Xã luận eTVTS: Từ AUKUS đến PILLAR II và NATO Á Châu

15 Tháng Năm, 2024 | Bình Luận
Ngoại trưởng Úc Penny Wong, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik tại Melbourne ngày 1/5/2024. Photo courtesy: Reuters

Tháng qua, trong cuộc họp mặt giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, hai bên đã thảo luận về việc mở rộng hiệp ước an ninh AUKUS và Nhật đã ngỏ ý muốn tham gia vào PILLAR II với tư cách là thành viên thứ nhất của CỘT TRỤ II (Pillar II không liên quan tàu ngầm nguyên tử).

Đây là một biến chuyển mà người ta đã dự trù sẽ xảy ra trong liên minh các quốc gia trong vùng nhằm đối phó với tình hình an ninh trongvùng Ấn độ Thái Bình dương.

Năm ngoái báo TVTS đã nói về khả năng có thể Nhật sẽ tham gia vào hiệp ước AUKUS với tên gọi JAUKUS và khi đó sẽ gồm Nhật, Úc, Anh, Mỹ theo thứ tự viết tắt tên của Japan, Australia, United Kingdom, United States. Hội nghị giữa hai vị thủ lãnh Mỹ và Nhật tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng rồi song song với sự hiện diện của Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr đã nói lên sự quan tâm của các nước trong vùng, nhất là khi Trung Cộng càng ngày càng quyết đoán độc quyền làm chủ cả Biển Đông và nhiều lần dùng tàu hải cảnh dùng vòi rồng xịt nước hay thậm chí húc vào tàu của Phi Luật Tân làm các quốc gia tuyên bố một phần Biển Đông phải quan tâm.

Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Shin Wonsik lần đầu tiên công khai nước ông muốn trở thành một thành viên thứ hai của CỘT TRỤ II như Nhật Bản để chia sẻ kỹ thuật về an ninh và quốc phòng, phát triển hỏa tiễn siêu thanh, tàu bay không người lai dưới nước (underwater drones), thông minh nhân tạo và công nghệ mạng giống  như Úc đã tham gia vào AUKUS để cùng Anh và Mỹ để chia sẻ kỹ thuật nguyên tử và đóng tàu ngầm chạy bằng nguyên tử năng. Và sau Nam Hàn, các nước như Canada và Tân Tây Lan trước sau cũng gia nhập PILLAR II để chia sẻ và sở hữu những kỹ thuật tân tiến nhất.

Sự kiện nổi bật nhất về sự chia sẻ an ninh và quốc phòng là việc Úc chấp thuận cho đại công ty quốc phòng Hanwha của Nam Hàn mua lại công ty quốc phòng Anstal của Úc với giá $1 tỉ đô la. Đây là một bằng chứng mới và rõ rệt nhất về sự hợp tác của những nước trong vùng có cùng một lý tưởng dân chủ.

Để có hiệp ước AUKUS ngày nay, phải nói đó là công và sáng kiến của Thủ tướng Úc Scott Morrison vào năm 2021  khi bất ngờ tuyên bố hủy hợp đồng đóng tàu ngầm chạy bằng diesel với Pháp đồng thời với việc hợp tác với Mỹ và Anh để đóng tàu ngầm chạy bằng nguyên tử. Một số nước trong vùng như Nam Dương, Mã Lai tỏ ra quan ngại AUKUS sẽ gia tăng cuộc chạy đua vũ trang, gây bất ổn cho khu vực. Bắc Kinh kịch liệt phản đối, cho rằng sự ra đời của AUKUS nhằm khống chế Trung Cộng và cảnh cáo việc này sẽ dẫn đến một thứ NATO Á Châu (Asian NATO). Đến lúc này cả Bắc Hàn lẫn Nga đều gọi AUKUS là một Hiệp ước Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây dương ở Nam Bán cầu.

Thật sự để Úc có một chiếc tàu ngầm nguyên tử do AUKUS đóng thì cũng phải mất cả một hay hai chục năm nữa, nhưng cuối cùng Úc phải có tàu ngầm nguyên tử mới có thể răn đe hay tấn công Trung Cộng một khi chiến tranh xảy ra. Từ cái nhìn xa của cựu Thủ tướng Morrison, một NATO Á châu để bao vây Trung Cộng là điều Bắc Kinh phải chấp nhận dù phản đối, đe dọa. Tuy nhiên, muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh. Những cuộc tập trận giữa Úc, Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân trong tháng qua và sẽ thường xuyên hơn, cho thấy từ AUKUS sẽ dẫn đến Asian NATO.  Trung Cộng không thể làm chủ Biển Đông và Đài Loan.

(Trích xã luận từ www.etvts.com.au số 1982 phát hành ngày 08/05/2024)