Djokovic: Có nên ưu tiên cho người nổi tiếng? (Cập nhật: Djokovic bị hủy visa lần thứ 2, chiều 14/1)

14 Tháng Một, 2022 | Tin tức,Tin nước Úc,Tin thể thao
Novak Djokovic tại Melbourne Park, 16.2.2021. Photo courtesy: Reuters

Trên đời này ba thứ có thể mang lại cho người ta sự ưu tiên, kính trọng ở bất cứ xã hội nào dù không phải là tuyệt đối, đó là quyền, tiền và tiếng. Novak Djokovic 34 tuổi, tay quần vợt số 1 thế giới người Serbia nằm trong hạng thứ ba của bảng xếp hạng Quyền lực, Tiền tài và Danh vọng. Ông không bao giờ được ưa thích ở sân quần vợt  Melbourne Park, nhưng việc bị hủy visa, bị giam giữ ở trung tâm di dân bất hợp pháp có thể được dư luận Úc có cảm tình. Một số người ái mộ Djokovic trong đó có tổng thống Serbia, cha ruột nói Djokovic bị đối xử bất công, bị kỳ thị chủng tộc.

Thay vì rời Úc như vài đồng nghiệp quần vợt khác, Djokovic đã nhờ luật sư kháng cáo và được một quan tòa cho phép khiếu nại trong phiên tòa sáng Thứ Hai đầu tuần này. Chính phủ liên bang xin dời lại phiên xử thêm hai ngày nhưng đã bị tòa bác bỏ.  Hôm nay 10 tháng 1, khi báo TiVi Tuần-san lên khuôn, phiên tòa kháng cáo của Djokovic bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Kết quả ra sao, chưa biết nhưng ở một xứ dân chủ, chúng ta phải tôn trọng phán quyết của tòa dù chúng ta đồng ý hay không đồng ý. Nhưng cớ sao phải ra nông nỗi này, lỗi do ai, đó là những câu hỏi, chỉ trích và bình luận của nhiều người, từ Tổng thống Aleksandar Vucic của nước Serbia đến người thường dân trên thế giới.

Dojokovic hiện là tay quần vợt số 1 thế giới, nếu trong Giải Australian Open lần này đoạt cúp vô địch, ông sẽ có 21 lần vô địch (grand slamp champion), qua mặt Roger Federer và Rafael Nadal. Chúng ta hãy xem lại diễn tiến sự kiện để xem lỗi tại ai. Như người ta được biết, Djokovic là người chống tiêm vaccine Covid-19 và không chủng ngừa. Đó là quyền của ông. Tuy nhiên, về vấn đề này mỗi nước có một chính sách và quy định riêng. Phần lớn các quốc gia trên thế giới buộc khách vào nước họ phải tiêm vaccine và Úc là một trong những quốc gia nghiêm ngặt nhất. Có một số người Úc bị hay chấp nhận mất việc hơn là chích ngừa. Đó cũng là quyền của họ. Một số người không được tham dự hay vào một số nơi nếu không chích ngừa. Thế giới cũng như Việt Nam có cách ngôn “When in Rome, do as Romans do” và “nhập gia tùy tục” do đó khi muốn vào Úc, khách phải tuân thủ luật lệ Úc như Thủ tướng Scott Morrison nói, không phân biệt người đó là ai.

Cả tháng trước khi đến Úc, trả lời báo chí, Djokovic không cho biết ông đã chích ngừa chưa, chỉ nói rằng ông sẽ đến dự. Djokovic để cho mọi người mặc sức đoán mò. Cận ngày lên đường, Djokovic nói ông có giấy chứng nhận được đặc miễn chích ngừa của những cơ quan thẩm quyền. Ngày 4 tháng 1 trước khi lên đường, Djokovic tự tin tweet dòng chữ với hình chụp ở sân bay: “Chúc mừng Năm Mới! Chúc tất cả các bạn sức khỏe, yêu thương, vui vẻ mọi lúc và các bạn có thể cảm thấy được yêu thương và kính trọng như đối với tất cả con người trên hành tinh này. Tôi đã có một thời gian tuyệt vời bên cạnh người thân trong kỳ nghỉ và hôm nay tôi lên đường tới Miệt Dưới với giấy phép đặc miễn. Chúng ta hãy chào đón năm 2022”.

Nhưng khi đến phi trường Tullamarine, trình giấy tờ và bị cơ quan Bảo vệ Biên giới Úc thẩm vấn, visa của Djokovic bị hủy bỏ vì bất hợp lệ và vài tiếng sau bị giam giữ tại phi trường trước khi được đưa đến một khách sạn ở vùng Carlton, nơi giam giữ những người đến Úc bất hợp pháp. Yêu cầu được có đầu bếp nấu ăn riêng và được tập dợt quần vợt của Djokovic bị từ chối. Chừng đó sự việc cho thấy Djokovic có vẻ coi thường luật pháp của Úc và nghĩ rằng mình phải được đối đãi đặc biệt, dù đang ở trong trại giam.

Đến bây giờ, người ta được biết Djokovic tin tưởng vào sự hướng dẫn của Chính phủ Tiểu bang Victoria và cơ quan Quần vợt Úc Tennis Australia. Dĩ nhiên hai cơ quan này cần sự hiện diện của Djokovic vì lợi nhuận do giải Australia Open mang lại. Nhưng chính phủ liên bang mới là cơ quan quyết định ai được phép vào Úc. Tại Tòa án Liên bang ở Melbourne, Luật sư Christopher Tran đại diện cho Tổng trưởng Nội An để chống lại kháng án của luật sư phía Djokovic, gia hạn lệnh trục xuất từ 4pm đến 4.30pm nhưng tòa cho gia hạn đến 8pm để còn nghe tranh luận thêm.

Dân Úc tốt bụng, xuề xòa nhưng đây là bài học cho người tổ chức và người nhập cảnh. Mọi người đều được đối xử công bằng trước luật pháp. Đổ thừa cũng vô ích.

Xã luận, báo giấy TVTS số 1868 phát hành 12.1.2022