(NGUYỄN HỒNG-ANH) – Có lẽ trong bốn thập niên làm báo, viết lách tôi đã chưa bao giờ viết về kỷ niệm lễ Giáng Sinh bởi vì năm nào mà mình chẳng đến nhà thờ dự thánh lễ ngày Chúa giáng trần trong bảy thập niên có mặt trên cõi đời này.
Cách đây hơn một tuần tôi tổ chức một buổi trình diễn nhạc tại tư gia với những ca khúc tôi viết về kiếp nhân sinh có một vài thân hữu ngồi nghe tôi hát “đời ca” và được một thân hữu bình luận, giải thích ý nghĩa các bài hát về cuộc đời trong đó có một bài hát với các phiên khúc mở đầu “Cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người đã cho tôi một thời để nhớ… để sống” khiến tôi nhớ lại cả một thời đã sống khi lễ Giáng sinh gần kề.
Cũng như nhiều người khác, tôi thích mùa Giáng Sinh. Nhưng không phải vì được nghỉ lễ, mua sắm, được tham dự tiệc tùng, sum họp gia đình, được nghe và chúc nhau những lời đẹp đẽ.
Hay có thể được hưởng sự bình an tạm thời khi có chiến tranh và hai bên thật sự tuân thủ thỏa thuận hưu chiến.
Và niềm hạnh phúc còn được nhân gấp bội khi nghe những ca khúc về Giáng Sinh bằng tiếng Việt hay ngoại quốc, không riêng gì đối với những người theo đạo Thiên Chúa.
Người ta nói rằng, khi về già dù trí nhớ yếu đi, con người thường có khuynh hướng nhớ về quá khứ và nhớ rất rõ. Nếu có gì để nhớ và nhớ nhiều nhất, với tôi, là những thánh lễ Giáng Sinh nửa đêm trời lạnh hay rét buốt ở một làng quê có thể nói một trăm phần trăm là người Công giáo đạo dòng. Đó là làng Tân Mỹ, khi mới hình thành có tên làng Cồn Cỏ, nằm gần cuối sông Hương, gần cửa biển Thuận An, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12 cây số. Cảnh sông nước đẹp đến độ ông cố vấn Ngô Đình Cẩn đã xây một nhà nghỉ mát ở cuối làng, trên đường ra bãi biển Thuận An.
Làng này hình thành do giáo dân bốn họ Trần, Đoàn, Nguyễn và Hồ di cư đến sống vào khoảng cuối thể kỷ 19 để lánh nạn Văn Thân chủ trương “bình tây sát tả” dưới sự hướng dẫn của linh mục người Pháp Jean Bonnand, cố Bổn). Ông nội tôi, Nguyễn Hộ, được làng gọi là ông Bộ Hộ, giữ sổ sách của làng, cho tôi biết khi tôi còn nhỏ rằng người họ Nguyễn đầu tiên đến sống ở làng Tân Mỹ là ông Nguyễn Văn Mẫn. Ông nội rành chữ Nho giải thích: tân là mới, mỹ là đẹp để thay thế cho cái tên làng Cồn Cỏ, cái cồn có nhiều cỏ nghe không êm tai.
Thời gian đầu các linh mục tuyên úy hay chánh xứ là các cha người Pháp, thường được gọi là cố, cố đạo tức linh mục người Pháp hay cha người Tây phương. Xin được mở ngoặc cách gọi “cha cố” lúc này. Sau năm 1975, người ta hay gọi các linh mục lớn tuổi đã về hưu hay linh mục đã qua đời là “cha cố”. Gọi cha cố kiểu này có lẽ đã gọi sai. Gọi sai lâu ngày thành thói quen và trở nên đúng! Như Linh mục X đã qua đời, phải gọi là cố Linh mục X chứ không thể gọi cha cố X).
Sau một số cố đạo người Pháp, làng đã bắt đầu có những linh mục người Việt làm chánh xứ. Rồi có những người làng đi tu làm linh mục đầu tiên như cha Nguyễn Văn Cẩm, cha Trần Phan. Nhưng linh mục tôi biết khi còn ở làng này là cha Trần Văn Sanh, hay cha Nguyễn Văn Hội (chú họ của tôi) và sau này nghe nói có một số linh mục thuộc lứa tuổi nhỏ hơn tôi hay cháu họ mà tôi không biết mặt.
Làng cũng có những đứa con nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc trưởng Trần Văn Lý của Đài Pháp Á, nhạc sĩ Thu Hồ là những bác họ của tôi nhưng họ đã rời làng rất sớm, cũng như tôi đã rời làng vào những năm cuối của bậc tiểu học.
Ký ức đẹp của tôi mà tôi còn nhớ là những đêm lễ Giáng Sinh, được mặc áo sơ mi trắng mới may hay được mang giày ba-ta trắng để dự lễ hay tham gia hoạt cảnh Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh thời đó phải là 12 giờ khuya. Trong thánh lễ khi hát Vinh Danh thì chuông của các chú giúp lễ rung lên và chuông lớn trên cao của tháp chuông nguyên là lô cốt của lính tây gác, được kéo và giựt theo nhịp điệu đặc biệt để mừng Chúa ra đời đúng giữa đêm, điều mà có lẽ chúng ta không thể tìm thấy ở phần lớn các xứ đạo ngày nay. Tại Úc, Chúa ra đời giữa mùa hè nóng nực khoảng 8 hay 9 giờ khi trời còn sáng.
Những ai sống ở Huế và tỉnh Thừa Thiên thời đó -thập niên 1950- đều đã có trải nghiệm trời mùa đông rất lạnh. Gặp lúc có mưa thì tay chân tê cóng. Nhưng chính cái lạnh đó tạo cho ta cái cảm giác chúng ta đang sống vào thời Chúa ra đời như bài thánh ca Hang Bê-Lem nổi tiếng “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa” của tác giả Hải Linh viết năm 1945.
Ở làng quê, hang đá trang hoàng công phu và có ý nghĩa, thường là nơi tạo ấn tượng và là trung tâm của thánh lễ. Khoảng lớp 5, tức lớp một ngày nay, tôi được các Chị Phú Xuân (soeur/ xơ dòng Phú Xuân) dạy trường Tiểu học Mai khôi Tân Mỹ chọn đóng vai thiên thần. Hang đá cao đụng trần nhà thờ chiếm gần một cánh trái cung thánh. Các học sinh lớp lớn được làm thiên thần đứng trên cao ở các góc hang đá. Thời tôi, vài anh chị lớp nhất (lớp 5 ngày nay) tuổi 15 hay 16, tức tuổi sắp lấy chồng nên to lớn lắm. Tôi còn nhỏ nên các Chị dòng Phú Xuân cho đứng trên bục bằng sứ dùng để chưng tượng. Đến khi đoàn mục đồng sắp hàng đến kính viếng hài nhi Giê-su và gia đình thánh gia, nhạc trỗi lên với thánh ca, tôi đưa hai cánh tay đập như thiên thần đang bay và té xuống đất, may không hề chi vì bục nằm sát sàn nhà thờ, nhưng cũng khá quê với đám bạn cùng tuổi.
Đó là lần duy nhất trong lễ Giáng Sinh tôi tham gia một hoạt cảnh.
Tôi thích lễ Giáng Sinh không phải vì được áo mới, được đóng hoạt cảnh mà là dịp để nghe ca đoàn nhà thờ hát. Ba tôi là một trong những người chơi đàn Harmonium (phong cầm – tuy giống piano nhưng hai chân phải đạp hai bàn đạp thì mới tạo gió để phát ra âm thanh khi bấm nút đàn), mẹ tôi cũng là ca viên nhưng khi tôi bắt đầu hiểu biết thì không còn thấy cha mẹ mình trong hội hát (tức ca đoàn). Những người chơi đàn là những bậc chú và các ca viên là những anh chị họ hay người trong làng.
Bây giờ nhớ lại, không hiểu làm sao mà những người trong làng quê thời đó lại biết nhạc và hát được. Mà lại hát rất hay.
Một bản nhạc Giáng Sinh tôi nghe trong thời tiểu học và rất thích là bài Hội Nhạc Thiên Quốc. Tôi chưa bao giờ được hát bài này như là một ca viên nhưng đến nay vẫn còn nhớ lời dù rất ít khi được nghe lại trong các thánh lễ Giáng Sinh sau này.
Lời cũng như giai điệu nghe như là tiếng hát trên không trung. Tôi nghe người ta nói khi rít một hơi cần sa, lim dim nghe một bản nhạc giao hưởng của Mozart hay Beethoven thì như đang đi vào thiên đàng. Bài Hội Nhạc Thiên Quốc với tôi cũng vậy. Lời hay mà nhạc thì quá tuyệt vời.
“Hội nhạc thiên quốc đắm say nghiêm quỳ.
Dứt cung đàn hát lặng nghe cõi thế trần.
Giọng Mẹ êm ái du dương trong ngần,
Ru bên nôi thánh Hài nhi.
Thiên cung thần phẩm vui mừng đắm say.
Dứt cung nhạc thấy im lặng chín tầng.
Khi nghe kề bên nôi hèn Chúa đây,
tiếng Đức Mẹ cất lên nhẹ hát mừng.
Vừa nghe kề sát nôi hèn,
tiếng Mẹ nhẹ hát êm đềm.
Vừa nghe kề sát nôi hèn,
êm ái giọng Mẹ ru hát.
Gần đây, khi nói chuyện về nhạc Giáng Sinh với nhà tôi, được hỏi ai là tác giả bài này, có phải là thánh ca ngoại quốc chuyển lời Việt không, bởi giai điệu đó không thể là giai điệu quen thuộc của nhạc Việt, thánh ca Việt, tôi lên mạng để tìm hiểu ai là tác giả bài hát này, thì mới biết đó là ca khúc do linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Huế, người gốc Huế, tên là Hoàng Diệp đặt lời Việt.
Trong một video, cha Diệp kể rằng: Vào năm 1946, Đệ Tử Viện Huế tổ chức một cuộc thi Kính Chúa Hài Đồng, nhiều đệ tử cố gắng chuyển dịch bài Les cieux ravis ne chantaient phus của cha thánh An-Phong-Sô, một bài mà cha Hoàng Diệp cho rằng, theo ý cha, là bài Giáng Sinh hay nhất của cha thánh An-Phong-Sô (Alphonse de Liguori 1696-1787). “Nhiều anh em cố gắng dịch để hát trong Giáng Sinh năm đó, ban giám khảo gồm nhiều cha và thầy giáo sư trong Đệ Tử Viện cuối cùng đã chấm… xấu hổ quá- họ chọn bài tôi mất”.
Tôi không ngờ đó là vị linh mục người Huế có lẽ tôi gặp tận mặt lần đầu và cũng là lần cuối cùng vào ngày 29/3/1975 tại Đà Nẵng khi cộng sản Bắc Việt chiếm Đà Nẵng. Vì tôi không thể đem cả gia đình tôi gồm trên 10 người vào Sài Gòn, phải đành cùng gia đình ra Huế thay vì vào Sài Gòn nơi tôi đang học và làm việc.
Mẹ tôi rất mộ đạo và quen nhiều cha thầy. Giữa dòng người hớt hải khi biết rõ Đà Nẵng đã vào tay bộ đội Bắc Việt, Cha Diệp nói với một nụ cười an nhiên trong khi mẹ tôi quá lo lắng, chưa biết số phận gia đình rồi sẽ ra sao: “Bà Sáu ạ, rồi đây thì mọi người sẽ nghèo như nhau”. Xem video, nghe cha kể chuyện viết lời bản nhạc “Les cieux ravis” thì thấy cha vẫn giữ nụ cười đó 50 năm về trước (cha qua đời năm 2008, thọ 84 tuổi).
Tôi tìm bản nhạc gốc bằng tiếng Pháp để xem lời nguyên bản như thế nào, nhưng chỉ nghe được bài này qua youtube với một bản đơn ca và một bản song ca. Tiếc là vì nghe hát không thể bắt kịp và hiểu hết lời, nhưng tôi cảm thấy có vẻ cha Hoàng Diệp dịch theo lối chuyển ngữ nên không những giữ được ý mà còn làm cho nó có thể hay hơn không chừng, giống như nhạc sĩ Phạm Duy khi đặt lời Việt cho các ca khúc ngoại quốc.
Rồi tôi cũng đi tìm để nghe bản thánh ca này qua các ca đoàn hay các ca sĩ đơn ca, song ca trên mạng nhưng tôi chỉ thích nghe bài này được hát hợp ca mà thôi, và tôi nghĩ bản nhạc viết theo nhịp 6/8 này cần hát nhanh một chút mới tạo sự hân hoan, du dương, lâng lâng như ta đang ở trên thiên cung với tiếng kèn của thiên thần và “tiếng hát của Đức Mẹ”.
Tôi vẫn thích nghe nhạc sống ca khúc Hội Nhạc Thiên Quốc hơn là nghe trong băng nhạc, video. Và tôi đã được hưởng lại “một thời để nhớ” (lời ca khúc Mùa Thu Cuộc Đời), khi ca trưởng của Ca Đoàn Ki-Tô Vua mời con gái tôi khi đó còn là học sinh tham gia ca đoàn mừng lễ Giáng Sinh tại giáo xứ Saint John ở East Melbourne của cha chánh xứ Bùi Đức Tiến với ca khúc Hội Nhạc Thiên Quốc. Tôi ủng hộ và khuyến khích con gái chơi sáo đồng (flute) với ban nhạc của nhà thờ và đã thưởng thức một bản nhạc tuyệt vời với tiếng sáo của con gái. Đó là lần duy nhất đến nay con gái của tôi chơi nhạc trước công chúng.
Thánh ca Việt Nam là cả một tài sản đồ sộ của nhiều nhạc sĩ và linh mục sáng tác trong vòng một thế kỷ qua. Nhạc Giáng Sinh dù viết bằng tiếng Việt hay chuyển ngữ đều hay. Nhưng với tôi, Hội Nhạc Thiên Quốc vẫn là bản nhạc hay nhất khi hát hợp ca và nó là cả một trời kỷ niệm đối với tôi.
Nhạc thánh ca đã ảnh hưởng tôi từ tuổi thơ và vì vậy nó có thể cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho tôi khi viết nhạc. Có người nhận xét nhạc của tôi có ảnh hưởng của thánh ca. Có lẽ cũng đúng phần nào.
Những ca khúc như Sainte nuit (đêm thánh vô cùng), Les Anges dans nos campagnes (Tiếng hát thiên thần) hay Il est né le Divin Enfant là những ca khúc bằng tiếng Pháp tôi nghe từ thời còn bé và thích ngâm nga trong mùa Giáng Sinh. Là chuỗi ký ức dễ thương, khó quên. Nhất là lúc tôi ôm đứa con trai đầu lòng chào đời tại Bệnh viện Victoria ở Londsdale Street, Melbourne vào sáng 25/12 khi trời còn tối, hát khẽ vào tai con bài Silent Night mà tôi thích nhất trong các bài nhạc Giáng Sinh hát bằng tiếng Anh hay Pháp.
Cám ơn những người sáng tác và trình diễn.
Nguyễn Hồng-Anh,
TP Melbourne, vọng Giáng Sinh 2024.
(Trích www.etvts.com.au phát hành Thứ Tư 25/12/2024)