WHO cảnh báo biến thể Omicron sẽ ‘lây ra toàn cầu với hậu quả nghiêm trọng’

29 Tháng Mười Một, 2021 | Tin thế giới
Người dân xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi, hôm 26/11. Photo courtesy AP

Biến thể Omicron của virus corona với nhiều đột biến có khả năng lây lan ra toàn cầu và có nguy cơ gây ra làn sóng lây nhiễm cao với ‘hậu quả nghiêm trọng’ ở một số nơi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 29/11.

Chưa có trường hợp tử vong nào do Omicron được báo cáo, mặc dù cần nghiên cứu thêm để đánh giá khả năng kháng vaccine và miễn dịch có được do các lần nhiễm bệnh trước đó.

Dự trù số ca bệnh sẽ tăng lên khi biến thể mới, được báo cáo lần đầu tiên hồi tuần trước, lan rộng, WHO kêu gọi 194 quốc gia thành viên đẩy nhanh tiêm ngừa cho các nhóm ưu tiên cao.

“Omicron có số lượng đột biến chưa từng có trên protein gai, một vài trong số đó gây quan ngại do tác động tiềm tàng của chúng đối với quỹ đạo của đại dịch,” WHO cho biết.

“Rủi ro toàn cầu nói chung… được nhận định là rất cao”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết sự xuất hiện của Omicron cho thấy tình hình ‘nguy hiểm và bấp bênh’ như thế nào.

“Omicron cho thấy lý do tại sao thế giới cần một thỏa thuận mới về đại dịch,” ông phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị bộ trưởng y tế dự kiến sẽ khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận như vậy.

“Hệ thống hiện tại của chúng ta không khuyến khích các quốc gia cảnh báo các nước khác về các mối đe dọa chắc chắn sẽ xảy đến đất nước họ”.

Thỏa thuận toàn cầu mới, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 5 năm 2024, sẽ bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu và trình tự bộ gen của các loại virus mới và của bất kỳ vaccine tiềm năng nào có được từ nghiên cứu.

Khoa học gia Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Chuẩn bị cho dịch bệnh (CEPI), một quỹ tài trợ cho việc phát triển vaccine, nói sự xuất hiện của Omicron đã chứng minh lời tiên đoán rằng sự lây lan của virus ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ đẩy nhanh sự tiến hóa của nó.

‘Nhu cầu quá lớn’

Omicron lần đầu tiên được báo cáo ở Nam Phi vào ngày 24/11, nơi các ca nhiễm đã tăng mạnh.

Kể từ đó, biến chủng này đã lan sang hơn một chục quốc gia, nhiều nước trong số đó đã áp đặt các hạn chế đi lại để cố đóng chặt cửa. Nhật Bản hôm 29/11 đã theo chân Israel khi tuyên bố sẽ đóng cửa hoàn toàn biên giới với người nước ngoài.

WHO nhắc lại rằng, trong khi chờ thêm khuyến cáo, các nước nên sử dụng ‘cách tiếp cận dựa trên rủi ro để điều chỉnh các biện pháp đi lại quốc tế’, đồng thời thừa nhận rằng sự gia tăng các ca nhiễm có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn.

“Tác động đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ là đáng kể, nhất là ở các nước có độ bao phủ vaccine thấp,” báo cáo cho biết thêm.