Kể chuyện đường xa 1: Đại hội Thụ nhân Thế giới 2018 tại San Jose

Cựu sinh viên khóa 6 Chính trị Kinh doanh. Hình: TVTS

Viện Đại học Đà Lạt không phải là đại học lâu đời nhất ở Việt Nam nhưng  là một trong những đại học có truyền thống duy trì tình huynh đệ và yêu kính trọng thầy cô, một đại học với tôn chỉ “trồng người” đã đào tạo nhiều người có sự đóng góp đáng kể cho xã hội kể từ ngày thành lập với niên khóa đầu tiên vào năm 1958.

Cây thông và hai chữ Thụ Nhân là huy hiệu của viện đại học thơ mộng ở cao nguyên Lâm Viên đã không còn nữa kể từ năm 1975 tuy nhiên vẫn hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, nơi nào có người cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt mỗi khi họ họp mặt.

Tại một số thành phố, các hội Thụ Nhân địa phương tùy hoàn cảnh có thể tổ chức họp mặt mỗi năm hai lần, ăn uống hay đi du ngoạn như hội Thụ Nhân Tiểu bang Victoria (Úc) có ba ngày du ngoạn ở vùng biển Seaspray cách thành phố Melbourne trên hai trăm cây số.

Ngoài ra, cứ mỗi hai năm các cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt khắp thế giới tổ chức một cuộc họp mặt quy tụ các anh chị em khắp thế giới đến một thành phố nào đó gọi là Đại hội Thụ nhân Thế giới (ĐHTNTG). Đại hội của cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt đã trở thành truyền thống, địa điểm tổ chức tùy sự lựa chọn giữa các hội viên.

Úc Châu tuy xa đối với các lục địa khác cũng đã nhận tổ chức ĐHTNTG vào năm 2010 tại thành phố Melbourne. Giáo sư cựu khoa trưởng Trường Chính trị Kinh doanh khi đó dù đã trên 80 tuổi cũng đã cùng với cô Trần Long từ  Hoa Kỳ đến dự. Số người tham dự khoảng 180 người.

Các ĐHTNTG sau đó được tổ chức ở Paris (2012), Montreal (2014), Westminster Hoa Kỳ (2016 với gần 600 người tham dự) và ĐHTNTG năm 2018 tổ chức tại San Jose Hoa Kỳ có khoảng 350 người từ nhiều lục địa đến, gồm các Thụ Nhân đến từ Việt Nam.

Cựu sinh viên CTKD khóa 6 và vợ chồng chị Quản Mỹ Lan (Sư phạm) và Thụ Nhân B nghệ sĩ tây ban cầm youtube Phạm Ngọc Lân. Hình: TVTS

Gặp lại nhau 45 năm sau trước Nhà hàng Cơm Tấm Thanh, Newark. Hình: TVTS

Thu Hiền (giữa), thủ khoa khóa 6 CTKD và là giọng ca số 1 của Viện Đại học Đà Lạt từ 1969-1973. Hình: TVTS

Gọi Thụ Nhân là tất cả các cựu sinh viên của các phân khoa của viện gồm Sư phạm, Văn khoa, Khoa học và Chính trị Kinh doanh trong đó sinh viên Chính trị Kinh doanh (CTKD) chiếm đa số. Phân khoa CTKD được mở ra vào năm 1964 dạy các môn chính trị, báo chí, bang giao quốc tế, quản trị kinh doanh (gồm tiếp thị, tài chánh, kế toán) đã thu hút nhiều người trẻ khắp nước từ Quảng Trị đến Cà Mâu theo học. Thành phố Đà Lạt được người Pháp gọi là Un petit Paris (Tiểu Ba-lê) đã đào tạo một thế hệ thanh niên mà ngay nay người trẻ nhất bây giờ cũng đã trên 60. Người lớn tuổi nhất trong đêm Gala của ĐHTNTG 2018 tại San Jose cũng đã 90 tuổi (như một người trong ban tổ chức cho biết).

Chương trình ĐHTNTG thường kéo dài khoảng một đến hai tuần lễ, như ĐHTNTG 2018 với tiền đại hội du lịch Alaska bằng du thuyền từ 3.9 đến 13.9.2018 (đi và về từ San Francisco).

Hồng-Anh ký tặng sách nhạc và CD cho các bạn khóa 6 CTKD. Hình: TVTS

Các cựu nữ sinh viên CTKD khóa 6 và các “Thụ Nhân B” đến dự Nhạc Thính Phòng tại Marriott Hotel, Fremont vào trưa Thứ Bảy 15.9.2018. Hình: TVTS

Chiều tối thứ Sáu 14-9-2018: họp nhóm, họp khóa ở các thành phố gần San Jose.

Thứ Bảy 15.9.2018: nhạc thính phòng buổi trưa và đêm gala tại khách sạn Marriott Hotel ở thành phố Fremont, bắc California gần thành phố San Jose.

Chủ Nhật 16.9.2018: picnic từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều ở Lake Elizabeth, thành phố Fremont.

Hậu đại hội gồm bốn ngày Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm sau đó bao gồm những chuyến du ngoạn thăm viếng Reno và Công viên Quốc gia Yosemite, vùng sản xuất rượu vang Napa Valley và thành phố San Jose.

Ngoài chương trình tiền đại hội và hậu đại hội là sự lựa chọn tùy ý, các Thụ Nhân có một buổi họp khóa hay nhóm vào tối Thứ Sáu và hai ngày họp mặt chính thức trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật với các chương trình văn nghệ, dạ vũ và du ngoạn ngoài trời, là những sinh hoạt truyền thống đã có từ những ngày ở Đà Lạt.

Đêm hội ngộ CTKD-6  diễn ra tại Nhà hàng Cơm Tấm Thanh ở vùng Newark với khoảng 70 Thụ Nhân và người phối ngẫu của họ (tức Thụ Nhân B).

Một số vợ chồng các cựu sinh viên CTKD khóa 6 tại Marriott Hotel. Hình: TVTS

Ca sĩ Đoàn Chính điều khiển ban hợp ca với bài Tiếng Hát Sông Thao. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh chuyện trò với ca sĩ Đoàn Chính, “Thụ Nhân B” khóa 5 về âm nhạc tại Đêm Gala ở Mariott Hotel. Hình: TVTS

Trong số 12 khóa của Trường CTKD, khóa 6 có lẽ là khóa ra trường đông nhất (trên 230 người tốt nghiệp cử nhân trong số khoảng 1000 người theo học năm thứ nhất—lớp nhập môn) và là khóa có nhiều Thụ Nhân tham dự đông và “ồn ào” nhất trong các đại hội với những trận cười không ngơi khi họ gặp mặt nhau đến độ hôm tham dự pinic ngoài trời, một CTKD-5 đã nói đùa nếu kiếp sau học đại học trở lại thì anh sẽ xin được học với khóa 6.

Trong đêm hội ngộ, trước khi vào tiệc của khóa 6, anh Trần Văn Bá đã xướng tên từng người trong số 35 người bạn cùng khóa đã qua đời và dành một phút để tưởng niệm họ.

Khóa 6 có nhiều giọng ca rất hay từng trình diễn trong các nhạc hội hay văn nghệ của trường và viện thời còn sinh viên và trong đêm hội ngộ này, ngoài giọng ca của Thu Hiền (đẹp, hát hay và học giỏi- tốt nghiệp thủ khoa), Trần Tấn Thành v.v… còn có một giọng ca mà các bạn cùng khóa chưa bao giờ nghe hay không biết từ thời còn sinh viên.

Nguyễn Hồng Anh từ Melbourne đã làm bạn bè ngạc nhiên với hai ca khúc sáng tác từ năm 1977, “Thiền sư xuống núi” và “Trăm năm một đời” viết năm 2016. Ngoài ra, cũng có sự góp mặt của ca sĩ Duy Hùng (con Phạm Duy) với những bài hát ngoại quốc.

Chương Trình Nhạc Thính Phòng vào buổi trưa do các anh chị em Thụ Nhân tự biên tự diễn nhưng rất đặc sắc với những màn đơn ca, song ca, tam ca, hợp ca với sự góp mặt của “Thụ Nhân B” Đoàn Chính. Ca sĩ Đoàn Chính (con nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) được gọi là “Thụ Nhân B” bởi ông là chồng của một thụ nhân Chính trị Kinh doanh khóa 5.

Ca sĩ Đoàn Chính làm người điều khiển ban hợp ca Thụ Nhân trình diễn ca khúc “Tiếng Hát Sông Thao” của Đỗ Nhuận. Ca nhạc sĩ Ngọc Trọng trình diễn những bài hát quen thuộc thập niên 1960 và 1970 của các nhạc sĩ nổi danh.

Nguyễn Hoành và các thành viên trong ban tổ chức Đại Hội Thụ Nhân Thế Giới 2018. Hình: TVTS

Một bàn tiệc của khóa 6 CTKD trong Đêm Gala. Hình: TVTS

Thầy và cô Trần Long nhảy với học trò trong Đêm Gala ĐHTN Thế Giới 2018 tại San Jose. Hình: TVTS

Đến tối, mở đầu đêm gala là chào cờ và hát quốc ca Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, tưởng niệm các vị thành lập Viện Đại học Đà Lạt, các thầy cô và những cựu sinh viên đã ra đi.

Hiện diện trong đêm Gala có vợ chồng Giáo sư Trần Long luôn luôn gắn bó với các Thụ Nhân và được các Thụ Nhân bày tỏ sự kính trọng  và thương yêu rất đặc biệt.

Trong đêm Gala này, ban tổ chức loan báo ĐHTNTG 2020 sẽ được tổ chức ở thành phố Houston (trước đó có dự tính tổ chức tại TP Adelaide, Úc).

Giáo sư Trần Long, cựu khoa trưởng CTKD được ban tổ chức mời lên sân khấu nói vài lời trước buổi tiệc. Kết thúc dạ vũ, ban tổ chức mời thầy cô ra sàn nhảy tập thể với các Thụ Nhân điệu nhạc twist “Sáu mươi năm cuộc đời”. Thật vui và cảm động khi thầy cô tóc bạc phơ cùng nhảy với đám học trò tóc cũng đã muối tiêu hay bạc (đến từ Úc có Đặng Thị Kim Ngọc khóa 1, Nguyễn Thành Chấn khóa 2 và một số CTKD các khóa khác). Đây là hình ảnh hiếm thấy nhưng rất bình thường trong đời sống của gia đình Thụ Nhân

Đến trưa Chủ Nhật 16.9.2018 có một buổi picnic ngoài trời tại Elizabeth Lake cũng trong thành phố Fremont. Pinic là một sinh hoạt rất quen thuộc của các sinh viên Viện Đại học Đà Lạt của những thập niên 1960 và 1970. Cảnh trong khuôn viên của viện đã đẹp, thắng cảnh bên ngoài còn đẹp hơn, nhất là đối với những đôi tình nhân sinh viên.

Trong buổi du ngoạn ngoài trời này, ban tổ chức đã phục vụ các Thụ Nhân với những món ăn gồm thịt cừu nướng, ngon không thua gì thịt cừu Úc với nước giải khát và bia lạnh ê hề.

Thầy Trần Long (giữa) nhờ Nguyễn Hồng-Anh gởi lời thăm hỏi các Thụ Nhân Melbourne và cám ơn họ đã tiếp đón thầy tại ĐHTNTG Melbourne 2010. Hình: TVTS

Một lần nữa, vợ chồng Giáo sư Trần Long cũng đến dự pinic. Nói chuyện với Nguyễn Hồng Anh, thầy nhờ chuyển lời hỏi thăm các Thụ Nhân Melbourne và cám ơn họ đã đón tiếp thầy cô trong đại hội cách đây tám năm.

Một cuộc họp mặt rất vui thắm tình đồng môn Thụ Nhân dưới bầu trời trong sáng và nắng ấm 22 độ C của đầu thu. Mọi người chia tay ra về, hẹn gặp lại tại Houston vào năm 2020.

Ban tổ chức Đại hội Thụ nhân Thế giới 2018 gồm:
Trưởng Ban: Nguyễn Hoành, Cao học
Phó Trưởng Ban: Tô Minh Toàn, K6
Thủ Quỹ: Huỳnh Cảnh Sanh, k7
Đặc trách Thông tin, Quảng Bá: Nguyễn Hiệp, K2
Đặc trách du ngoạn Alaska: Tô Minh Toàn, K6
Đặc trách du ngoạn California: Trần Dũng, K6
Đặc trách nhạc thính phòng: Vũ Mạnh Hải, K8
Đặc trách nhạc đêm Gala: Vũ Mạnh Hải, K8

TiVi Tuần-san tường thuật