,  trong công viên có 214 bức tượng làm bằng đồng, đá hoa cương và  sắt nung (gang) đặt trên trục đường thẳng dài 850 mét. Nhưng trong những bức tượng này có những nhóm tượng có tới cả chục hình người (như tượng bằng sắt ở khu bồn phun nước)  hay trên một trăm hình người như  tháp một cột monolith ở khu đá hoa cương.

… đến triết lý cao siêu

Trước khi qua Oslo, tôi hỏi nhạc sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Phú ở Melbourne về công viên khỏa thân ở Oslo. Lê Phú cho biết anh chưa đi xem, nhưng nghe nói trong công viên này mọi bức tượng đều khỏa thân, trừ tượng của một người, đó là điêu khắc gia nặn những bức tượng đó. Lê Phú nói hãy quay phim và chụp nhiều hình cho anh và người khác xem. Tôi đã làm việc này, nhưng có một điều mà bạn đọc và tôi đều có thể thắc mắc tại sao mọi bức tượng đều không có áo quần trừ tượng của ông Vigeland.

Anh Phạm Sĩ Việt mua tại chỗ cuốn sách Vigeland  khổ lớn giấy láng bìa cứng tặng tôi và nói cũng có thể vào thư viện hay lên mạng để tìm hiểu tên và ý nghĩa của mấy trăm bức tượng nhưng tôi không tìm ra và được biết rằng tác giả đã không đặt tên cho các bức tượng ông nặn. Người ta cũng không biết ông có cho biết lý do tại sao ông tạc toàn tượng khỏa thân không, nhưng có người đồ đoán rằng tượng mặc quần áo vì ông là con người, người của một thời đại (qua y phục) và sẽ biến mất,  nhưng tượng khỏa thân tượng trưng cho sự bất diệt, của con người nói chung.

Đôi nam nữ trong chiếc vòng: Cơn lốc tình yêu hay vòng tử sinh? (Hình: TVTS)

“Rước đèn” và  “rửa mắt”

Công viên Vigeland rất rộng, những 80 mẫu đất, bao gồm khu vực tượng, những thảm cỏ và khu picnic được mở cho công chúng sử dụng ngày đêm. Trong thời gian đi xem tượng, chúng tôi thấy những cặp tình nhân nằm phơi nắng trên cỏ cạnh con sông hay lạch, những gia đình vui chơi như trong những công viên khác và những  nhóm thanh niên vài chục hay vài trăm người có thể là học sinh sinh viên học tập ngoài trời.

Du khách có thể đi từ bãi đậu xe vào công viên và đến khu vực hoa hồng giữa các khu tượng đồng và tượng sắt. Cũng có thể vào cổng chính thức nằm ngoài đường cái để chiêm ngưỡng bức tượng đầu tiên, đó là tượng nhà điêu khắc Gustav Vigeland.

Từ đây du khách sẽ đi vào khu vực tượng bằng đồng được dựng hai bên cây cầu. Có 58 bức tượng đàn ông, đàn bà, thiếu nhi, trẻ con ở những tư thế khác nhau đặt trên tường lan can hay thành cầu. Tôi đã dành gần một tiếng để quay phim ở khu vực này. Trong mọi loại tượng, có lẽ tôi thích tượng bằng đồng nhất vì màu sắc và khuôn mặt hình dáng được mô tả rõ nét.

Một vài bức tượng ưng ý đối với tôi là cảnh người cha đùa với đứa con gái nhỏ, thiếu nữ xỏa tóc tung tăng (trên bãi biển), đôi tình nhân nằm lộn ngược trong chiếc vòng.

Nhưng có lẽ bức tượng được chú ý nhất trong công viên và được người ta nói nhiều nhất là tượng cậu bé tức giận (angry boy) như người ta đặt tên cho nó. Nhà điêu khắc đã diễn tả được sự bực bội của cậu bé la hét, từ ánh mắt, cái miệng cho đến cánh tay. Vì thế cậu bé được du khách an ủi, sờ nhiều đến độ cả bàn tay của cậu bị phai màu. Nghe nói bức tượng nổi tiếng nhất công viên này đã một lần bị đánh cắp và tìm lại được.

Nhóm 20 bụi cây và hình người dưới thân cây ở khu tượng thép (gang) ở khu bồn phun nước với các phù điêu trên mặt tường, nói lên kiếp sống của con người, từ khi chào đời đến lúc trở về với bụi cây, một sự tuần hoàn với thiên  nhiên không ngừng biến hóa. (Hình: TVTS)

Qua khỏi  khu vực tượng đồng, du khách sẽ gặp khu vườn hồng. Dĩ nhiên hoa hồng nhiều màu sắc chăm bón cẩn thật rất đẹp nhưng chúng ta nên đến xem khu tượng bằng sắt nung (gang). Nhóm tượng này được nhà điêu khắc kiêm nhà họa kiểu vườn tược Vigeland đặt trên vùng  không gian cao hơn với năm bậc cấp.  Giữa sân lát những loại đá khác nhau là một cái hồ với bồn nước lớn ở giữa  có cái vại lớn được đỡ bằng hình người.  Chung quanh bức thành thấp hình vuông  là khoảng 20  bức tượng hình những cụm cây, tàn cây và cạnh thân cây là hình người từ trẻ con, người lớn đến người già, nói lên đời sống của con người từ khi sinh ra, trưởng thành và sắp chết, bên  cạnh đó có hình một bộ xương nói lên sự sinh tử của con người, sự hòa nhập giữa người và thiên nhiên, và sự  trở về với cây cỏ. Quanh bức thành là những phù điêu, những hình bằng gang chạm nổi.

Anh Phạm Sĩ Việt gọi công viên này bằng cái tên “vườn nhân sinh” thì quả là rất đúng vì khu vực tượng sắt/ gang này nói về kiếp nhân sinh, cái vòng tử sinh của con người.

Hai bên các nhóm tượng có hai cái  hồ nhỏ và dài, có những trẻ con lội nước vui đùa, và cạnh hồ là hình cung hoàng đạo với những du khách lớn tuổi chiêm ngắm hoa văn trên gạch bông.

Tiến lên đồi cao hơn được phân chia các bằng bức tường thấp với  cánh cửa thép mà những song sắt tạo thành hình thù của những người đàn ông đàn bà trông rất lạ mắt. Chúng ta đã đặt  chân lên khu vực tượng đá hoa cương trắng. Nơi đây có 36 nhóm tượng vợ chồng, tình nhân, mẹ con, bạn bè đủ lứa tuổi vây quanh một cột trụ bằng đá hoa cương mà tiếng Anh gọi là monolith, có nghĩa là một tảng đá hình tháp. Tảng đá một phiến cao khoảng 18 mét được điêu khắc gia Vigeland và ba người thợ đục đá làm việc trong khoảng mười năm liên tục để khắc 121 hình người già trẻ lớn bé nam nữ chồng chất lên nhau, từ đáy cột đến chóp.

Đặc điểm  của cột này ở chỗ  nó là một tảng đá nguyên (chứ không ráp nối) lại khắc hình người quấn vào nhau giống như một đám côn trùng. Cái độc đáo của nghệ thuật là người sáng tác để cho người thưởng ngoạn xem và hiểu theo ý họ. Ở trường hợp này, ta có thể nghĩ rằng cuộc sống là một sự cộng sinh, một sự nâng đỡ mà cũng có thể là một sự bon chen, đội đạp nhau.

Mênh mông: Khu tượng đá hoa cương với cây độc thạch  (monolith) nhìn từ cuối đồi công viên nơi có tượng đồng Wheel of Life (vòng nhân sinh). (Hình: TVTS)

Ở khu vực đá hoa cương quanh tháp, tác giả tạc những  bức tượng từ hai người trở lên cho thấy sự sum họp (mẹ và các con hay cha và các con), sự tương quan hài hòa (những nhóm thanh niên nam nữ), sự cô đơn (hai cụ già), sự thân mật giới tính (những tình nhân) nhưng người xem chẳng thấy một sự  dung tục nào trong những bức tượng khỏa thân này. Bởi vậy tôi mới thấy một nhóm nhà sư mặc áo cà sa màu nâu đi xem cảnh ở đây.

Và cuối cùng, đi lên những bậc cấp màu trắng trên con đường dài với đồi cỏ  dốc xanh một màu  ở hai bên, du khách sẽ chạm mặt với bức tượng bằng đồng cuối cùng  gồm bảy hình người đàn ông, đàn bà và trẻ con tạo thành một vòng tròn. Người ta gọi đây là The Wheel  of Life hay The Circle of Life. Tức Vòng Nhân Sinh.

Một đời người từ khi sinh ra cho đến khi trở về với cây cỏ là thế. Đứng ở trên dốc cao này, du khách có thể thấy toàn bộ trục tượng khỏa thân trải dài đến tận cổng vào,  và xa xa là thành phố Oslo với một tháp nhà thờ  vút trên bầu trời và những ngôi nhà trắng nằm bên kia đồi cây xanh.

Gustav Vigeland với viễn kiến và óc sáng tạo miệt mài vài chục năm trời (1907-1943) đã để lại cho đời một tác phẩm độc đáo.

Anh Phạm Sĩ Việt (giữa) dẫn chúng tôi đi thăm trang trại và bảo tàng viện Bogstad Gard, di sản của ba chị em ruột nhà Egeberg tặng cho Thành phố Oslo. (Hình: TVTS)

* * *

Chúng tôi đã thưởng thức tượng và cảnh đẹp của Công viên Vigeland lâu hơn dự tính nhưng đã không có thì giờ đi tới viện bảo tàng  The Vigeland Museum cách đó khoảng năm phút đi bộ được Thành phố Oslo xây cho ông Vigeland vào thập niên 1920 để ông ở và làm việc. Bảo tàng viện này chứa khoảng 1600 bức tượng, 12000 bức tranh vẽ và 420 vật dụng đẽo bằng gỗ.

Anh Phạm Sĩ Việt tiếp tục đưa chúng tôi đi xem một thắng cảnh khác là công viên Bogstad Gard và viện bảo tàng Bogstad Gard, di sản của ba chị em ruột nhà Egeberg gồm  Karen, Lucy và Mimi. Họ không có con cái nên để lại cả tài sản trang trại của họ cho thành phố. Trang trại trở thành viện bảo tàng này nhìn xuống cái hồ lớn  bao bọc chung quanh bởi đồi núi, nơi đây anh Phạm Sĩ Việt đã hẹn vài người bạn thân đến gặp vợ chồng chúng tôi. Họ là những người đã hoạt động lâu năm trong Hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy và nay chỉ đóng vai trò cố vấn. Khung cảnh ở đây trông giống Hồ Xuân Hương của Đà Lạt trước năm 1975.

Tất cả chúng tôi được mời về nhà anh anh Phạm Sĩ Việt bên kia đồi để ăn tối với những món ăn Việt Nam gồm Phở mà chị Mai Hương vợ của anh Việt đã làm để đón bạn bè và khách phương xa.

Đã 9 giờ tối mà trời vẫn còn sáng. Từ hành lang của chủ nhà nhìn xuống dưới chân đồi  là những căn nhà tiền chế dành cho du khách và những chiếc xe caravan của những người từ Âu Châu lái lên đây nghỉ ngơi trong mùa hè mát mẻ và khá lạnh của một nước Bắc Âu.

Cảnh vật yên tĩnh làm tâm hồn trở nên bình an. Hèn chi nơi đây cấp phát Giải Nobel Hòa bình mỗi năm. Và người được chọn để thiết kế  chiếc huy chương Giải Nobel Hòa bình chính là điêu khắc gia Gustav Vigeland, người dựng nên công viên tượng khỏa thân mà chúng tôi vừa đi xem.

 

Nguyễn Hồng-Anh

28.10.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1649 phát hành ngày 01.11.2017)