Nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy vừa gửi ra một bức thư phản đối bản án 11 năm tù mà ông đang thực hiện tại một trại giam ở Bình Dương sau khi yêu cầu giám đốc thẩm xem xét kháng nghị không thành.
Ông Thụy, cùng với nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn, bị đưa ra xét xử và kết án hồi đầu năm ngoái ngay trước thềm Đại hội 13 của Đảng Cộng sản. Cả ba người đều là thành viên của Hội nhà báo Độc lập và bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 5/1/2021.
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, cho biết chồng bà nói rằng bản án mà ông đang phải thi hành là “oan sai” và đã gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm tới Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TPHCM nhưng chưa được trả lời.
Trong bức thư gửi cho bà Lân mà VOA được xem, ông Thụy cho rằng “vụ án là minh chứng cho việc vi phạm nhân quyền, đàn áp báo chí và dựng án.”
Ông Thụy, từng là blogger và cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết tội là đã cùng các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập “viết bài, trả lời phỏng vấn, đăng tải công khai hàng ngàn bài viết lên trang web, blog ‘Việt Nam Thời Báo’” của hội. Trang blog này, theo Công An Thành phố Hồ Chí Minh, là nhằm “tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”
Ông Thụy cho biết trong bức thư rằng ông đã gửi một lá đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 14/9/2021, trong đó nói rằng ông bị áp đặt hành vi mà ông không làm và bị kết tội với những bằng chứng giả mạo.
Kết luận điều tra cho biết công an thu giữ bộ tài liệu 13 trang liên quan đến vụ án khi khám xét nhà ông Thụy nhưng ông cho biết trong bức thư rằng công an đã không thu giữ được “bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án.”
VOA không thể liên lạc được với VKSND TPHCM để xin bình luận về đơn “kêu oan” của ông Thụy.
Viện Kiểm sát, khi xét xử ông Thụy và các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập, xác định rằng “hành vi chống phá Nhà nước” của các bị cáo là “đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.”
Ông Thụy, cùng ông Dũng – người bị kết án 15 năm tù, đã không kháng cáo bản án. Nhưng theo bà Lân cho biết, chồng bà bị bắt viết đơn kháng án theo mẫu “xin giảm án” cho nên ông Thụy đã “xé đơn và bỏ về buồng (giam).”
Các tổ chức quốc tế và chính phủ phương tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng phản đối bản án nhiều năm tù dành cho các thành viên Hội Nhà báo Độc lập. Chủ tịch của RFA, Stephen Yates, lên án bản ánh dành cho ông Thụy là “sự tấn công tàn bạo” nhắm vào tự do báo chí.
Chính quyền Việt Nam luôn nói rằng họ chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật. Nhưng trong suốt phiên tòa xét xử trong 1 ngày hồi đầu năm ngoái, ông Thụy luôn nói rằng ông không có tội.
Bà Lân cho VOA biết bà lo ngại cho sức khỏe của chồng mình trong khi không thể thường xuyên đến thăm chồng khi bị giam giữ ở rất xa nơi gia đình ở.
“Có lẽ anh Thụy là người bị giam giữ xa nhất trong các tù nhân Việt Nam – nhà tôi ở Hà Nội mà (họ) lại giam anh ấy ở Bình Dương,” bà Lân nói và cho biết mỗi lần đi thăm chồng, bà phải đáp máy bay vào TPHCM rồi đi ô tô đến Bình Dương trước khi bắt xe ôm đến trại giam. “Nó ở vùng hoang vu. Nói chung là khắc nghiệt lắm.”
Ông Thụy, hiện 72 tuổi, cho rằng ông “khó có thể ở tù đủ án” trong môi trường tù đày.
Tuy nhiên ông Thụy cho biết trong bức thư gửi cho bà rằng ông “nhất định không nhận tội để giảm án.”
Ông Thụy viết trong bức thư: “Người ta chỉ sống một lần. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn làm như thế thôi.”
Nguồn: VOA