2020: Thế giới tiễn đưa một năm kinh hoàng

06 Tháng Một, 2021 | Bình Luận
Thử nghiệm thả hoa giấy để chuẩn bị đón năm mới 2021 tại Quảng trường Thời đại ở TP New York,Mỹ hôm 29.12.2020. Photo courtesy: Reuters

Năm 2020 mở đầu với nạn dịch, được gọi là dịch Vũ Hán bởi vì nó xuất phát từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở bên Tàu. Khi các nước Âu châu, Mỹ châu, Á châu, Châu Đại dương, thậm chí Châu phi và Trung đông biết rằng con corona virus này nó lây lan một cách mau chóng và có thể giết người hàng loạt, thì đã quá muộn. Bởi vì con virus này đã được những người gốc Tàu và du khách Tàu mang đi khắp thế giới qua việc họ trở về nơi cư ngụ của họ hay đi du lịch.

Ý có quan hệ mật thiết nhất với Trung Cộng qua Sáng kiến Một Vành đai và Một con đường là quốc gia Âu châu đầu tiên có số người mắc dịch Vũ Hán chết như rạ, khiến cả thế giới phải hốt hoảng. Hoa Kỳ và Úc là hai nước Tây phương sớm nhận ra hiểm họa này nên đã cấm không cho du khách Tàu nhập cảnh, thậm chí công dân trở về nước cũng phải bị cách ly, nhưng đã muộn. Cả thế giới phải chịu tổn thất về nhân mạng từ đầu năm đến bây giờ là khoảng 80 triệu người bị nhiễm và 1.8 triệu người chết.

Hoa Kỳ, đối thủ số 1 của Trung Cộng, là nước bị thiệt hại nhất với gần 20 triệu người bị nhiễm virus với 333,000 người chết. Nước Úc của chúng ta tuy cũng trải qua những gian nan và hy sinh trong cuộc sống nhưng so với các Tây phương, là quốc gia bị thiệt hại tương đối nhẹ với khoảng 28,300 ca nhiễm và 909 người chết, đó là nhờ sự hợp tác giữa chính phủ và người dân để dịch bệnh bị kiềm hãm ở mức tối đa.

Điều trớ trêu và khó hiểu là quốc gia phát xuất dịch corona virus nay được gọi là dịch Vũ Hán chỉ có 95,383 người bị nhiễm (từ đứng hàng số 1 xuống hàng thứ 79 thế giới) và chỉ có 4,769 người chết. Đây là điều bí ẩn và rất đáng nghi ngờ khiến Úc là nước đã vận động thế giới đòi mở một cuộc điều tra độc lập nguồn gốc con virus, và cũng là việc khiến Trung Cộng trả đũa bằng những biện pháp thương mại như tăng thuế và cấm nhập cảng một số mặt hàng.

Virus Vũ Hán không những ảnh hưởng đến sinh mạng, tiền bạc và đời sống của con người mà nó còn ảnh hưởng đến chính trị. Virus Vũ Hán đã đóng góp không nhỏ vào việc làm cho Tổng thống Donald Trump thất cử. Phải nói thẳng nếu không có virus Vũ Hán làm người Mỹ chết quá nhiều để có quá nhiều người bỏ phiếu qua bưu điện (bị cho là sai luật và gian lận) thì ông Joe Biden không thể có quá nhiều phiếu cử tri và cử tri đoàn như vậy. Khi tờ báo này đến tay bạn đọc, Tổng thống Trump vẫn không chấp nhận thất cử và vẫn còn tiếp tục kiện. Điều này cho thấy có bàn tay của Trung Cộng trong cuộc tuyển cử ở Mỹ năm 2020 và hệ lụy cho Mỹ lẫn Tàu không biết sẽ ra sao nếu Biden hay Trump là tổng thống sau ngày 20.1.2021.

Cũng liên quan đến sự bành trướng và can thiệp của Trung Cộng, việc Hồng Kông bị áp đặt luật an ninh quốc gia vào ngày 30.6.2020 đã khiến người Hồng Kông không còn được những tự do căn bản về phát biểu và hội họp như Đạo luật Căn bản ấn định và đã được Bắc Kinh và Luân Đôn ký kết vào năm 1997, cho phép Hồng Kông được tự trị theo nguyên tắc một quốc gia hai chế độ.

Thế giới Tây phương trong đó có Hoa Kỳ ra vẻ chưa có biện pháp đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ những gì họ đã ký kết. Vì vậy việc Đài Loan phải gia tăng ngân sách quốc phòng, trang bị và mua thêm vũ khí để tự vệ là điều hợp lý, cần được các nước Tây phương hỗ trợ. Với chủ trương của Tập Cận Bình là sáp nhập Đài Loan với lục địa dù phải bằng biện pháp quân sự, một cuộc chiến giữa hai nước này là điều khó tránh khỏi.

Tại Việt Nam, nhà cầm quyền cộng sản với một tập đoàn lãnh đạo vừa thân Tàu vừa khiếp nhược trước Bắc Kinh liệu có sự thay đổi nào trong cấp lãnh đạo vào Đại hội 13 sắp tới không? Nếu Trần Đức Vượng được bầu làm tổng bí thư hay Nguyễn Phú Trọng vẫn ngồi lại trong vai tổng bí thư hay chủ tịch nước thì Việt Nam sẽ chẳng có gì thay đổi.

Úc là nước thứ hai trên thế giới đã mau chóng phục hồi kinh tế sau dịch Vũ Hán, là tấm gương. Hy vọng năm 2021 thế giới sẽ khá hơn với việc đẩy lùi con virus về nơi nó  đã xuất phát. Thế giới không thể chết dưới bàn tay của Trung Cộng như ông Peter Navarro cảnh báo.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1814 phát hành ngày 30.12.2020)