Nga không ngần ngại tra tấn các nghi phạm trong vụ khủng bố nhà hát

29 Tháng Ba, 2024 | Tin thế giới
Các nghi phạm vụ xả súng tại địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc Crocus City Hall, từ trái sang: Saidakrami Murodali Rachabalizoda, Shamsidin Fariduni, Dalerdzhon Mirzoyev và Muhammadsobir Fayzov. Photo courtesy: Yulia Morozova/Reuters

Những hình ảnh và video gây sốc cho thấy các nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố ở Matxcơva bị bạo hành đã lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ở Nga từ mấy ngày qua. Đây là cách mà chính quyền Nga muốn tự thể hiện như một quốc gia “mạnh mẽ” với việc phớt lờ những chỉ trích lên án việc sử dụng hình thức tra tấn.

Muhammadsobir Fayzov ngồi xe lăn và mắt nhắm đến phòng xử án ở Matxcơva hôm Chủ nhật ngày 24/03/2024. Saidakrami Rachabalizoda xuất hiện với một miếng băng lớn che tai. Người thứ ba, Dalerjon Mirzoyev, xuất hiện trước các thẩm phán với một chiếc túi nhựa cuốn quanh cổ cùng với những vết cắt trên mặt.

Ba người này cùng với nghi phạm thứ tư đều có khuôn mặt sưng tấy như nhau, đều bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công khủng bố ngày 22/03, khiến nước Nga rơi vào tình trạng tang tóc. Ít nhất 139 người thiệt mạng trong vụ tấn công nhắm vào phòng hòa nhạc Crocus City Hall ở Matxcơva. Đây là cuộc tấn công đẫm máu, chết chóc nhất trên lãnh thổ châu Âu, mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, đã gây chấn động trên cả nước và cộng đồng quốc tế. Tòa án cho biết hai trong số bốn nghi phạm đã nhận tội sau phiên điều trần được tổ chức kín. Sau đó, tất cả họ đều bị tạm giam ít nhất 2 tháng, tương ứng với thời hạn pháp lý.

Nhà nước không phản đối bạo lực

Việc phát tán rộng rãi khuôn mặt sưng tấy của các nghi phạm trên truyền hình đã khởi động cho những tranh cãi xung quanh việc sử dụng các hình thức tra tấn, bởi các video rõ nét đã lan truyền trên những kênh Telegram được cho là thân cận với các cơ quan tình báo Nga. Một trong những video nói trên dường như cho thấy một trong những nghi phạm bị cắt một phần tai, sau đó bị nhét vào miệng miếng tai này. Một bức ảnh khác cho thấy bị cáo thứ hai bị nối dây điện vào bộ phận sinh dục.

Tatiana Moskalkova, quan chức phụ trách vấn đề nhân quyền của tổng thống Nga, một người vốn “rất thân Putin”, tuyên bố: “Việc sử dụng các hình thức tra tấn đối với các nghi phạm là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.” Phát biểu của bà Moskalkova lặp lại lời tố cáo của một số tổ chức phi chính phủ cho rằng nhà chức trách đã dùng vũ lực để ép cung. Khi được kênh CNN của Mỹ hỏi, điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc liên quan đến tra tấn. Dmitri Medvedev, cựu thủ tướng Nga, người đã trở thành một trong những nhà tuyên truyền khốc liệt nhất của điện Kremlin, hoan hỉ về “số phận” của các nghi phạm này, thậm chí còn cam đoan rằng “tất cả bọn họ sẽ bị trừ khử”.

Việc các phương tiện truyền thông đưa tin rầm rộ về những nghi phạm khủng bố bị bạo hành cũng là điều đáng chú ý. Stephen Hall, chuyên gia về Nga tại đại học Bath, Anh Quốc, khẳng định: “Việc phát tán hình ảnh về những hành động giống như tra tấn tù nhân này là điều chưa từng xảy ra ở Nga.”

Mặc dù các cơ quan an ninh Nga vốn nổi tiếng trong việc sử dụng bạo lực khi tiến hành thẩm vấn, nhưng “cho đến nay, chính quyền đã tìm cách che giấu khía cạnh này nhiều nhất có thể”, theo Jeff Hawn, chuyên gia về Nga tại Trường Kinh tế Luân Đôn, Anh Quốc. Jeff Hawn nhắc lại rằng vào năm 2021, các video quay cảnh hành động tra tấn tù nhân do tổ chức phi chính phủ nhân quyền Gulagu.ru công bố, đã chỉ nhận được “sự im lặng đáng hổ thẹn của chính quyền Nga”.

Về cái chết của nhà đối lập nổi tiếng Alexeï Navalny, được công bố ngày 16/02/2024, nhà chức trách cũng đã chần chừ trong việc bàn giao thi thể cho gia đình ông. Một trong những lý do được những người ủng hộ ông đưa ra vào thời điểm đó để giải thích cho sự chậm chạp này là mong muốn che giấu càng lâu càng tốt những dấu vết tra tấn mà Navalny có trên người trước khi chết.

Một sự kiềm chế mà dường như điện Kremlin đã gạt sang một bên khi xử lý hồ sơ Crocus City Hall. Một trong những lý do giải thích cho việc này là “dư luận Nga có sự khoan dung rất cao đối với việc sử dụng hình thức tra tấn trong ba trường hợp: khủng bố, tội ác chống lại trẻ em và các vụ giết người hàng loạt”, Olga Sadovskaya, thành viên của tổ chức phi chính phủ Équipe phản đối tra tấn, giải thích với nhật báo độc lập của Nga The Moscow Times.

(Nguồn: RFI)