Các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam đánh giá cao bức thư của Giáo Hoàng Phanxicô đã chấm dứt xung đột ý thức hệ giữa người cộng sản và người Công giáo, theo một bài đăng hôm 25/7 trên trang web của Liên hiệp Thông tấn xã Công giáo Á châu (UCANews)
UCANews nói rằng đó là bức thư đầu tiên của Giáo Hoàng Phanxicô gửi người Công giáo Việt Nam vào tháng 9/2023 sau khi Tòa thánh Vatican đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với quốc gia có chính quyền cộng sản.
Thỏa thuận về Quy chế Đại diện Thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho phép một đại diện của Giáo Hoàng thường trú và mở văn phòng tại Hà Nội lần đầu tiên kể từ khi chính quyền cộng sản cắt đứt quan hệ với Vatican vào năm 1975.
Theo tìm hiểu của VOA, Ban Tôn giáo Chính phủ của Việt Nam đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội hôm 23/7 về bức thư nêu trên của Giáo Hoàng.
Quan điểm trong thư của Giáo Hoàng Phanxicô “đã chính thức xóa bỏ, vô hiệu hóa và chấm dứt hoàn toàn thái độ xung đột ý thức hệ mà trong lịch sử đã diễn ra; giúp các tín đồ Công giáo xóa bỏ định kiến, cởi bỏ những khác biệt để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung sống cởi mở, hòa hợp, chung tay phát triển đất nước”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại hội thảo, báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tường thuật.
Cùng tham gia hội thảo là Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam, 5 giám mục khác, hơn 10 linh mục, các quan chức chính phủ và giới chuyên gia về tôn giáo, UCANews cho biết.
Ông Thắng, nguyên trưởng ban tôn giáo của Việt Nam, nói rằng thư của Giáo Hoàng Phanxicô ghi nhận mối quan hệ giữa Vatican và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và tin tưởng tương quan hai bên sẽ tốt đẹp, dù có những khác biệt nhưng sẽ tìm được hướng đi chung vì lợi ích của dân tộc Việt Nam và Tòa thánh Vatican, theo những bài đăng trên trang của Đảng Cộng sản Việt Nam và UCANews.
Vị quan chức Việt Nam nhấn mạnh rằng bức thư của Giáo Hoàng là “một dấu mốc lịch sử quan trọng, bước ngoặt trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Vatican; mang thông điệp, ý nghĩa to lớn đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, động viên chức sắc, tu sĩ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”, trang của Đảng Cộng sản Việt Nam và UCANews thuật lại.
Ông Thắng nêu bật rằng diễn biến này đánh dấu “một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam-Vatican sau gần một thế kỷ quan hệ căng thẳng do xung đột ý thức hệ”.
Ông mô tả thêm đây là một thành tựu to lớn, phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo của công dân.
“Đây là sự thừa nhận của đôi bên, Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận Tòa thánh Vatican là bạn bè, đối tác và ngược lại Vatican công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là đối tác hợp tác, không phải mối đe dọa đối với Công giáo và Nhà nước Vatican”, ông Thắng phát biểu, được Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn.
Ông nói rằng người Công giáo trong nước là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước, đang cùng các tôn giáo bạn và cộng đồng không tôn giáo xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, ông khen ngợi họ vì những đóng góp to lớn về phúc lợi xã hội, từ thiện, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Vị thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu ra số liệu rằng Việt Nam có khoảng 7,2 triệu người Công giáo ở 3.000 giáo xứ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh điểm lại rằng vì nhiều lý do, có thời kỳ quan niệm và cách xử lý tôn giáo của một số quan chức, đặc biệt đối với người Công giáo, “chưa đúng như chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
“Nhưng giờ đây chúng ta đã vượt qua và có mối quan hệ tốt đẹp”, ông Xuân phát biểu.
Hội thảo đã phân tích về ý nghĩa của bức thư từ Giáo Hoàng và bàn thảo cách thức tăng cường quan hệ song phương. Các đại biểu cũng thảo luận về các chiến lược để người Công giáo tham gia nhiều hơn vào các sáng kiến giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào năm 1930 và lực lượng của họ ở miền Bắc Việt Nam đã giành được chiến thắng quyết định trước lực lượng thực dân Pháp vào tháng 5/1954, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva vào ngày 20/7 cùng năm, UCANews viết.
Hệ quả của hiệp định này là cuộc di cư của khoảng 1 triệu người, trong đó có khoảng 700.000 người Công giáo, từ miền Bắc Việt Nam vào miền Nam từ năm 1954 đến tháng 7/1955 để mưu cầu tự do tôn giáo, vẫn theo UCANews.
Sau cuộc di cư, 10 giáo phận ở miền Bắc chỉ còn lại 7 giám mục, 374 tu sĩ và một số linh mục phục vụ cộng đồng 750.000 tín hữu.
UCANews viết rằng chỉ vì đức tin, vô số người Công giáo miền Bắc, kể cả giáo sĩ và tu sĩ, đã bị cầm tù, bách hại và buộc phải lao động trong các trại cải tạo, vì phe cộng sản coi người Thiên Chúa giáo là tay sai của thực dân Pháp.
Chính quyền cộng sản của Việt Nam đã tịch thu vô số cơ sở của các nhóm tôn giáo ở miền Bắc sau năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975, UCANews lưu ý.
(Nguồn: VOA)