AUKUS: Hủy hợp đồng vì quyền lợi của Úc

29 Tháng Chín, 2021 | Bình Luận
Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại sự kiện công bố thiết lập thỏa thuận AUKUS. Photo courtesy: Reuters

Tháng 9 đánh dấu hai ngày quan trọng trong lịch sử an ninh và quốc phòng Úc Đại Lợi. Ngày 1.9 kỷ niệm 70 năm hiệp ước ANZUS giữa Mỹ, Úc và Tân Tây Lan. Ngày 16.9.2021 Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Anh Borris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo trực tuyến cho thế giới biết ba nước đã ký hiệp ước AUKUS qua đó “Mỹ, Anh và Úc đã thỏa thuận về một đối tác an ninh và quốc phòng có tính cách lịch sử sẽ bảo vệ những lợi ích mà chúng tôi cùng chia sẻ khắp nơi trên thế giới”.

Hợp tác đầu tiên được tuyên bố hôm đó là Mỹ và Anh sẽ giúp Úc đóng 8 chiếc tàu ngầm nguyên tử. Thủ tướng Morrison nói Úc sẽ duy trì cam kết không phổ biến nguyên tử bằng cách không dùng nguyên tử trong lãnh vực vũ khí và trong kỹ nghệ dân sự. Đó là cam kết “hai không” mà Thủ lãnh Lao động Anthony Albanese chấp thuận khi ủng hộ Chính phủ Morrison đóng tàu ngầm chạy bằng nguyên tử năng. Úc đã thông báo cho các nước trong vùng như Tân Tây Lan, Nhật, Ấn Độ, Nam Dương… và một vài nước này tỏ vẻ lo ngại sẽ có cuộc chạy đua vũ khí gây căng thẳng trong vùng chứ không chống. Nhưng có hai nước phản ứng mạnh mẽ và dữ dội nhất do vấn đề tài chánh và quân sự.

Trong mấy ngày liên tiếp Pháp cáo buộc Mỹ và Úc đã đâm vào lưng Pháp, lên án sự dối trá, bất tín và khinh thường đối với Pháp. Tòa đại sứ Pháp ở Washington đã hủy bỏ buổi tiệc gala sắp diễn ra vào ngày 17.9 giữa hải quân Mỹ và Pháp kỷ niệm trận đánh 240 năm về trước trong đó Pháp đã giúp Mỹ giành độc lập từ Anh. Sau đó, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã cho triệu hồi đại sứ Pháp từ Canberra và Washington về nước để phản đối về một cuộc khủng hoảng mà ông cho rất là trầm trọng.

Sự tức giận của Pháp cũng có thể được thông cảm bởi Pháp chỉ được Úc thông báo đêm trước về việc hủy bỏ hợp đồng được coi là lịch sử trị giá $90 tỉ Úc kim, một hợp đồng mua vũ khí lớn nhất xưa nay. Dĩ nhiên chính phủ Pháp sẽ khó ăn nói với dân chúng, các công nhân và công ty tham gia vào việc đóng tàu.  Nhưng phải hiểu rằng “hợp đồng thế kỷ” này đã được ký từ năm 2016 mà đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Trong năm nay, nhiều chuyên gia an ninh quốc phòng Úc đã đề nghị hoặc tiếp tục, hoặc rút lui vì đã 5 năm mà hai bên chưa đồng ý với nhau về mô hình chiếc tàu cùng tỉ lệ công nhân hai nước thi công. Nước Pháp đã biết chuyện Úc muốn đổi ý trước khi Thủ tướng Morrison được Tổng thống Emmauel Macron trấn an tại Paris trong chuyến Pháp du  tháng 6 vừa qua. Cũng nên biết, trong hợp đồng có ghi ra những điều khoản nghĩa vụ thi hành và “rút lui” nếu một  bên cảm thấy không hài lòng.

Có điều, vì lý do bảo mật mà 3 nước Anh, Mỹ và Úc giữ kín đến phút chót mới công bố. Để “việc đã rồi”, không còn ai phê bình, bàn lui tới nữa, bởi địch thủ, đối tác cũng như đồng minh. Vì vậy, có thể gọi AUKUS là “hiệp ước thế kỷ”, vì lần đầu tiên Mỹ chuyển bí mật công nghệ nguyên tử của họ cho nước thứ hai ngoài Anh. Thủ tướng Úc thừa nhận đã làm Pháp bực bội vì mất hợp đồng nhưng quyền lợi của đất nước Úc là trên hết. Tàu ngầm Pháp đóng cho Úc khi đó sẽ trở nên “lỗi thời” trước tàu ngầm nguyên tử của Trung Cộng, hiện đã có 12 chiếc và đang còn đóng thêm. Chỉ có tầu ngầm nguyên tử tối tân của Mỹ mới có thể giúp Úc bảo vệ bờ biển bao la của mình, qua tận Biển Đông và nếu cần, “ẩn mình” và “êm ái” vào sát bờ biển Trung Cộng mà không cần phải tiếp tế nhiên liệu.

Úc đã từng triệu hồi đại sứ từ Paris năm 1995 để phản đối Pháp về vụ thử nghiệm bom nguyên tử ở Nam Thái Bình Dương. Quan hệ hai nước lạnh nhạt một thời gian. Nếu Pháp tiếp tục hờn dỗi thì cũng đành chịu, nhưng “trả đũa” Úc bằng cách yêu cầu Liên Âu ngưng thảo luận hiệp ước tự do mậu dịch với Úc sẽ không thành công, bởi đã mấy năm vẫn dậm chân tại chỗ. Nhưng sẽ có những nước trong khối thích làm ăn riêng với Úc.

Còn với Trung Cộng, chuyện tờ Hoàn cầu Thời báo cảnh cáo Úc sẽ là nước Tây phương đầu tiên bị tấn công nếu có chiến tranh là chuyện đã nghe nhiều trong thời gian qua, vì vậy mới có hiệp ước AUKUS để đánh trả.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1852 phát hành ngày 22.09.2021)