Đồng Tâm– xung đột đất đai hay là sự tàn nhẫn của giới cầm quyền?

29 Tháng Một, 2020 | Bình Luận
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đông đảo lực lượng cơ động đang tiến về thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội sáng sớm ngày 9/1/2020. Photo Courtesy of Citizen. RFA edited.

Sự việc xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà nội hôm 9/1 vừa rồi thực sự là quá đau lòng. Máu đã đổ, người đã mất, và những gì còn lại là một lòng hận thù ngày càng dâng trào từ cả hai phía- người dân và người thi hành mệnh lệnh từ chính quyền. Cả hai bên đều đã chịu tổn thất, nhưng đau xót hơn cả- họ đều là nạn nhân của một chế độ bất công, bất nhẫn nhưng đầy mánh khóe bưng bít và mị dân.

Thực tế hầu hết những thông tin mà chúng ta được biết cho đến nay đều chỉ đến từ hai phía của người trong cuộc, mà hoàn toàn không có một cơ quan báo chí độc lập nào được vào trong tìm hiểu. Tại thời điểm lực lượng công an tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, toàn bộ khu vực đã bị phá sóng điện thoại và chặn internet. Những ngày sau đó, báo đài trong nước hầu như đã làm việc hết công suất để chống đỡ cho hành động của lực lượng công an, và kiên quyết dán nhãn cho những người dân sử dụng vũ khí tự vệ là “đối tượng chống đối”, là “những kẻ giết người”, là “khủng bố”.

Còn theo lời một số nhân chứng tại xã Đồng Tâm, thì hơn 1000 cảnh sát cơ động đã tiến vào làng nhằm lúc 3-4 giờ sáng, tấn công nhà cụ Kình, xâm phạm gia cư mà không có giấy phép. Do phía cảnh sát bắt đầu nổ súng, thả hơi cay, bắt người, người dân đã bị đẩy vào tình thế tự vệ mà phải dùng vũ khí phản kháng. Nếu thực sự là như vậy, thì hành vi này thể hiện sự bất tôn đối với luật pháp, thủ đoạn đánh úp, trấn áp người hèn mạt. Người bị bắt đáng lý ra cần được biết họ bị bắt với tội danh gì, và cần được trình diện văn bản theo đúng pháp luật.

Bộ Công an và truyền thông trong nước gán nhãn cho những người dân là “chống đối người thi hành công vụ”, nhưng toàn bộ sự việc lại chỉ xảy ra trong khu vưc thôn Hoành chứ không hề ra tới khu đất đang tranh chấp, nơi mà lực lượng công an đang xây dựng bức tường bao ngăn cách. Họ gọi những người dân chống cự ở trong làng là những kẻ khủng bố. Nhưng chao ôi, nhìn những cái gọi là “vũ khí khủng bố” của họ, là những chai xăng, dao phóng, lựu đạn tự chế, ta thấy nhói trong tâm can. Cụ Kình hiện đã được xác nhận tử vong, trong khi con trai bị thương nặng khó qua khỏi còn người cháu vẫn chưa rõ song chết ra sao. Trong khi đó, phía công an cho biết ba viên chức “hy sinh” nhưng cho đến nay chưa công bố danh tính.

Có quá nhiều lỗ hổng trong các thông tin tuyên truyền từ phía giới chức nhà nước, và họ cũng chẳng mảy may tìm cách giải thích diễn biến. Vì sao? Vì đơn giản là họ “không cần quan tâm”. Nếu họ đã đủ trơ tráo để dùng hàng nghìn quân đánh úp người dân trong đêm khuya, thì có coi luật pháp và người dân là cái gì nữa đâu. Lực lượng công an, cảnh sát cơ động bấy lâu nay dường như vẫn nắm quyền hành tuyệt đối, lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi áp chế một cách tàn nhẫn. Ở VN, không thiếu những câu chuyện về người bị bỏ tù oan nhưng bị đánh đập dã man để bắt nhận tội, rồi có những người ra tù trong tàn phế. Lực lượng thực thi pháp luật đã quen thói lạm quyền, chà đạp tiếng nói của người dân– và sự việc ở xã Đồng Tâm cũng chỉ là một ví dụ nằm ngoài khuôn khổ nhà tù.

Còn nói về mâu thuẫn đất đai tại đây, khi chưa có một cuộc điều tra độc lập khách quan và đầy đủ chứng cứ, TVTS xin phép không đề cập ai đúng ai sai. Tuy nhiên, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết được bằng đối thoại, nếu như cả hai bên đều có tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Điều này hiện không tồn tại giữa chính quyền và nhân dân ở Việt Nam, ít nhất là trong vụ việc Đồng Tâm. Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước đó đã gây thất vọng khi lật lọng trong trong vụ bắt giữ con tin hồi năm 2017, đưa ra khởi tố hình sự vụ án chỉ ít ngày sau khi cam kết với người dân điều này sẽ không xảy ra. Và trong suốt ba năm, người dân vẫn không nhận được một đề nghị giải quyết hợp lý.

Hết vườn sau Lộc Hưng, giờ tới xã Đồng Tâm, giới cầm quyền đã “thành công” trong việc cưỡng chế người dân để đạt được mục đích. Cái “thành công” này nó đáng xấu hổ làm sao!

(Trích từ báo in TVTS số 1764 phát hành ngày 15.1.2020)