Để bạn đọc có cái nhìn tổng quát, mời xem trích đoạn các bản tin từ ba cơ quan ngôn luận VnExpress, Tiếng Dân và BBC.
Báo VnExpress từ Việt Nam đưa tin:
Tổng Bí thư Chủ tịch nước nói về kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ với giảng viên, sinh viên đại học Mỹ về “kỷ nguyên vươn mình” của Việt Nam với kỳ vọng đóng góp nhiều hơn cho thế giới.
Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác Chiến lược và Đối tác Toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
“Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Truyền thống của người Việt Nam là ‘giàu vì bạn’. Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cũng trong bài phát biểu tại Đại học Columbia, lãnh đạo Việt Nam đề cập quá trình phát triển quan hệ Việt – Mỹ, từ cựu thù đến đối tác trong gần 30 năm.
Hai nước đạt bước tiến trên tất cả lĩnh vực từ chính trị – ngoại giao đến kinh tế – thương mại, quốc phòng – an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục – đào tạo và các khuôn khổ quốc tế. Có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.
Sau khi kết thúc phần phát biểu chính sách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trả lời câu hỏi từ các sinh viên, liên quan tới nhiều lĩnh vực như an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, quan hệ quốc tế và nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng.
Sinh viên Lê Kiều Oanh, đang theo học chương trình thạc sĩ giáo dục tại Đại học Columbia, đặt câu hỏi về chủ trương của Việt Nam để vừa khuyến khích du học sinh trở về quê hương đóng góp xây dựng đất nước, vừa tạo điều kiện để họ tiếp tục giữ các mối liên hệ văn hóa và hợp tác hiệu quả với nước sở tại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận nhiều sinh viên Việt Nam theo học ở nước ngoài để tiếp cận nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó trở về đóng góp cho đất nước. Ông cho biết Việt Nam đang có rất nhiều chính sách khuyến khích và chỉ ra chưa khi nào đội ngũ sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, lớn như hiện nay. Ông mong muốn sinh viên tiếp tục “nỗ lực, phấn đấu, vươn mình cao hơn”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đánh giá không nhất thiết phải về nước mới có thể đóng góp cho quê hương. Ông khuyến khích du học sinh nếu có cơ hội tiếp tục học tập tại nước ngoài, tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực quan trọng với phát triển của đất nước thì có thể tiếp tục nắm bắt cơ hội.
Lãnh đạo Việt Nam cũng khuyến khích du học sinh đóng góp cho cả nước sở tại để đạt được thành tựu “tầm quốc tế, đóng góp cho văn minh chung của nhân loại”.
Báo Tiếng Dân qua bài viết của Đỗ Hoàng Diệu thất vọng:
Buồn cho hy vọng
Cứ mỗi lần lãnh đạo đảng, nhà nước đi Mỹ hoặc tổng thống Mỹ đến Việt Nam là nhiều người lại rộn rã hy vọng. Nào sang trang, nào thay đổi cơ đồ, nào bình minh hé rạng… Hy vọng cũng tốt thôi, đáng yêu nữa, nhưng sự hy vọng đó làm tôi buồn. Buồn cho hy vọng.
Chuyến đi của ông Tô Lâm sang Mỹ, cuộc gặp ông Biden ngày mai là nghi thức ngoại giao thông thường. Chắc mấy chục nguyên thủ quốc gia đến Mỹ dự lễ Liên hợp quốc sẽ tới chào Biden, không chỉ mình chủ tịch nước Việt Nam. Không có chuyện gì lớn cả. Chuyến sang Cu Ba của ông mới là chuyến thăm chính thức.
Chiều nay ông Tô Lâm có buổi nói chuyện tại Đại học danh tiếng Columbia. Quần áo, giày tất, tóc tai của ông khá ổn, ổn hơn người tiền nhiệm nhiều lần. Gương mặt và nụ cười ông trông rất hiền, hiền đến ngây thơ. Ngay cả vẻ mặt trong lúc ăn thịt bò dát vàng cũng hiền. Các phát ngôn của ông chừng mực, không lên gân quá cứng.
Đáng trách hôm nay là sự chuẩn bị lộ liễu, thái quá của những người tổ chức sự kiện ở Columbia. Có vẻ ông Tô Lâm đã biết trước các câu hỏi của chủ tọa Lien Hang Nguyen. Cũng không sao. Nhưng cẩn thận đến mức tất cả các cháu sinh viên người Việt được phép đặt câu hỏi đều là du học sinh từ miền Bắc. Không có giọng Mỹ gốc miền Nam nào lơ lớ cất lên.
Một phần trong bài viết “Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia: Ông đã nói gì? Đâu là điểm đáng chú ý?” của đài BBC, có một tiểu mục đáng chú ý, được trích dẫn như sau:
Tiếng nói phản đối
Sự kiện Đại học Columbia mời ông Lâm tới nói chuyện được coi là “lịch sử”, nhưng trong lòng nước Mỹ cũng có những cách nhìn khác.
Hôm 23/9, tổ chức Young America’s Foundation – một tổ chức chính trị cánh hữu nổi tiếng của Mỹ – đã đăng tải bài viết nói về buổi nói chuyện của ông Tô Lâm tại Đại học Columbia.
Bài viết cho rằng việc mời ông Tô Lâm đến phát biểu cho thấy sự thiếu quan tâm của một trường đại học hàng đầu như Đại học Columbia đối với các vấn đề như quyền và các nguyên tắc cho phép các nền dân chủ tự do thành công.
Trước đó, trong lá thư gửi tới Tiến sĩ Katrina Armstrong – quyền Hiệu trưởng Đại học Columbia, Dân biểu Michelle Steel bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng khi Đại học Columbia “quảng bá” cho ông Tô Lâm.
Bà Steel cho rằng kể từ khi ông Lâm lên nắm chức tổng bí thư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng cường áp dụng mô hình đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vị dân biểu cũng lấy việc kết án nhà báo Phan Vân Bách và việc bỏ tù ông Bùi Tuấn Lâm để làm ví dụ.
Bài viết trên trang web của Young America’s Foundation đồng tình với Dân biểu Michelle Steel rằng việc tiếp đón ông Tô Lâm là một ví dụ về sự “thiếu minh bạch về mặt đạo đức” của Đại học Columbia vì “không thể thúc đẩy sự tự do ngôn luận và biểu đạt trong khuôn viên trường trong khi chào đón một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài”.
Bài viết cũng cho rằng đây không phải lần đầu Đại học Columbia “thể hiện sự yêu mến” đối với những kẻ chuyên quyền. Trong năm học 2007-2008, trường đã mời và sau đó tiếp đón ông Mahmoud Ahmadinejad – tổng thống Iran khi đó.
Trên thực tế, các câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm tại Đại học Columbia đã không đề cập đến các vấn đề như nhân quyền, tự do biểu đạt, các vụ bắt giữ cụ thể, các làn sóng dân tộc chủ nghĩa cực đoan gần đây nhằm vào các tổ chức của Mỹ, như vụ vu khống và cáo buộc trường Đại học Fulbright Việt Nam ươm mầm cho cách mạng màu.