33 thi hài của binh lính Úc chết trong chiến tranh ở Việt Nam được trở về

01 Tháng 6, 2016 | Tin nước Úc

 

Neville Horne đã hi sinh trong cuộc chiến ở Việt Nam
khi mới 19 tuổi. Photo Courtesy: The Australian

 

Cuối cùng 33 quân nhân Úc thiệt mạng khi tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã được đem trở về nước.

Vào hôm 1.6 tờ The Australian đã đăng một bài viết cảm động về câu chuyện của một quân nhân Úc đã hy sinh tại Việt Nam khi tuổi còn đôi mươi.

Đó là tâm sự của một người em gái nói về sự hy sinh của anh mình và gia đình cô vào thời bấy giờ không đủ tiền để có thể đem thi thể của người thân trở về quê nhà.

Theo lời kể của Jan Sullivan, lúc đó cô nhớ đã nhìn thấy mẹ mình khóc rất nhiều cho khoảng một thời gian dài, bà như gục ngã khi hay tin con trai mình, 19 tuổi, đã chết ở Việt Nam, nhưng do hoàn cảnh túng quẫn mà gia đình không thể đem thi hài anh trở về nước.

Jan Sullivan lúc đó chỉ mới 16 tuổi khi anh trai mình là Neville Horne xa gia đình để đi tham gia chiến tranh. Trong ký ức của cô, anh trai mình là một người vui vẻ, hơi ngông cuồng nhưng lại rất hài hước.

Neville Horne đã bị bắn chết bởi một tay bắn tỉa vào năm 1966, sau 228 ngày cùng với đơn vị của mình chiến đấu ở Việt Nam.

 

Quân nhân Úc đem một quan tài của binh lính Úc từ căn cứ không
quân Hoàng gia Mã Lai ở Subang vào hôm 31.5. Photo Courtesy: AFP

 

Theo luật lúc bấy giờ, nếu muốn đem thi thể người thân bị thiệt mạng trong chiến tranh về nước mỗi gia đình phải trả $500. Tuy nhiên, vào thời đó số tiền này có giá trị nửa năm thu nhập của họ vì thế gia đình cô đã không có khả năng chi trả cho phí tổn đem người thân của mình trở về.

Neville là một trong số những binh lính Úc thiệt mạng được chôn trong Nghĩa trang Terendak ở Mã Lai hoặc Nghĩa trang Kranji tại Tân Gia Ba.

Sau khi chiến dịch do các thành viên gia của các gia đình quân nhân Úc và các cựu chiến binh phát động, cuối cùng chính phủ Úc đã đem 33 thi thể của binh lính còn tha phương trở về.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn ba binh lính Úc khác vẫn còn được chôn cất tại nghĩa trang ở Mã Lai, vì gia đình họ không muốn xâm phạm đến nơi yên nghỉ của họ.

Tờ The Australian cũng dẫn lại lời phát biểu của ông Bob Shewring, giám đốc chương trình “Bring Them Home” đã nói rằng: “Phải mất 25 năm để quê hương mới có thể gởi lời cảm ơn tới những người từng phục vụ tại Việt Nam trong một sự chào đón trở về”.

Sources: The Australian