Úc cần cứng rắn hơn với Trung Cộng, ngay từ bây giờ

22 Tháng Tư, 2020 | Bình Luận
Cờ của Úc và Trung Quốc. Photo Courtesy: Reuters

Ðại dịch coronavirus mà chúng ta chứng kiến đã, đang, và sẽ kiến tạo những sự thay đổi lớn trong lối sống, cách hành vi của hầu hết mọi cá nhân. Nó cũng đã thúc đẩy một số thay đổi tích cực trong phương hướng lãnh đạo và cả lập trường ngoại giao của chính phủ, đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Chính phủ Úc sau nhiều suy tính, cuối cùng cũng đã lựa chọn con đường bảo trợ tiền lương cho người lao động trên khắp nước Úc. Với việc hỗ trợ một khoản đồng đều 750 Úc kim/1 tuần lễ cho mỗi người lao động- bất kể là nhân viên toàn thời gian, bán thời gian, hay nhân viên thời vụ đủ điều kiện, Úc là một trong số những quốc gia chi trả hào phóng nhất trên thế giới.

Mức chi rộng rãi này, tuy nhiên, cũng sẽ đẩy nước Úc vào những khoản nợ lớn thời hậu đại dịch, và có thể đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Liên đảng cầm quyền trong tương lai. Lời hứa thặng dư chắc chắn đã sụp đổ. Nhưng gói JobKeeper trị giá 130 tỷ Úc kim này chắc chắn là cần thiết, giúp khoảng 6 triệu người Úc giữ được việc làm trong thời kỳ khủng hoảng. Như vậy, việc đáp ứng nhu cầu gấp rút của người dân đã được đặt lên trên mục tiêu ghi điểm chính trị.

Ðại dịch lần này cũng đã khiến những nhà lập pháp của Úc nhìn nhận lại lập trường đối với chính phủ cộng sản Trung Quốc. Tuy rằng chúng ta luôn giữ một ánh mắt nghi ngờ đối với gã khổng lồ cộng sản này, nhưng dường như vì những khoản lợi nhuận kếch xù mà bao lâu nay các chính phủ Úc đã quá dễ dãi, cho phép sự phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh. Gần 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu của nước Úc là đến TQ và TQ cung cấp khoảng 25% tổng hàng hóa mà Úc nhập khẩu. Chưa kể đến thị trường nhà đất với các nhà đầu tư TQ mua đến hàng chục tỷ Úc kim mỗi năm các danh mục tài sản trên khắp nước Úc.

Ðiều đáng nói là, TQ vận hành dưới cơ chế Cộng sản độc tài, và nó rất khác, rất khó lường. Ðại dịch coronavirus khiến cả thế giới chao đảo đã nảy sinh từ Vũ Hán, trong khi việc chính quyền nước này bưng bít thông tin ngày càng trở nên rõ ràng. Tờ South China Morning Post cho biết rằng, theo các tài liệu mật được rò rỉ mà họ tiếp cận được, thì những ca nhiễm virus đầu tiên tại Vũ Hán là bắt đầu từ tháng 11. Vậy mà phải đến hơn 6 tuần sau chính quyền nước này mới công bố.

Việc chậm trễ đã khiến ước tính 5 triệu người dân nước này có thể mang mầm bệnh di tản ra khắp thế giới, để giờ đây khoảng1.3 triệu người đã nhiễm virus, hơn 70 nghìn người thiệt mạng. Chưa kể, trong lúc các quốc gia đang dồn hết nguồn lực dập bệnh dịch, Bắc Kinh lợi dụng tình hình gia tăng các hành vi chèn ép trên Biển Ðộng, tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp một cách trắng trợn.

Còn tại Úc, hẳn chúng ta còn nhớ hồi tháng Một, khi mà dịch Covid bắt đầu lan tràn và các bệnh viện của chúng ta bắt đầu cần nguồn cung y tế, thì hai công ty do người TQ làm chủ tại Úc đã gom hàng tấn đồ dùng y tế và chuyển về nước.

Chính phủ Úc từ đó đã bắt đầu có những hành động đầu tiên để bảo vệ các doanh nghiệp nội địa khỏi những nhà đầu tư TQ mánh khóe “thừa nước đục thả câu”. Chính phủ liên bang hồi tuần rồi đã công bố và áp dụng ngay tức thì các quy định giới hạn khắc nghiệt đối với toàn bộ các khoản đầu tư nước ngoài vào Úc. Theo đó, không kể mức tiền đầu tư, các đơn xin đầu tư đều sẽ phải được Chính phủ Liên bang thông qua mới được phép tiến hành. Ðiều này sẽ giúp chính phủ kiểm soát sát sao những khoản đầu tư vào Úc.

Chúng ta vẫn luôn e sợ những hành động cứng rắn về ngoại giao đối với TQ sẽ khiến Bắc Kinh thực hiện những đòn trả đũa thiệt hại hàng tỷ đô la. Nhưng suy cho cùng, tất cả đều có giá của nó, nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều về kinh tế, dần dà chúng ta sẽ bị chi phối về chính trị, và thậm chí cả an ninh biên giới. Chưa bao giờ mối hiểm họa từ Trung Cộng hiển hiện rõ nét như lúc này, và hơn bao giờ hết, nước Úc cần thay đổi. Ðộc lập không có nghĩa là cắt đứt mối quan hệ, mà là đa dạng hóa sản xuất và các đối tác thương mại, từ đó giảm mức độ lệ thuộc kinh tế với TQ.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1776 phát hành ngày 08.04.2020)